Hiển thị các bài đăng có nhãn Lịch sử Phật giáo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lịch sử Phật giáo. Hiển thị tất cả bài đăng

6 tháng 4, 2019

TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?


  SỰ THỜ PHƯỢNG THẦN TÀI DZAMBALA TRONG PHẬT GIÁO
 (Triết lý về sự giàu có của PHẬT GIÁO Tây Tạng)
Thuở xưa, khu vực cội bồ đề thiêng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo vẫn còn hoang vắng, chuyện kể rằng Đại sư Atisha đang tản bộ trong Bồ-đề-đạo-tràng thì gặp một ông lão sắp chết đói. Ngài Atisha rất buồn cho thảm cảnh  của ông lão; không có chút thức ăn nào để bố thí cho ông lão, nên Ngài đã cắt thịt của mình để cho ông lão.
“Làm sao tôi có thể ăn thịt của một vị tăng?” Ông lão từ chối ăn thịt Ngài.
 Đại sư Atisha nằm xuống, cảm thấy một nỗi buồn và bất lực thì  một luồng sáng trắng đột nhiên xuất hiện trước ngài. Đó là Đức Quán Thế Âm nghìn tay, Ngài nói với Atisha, “Ta sẽ hóa thân thành Dzambala, một vị Phật của sự giàu có để cứu khổ chúng sinh. Ta sẽ làm dịu bớt sự nghèo khổ của họ để họ sẽ không bị phân tâm khỏi sự thực hành lòng từ.”
Ai cũng muốn có tiền! Như mọi người biết, khi một ai đó giàu, thật dễ dàng để không ích kỷ và phát triển lòng bao dung. Bởi vậy, mục đích sùng mộ hay hành trì theo Dzambala là để loại trừ những nỗi bất an, lo lắng về tiền bạc để không bị phân tâm bởi sự nghèo khổ và thiếu thốn về tài chính mà tập trung cho sự trưởng dưỡng lòng Từ Tâm, Thanh tịnh Thân Tâm và hành trì tu tập.
***********
HÌNH TƯỢNG:


https://www.facebook.com/nguyenphunepal/

Màu da vàng kim của Dzambala tượng trưng sự thịnh vượng, tăng trưởng và phát triển: trong ngắn hạn, Ngài có thể mang đến cho chúng ta của cải vật chất và giúp đỡ chúng ta khỏi nghèo túng, nhưng quan trọng hơn, pháp hành trì  hay lòng lòng sùng mộ Ngài có thể mang cho chúng ta sự giàu có tâm linh và phát triển cá nhân để trở thành người hoàn thiện hơn.

15 tháng 8, 2018

LỄ VU LAN NGUYÊN THỦY

Nhân mùa Vu Lan xin post lại loạt bài đã đăng trên Giác ngộ vài năm trước về Lễ Vu Lan. Lý do là vì mình đọc được rất nhiều bài viết đảo điên thứ tự về lễ Vu lan, kể cả của các "học giả" . Thay vì phải lần tìm về nguồn cội của một nghi lễ có xuất xứ từ chính Đức Phật (do chính Phật Thích-ca lập nên, nghĩa là trên 2500 năm), tại địa phương của nó, các "học giả" nhà ta lại lộn đầu xuống đất, dịch ngược từ VU-LAN của tiếng Trung Quốc sang tiếng Sanskrit thành ULLAMBALA, khiên cưỡng theo cái nghĩa TỘI TREO NGƯỢC - một trong những hình phạt ở địa ngục. Đăng bài này lại để nhắc các "học giả" rằng Đạo Phật xuất xứ từ Ấn Độ, không phải Trung Quốc và dịch ngược danh từ riêng từ tiếng Trung quốc về tiếng Phạn sẽ đi sai đường. Hãy trả lại Cesar cái gì của Cesar!
_______________________________

PHN 1: KHẢO SÁT VỀ NGUỒN GỐC LỄ VU-LAN Ở KATHMANDU, NEPAL
*********
Vu Lan "Bồn"
Chúng tôi đoan chắc rằng GŪLA chính là từ nguyên của Vu-lan khi phiên âm sang tiếng Trung Quốc. Cũng như Vu-lan bồn là để chỉ cái chậu chứa năm thứ vật thực cúng dường chư Phật hoặc chư tăng, ni trong ngày Pancha Dana; nghĩa bóng là Lễ Cúng Dường mùa Vu Lan (không phải dịch ngược Vu lan từ tiếng Trung sang tiếng Phạn thành ullambala - tội treo ngược rồi áp đặt nghĩa Lễ Đảo Huyền cho Vu lan như một số "học giả" vẫn làm vào kỳ Vu lan hàng năm - NP).
Một số “bồn” dùng trong mùa Vu-lan của người Newari: GULPA, và GULU dùng đựng các vật thực cúng dường Chư Phật (bình bát bằng đồng). GULPA và GULU chính là từ nguyên của Vu-lan Bồn.





  Trong quá trình 5 năm cư trú tại Nepal, chúng tôi đã có dịp may để khảo sát những phong tục cổ truyền của dân chúng địa phương tại đây. Một trong những lễ trọng trong năm, hoặc có thể nói là quan trọng nhất, của Phật tử ở đây là Đại lễ Vu-lan. Lễ Vu-lan của Nepal có gì khác với lễ Vu-lan tại Trung Quốc và Việt Nam? Nó được thực hiện như thế nào? Nguồn gốc của lễ ấy?

17 tháng 11, 2013

LỄ HỘI GANESH JATRA Ở CHABAHIL-KATHMANDU


GANESH JATRA 2013


  Đây có thể là lễ hội xưa nhất của Kathmandu còn tồn tại cho đến ngày nay (khoảng hơn 2200 năm).
Ganesh Jatra kéo dài bốn ngày bắt đầu từ tối hôm nay. Là lễ hội của cộng đồng dân bản địa Newar khu vực Chabahil. Đây là thủ đô xưa nhất của người bản địa Thung Lũng Kathmandu, tên là Deopatan  (Deo: thần thánh; Patan: thành phố- Deopatan: Thành phố thần thánh, một cách xưng tụng thủ đô thời cổ đại).
 Người bản địa xưa hơn hết ở Kathmandu Valley là người Kirat (chính là một bộ tộc thuộc sắc dân Naga, xưa kia India gọi là Mleccha [Mã Lai theo cách dịch của ông Bình Nguyên Lộc). Tộc Kirat này đã từng được ghi nhận trong lịch sử India qua việc tham gia trận đại chiến Bharat nổi tiếng , sau này ghi lại thành sử thi Mahabharata. Khi Alexander tấn công India, Chandragupta Maurya (ông nội của  Asoka) được sự giúp đỡ của các đội quân thiện chiến người Kirat đã chặn đứng bước tiến qua phía Đông của vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Tây phương. Sau đó, Chandragupta thành lập nên đế chế Maurya nổi tiếng.
 Asoka, sau khi đã trở thành một Phật tử thuần thành, có làm một cuộc hành hương thăm viếng hầu khắp các thánh tích Phật giáo ở India. Sau khi thăm viếng Lumbini và dựng trụ đá ở đó, Asoka vượt qua dãi Terai đi lên tận Thung Lũng Kathmandu là thủ đô của vương quốc Kirat thời bấy giờ. Tại Kathmandu, ông xây dựng 5 bảo tháp ở nơi ngày nay là thành phố Phật giáo Patan. Ông gã con gái của mình, Công chúa trưởng Charumati cho một hoàng tử Kirat. Sau đó Asoka quay về lại India còn Charumati ở lại Thung lũng Kathmandu.

17 tháng 10, 2013

QUAN ĐIỂM CỦA TÔI VỀ TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG


  • TẤT CẢ CÁC TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG ĐỀU DẠY NGƯỜI TA LÀM ĐIỀU TỐT, LÀM LÀNH TRÁNH DỮ, RÈN LUYỆN THÂN TÂM.
  • TẤT CẢ CÁC TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG ĐỀU BÌNH ĐẲNG NHƯ NHAU.
  • TÔI KHÔNG CUỒNG TÍN CŨNG NHƯ KHÔNG HẠ THẤP HAY TÔN CAO BẤT KỲ MỘT TÔN GIÁO HAY TÍN NGƯỠNG NÀO.
  • NẾU CÓ VIẾT BÀI LIÊN QUAN ĐẾN CÁC TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG, PHONG TỤC, TẬP QUÁN Ở MỌI NƠI TÔI CÓ DỊP ĐẶT CHÂN ĐẾN TÔI SẼ CỐ GẮNG TƯỜNG THUẬT NHỮNG GÌ TÔI THẤY ĐƯỢC, BIẾT ĐƯỢC, HIỂU ĐƯỢC; TUYỆT ĐỐI TRÁNH BÌNH LUẬN (NO COMMENT).

24 tháng 5, 2013

ĐỨC PHẬT SAKYA ĐẢN SANH - SỰ THẬT HAY HUYỀN THOẠI?

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN 2557

Tượng Phật đản sanh có "thần" nhất, đẹp nhất mà tôi từng được biết. Vốn dĩ là một pho tượng đồng, không biết vì lý do gì người ta phủ những lớp sơn thật dầy lên toàn pho tượng. Thời gian đã cải chính những lỗi lầm của những người sơn tượng. Những dấu vết ngẫu nhiên mà thời gian mấy chục năm qua lưu lại đã hoàn thiện bức tượng. Hãy ngắm đôi mắt của tượng, ta như cảm thấy lòng từ bi, sự xót thương cho chúng sinh của Trái Đất này trầm luân trong Vòng Luân Hồi. Tượng được đặt trong khu vườn bên trái của ngôi chùa Quốc Gia Nepal ở Lumbini.Đây là ngôi chùa đầu tiên tại Lumbini (thập niên 1950) do chính phủ hoàng gia Nepal dựng nên.




 Sau đây xin mời các bạn xem qua bài nghiên cứu rất hay của tác giả Tâm Quảng

****************
Tác giả: Tâm Quảng
Lời cảm tạ:  Tác giả chân thành cảm tạ GS TS Trần Thị Lợi, nguyên chủ nhiệm Bộ Môn Phụ Sản trường Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã đọc bài viết trước đây của tôi về đề tài này (Đức Phật ra đời như thế nào?) và đã gợi cho tôi nhiều ý kiến quý báu để tôi viết lại bài này.  

13 tháng 5, 2013

CÁC BÉ SAKYA XUẤT GIA NGÀY CÁT TƯỜNG

  Hôm nay, 13/05/2013, theo lịch Ấn/Nepal là ngày tốt lành nhất trong cả năm. Mình đến thành phố cổ Phật giáo Patan để xem Lễ hội Macchindranath Rato- Lễ hội Phật giáo lớn nhất, cổ xưa nhất cả Kathmandu và Nepal.
  Mãi đến 4 giờ lễ hội mới bắt đầu nên mình tranh thủ ghé thăm mấy người bạn họ Sakya (Thích-ca). Tán gẫu với anh bạn Asoka Shakya mới hay nhân ngày tốt này, cộng đồng Shakya có làm lễ Chuda Karma cho các bé trai trong họ tại Golden Temple. Đây là một phong tục có từ thời Đức Phật Sakya, bắt nguồn từ sự kiện Ngài làm lễ xuất gia cho 500 vương tử Sakya ở thành Kapilavastu.
  Mình tranh thủ chụp một số ảnh các bé trai Sakya như là bonus cho ngày Akshaya Trithiya (đúng là may mắn nhân lên gấp bội hi hi).
   Mời các bạn xem qua hình ảnh các bé trai Sakya trong lễ Chuda Karma. Dễ thương quá phải không?
  
Phía dưới là bài về lễ này đã đăng trên nguyệt san Giác Ngộ năm 2006.
*************





28 tháng 4, 2013

HỆ THỐNG THẦN LINH ẤN ĐỘ GIẢN DỊ HÓA



 Có rất nhiều cứ liệu chứng tỏ rằng người Việt nhận nhiều ảnh hưởng của văn minh Ấn không kém gì văn minh Trung Hoa. Nghiên cứu văn minh Ấn, so sánh đối chiếu để khám phá lại các vết tích văn minh-văn hóa Ấn trong tâm thức Việt để hoàn thiện “bản sắc Việt” cũng là một con đường “thoát Hán” hiện nay cho người Việt.

 .........................


   Ấn Độ đầy bí ẩn và huyền hoặc có thể làm choáng ngợp bất cứ ai mới tiếp xúc với nền văn minh thâm hậu này. Một trong những vấn đề làm rối nhiều “người ngoài” chưa quen thuộc với văn hóa Ấn nhất chính là hệ thống thần linh Hindu.
       Tầng tầng lớp lớp các vị thần, nhiều đến mức có vị thần có đến chục vạn tên gọi và hóa thân…nhiều đến nỗi các Brahmin thông thái nhất cũng không thể nào nhớ hết tên các vị thần của điện thờ Hindu… nhiều đến mức có người nói rằng số lượng các vị thần Hindu còn nhiều hơn cả dân số Ấn Độ… Không thể “cảm” được văn hóa Ấn nếu không “hiểu” được hệ thống thần linh Hindu. Tham vọng của tác giả trong loạt bài về chủ đề này là “giản dị hóa” hệ thống thần linh Hindu để độc giả có thể đặt bước chân thành kính đầu tiên vào ngôi đền Ấn Độ giáo. Thiết nghĩ nghiên cứu Hindu (Ấn Độ giáo) là một việc rất đáng quan tâm với người Việt ta. Ở phía Nam, đã từng có những nền văn minh Óc Eo, Chân Lạp, Cát Tiên, Champa chịu ảnh hưởng sâu đậm và trực tiếp từ văn hóa Hindu. Ở phía Bắc, có nhiều hiện vật và phong tục của người Việt mang đậm tính chất Hindu. Ở miền Trung, suốt 500 năm qua, qua sự chung sống cùng nhau giữa người Chăm và người Việt, rất nhiều các yếu tố Hindu đã xâm nhập vào tâm thức người Việt sinh sống trên lãnh thổ xưa của Champa cho đến tận mũi Cà Mau. Với giới nghiên cứu, rất nhiều cán bộ, quan chức ngành văn hóa-bảo tàng tại các nơi có di tích Hindu (hầu như khắp từ Đà Nẵng cho tới Kiên Giang) rất cần trang bị kiến thức về Hindu để có thể “hiểu” và “cảm” các hiện vật vô giá của các nền văn minh Hindu đã từng tồn tại và phát triển rực rỡ tại Việt Nam như Óc Eo, Chân Lạp, Cát Tiên, Champa, để có thể bảo tồn các giá trị tinh thần độc đáo ấy. Ngay cả tôn giáo có nhiều tín đồ tại Việt nam hiện nay là Phật giáo thì cũng xuất phát từ vùng đất Hindu-Ấn Độ và Phật giáo đã truyền từ Ấn Độ sang Việt Nam trước khi đổ bộ lên Trung Hoa. Để hiểu Phật giáo sâu sắc hơn, theo thiển kiến của tác giả, có lẽ phải nghiên cứu Hindu để nhìn thấy lại “cái nền” mà trên đó Sakya Muni (Bậc thông tuệ họ Sakya- tức Phật Sakya) đã sử dụng để xây nên ngôi nhà Phật giáo (có thể thấy qua Jataka-chuyện tiền thân Phật), cũng như tránh các lầm lạc “tam sao thất bổn” do du nhập Phật giáo không chính thống từ Trung Hoa phải qua ít nhất hai lần phiên dịch và bị Hán hóa sâu nặng suốt cả ngàn năm nay. Có rất nhiều cứ liệu chứng tỏ rằng người Việt nhận nhiều ảnh hưởng của văn minh Ấn không kém gì văn minh Trung Hoa. Nghiên cứu văn minh Ấn, so sánh đối chiếu để khám phá lại các vết tích văn minh-văn hóa Ấn trong tâm thức Việt để hoàn thiện “bản sắc Việt” cũng là một con đường “thoát Hán” hiện nay cho người Việt.

*****************

THẦN THÁNH CŨNG BIẾT… CƯỜI

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN: THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY BÀI 3
 

THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY : BÀI 1

Một đặc điểm của người Ấn (hay người thuộc văn minh Ấn) là tính hài hước, hóm hỉnh. Ngay cả các vị thần cũng không sống ngoài không gian hóm hỉnh đầy thông tuệ của người Ấn. Có thể nói các vị thần Hindu rất “người”!

1/ INDRA-THỦ LĨNH CÁC VỊ THẦN-BỊ MANG NGHÌN “CON MẮT”

   Thủ lĩnh các vị thần trong hệ thống Hindu là Indra –Thần Mưa, Hán gọi là Đế Thích. Cần nhớ rõ Indra chỉ là thủ lĩnh của các Deva (bán thần) chỉ cai trị cung Trời (Svargaloka- heaven); thấp hơn God (Thần), và ba vị thần tối cao Trinity là các God cai trị cả vũ trụ: Shiva, Vishnu và Brahman.
  Indra vốn rất ham thích sắc đẹp phụ nữ. Một hôm, cầm lòng không đặng nên Indra đã quyến rũ một phụ nữ xinh đẹp đã có chồng. Chồng của phụ nữ này là một rishi (hành giả Hindu) tên là Bhrigu. Nổi cơn ghen vì bị cắm sừng, vị rishi này bèn rủa Indra rằng: “ Vì ông bị ám ảnh bởi thân thể phụ nữ ông sẽ mang một ngàn “âm hộ” trên khắp cơ thể ông!”

 
Hình ảnh của một vị thủ lĩnh mang đầy “âm hộ” ngồi trên ngai vàng của thiên đường quả là chẳng tôn nghiêm chút nào,

25 tháng 3, 2013

YẾU TỐ ÂM DƯƠNG TRONG MẬT TÔNG HIMALAYA


THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY : BÀI 1

LỜI DẪN: xin trích dịch lại đây vài đoạn trong bản thảo cuốn sách mà mình sắp xuất bản. Sách viết bằng tiếng Anh nên phải dịch lại he he... vì thế giọng văn chắc chắn là không thuần Việt rồi, mong các bạn thông cảm!

Tạm đặt tên cho đoạn này: YẾU TỐ ÂM DƯƠNG TRONG MẬT TÔNG HIMALAYA
 (trong sách đây là chương Ba, không có tên)

CHƯƠNG BA

 
Raj đưa cho Don mảnh giấy mà ông vừa vẽ trên đó, “Cậu có biết cái này là cái gì không?”
Don nhìn lướt qua tờ giấy, trên đó có một hình vẽ ngôi sao sáu cánh
 “Đừng nói với tôi đó là Ngôi sao David mà Dan Brown đã đề cập trong quyển Mật mã Da Vinci nha…” Don cười. Nhưng khi thấy vẻ mặt nghiêm túc của Raj, anh vội vàng nói, “Xin lỗi! Tôi nói đùa…”
  Raj gật đầu, “Không sao. Đấy thực sự là Ngôi sao David, biểu tượng của Do thái giáo và cộng đồng Do thái. Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng bởi đạo Hồi, Thiên chúa giáo và các tôn giáo Đông phương khác. Trong đạo Hồi, nó được gọi là Khatem Sulayman-Con dấu của Solomon và Najmat Dawuud-Ngôi sao David. Rất nhiều thánh đường Hồi giáo trang trí ngôi sao sáu cánh này. Anh cũng đã biết rằng, Thiên chúa giáo cũng thờ phụng ngôi sao này.”
   Ông hoàng Nepal ngừng lại, nhấp một ngụm trà xanh, đoạn tiếp tục với một giọng nói chậm rãi, rõ ràng, “Tuy nhiên, ở Lục địa India, trước khi trở thành ngôi sao sáu cánh, biểu tượng này được sắp xếp như là hai tam giác chạm vào nhau như thế này…” Raj vẽ một hình khác:  “”.

7 tháng 3, 2013

VỀ VỚI NGƯỜI THARU

NGÀY 1: dự trù mãi đến khi kết thúc chuyến đi mới post bài vì phải đi vào các làng Tharu hẻo lánh, không có net. Nhưng đi được 400km đến Butwal thì hết xăng nên phải ở lại đây một đêm. May KS có net nên tranh thủ xài ké post vài hình đã chụp bữa nay.

Kế hoạch là khởi hành sớm nhưng hôm nay các đảng chính trị người Madeshi bandha nên mãi tới 8 giờ mới xuất phát được. Kinh nghiệm ở các nước Nam Á là khi có bandha các bạn đừng nên ra đường sớm dù bọn tổ chức nào cũng nói là cho phép xe của phóng viên, khách du lịch nước ngoài, cấp cứu lưu thông. Đừng tin! Sáng nay một chiếc xe của đài truyền hình đi làm tin buổi sáng đã bị tấn công. Vì thế mà dù xe mình có dán "bùa" PRESS phía trước mình vẫn phải chờ vài tiếng đồng hồ cho mấy cái đầu của bọn tiểu yêu nguội bớt.

Chúa nhật này (10/03/2013) là đại lễ hội quan trọng nhất trong năm của Shaivism (một tông của Hindu giáo tôn thờ thần Shiva; tông còn lại là Vaishnavism thờ thần Vishnu). Từ mấy ngày nay, các SADHU (ông đạo Hindu) từ khắp nơi ở Nepal và India lũ lượt kéo về Pashupatinath-ngôi đền thiêng nhất của Hindu ở Kathmandu để tham dự lễ hội này.

14 tháng 1, 2013

VẺ ĐẸP THARU

Hôm nay mình dự lễ hội Maghi (Tết) của người Tharu.
Tharu là tộc người có những bộ trang phục sặc sỡ và những bộ trang sức cầu kỳ nhất Nepal.
Xin mời các bạn xem qua một vài hình ảnh mình "chộp" được hôm nay. Đáng yêu quá phải không?
Tim mình giờ này vẫn còn nhảy thình thịch đây này....
 
Xin bấm vào các hình để phóng to lên!



13 tháng 1, 2013

NHỮNG BÀI VIẾT CŨ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN HỌ THÍCH-CA

 1-Dòng tộc và quê hương Đức Phật

Lịch sử » Đức Phật
23/03/2008 21:21 (GMT+7)

 http://www.giacngo.vn/lichsu/ducphat/2008/03/23/52C450/


2- LINKS: Các bài về họ Sakya http://nguyenphunepal.blogspot.com/search/label/Sakya

3- LINK: Bảo tháp Ramgram 1: http://nguyenphunepal.blogspot.com/2012/05/ramgram-bao-thap-nguyen-thuy-luu-giu-xa.html
4- LINK: Bảo Tháp Ramgram 2:  http://nguyenphunepal.blogspot.com/2012/06/ramgram-bao-thap-nguyen-thuy-luu-giu-xa.html  
5- LINK: Chudakarma-Lễ Xả nghiệp Xuất gia của họ Thích-ca: http://nguyenphunepal.blogspot.com/2010/09/chuda-karma-le-xa-ngiep-xuat-gia-mot.html

 

LTS: Tìm về quê hương Đức Phật là khát vọng lớn của nhiều nhà nghiên cứu và học giả, xưa cũng như nay. Qua khảo sát bằng thực địa cũng như dựa vào những chứng tích, truyền khẩu của dòng họ Shakya hiện nay đang sống ở Nepal, anh Nguyễn Phú đã cung cấp một huớng đi mới trong việc tìm hiểu về quê hương cũng như dòng họ của Đức Phật. Việc lội ngược dòng lịch sử gần ba ngàn năm để tìm lại giá trị văn hóa cổ xưa mà hiện nay đã mang tính toàn nhân lọai là một việc làm ý nghĩa và rất đáng trân trọng. Nguyệt san Giác Ngộ xin giới thiệu bài viết được gởi về từ thủ phủ Kathmandu, kinh đô của Nepal.
  Nguồn gốc Kapilavastu và vương tộc SHAKYA
Nguồn gốc nguyên thủy của vương tộc Shakya bắt nguồn từ Kosala, một vương tộc thuộc dòng Aryan cai trị vùng đất ở chân dãy Terai. Câu chuyện bắt đầu từ vua Okkaka. Vua Okkaka thuộc dòng dõi mặt trời, tông tộc Ikshanku. Sau khi người vợ đầu tiên chết, nhà vua cưới một người vợ khác. Hoàng hậu trước đó đã sinh cho nhà vua chín người con (4 trai, 5 gái). Khi hoàng hậu thứ hai sinh hạ một hoàng nam, vì muốn giành lấy vương quốc cho Jayantu con của mình đã gây áp lực với nhà vua để ông phải đưa các con của người vợ trước đi xa. Vua Okkaka vì quá si mê hoàng hậu nên đành phải chấp nhận yêu cầu của bà ấy. Các vương tử: Ulkamukha, Karandu, Hastinika, Sinisura, và các công chúa: Priya, Supriya, Ananda, Vijita, Vijitasena được lệnh nhà vua phải rời khỏi vương quốc Kosala vào sống nơi rừng sâu.


Những vương tử và công chúa cành vàng lá ngọc rời khỏi kinh đô Saketa tiến về phía dãy Himalaya. Trải qua bao vất vả, cực nhọc họ đến một vùng đất là nơi ẩn tu của vị ẩn sĩ Kapilamuni. Được ẩn sĩ cưu mang và cho phép, họ đã kiến lập nên một vương quốc và đặt tên là Kapilavastu (hoặc Kapilanagara) để vinh danh ẩn sĩ Kapilamuni.
Thời gian cứ trôi, những hoàng tử và công chúa của xứ Kosala đi đày đã đến tuổi lập gia đình. Bởi tập tục kết hôn với người cùng dòng máu là bình thường thời bấy giờ, tám anh em kết  hôn với nhau và tạo ra tông tộc Shakya (tập tục này ngày nay một số gia đình họ Shakya vẫn còn giữ, tức là chỉ kết hôn với người mang họ Shakya). Vị công chúa lớn tuổi nhất là Priya được bổ nhiệm làm mẫu hậu, còn hoàng tử Ulkamukha được bổ nhiệm là quốc vương đầu tiên của vương quốc non trẻ Kapilavastu.
Một ngày nọ, Okkaka -nhà vua xứ Kosala, nghe kể về cuộc phiêu lưu của những đứa con của mình. Ông quá kích động và kêu lên rằng: “Sakya-Vata-bho-Kumara”(nghĩa là: những đứa trẻ phiêu lưu đã có kết thúc tốt đẹp). Từ câu nói này, về sau, người ta thường dùng tên Sakya (Shakya) để chỉ vương quốc hoặc dòng tộc này, còn Kapilavastu là kinh đô của vương quốc đó.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Oldenberg, Kapilavastu - vương quốc của những người Shakya, là một tiểu quốc cộng hòa thuộc phạm vi cai quản của một nhà vua lớn hơn ở Ấn Độ, cụ thể là Kosala. Như ta đã thấy từ quá trình hình thành của nó, Kapilavastu đã bầu chọn người cai trị  một từ trong các thành viên hoàng gia và sự thần phục Kosala là tất nhiên vì đó là vương quốc tổ tiên của họ.
… Ngành kinh tế chính của Kapilavastu là nông nghiệp. Những làng mạc quần tụ quanh những cánh đồng lúa và gia súc thì chăn nuôi ở khu vực cạnh rừng. Nơi đây cũng có những người thợ thủ công: thợ mộc, thợ rèn, thợ gốm,…, tầng cấp Brahmin (Bà la môn). Có một vài cửa hàng nhưng không nghe nói có thương gia và nhà băng. Những đường phố hẹp chật ních voi, ngựa, xe và người. Việc hành chính và tư pháp của vương quốc được giải quyết công khai tại Hội trường công cộng (Mote Hall - Sansthagara). Nhà cửa của kinh thành quay mặt ra đường được trang trí bằng các ban công và các tháp lầu. Hoàng cung được xây dựng kiên cố với các cổng lớn giữa các bức tường và tháp canh cao vút. Toàn bộ kinh thành được bao quanh bởi một cái hào, có chỗ có đến hai hào, một hào bùn, một hào nước. Những cung điện rộng lớn và cầu kỳ bằng gỗ và gạch là nơi diễn ra những sinh hoạt xa hoa của cung đình...
Đó là những mô tả của Giáo sư Rhys Davis về nước cộng hòa Kapilavastu của vương tộc Shakya qua những cứ liệu khảo cổ thu thập được về địa danh này.
                     Vương tộc Koliya - Bên ngoại thái tử Siddhartha
Nguồn gốc của vương tộc Koliya bắt đầu gần như cùng thời điểm và con người với vương tộc Shakya.
Chúng ta đã biết  Priya là mẫu hậu đầu tiên của Kapilavastu. Tuy nhiên, một thời gian sau cô bị nhiễm bệnh hủi. Cô rời bỏ vương quốc và đi đến sống trong một cái hang cọp (vyagghapatha) trong khu rừng dưới chân núi phía Đông Bắc Kapilavastu. Ngẫu nhiên, Rama - vua của vương quốc Banaras (Ba La Nại) cũng bị nhiễm bởi cùng một chứng bệnh ấy và đến sống tại khu rừng gần cái hang mà Priya ở. Một hôm Rama đến ngồi dưới gốc cây Kolan cổ thụ trong khu rừng và kỳ diệu thay chứng bệnh của chàng đã biến mất. Khi gặp Priya trước cái hang cô ở, Rama chỉ cho cô cái cây huyền diệu và cô cũng được khỏi bệnh sau khi ngồi xuống dưới gốc cây ấy. Sau khi khỏi bệnh, hai người kết hôn với nhau, sinh hạ 32 người con và tạo lập nên thành phố Devadaha ở phía Đông biên giới Kapilavastu. Từ đấy đã hình thành nên họ tộc Koliya. Vương quốc này được biết đến với nhiều tên gọi như: Devadaha,  Vyaghrapura, Kolinagara, Ramagrama. Mỗi cái tên gắn liền với một sự tích tạo lập nên vương quốc. Devadaha (Thành phố thần thánh) là để tôn  vinh các vị thần nơi họ tạo lập nên vương quốc mới. Vyaghrapura là tên cái hang cọp mà hoàng hậu Priya đã ở. Kolinagara là để vinh danh cây thần Kolan đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua và hoàng hậu. Còn Ramagrama chính là để vinh danh nhà vua Rama - người đã tạo lập nên vương quốc.
Do có cùng nguồn gốc nên vương tộc Shakya ở Kapilavastu và vương tộc Koliya ở Devadaha đã có những mối quan hệ hôn nhân mật thiết. Nhiều đời giữa  hai vương tộc đã thành thông gia. Đến thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, phụ vương Ngài đã cưới cả hai chị em công chúa Mayadevi và Prajapati, còn chính Ngài cũng đã kết hôn với công chúa Yasodhara tuyệt đẹp của vương tộc Koliya. Việc cai trị ở Devadaha cũng theo mô hình của Kapilavastu, nhưng Koliya có đến hai trung tâm quyền lực - một ở Devadaha, một ở Ramagama.
Chúng ta đều biết rằng sau khi Đức Phập nhập Niết bàn tại Kusinaga, xá lợi của Ngài được chia làm tám phần cho tám vị quốc vương. Vương quốc Ramagrama cũng được một phần trong số ấy và đem về lập tháp thờ tại Devadaha.
Huyền thoại kể rằng khi Đại đế Ashoka  xây dựng 84.000 bảo tháp thờ Phật, ông đã cho khai quật các ngôi tháp của các vương quốc được phân chia xá lợi Phật đầu tiên để lấy xá lợi chia lại cho 84.000 bảo tháp mới. Ông đã khai mở hết bảy tháp. Tháp cuối cùng là tháp thờ xá lợi Phật của vương quốc Ramagrama. Khi ông đến tháp ấy có một con rắn khổng lồ nằm cuộn tròn quanh bảo tháp. Đó là Thần Rắn Naga. Sau đó thần rắn biến thành hình người và mời Đại đế Ashoka xuống thăm cung điện của Naga dưới đáy hồ bên cạnh bảo tháp. Sau khi tiếp đãi hoàng đế theo nghi lễ, Naga trình bày cho hoàng đế thấy những vật dụng thần thánh mà Naga dùng hàng ngày để cúng dường xá lợi Phật cầu mong tiêu trừ nghiệp chướng. Rắn thần chấp nhận cho hoàng đế khai mở bảo tháp để lấy xá lợi với điều kiện phải cúng dường hàng ngày tốt hơn Naga đã làm. Ashoka nghĩ rằng không thể làm hơn những gì Naga đã làm nên vui vẻ bỏ qua ý định khai mở bảo tháp lấy xá lợi.
Bộ Đại sử của Sri Lanka (Mahavamsa) lại kể rằng ngôi tháp Ramagrama nằm bên bờ một con sông và đã bị nước xoáy phá hủy. Chiếc bình đựng xá lợi Phật bị cuốn trôi ra biển. Nó được thần Rắn Naga tìm thấy và thờ phụng trong một ngôi bảo tháp. Vào thời vua Dutthagamini (161-137 trước Tây lịch), chiếc bình đựng xá lợi Ramagrama đã được vị Thánh Tăng Sonuttara dùng thần thông thu được và đưa về thờ phụng ở Mahathupo tại Sri Lanka(?).
“Nước Lam Ma bây giờ đã hoang phế không còn dấu vết gì, thành ấp đã đổ nát xiêu vẹo, người dân thưa thớt. Thành xưa ở phía Đông Nam có một bảo tháp lợp ngói cao gần 100m. Ngày xưa, sau khi Đức Như Lai nhập diệt, vua của nước này đến phân chia xá lợi mang về nước của mình rồi ra sức tôn tạo kiến thiết nên. Đây là nơi rất linh thiêng, có ánh sáng phát ra từ tháp. Bên cạnh bảo tháp có một ao nước trong có một con rồng cư trú nơi đó. Mỗi lần con rồng ra đi nó biến thành con rắn. Phía bên phải cũng có một bảo tháp" (Đại  Đường Tây Vực ký - Huyền Trang).
Đó là mô tả của ngài Huyền Trang khi ngài đến chiêm bái vương quốc Ramagrama vào thế kỷ thứ VII sau Tây lịch.  Cả hai ngài Pháp Hiển (thế kỷ thứ V) và Huyền Trang đều thấy được ngôi tháp Ramagrama còn tồn tại.
Năm 1898, Tiến sĩ Hoey căn cứ theo kinh sách đã tìm lại được kinh thành Devadaha. Nó nằm ở chân núi Terai, phía Tây Nepal. Năm 1964, Tiến sĩ S.B Deo xác định được vị trí tháp Ramagrama bên bờ sông Jharai. Nơi đó có một gò đất cao chừng 9m và đường kính chân gò là 21m, với chân móng bằng gạch nung. Các học giả và nhà khảo cổ đã đo đạc và so sánh những khoảng cách đã được nêu trong các tài liệu của các ngài Pháp Hiển và Huyền Trang và công nhận tính chính xác của các nghiên  cứu của Tiến sĩ S.B Deo.
Ngày nay, khách hành hương muốn viếng thăm Ramagrama và quê ngoại của Đức Phật thật dễ dàng. Nếu xuất phát từ Lumbini, chúng ta sẽ đi đến Bhairahawa 25km, từ đây chúng ta đi tiếp 25km nữa đến thành phố Butwan. Đây là một thành phố lớn ở miền Tây Nepal, nằm vắt ngang quốc lộ Mahendra. Tại Butwan chúng ta theo đại lộ Mahendra về hướng Đông (hướng về thủ đô Kathmandu)  chừng 10km, bên tay phải có một con đường rải đá dăm dẫn đến Devadaha kinh đô của Koliya và dòng sông Rohini nổi tiếng. Nếu theo quốc lộ đi quá lên chừng 10km nữa, chúng ta gặp một đường nhựa nhỏ dẫn đến thị trấn Parasi, tháp Ramagrama ở gần ngay đó. Tuy có nhiều huyền thoại quanh nó nhưng người ta vẫn tin rằng 1/8 xá lợi của Đức Phật vẫn còn trong ngôi tháp ấy và vẫn đến cúng dường thật thành kính.
Tại cổng chào của Devdaha (Devadaha), chính quyền địa phương đã cho xây dựng một công viên nhỏ. Trong công viên có tôn tượng của Đức Phật Thích Ca cao chừng 2m, và lùi sau lưng Ngài một chút là tôn tượng của ngài Sariputa (Xá Lợi Phất). Devdaha có một tinh xá thờ ngài Mayadevi và Prajapati. Tuy nhiên dân chúng địa phương theo Hindu giáo đã đồng hóa các vị với nữ thần Barimalika Devi, người được thờ phụng khắp từ Kashmir đến sông Hằng. Họ gọi hai vị là Bairimai và Kanyamai. Trong tinh xá có hai tượng đá của hai vị. Tượng này đã bị hư hỏng khá nhiều. Đến đây tôi mới khẳng định được rằng tinh xá trong cổ thành Kapilavastu  chính là tinh xá thờ  Đức bà Mayadevi mà ngài Huyền Trang đã kể. Nằm cách 1km về phía Nam tinh xá thờ Đức Mayadevi và Pajaprati là kinh đô cổ Devadaha. Nơi đây còn một trụ đá đánh dấu do Đại đế Ashoka đặt vào năm 249 trước Tây lịch, tương tự như trụ đá ở Lumbini. Cũng giống như trụ đá ở Lumbini và Kapilavastu, trụ đá Devadaha cũng đã gãy đổ. Phần gốc nhô lên chừng tám tấc, phần trang trí đầu trụ đã mất, phần thân vỡ nhiều mảnh.Trụ đá này là một trong những chứng cứ  quan trọng để các nhà khảo cổ xác định vị trí kinh đô Devadaha cổ đại. Những dòng chữ do Đại đế cho khắc trên trụ đá nói rằng đây là nơi sinh của Mẹ của Đức Phật. Tôi được cho xem bản dịch tiếng Anh của những dòng chữ ấy, sơ lược như sau: Đức vua Piyadasi (Ashoka), người được chư thần yêu quý, vào năm thứ 20 trong triều đại của ngài đã đến thăm viếng Devadaha và bày tỏ lòng kính trọng. Bởi vì đây là nơi sinh của mẹ Đức Phật nên Hoàng đế giảm thuế cho làng Devadaha xuống chỉ còn 1/8.
Từ cổng chào của Devdaha về hướng Nam chừng vài km, giữa cánh đồng có một cây đại thụ hùng vĩ. Từ xa đã thấy sắc xanh đặc biệt của lá cây. Cây cao chừng 30m, tỏa bóng mát che rợp chu vi  đường kính 40m. Cành xõa ra từ sát mặt đất. Không ai dám chặt một cành nào của cây ấy vì đây chính là cây thần Kolan và tôn kính gọi đó là "Kotiyamai”. Từ xa xưa, kên kên, đại bàng và voi cũng không dám đến gần cây thần này. Vua Rama và hoàng hậu Priya đã được chữa khỏi bệnh dưới một cây Kolan và tên cây đã thành tên vương quốc của họ. Không ai dám chắc rằng cây Kolan ngày nay có phải là cây Kolan trong huyền thoại hay không nhưng tận đáy lòng tôi tin trong những chiếc lá xanh kia có chứa tứ đại của cây thần Kolan huyền thoại. 
Rời cây thần Kolan, chúng tôi đến chiêm bái tháp Ramagrama. Chúng tôi thắp hương rồi nhiễu quanh tháp chín vòng và niệm danh hiệu Đức Thế Tôn. Tuy chỉ là một gò đất nhưng nơi này là một trong những nơi thiêng liêng nhất của Nepal vì chứa đựng 1/8 xá lợi Phật. Chính các nhà khảo cổ  hiện nay cũng không dám khai mở tháp Ramagrama. Hồ Naga cạnh tháp đã cạn khô có lẽ Thần rắn Naga đã tái sinh kiếp khác hay do công đức cúng dường xá lợi nên đã về cõi vô ưu.
Câu chuyện về dòng họ Shakya của Đức Phật chưa dừng ở thời điểm Vidudhaba hủy diệt kinh thành Kapilavastu và tàn sát tất cả người mang họ Shakya. Một số vương tử đã trốn thoát; một số chạy về Piprava dựng nên kinh đô Kapilavastu mới. Một số đi đến các vương quốc vùng Himalaya và làm vua ở đó. Trong số này, có một nhóm đã dựng nên một thành phố mới gọi là Moriyanagara, nơi họ đã nghe tiếng gáy vang của những con công. Đó là bắt đầu cho một dòng họ mới khai sáng ra triều đại Moriya huy hoàng mà người thứ ba của triều đại trở thành vị  Chuyển luân vương vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ: Đại đế Ashoka.
Được biết xa lộ cao tốc Xuyên Á (điểm cuối là TP.HCM - Việt Nam) có một đoạn đi ngang qua Nepal. Đoạn ấy nối vào Quốc lộ Mahendra và ngang qua Butwan. Hy vọng rồi đây khi xa lộ hoàn thành, người Việt Nam có thể đi bằng đường bộ vượt 3.000km đến thăm quê hương Đức Phật để cúng dường những di tích thiêng liêng và xá lợi của Đức Từ Phụ.


(Bài viết có tham khảo tư liệu của  Giáo sư Babu Krishna Rijal - Cục Khảo cổ Vương quốc Nepal, sách của các học giả Hermann Oldenberg,  H.W. Schumann, Từ điển Pali Proper Name, Hồi ký của các ngài Pháp Hiển - Huyền Trang và gia phả của họ Shakya tại Kathmandu).
NGUYỄN PHÚ

 

CHUYÊN ĐỀ LỊCH SỬ NEPAL: HỌ THÍCH-CA Ở KATHMANDU

Quý bạn đọc thân mến,
Cách đây hơn mười năm một "tiếng gọi" (the call) từ Himalaya đã vọng đến tác giả vào một buổi sáng tháng Giêng trong hình thức một làn hơi lạnh giá. Sau đó tác giả đã quyết định lên đường một cách trừu tượng mà không hề biết mình sẽ bắt đầu từ đâu và đi đến đâu. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, tác giả đã soạn ra cả một danh sách dài những việc cần làm trong đó có cả việc học những kỹ năng viết lách, quay phim, chụp ảnh... và đã tiêu tốn bốn năm trời dành dụm tiền bạc và học hỏi mọi thứ (kể cả làm phóng viên cho một đài truyền hình để học kỹ năng, nghiệp vụ). Cuối năm 2005, tác giả đặt chân đến Nepal (Kathmandu và Lumbini) một cách bất ngờ không hề có sự chuẩn bị trước trong một chuyến đi độc hành nửa hành hương nửa để cầu siêu cho người mẹ vừa quá cố của mình. Tại đây tác giả đã nhận chân ra "tiếng gọi" vang vọng đến mình 5 năm trước, và chọn xứ sở này làm quê hương thứ hai. "Tiếng gọi" ấy đã tặng cho tác giả một chủ đề nghiên cứu cả đời (life time's subject): The Sakya (Họ Thích-ca).
  Sau 7 năm nghiên cứu, tác giả xin đưa lên đây những thu thập ít ỏi bước đầu của mình về một chủ đề có quá ít người tìm hiểu. Mong các bài viết này nhận được sự quan tâm của các bạn!
  Trân trọng,
  Nguyễn Phú

******************************************************
HỌ SHAKYA Ở KATHMANDU: PHẦN 1

Họ Thích-ca thuộc 18 bahal (tự viện) khắp Kathmandu tập trung cầu nguyện hàng tháng

Kathmandu Valley (Thung Lũng Kathmandu), thủ đô hiện tại của nước Nepal, vốn là một vương quốc nhỏ trong vùng Himalaya với tên gọi từ thời cổ đại (hơn 500 năm trước Công Nguyên) là Nepal-Mandala. Tên Nepal-Mandala bắt nguồn từ vị trí địa lý của thung lũng này với những dãy núi bao quanh giống như những cánh hoa sen trong một đồ hình mandala.
  Rất nhiều người biết đến chi tiết Kathmandu Valley là một mandala, nhưng không mấy người biết đấy là mandala gì... vì Mật tông Hindu và Mật tông Phật giáo có đến hàng vạn mandala. Câu chuyện về Mandala của Kathmandu xin bàn vào một dịp khác.
  Kathmandu Valley chính là nơi cư trú được chính thức ghi nhận của hậu duệ cộng đồng Sakya-Tộc họ đã sản sinh ra một trong những nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử thế giới: Sakya Buddha (Đức Phật Thích-ca).
Sakya là viết theo tiếng Sanskrit hoặc Pali; Shakya là theo tiếng Newari-ngôn ngữ cổ đại của người bản địa Kathmandu Valley, cũng từ này phiên âm theo tiếng Hán là Thích-ca. Kể từ đây tác giả xin được phép dùng từ Sakya hoặc Shakya để dễ dàng cho bạn đọc khi tra cứu hay tìm kiếm về tộc họ này tại Kathmandu Valley hay từ các nguồn khác với nguồn Hán-Việt (điều này phát xuất từ kinh nghiệm thực tế của tác giả vì ngoài người Việt ra, chẳng một ai biết đến họ Thích-ca! Cũng như dùng các danh từ riêng theo tiếng nước ngoài không phải vì tác giả sính dùng ngoại ngữ).

  Nguồn gốc của tộc họ Shakya tại Kathmandu có thể truy nguyên về đến tận thời Sakya Buddha còn tại thế. Khi ấy vua Vidudabha của vương quốc láng giềng hùng mạnh Kosala đã tận diệt họ Sakya tại Kapilavastu (thành Ca-tỳ-la-vệ). Tộc họ Sakya mất nước đã phải lưu vong, tản mác khắp bốn phương trời. Một nhóm Sakya đã theo những con đường mòn của giới thương buôn vượt qua dãy núi Terai tìm đến Kathmandu Valley. Tại đây, một hoàng tử Sakya đã kết hôn với công chúa của vua địa phương tộc họ Kirat (tộc họ này thuộc sắc dân Naga sống trải dài từ Himalaya đến tận Việt Nam; người Việt là một nhánh của Naga di cư từ Himalaya- xin viết về chủ đề này trong một bài khác). Cộng đồng Sakya của Kathmandu Valley bắt đầu định cư và định hình, cũng như có ảnh hưởng quan trọng đến lịch sử Kathmandu suốt 2.500 năm nay.
  Cộng đồng Sakya lâu đời nhất thuộc về Chabahil. Theo ngôn ngữ Newari, bahil hay bahal tương đương với vihara của Sanskrit. Tuy nhiên, bahil hay bahal không phải một ngôi chùa hay tu viện (pagoda, monastery) dành cho giới tăng-ni như Phật giáo Bắc tông hoặc Nam tông. Nó là một kiến trúc khép kín với 4 dãy nhà xoay mặt vào một cái sân, trung tâm là một stupa (bảo tháp). 
Mô hình một Bahil
Bahal thì có quy mô lớn với các dãy nhà của tộc họ Shakya bao quanh ba cánh và một cánh dành cho ngôi chùa của họ. Bahil thì quy mô nhỏ hơn, hầu như gói gọn vào một ngôi chùa. Đúng nghĩa, bahil hay bahal là một ngôi nhà sinh hoạt chung của họ Shakya. Họ tụ tập tại đây để cầu nguyện, cúng dường, làm Phật sự hay chỉ đơn giản là sinh hoạt cộng đồng. Bahil và Bahal cũng có tăng ni cư trú để tu tập nhưng họ Sakya không có khái niệm "sư-ni trụ trì". Cho đến ngày nay (thế kỷ 21) họ Shakya vẫn duy trì truyền thống dân chủ cộng hòa của vương quốc Sakya xa xưa ở Kapilavastu. Mỗi cộng đồng có một vị thủ lĩnh (thường là vị cao niên nhất hoặc có uy tín nhất) gọi là Thakali. Thakali sẽ chủ trì các buổi cầu nguyện, cũng như các buổi họp cộng đồng trong đó quyết định sẽ cuối cùng tuân theo nguyên tắc đa số. 
Aarta Man Shakya-Thakali hiện tại của toàn bộ Shakya ở Kathmandu Valley

  Theo lịch sử Kathmandu, có 18 bahal thuộc họ Shakya được xem là chánh tông. Vấn đề chánh tông này xuất phát từ hơn 1000 năm trước, khi các vua trị vì Kathmandu Valley lập ra hệ thống Jati (caste theo tiếng Anh). Thực ra nếu dịch Jati /caste thành từ "đẳng cấp" hoặc "giai cấp" trong tiếng Việt thì chưa chính xác. Jati là hệ thống phân biệt nghề nghiệp; những nghề nào xã hội cần hơn, hàm chứa nhiều chất xám hơn thì được đánh giá cao hơn những nghề làm lụng tay chân hay nghề làm những việc thấp hèn. Trong hệ thống ấy, một số người theo Phật giáo của Kathmandu Valley được xếp vào họ Shakya-nghĩa là người theo đạo Shakya Buddha (giống như pháp danh với họ Thích của Phật giáo Bắc tông). Sự kiện này cùng với việc các bahil và bahal được xây dựng ngày một nhiều (trong đó có một số bahil, bahal không thuộc họ Shakya) đã dẫn đến việc họ Shakya thống nhất nhìn nhận trong toàn Kathmandu Valley chỉ có 18 bahal-bahil chánh tông. Và người của 18 bahl-bahil này mới thuộc họ Sakya chánh gốc.

30 tháng 12, 2012

NGƯỜI GURUNG ĂN TẾT CON RẮN SỚM NHẤT THẾ GIỚI!


Sống ở Nepal sướng vậy đó, ăn Tết hết tháng này sang tháng khác. Năm 2012 chưa chấm dứt mà đã được ăn Tết Con Rắn rồi!
Cũng giống như hầu hết các tộc người miền núi ở Nepal và Tibet, Tết của người Gurung gọi là Lhosar.
Tamu Lhosar mở đầu một năm mới theo Tamu Sambat (âm lịch của người Gurung). Lịch Gurung cũng có 12 con giáp gọi là lohokor với mỗi con giáp là lho (năm) như sau: Garuda (chim thần trong thần thoại Hindu), Rắn, Ngựa, Cừu, Khỉ, Chim, Chó, Nai, Chuột, Bò, Hổ, và Mèo. Chúng ta có thể thấy 12 con giáp này tương ứng với 12 con giáp của người Việt như: Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần, Mẹo. Lhosar năm nay là năm 2597 lịch Gurung rơi vào ngày 15 tháng Push (30/12/2012) đón mừng năm con Rắn. Vậy là có thể coi người Gurung là tộc người mừng Tết Con Rắn sớm nhất thế giới!   

Một làng Gurung trên dãy Himalaya

  Gurung là một tộc người tự gọi họ là Tamu sống ở vùng Trung-Tây Nepal (chủ yếu là vùng núi lưng chừng 2000-3000m của dãy Himalaya), dân số vào khoảng 500 ngàn người, hoàn toàn theo Phật giáo Tibet.
  Trang phục dân tộc của người Gurung cũng đẹp sặc sỡ và độc đáo như bất cứ dân tộc nào ở Nepal. Đàn ông thì mặc bhangra (áo ngắn màu trắng) và kachhad (sà-rông). Phụ nữ thì mặc áo blouse nhung đỏ sậm, đeo trang sức hình đĩa bằng vàng và rất nhiều dây chuyền bằng đá bán quý.  
Trang phục cổ truyền của người Gurung



Ở các làng Gurung, người ta tập hợp tại khoảnh sân rộng giữa làng; ở Kathmandu, người Gurung tập trung ở quảng trường Tundhikhel để ăn Tết. Người Gurung ăn tết ba ngày. Hai ngày đầu diễn ra các cuộc thi cho cánh đàn ông như kéo co, bắn cung trong khi phụ nữ nhảy múa ca hát. Ngày thứ ba thường sẽ trao giải cho những ai thắng các cuộc thi và ăn nhậu tưng bừng khí thế để mừng năm mới. Chính thức là ba ngày nhưng thường thì dân Gurung cũng ăn Tết kéo dài 7-10 ngày (hết mùng như người Việt vậy!). Những ngày này là dịp dân Gurung đi thăm viếng lẫn nhau và tụ tập để ăn nhậu, bài bạc cho vui.


Nhảy múa giữa trời đất với ngọn Fish tail nổi tiếng phía sau

Thi bắn cung

Trang sức của các thiếu nữ Gurung



Nhảy múa là phần không thể thiếu của đời sống người Gurung

Các thầy tư tế Phật giáo cúng lễ với nhạc tôn giáo

Hoa khôi Gurung năm nay

27 tháng 11, 2012

ĐẠO PHẬT CÓ PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO?

 Tạp chí Xưa & Nay
Số 415 tháng 11/2012
Posted by vietsuky on 26/11/2012
 https://vietsuky.wordpress.com/2012/11/26/213-dao-phat-co-phai-la-mot-ton-giao/

YẾU TỐ NIỀM TIN VÀO THỰC THỂ TÂM LINH(TYLOR 1871) HAY CÁC YẾU TỐ GIÁO HỘI VÀ GIÁO LÝ (ĐẶNG NGHIÊM VẠN 2001) TRONG ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO LẠI DƯỜNG NHƯ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG YẾU TỐ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO. KHÔNG CHỈ LÀ TƯ LIỆU THỰC ĐỊA GÓP PHẦN XEM XÉT LẠI CÁC ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO CỦA PHƯƠNG TÂY CHỊU ẢNH HƯỞNG CỦA TRUYỀN THỐNG NGHIÊN CỨU KITÔ GIÁO, THỰC HÀNH PHẬT GIÁO CÒN GÓP PHẦN ĐƯA RA MỘT CÁCH NHÌN MỚI TRONG ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO (KEYES 2006) (1). XƯA NAY XIN GIỚI THIỆU BÀI VIẾT CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC VỀ VẤN ĐỀ NÀY. THƯỢNG TOẠ THÍCH HUỆ ĐĂNG HIỆN LÀ ỦY VIÊN BAN HOẰNG PHÁP TRUNG ƯƠNG VÀ LÀ GIẢNG VIÊN HỌC VIỆN PHẬT GIÁO HÀ NỘI.
Câu hỏi này ở đầu cửa miệng của nhiều người, nhất là nhửng người Mác xít mà tôi được quen biết. Tôi nghĩ rằng câu trả lời có hay không, phải hay không phải, tuỳ thuộc vào vấn đề chúng ta hiểu từ ngữ “tôn giáo”, một từ ngữ gốc Phương Tây (reli­gion), như thế nào?

Nếu định nghĩa tôn giáo, tức đạo, là con đường dẫn tới chân lý và giác ngộ và giải thoát, thì đạo Phật một đạo giác ngộ và giải thoát đúng là một tôn giáo. Vì bản thân Phật pháp đã từng được đức Phật ví như cái bè dùng để qua sông, hay ngón tay chỉ mặt trăng, nghĩa là như một phương tiện, chứ không phải là một cứu cánh, thì đạo Phật đúng là một tôn giáo như vậy. Khác với giáo chủ của các tôn giáo khác, Đức Phật không bao giờ tự gán cho mình quy chế Thượng đế, con Thượng đế, hay là phái viên của Thượng đế. Phật tự xem mình là “vị thầy chỉ bày con đường” (Margadata), tức là con đường Bát chánh đạo đã dẫn tới giác ngộ và giải thoát, con đường đoạn trừ mọi khổ đau.
Đạo Phật xa lạ với mọi ý niệm vê một Thượng Đế cá nhân đẩy quyền năng vô hạn. Đức Phật đến với loài người như một Con Người giản dị nhưng hoàn thiện, một con người đã được giác ngộ và giải thoát, và chỉ bày cho con người con đường giác ngộ và giải thoát. Cũng vì đức Phật không tự cho mình một quy chế Thượng đế hay một thần linh tôi thượng, cho nên các tôn giáo thần quyền thường đánh giá đạo Phật là đạo vô thần (atheistic). Phật thường khuyên bảo học trò không nên tin lời Phật vì lòng kính trọng đối với Ngài, mà vì lời dạy của Phật đúng đắn, dẫn con người đến giác ngộ và giải thoát. Lời dạy của Phật không được xem như giáo điều, tuyệt đối phải tin tưởng. Lời dạy của Phật phải được chúng ta kiểm nghiệm qua cuộc sông thực tiễn như là người thợ vàng thử vàng vậy. Phật thường dạy học trò rằng một điều dù đúng hay sai không phải là do quyền uy của vị đạo sư nói ra, hay được ghi trong sách thánh như là thần khải. Đối với Phật, quyền uy và thần khải không phải là tiêu chuẩn của chân lý. Đối với đạo Phật tiêu chuẩn của chân lý là lý trí và sự kiểm nghiệm của cuộc sống. Khẳng định như vậy để nói rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, nếu tôn giáo nghĩa là chấp nhận giáo điều, là tự biện thần học, gọi là để tìm ra chân lý trong từng câu từng chữ của sách thánh, là niềm lo sợ đối với cái thiêng liêng và siêu nhiên, là sự gửi gắm cả cuộc đời mình cho thần linh hay Thượng đế… Nếu tôn giáo là như vậy, thì đạo Phật sẽ không Phải là tôn giáo, mà đúng hơn là một hệ thông triết lý và đạo đức dẫn con người tới cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ.


Nhưng nếu tôn giáo là một cái gì đó tạo cảm hứng cho con người hướng tới một cuộc sống tốt đẹp nhất, cao cả nhất, thúc đẩy con người tự hoàn thiện mình bằng một nỗ lực đạo đức không ngừng, nếu tôn giáo nâng bổng con người, vượt lên những nhu cầu vật chất tầm thường của cuộc sống, thì đạo Phật là tôn giáo như vậy. Mà lạ lùng thay, một tôn giáo như đạo Phật, không công nhận có linh hồn bất tử, cũng không công nhận có thượng đế tạo thế, ấy thế mà từ khi ra đời ở Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, nó đã làm chấn động tận gốc rễ xã hội đẳng cấp lâu đời, buộc tất cả mọi tôn giáo và triết phái truyền thông phải xét lại cơ sở giáo lý của mình. Và sau khi nó vượt qua biên giới, nó trở thành một tôn giáo thế giới, nó đã chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu người. Ngày nay cũng vậy trong khi các tôn giáo truyền thông và thần quyền đang chịu đựng những thử thách lớn, đối diện với tiến bộ của khoa học như vũ bão, thì đạo Phật vẫn đứng vững như bàn thạch. Đạo Phật mở con đường du nhập của mình vào ngay trong lòng những nước đứng đầu trên thế giới về khoa học và công nghệ, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức,…
Không phải vì là Phật tử mà chúng ta ca ngợi đạo Phật. Chính các nhà khoa học lớn, có tiếng tăm ca ngợi đạo Phật. Có thể trích ra đây lời nhận xét của nhà bác học Albert Einstein đối với đạo Phật: “Tôn giáo trong tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ, nó phải siêu việt hơn một Thượng đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học; bao quát cả hai mặt tự nhiên và tâm linh. Nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ sự thực nghiệm của mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh, được quan niệm như một thể thống nhất có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng một mô tả như vậy. Nếu có một tôn giáo thỏa mãn được yêu cầu của khoa học hiện đại, thì tôn giáo đó là đạo Phật”(2). Để chứng minh nhận xét của tôi về sự thành công của đạo Phật tại các nước công nghiệp phương Tây, cho phép tôi đưa ra một trích dẫn nữa, lần này là của một nhà nghiên cứu tôn giáo người Pháp trong một bài đăng trong một đặc san nghiên cứu các tôn giáo của tờ Thế giới ngoại giao số tháng 11 và 12/1999: “Phật giáo chủ yếu là tôn giáo hiện đại: dành cho cá nhân, không giáo điều đạo đức, kết hợp thân với tâm. Phật giáo có tất cả cơ may để phát triển ở phương Tây, vì nó không đề xuất một sự cứu rỗi, xuất phát từ một thần linh bên ngoài, mà là một phương pháp thực tiễn để thoát khỏi đau khổ và đạt tới hạnh phúc, ngay tại thế giới này”(3).
Phật giáo không có một tổ chức tăng đoàn chặt chẽ, theo kiểu các tôn giáo thần quyền phương Tây. Vì sao? Vì tinh thần dân chủ và bình đẳng trong đạo Phật không cho phép có một tổ chức chặt chẽ như vậy. Không phải trong thòi kỳ Phật giáo bộ phái ở Ấn Độ, mà ngay cả ở Trung Hoa, Nhật Bản, tổ chức Phật giáo vẫn bao gồm nhiều giáo phái và hệ phái khác nhau, với những chùa chiền, tu viện, và thiết chế giáo dục, của riêng các giáo phái và hệ phái đó. Ở Việt Nam tuy có một giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, thế nhưng hiến chương của giáo hội tôn trọng sự tồn tại trong phạm vi giáo hội của những giáo phái và hệ phái khác nhau, như Phật giáo Nam tông, hệ phái Khất sĩ, Phật giáo Khơ-me,…
Ngày xưa, khi Thiên Chúa giáo mới bắt đầu vào nước ta, có sự phân biệt đồng bào giáo và lương. Đồng bào giáo chỉ cho tất cả đồng bào theo tôn giáo mới, tức Thiên Chúa giáo, còn đồng bào lương chỉ cho tất cả đồng bào theo các đạo Phật, Nho, Lão hay bất cứ một tín ngưỡng bản địa nào khác. Vì sao vậy? Phải chăng người Việt Nam cũng như người Á Đông nói chung không có một quan niệm về tồn giáo chặt chẽ về mặt tổ chức như đạo Thiên chúa. Một người Trung Hoa, Nhật Bản hay người Việt Nam có thể theo cả ba đạo Phật, Nho, Lão và cả đạo ông bà nữa mà trong lương tâm họ không bị chi phối về mặt tâm lý bởi những bài thuyết giảng kiểu như những bài thuyết giảng của các bậc tiên tri đạo Do Thái. Những bài thuyết giảng này chống lại mọi biểu hiện của tà giáo và tà đạo, khi các bộ tộc Do Thái từ kiểu sống du mục chuyển thành những bộ tộc định cư và sản xuất nông nghiệp, sau khi vương quốc Israen đầu tiên được thành lập, với các vua David, rồi Solomon, như đã được ghi chép trong sách Cựu ước.
Người Á Đông dù là ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, chấp nhận tín ngưỡng đa thần giáo một cách tự nhiên, thông thoáng, có thể vì vậy mà họ cũng không có tư tưởng kỳ thị tôn giáo. Tôn giáo nào cũng cung cấp một câu trả lời mà tín đồ tin là thỏa đáng đối với ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc sống. Niềm tin của tín đồ có thể nông hay sâu, liên tục hay ngắt quãng, nhưng niềm tin đó phải có, thì mới có tôn giáo, bởi lẽ niềm tin tôn giáo là động lực khiến tín đồ sống cả đời theo niềm tin đó. Điều đặc sắc của đạo Phật là sự kết hợp niềm tin với lý trí hay trí tuệ, hiểu biết càng sâu thì niềm tin tôn giáo càng vững. Còn tổ chức của giáo hội có chặt chẽ hay lõng lẻo, cũng không thành vấn đề. Thậm chí, có những tín đồ của Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay một tôn giáo nào khác, rất có thể không đi chùa, không đến nhà thờ, không chấp hành những nghi lễ nào đó do giáo hội quy định, nhưng họ vẫn là tín đồ tôn giáo theo đúng đòi hỏi lương tâm họ.
Đức Phật thường dạy học trò mình rằng: “Không nên chấp nhận những lời dạy của Ta do lòng kính trọng, mà trước hết hãy kiểm nghiệm những lời dạy đó, như dùng lửa thử vàng vậy”. Phật dạy: “Một điều là đúng hay sai, không phải là quyền uy và thần khải”. Phật ví những tín đồ như một đoàn người mù, dẫn dắt nhau đi, người đi đầu không thấy gì hết, người đi cuòi cũng không thấy gì hết. Phật cho rằng chấp nhận chân lý và giác ngộ chân lý là hai chuyện khác nhau. Giác ngộ chân lý như người nếm mật, còn chấp nhận chân lý là không hiểu, thì cũng giống như người dùng thìa hứng mật, múc mật mà không nếm mật vậy.
Cũng như thế, đơn thuần chấp nhận chân lý do quyền uy của người khác, dù người khác đó là bậc đạo sư, sẽ không có được sự giác ngộ tâm -linh, dẫn tới giải thoát tối hậu. Tuân thủ một truyền thống hay quyền uy, tự nó không có giá trị gì hết. Để được giác ngộ, học hỏi là cần thiết, nhưng sự học hỏi đó cần được bổ sung bằng thực nghiệm cá nhân. Tôn giáo luôn luôn là thực nghiệm qua cuộc sống như là vị thầy thuốc tốt nhất, qua thân tâm của mình như là cuon sách quý nhất. Phật giáo là như vậy.
CHÚ THÍCH:
1. Tylor, Edward B. 1871, Primi­tive Culture (Văn hóa nguyên thủy). London: John Murray; Đặng Nghiêm Vạn, 2001, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia; Keyes, Charles F. 2006. “Dẫn luận: Sự thăng trầm của nghiên cứu nhân học về tôn giáo” trong Những vấn đề nhân học tôn giáo. Đào Thế Đức dịch; Nguyễn Văn Chính hiệu đính, Đà Nẵng, Hội KHLSVN, Nxb. Đà Nẵng, tr 7-27.
2. Phra Sripariyattimoli, 1999, The Buddha in the Eyes of Eminent Scholars (Đức Phật trong con mắt của các học giả uyên bác), Mahachu- lalongkorn BuddhistUniversity
3. Frederic Lenoir, 1999, Monde diplomatique, Novembre-Decembre.

29 tháng 10, 2012

DASHAIN-TẾT NEPAL: KOJAGRAT PURNIMA ĐÊM THỨC TRẮNG ĐÓN NỮ THẦN THỊNH VƯỢNG MAHALAXMI



Update 31/10/2012:
  "Nhập gia tùy tục". Mình thức trắng đêm Kojagrat Purnima, tụng Laxmi Mantra (Thần chú Nữ thần Laxmi) - vì mình sống có một mình, chẳng có ai để đánh bài Tiến lên suốt đêm như thời sinh viên he he... Quá nửa đêm, một cô đom đóm bay vào nhà vẩn vơ khắp nơi rồi đậu lên pho tượng Laxmi trên bàn thờ. Hỏi thăm các bác Brahmin ai cũng bảo là điềm cực lành, cực hên: "Mahalaxmi blesses you herself!". Khấp khởi hy vọng, vì cả năm qua mình bị xúi quẩy, công việc làm ăn bết bát, đi chơi gặp toàn "quái nhân"... 
 Điềm lành này cùng với việc tận mắt diện kiến Nữ Thánh Sống Kumari Kathmandu bên trong Kumari Ghar và nhận ban phúc tika từ Tổng thống Nepal đã làm cho mùa Dashain năm 2012 của mình thật trọn vẹn và đầy kỷ niệm.
...12 giờ trưa hôm nay, đột nhiên Tổng Giám Đốc National Trading Corporation (một trong 5 công ty TM-XNK quốc doanh lớn nhất Nepal) điện thoại kêu mình đến gặp để giao thầu cung cấp đường cát cho Nepal. Không muốn tin cũng khó phải không các bạn?...


Cúng lễ Nữ thần Nava Durga và Mahalaxmi  tại...nhà mình
Huyền thoại Hindu kể rằng Nữ thần Thịnh Vượng và Thành Công Laxmi đi tản bộ trên trái đất vào đêm trăng tròn “Kojagrat Purnima”  (tiếng Hindi Ko-jagrat nghĩa là: Ai-Còn-Thức và Purnima nghĩa là đêm rằm) để ban sự giàu có-thịnh vượng-thành công-may mắn cho ai thức trong đêm ấy để cúng bái nữ thần. Các bà nội trợ nhịn ăn cả ngày và thức suốt cả đêm từ 7:30 tối cho đến 6 giờ sáng hôm sau để cúng và cầu nguyện Nữ thần Laxmi-Vĩ đại (dịch thoát từ Mahalaxmi với Maha có nghĩa như là Vĩ Đại-Great hoặc xưng tụng như Tối cao-Extreme). Người ta tin rằng sự cúng bái và cầu nguyện Nữ thần Laxmi trong suốt đêm này sẽ mang đến sự thành công-thịnh vượng cho người cầu nguyện. Đêm nay nhà cửa quét dọn sạch sẽ, cổng-cửa rộng mở, đèn thắp khắp nơi để đón Nữ thần Laxmi.




Sáng sớm ngày cuối cùng của Dashain, jamara và các thức dùng cúng bái trong mùa Dashain sẽ được mang đi bỏ nơi bờ sông gần nhất đánh dấu sự kết thúc chính thức của lễ hội lớn nhất của Nepal kéo dài 15 ngày.
Nữ thần Thịnh Vượng-Thành Công-May Mắn MAHALAXMI


Tổng Thống Nepal tại đền Nava Durga ở Bhaktapur
Nhân ngày May Mắn Kojagrat Purnima này, vào lúc 5 giờ chiều, theo truyền thống Tổng thống Nepal như là người đứng đầu đất nước đến ngôi đền Nava Durga ở thành phố cổ Bhaktapur dự lễ cúng ở đó, nhận tika và Prasad (sau khi tín đồ dâng lễ vật để cúng thần, người Brahmin trông đền sẽ lấy một phần lễ vật tặng lại cho người cúng như là quà của thần ban cho. Cái đó gọi là Prasad). Nava Durga là chín hóa thân của Nữ thần Durga.


Người ta cúng bái Mahalaxmi vào buổi chiều tối và thức trắng đêm nay để… cúng bái liên tục và chơi các trò cờ bạc như đánh bài, “bầu-cua-cá-cọp”, cờ cá ngựa… với lòng tin rằng Nữ thần Mahalaxmi sẽ ban phúc cho họ qua sự may mắn trong mỗi lượt chơi…
Cờ bạc được cho phép chơi đêm nay để cầu may mắn


Bảo tháp Swayambhu rực rỡ trong đêm
Người Phật tử bản địa Kathmandu thì đến cầu nguyện và cúng bái theo nghi lễ Buddha Puja suốt cả đêm tại Đại Bảo Tháp Swayambhu vì đêm này được tin rằng là đêm “Swayambhu Jyoti” (Ánh Sáng Tự Sinh) phát ra từ đỉnh đồi. Tích này xuất phát từ huyền thoại hình thành nên Thung Lũng Kathmandu. Thung lũng này vốn là một cái hồ lớn với một hòn đảo ở giữa. Vào một đêm Kojagrat Purnima, ánh sáng chói lọi bên dưới mặt đất vọt thẳng lên chín tầng trời từ trung tâm của hòn đảo. Khi ấy Đức Phật Dipankar (Đức Phật Ánh Sáng, vị Phật có nguồn gốc bản địa của Kathmandu) đến ngự trên hòn đảo ấy. Từ hướng Đông, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjusri) trông thấy ánh sáng ấy liền tìm tới để đảnh lễ Đức Phật. Manjusri đã dùng báu kiếm Trí Tuệ của mình cắt một lối giữa vách đá, làm nước thoát ra và tạo thành Thung Lũng Kathmandu ngày nay. Tích này cho thấy Phật giáo đã bắt rễ sâu xa tại Thung Lũng Kathmandu trước cả Hindu. (Chúng ta sẽ trở lại chủ đề này vào một dịp khác).     
 
 Vô cùng trùng hợp, ngày kết thúc của 15 ngày lễ hội Dashain của Hindu lại là ngày bắt đầu của một lễ hội quan trọng và vô cùng ấn tượng của Phật giáo Himalaya – Tibet, Mustang, Sikkim, Bhutan. Lễ hội Mani Rimdu với cuộc trình diễn điệu múa mặt nạ nổi tiếng của các Lama. Điệu múa này diễn ra vào ngày thứ hai của lễ hội. Mời các bạn đón xem vào ngày mai.