Nhân mùa Vu Lan xin post lại loạt bài đã đăng trên Giác ngộ
vài năm trước về Lễ Vu Lan. Lý do là vì mình đọc được rất
nhiều bài viết đảo điên thứ tự về lễ Vu lan, kể cả của các
"học giả" . Thay vì phải lần tìm về nguồn cội của một nghi
lễ có xuất xứ từ chính Đức Phật (do chính Phật Thích-ca lập
nên, nghĩa là trên 2500 năm), tại địa phương của nó, các "học
giả" nhà ta lại lộn đầu xuống đất, dịch ngược từ VU-LAN của
tiếng Trung Quốc sang tiếng Sanskrit thành ULLAMBALA, khiên cưỡng
theo cái nghĩa TỘI TREO NGƯỢC - một trong những hình phạt ở
địa ngục. Đăng bài này lại để nhắc các "học giả" rằng Đạo
Phật xuất xứ từ Ấn Độ, không phải Trung Quốc và dịch ngược
danh từ riêng từ tiếng Trung quốc về tiếng Phạn sẽ đi sai
đường. Hãy trả lại Cesar cái gì của Cesar!
_______________________________PHẦN 1: KHẢO SÁT VỀ NGUỒN GỐC LỄ VU-LAN Ở KATHMANDU, NEPAL
*********
Chúng
tôi đoan chắc rằng GŪLA chính là từ nguyên của Vu-lan khi phiên âm
sang
tiếng Trung Quốc. Cũng như Vu-lan bồn là để chỉ cái chậu chứa năm thứ
vật thực cúng dường chư Phật hoặc chư tăng, ni trong ngày Pancha Dana;
nghĩa bóng là Lễ Cúng Dường mùa Vu Lan (không phải dịch ngược
Vu lan từ tiếng Trung sang tiếng Phạn thành ullambala - tội treo
ngược rồi áp đặt nghĩa Lễ Đảo Huyền cho Vu lan như một số
"học giả" vẫn làm vào kỳ Vu lan hàng năm - NP).
Một
số “bồn” dùng trong mùa Vu-lan của người Newari: GULPA, và GULU dùng
đựng các vật thực cúng dường Chư Phật (bình bát bằng đồng). GULPA và GULU chính là từ nguyên của Vu-lan Bồn.
Trong quá trình 5 năm cư trú tại Nepal, chúng tôi đã có dịp may để khảo sát những phong tục cổ truyền của dân chúng địa phương tại đây. Một trong những lễ trọng trong năm, hoặc có thể nói là quan trọng nhất, của Phật tử ở đây là Đại lễ Vu-lan. Lễ Vu-lan của Nepal có gì khác với lễ Vu-lan tại Trung Quốc và Việt Nam? Nó được thực hiện như thế nào? Nguồn gốc của lễ ấy?
Trước tiên chúng ta hãy nhìn lại nguồn gốc của lễ Vu-lan ở Trung quốc.
· Nguồn gốc Lễ Vu-lan tại Trung Quốc
Phần
này chúng tôi không đi sâu vào chi tiết về từ nguyên, lịch sử hoặc
cách thức thực hành nghi lễ. Chỉ điểm qua một số nét chính để có cơ sở
so sánh với Lễ Vu-lan tại Nepal.
Có
lẽ bị ảnh hưởng từ Phật giáo Trung hoa, Phật giáo của Việt Nam, Nhật
Bản và Triều Tiên cũng tổ chức lễ Vu-lan gần giống như của Trung Hoa.
Nói chung, tất cả các nước trên đây tổ chức lễ Vu-lan dựa theo bài kinh
“Phật Thuyết Kinh Vu-lan” do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào thời Tây Tấn
(265-316 AD). Kinh này nói về sự tích Phật dạy Ngài Mục-Kiền-Liên cứu mẹ
bị đọa ở địa ngục. Và tất cả đều thống nhất ở một điểm theo truyền
thống Phật giáo: ngày rằm tháng bảy (theo âm lịch Trung Hoa) là ngày Chư
Phật hoan hỷ, oai lực chư tăng được tăng trưởng sau ba tháng an cư, và
là ngày tự tứ do đó chư tăng hội họp đầy đủ.
“…Rằm
tháng bảy là ngày tự tứ - Mười phương Tăng đều dự lễ này - Phải toan
sắm sửa chớ chầy - Thức ăn trăm món, trái cây năm màu - Lại phải sắm
gường nằm nệm lót - Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang, dầu - Món ăn tinh
sạch báu mầu - Ðựng trong bình bát vọng cầu kính dâng - Chư Ðại Ðức mười
phương thọ thực - Trong bảy đời sẽ đặng siêu thăng - Lại thêm cha mẹ
hiện tiền - Ðặng nhờ phước đức tiêu khiên ách nàn - Vì ngày ấy Thánh
Tăng đều đủ - Dầu ở đâu cũng tựu hội về - Như người thiền định sơn khê -
Tránh điều phiền não chăm về thiền na - Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả
- Công tu hành nguyện thỏa vô sanh - Hoặc người thọ hạ kinh hành -
Chẳng ham quyền quý ẩn danh lâm tong - Hoặc người đặng lục thông tấn
phát - Và những hàng Duyên giác Thinh văn - Hoặc chư Bồ tát mười phương -
Hiện hình làm Sãi ở gần chúng sanh - Ðều trì giới rất thanh rất tịnh -
Ðạo đức dày chánh định chơn tâm - Tất cả các bậc Thánh phàm - Ðồng lòng
thọ lãnh bát cơm lục hòa…” (Phật Thuyết Kinh Vu-lan)
Thật
ra, tập tục cúng bái tổ tiên và tẩy trừ ma quỷ vào dịp rằm tháng bảy
tại Trung Quốc đã xuất hiện từ rất lâu đời (ít nhất là từ đời Hán). Còn
Tết Trung nguyên của Đạo giáo thì cũng có trước thế kỷ thứ VII-AD. Khi
Phật giáo lan truyền đến Trung Quốc, có lẽ trùng hợp về thời điểm và
quan niệm báo hiếu nên người Trung Quốc đã hấp thụ lễ Vu-lan của Phật
giáo và biến lễ Vu-lan tại Trung Quốc trở thành một lễ dân gian mang
tính tổng hòa của: tập tục thờ cúng tổ tiên + Tết Trung nguyên của Đạo
giáo + lễ báo hiếu của Phật giáo.
Nội
dung Phật giáo có thể thấy qua việc thiết lễ cúng dường chư tăng và cầu
nguyện cho người đã khuất. Còn những tập tục như cúng cô hồn, đốt vàng
mã là những tập tục còn sót lại của tín ngưỡng dân gian Trung Hoa. Sau
này Mật tông Trung Hoa còn soạn ra thêm lễ cúng thí ngạ quỷ. Từ đó có
thể thấy Lễ Vu-lan ở Trung Quốc và các nước ảnh hưởng bởi Phật giáo
Trung Quốc không còn thuần khiết và bị pha trộn bởi những yếu tố văn hoá
địa phương.
Việc
tìm hiểu nguồn gốc lễ Vu-lan tốt nhất nên khảo sát tại quê hương bản
quán của nó tức địa bàn Bắc Ấn. Tuy nhiên Phật giáo tại vùng Bắc Ấn đã
tàn lụi hơn 1000 năm trước, những lễ tiết Phật giáo cũng đã nhạt nhòa
theo thời gian.
May mắn thay cho chúng tôi, một địa điểm tại Nepal vẫn còn bảo lưu được lễ Vu-lan nguyên thủy: Thung Lũng Kathmandu.
· GŪLA- tháng lễ trọng của cộng đồng Newari
GŪLA là một lễ hội đặc biệt của Nepal và chỉ duy nhất có ở Thung Lũng
Kathmandu (Kathmandu Valley) – đây chính là nước Nepal cổ đại với tên
gọi Nepal-Mandala vào thời Asoka Đại Đế.
Xin nói qua một chút về lịch sử của Kathmandu Valley.
Về
địa lý, Kathmandu Valley nằm cách Kapilavastu của Vương quốc Sakya
400km. Thung lũng này nằm trên độ cao hơn 2000m trên mực nước biển và
được bao bọc bởi những ngọn núi cao. Đặc điểm này đã làm nên cái tên cổ
đại nổi tiếng của thung lũng vì những ngọn núi bao bọc xung quanh giống
như những cánh hoa sen trong một đồ hình Mandala. Theo huyền sử,
Kathmandu chính là một cái hồ lớn vào thời tiền sử (các khảo cứu địa
chất mới nhất tại đây đã chứng minh điều này). Những sườn núi xung quanh
hồ lớn ấy là nơi cư trú của sắc dân Naga – nhóm chủng tộc Mongoloid của
Hymalaya mà địa bàn cư trú kéo dài đến tận Trường Sơn của Việt Nam.
Cũng theo huyền sử, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đã tìm đến đây để chiêm
bái Swayambhu (Ánh-Sáng-Tự -Sinh từ một hoa sen do Đức Phật Bipaswi gieo
trồng). Ngài Văn Thù đã dùng báu kiếm của mình cắt một lối thoát nước
và biến cái hồ ấy trở thành Thung Lũng Kathmandu, còn hòn đảo giữa hồ
trở thành ngọn đồi Swayambhu ngày nay. Sắc dân Naga sống gần đấy đã quy
tụ lại dưới sự lãnh đạo của một đệ tử của Ngài Văn Thù, sau này được ghi
nhận trong sách sử cổ đại của Ấn Độ là Kirat hay Kiran. Bộ tộc Kiran đã
từng tham chiến và giúp đỡ có hiệu quả trong cuộc chiến tranh của liên
minh các vương quốc Ấn Độ chống đạo quân viễn chinh của Alexander. Sau
này trong công cuộc thống nhất Ấn Độ của Chandragupta (ông nội của Asoka
Đại Đế), họ trở thành một đồng minh tin cậy của ông trong việc kiến tạo
Đế quốc Maurya. Chính Asoka, sau khi hành hương chiêm bái tất cả các
thánh tích Phật giáo của Ấn Độ đã đi đến Nepal-Mandala vào năm 250 trước
Công Nguyên. Ở bốn góc của thành phố cổ Patan (trung tâm quyền lực của
Nepal cổ đại) còn tồn tại bốn bảo tháp lớn được truyền tụng rằng chúng
đã được dựng nên bởi chính Asoka khi ông đến thăm Nepal-Mandala. Một
huyền sử nữa là Asoka đã gả con gái của ông là công chúa Charumati cho
một hoàng thân trong triều đình Kiran.
Về
truyền thống Phật giáo, có lẽ Phật giáo đã du nhập vào Nepal-Mandala từ
thời Đức Phật. Huyền sử cũng nói rằng chính Đức Phật Thích Ca đã viếng
thăm một vương tử Sakya tại Nepal-Mandala trước khi Ngài nhập Niết bàn,
và sau này Ngài A Nan cũng nhiều lần đến Nepal-Mandala thăm viếng và
truyền đạo cho các quý tộc Sakya lưu lạc đến đây sau khi vương quốc
Sakya ở Kapilavastu bị tận diệt. Nagarjuna (Long Thọ), Buddhaghosa (Phật
âm), Atisa đều đã đến thăm viếng Thung lũng Kathmandu và Swayambhu. Vì
thế Phật giáo tại Kathmandu Valley có một truyền thống sâu xa và vững
chắc, kéo dài không ngưng nghỉ suốt từ thời Đức Phật còn tại thế cho đến
nay. Cho đến cuối thế kỷ 19, những nhà khoa học Anh đã ghi nhận rằng có
đến 80% dân số của Kathmandu Valley theo đạo Phật. Chỉ từ sau khi có
luật chống lại Phật giáo vào thời Rana những năm 1910-1930 và những hành
động quá khích của chính quyền để thiết lập một vương quốc thuần Hindu
thì số lượng người theo đạo Phật bị giảm sút nghiêm trọng. Chỉ còn trên
dưới 20% vào thời điểm hiện nay. Mặc dù vậy, hầu hết những gia đình đã
“cải giáo” sang Hindu đều giữ những tập tục Phật giáo của mình. Và điều
quan trọng hơn, cộng đồng “thuần khiết Phật giáo” Sakya vẫn giữ nguồn
mạch Phật giáo chảy mãi tại Kathmandu Valley.
Phật tử Tây Phương cũng về chiêm bái Swayambhu mùa Gula
Đối với Phật tử của Kathmandu Valley, sự kiện quan trọng nhất trong năm là thực hiện một tháng lễ trọng GŪLA.
GŪLA
là tên của tháng thứ 10 trong lịch Newari (Nepal Era Calendar) - một
nguyệt lịch được sử dụng từ năm 880 AD tại Kathmandu Valley. GŪLA là một
từ Newari cổ (Newari là ngôn ngữ của cư dân bản địa ở Thung Lũng
Kathmandu có nguồn gốc từ ngôn ngữ Bhrami được sử dụng rộng rãi vào thời
Asoka). GŪLA cấu thành từ “gun” -điềm lành và “la”- một khoảng thời
gian (trong trường hợp này là một tháng). Chính vì vậy, GŪLA có nghĩa
“tháng tốt lành”. Theo lịch Ấn Độ, GŪLA bắt đầu từ ngày thứ nhất của
tuần trăng Srawan và chấm dứt vào ngày đầu tiên của tháng Bhada
(Tám-Chín). Theo dương lịch, tháng GŪLA thường rơi vào khoảng giữa tháng
Tám đến giữa tháng Chín, và hoàn toàn trùng khớp với tháng Bảy âm lịch
của Việt Nam và Trung Quốc.
Vào
tháng GŪLA, sau khi lúa đã cấy xong, Phật tử Newari bước vào tháng lễ
quan trọng nhất trong năm của họ. Dễ quan sát hơn cả là việc họ chiêm
bái ngọn đồi Swayambhu-Thánh địa Phật giáo quan trọng nhất của Thung
Lũng Kathmandu.
Phật tử Newar kinh hành vòng quanh bảo tháp Swayambhu
Suốt
cả tháng GŪLA, Phật tử Newari cầu nguyện, chay tịnh, thiền quán và chơi
âm nhạc tôn giáo. Trong tháng GŪLA, họ không ăn thịt gà và trứng. Từ
rất sớm (4-5 giờ sáng) họ đi bộ (đa số đi chân trần) thành từng nhóm đến
Swayambhu cùng với những ban nhạc cổ truyền dẫn đầu mỗi nhóm để thực
hiện những buổi lễ đặc biệt bất kể thời tiết thế nào. Nhạc cụ chính của
bất cứ ban nhạc nào là Dhah (trống 3 tấc, một nhạc cụ cổ truyền tồn tại
hơn 2,000 năm nay ở Thung lũng Kathmandu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy
chứng tích của nó từ thời Kiran- Asoka Đại Đế). Những chàng trai, cô gái
Newar đeo những cái trống cổ truyển này trên cổ và vỗ bằng tay trái còn
tay phải gõ bằng một cái dùi đặc biệt đầu cuốn tròn như dấu “?”. Nhóm
nhạc công tài tử này còn có những người thổi kèn và chơi những cái chập
chõa nhỏ như chén ăn cơm.
Nhạc cổ truyền được các thế hệ chơi trong mùa Vu-lan
Vào
tháng GŪLA, Swayambhu đông nghịt người chiêm bái đủ mọi lứa tuổi, mọi
thành phần. Không chỉ Phật tử mà cả người theo đạo Hindu (hoặc Phật giáo
cải sang Hindu) cũng đi đến Swayambhu để tỏ lòng kính ngưỡng Đức Phật.
Họ trèo lên 365 bậc đá của ngọn đồi, vượt qua những khu rừng thưa, những
tượng đá của các linh vật, những pho tượng Phật cổ bằng đá to ngoại cỡ,
và những con khỉ ngồi dọc theo đường đi để chờ thức ăn… để lên tới đỉnh
đồi. Người người chen chúc nhau trong không gian chật hẹp và càng chật
hẹp hơn bởi đèn dầu, cờ phướn, tượng phật và tranh cuộn thanka trang
hoàng các tự viện và bàn thờ, bởi mùi nhang trầm hoà quyện cùng tiếng
chuông và tiếng lăn của những bánh xe cầu nguyện đặt vòng quanh bảo
tháp. Đây đó, những nhóm tăng ni ngồi tụng thật lớn những bộ kinh Phật
cho mọi người cùng nghe, trong khi những nhóm nhạc tài tử thì tụ tập bên
cạnh những tháp đá và chơi những bản nhạc cổ truyền hoặc hát lời ngợi
ca chư Phật. Theo truyền tụng, việc chiêm bái này trong tháng GŪLA đã
được thực hiện ở Thung Lũng Kathmandu nhiều thế kỷ , có lẽ từ 2,500 năm
trước. Nghi thức này lặp lại mỗi ngày trong suốt tháng GŪLA. Mỗi ngày
tiếp theo, số lượng các nhóm nhạc và người cầu nguyện ngày càng đông khi
những người ở xa xôi hơn cũng tề tựu về.
Tại
Patan (thành phố cổ nhất của Thung Lũng Kathmandu, nơi được mệnh danh
là Thành phố Phật giáo), trong khi mưa thoả cơn khát của đất đai và vạn
vật, Phật tử nhắc nhở nhau nhớ lại những lời Phật dạy. Phật tử Newari ở
đây thực hiện một tháng lễ trọng bằng cách tỏ lòng tôn kính Đức Phật,
nhắc nhở nhau cố gắng thực hiện ngũ giới trong cuộc sống hàng ngày, tối
thiểu là một tháng.
Vaijracharya – giai cấp tư tế Phật giáo của người Newar - tụng kinh mùa Gula
Những
nữ Phật tử tắm gội sạch sẽ và chỉ ăn một bữa mỗi ngày trong suốt tháng
GŪLA. Mỗi ngày, trước khi nấu nướng thức ăn trong ngày, những người phụ
nữ nắn những cái tháp nhỏ bằng đất sét (caitya) và cầu nguyện trước
chúng với lòng tin rằng hành động đó sẽ tích lũy công đức cho họ và gia
đình. Những cái tháp nhỏ đó được cầu nguyện và giữ cẩn thận cho đến ngày
cuối cùng của tháng GŪLA. Vào ngày cuối cùng của tháng GŪLA, những
người phụ nữ thực hiện một nghi lễ đặc biệt: mặc những bộ trang phục đẹp
nhất mà họ có cùng với nữ trang đắt tiền họ bưng những cái tháp nhỏ
trong một cái khay bạc hoặc đồng theo sau những nhóm nhạc cổ truyền đi
tới một dòng sông gần nhà. Ở đây họ thực hiện nghi lễ cuối cùng trước
các Caitya rồi đặt chúng xuống nước. Kết thúc mùa GŪLA, số caitya có thể
lên đến hơn trăm ngàn cái.
Các caitya bằng đất sét được nắn bằng tay và cúng bái suốt mùa Vu-lan
Phật tử Newar tụng kinh tại Golden Temple – Patan
Vào
ngày thứ tám tháng GŪLA, Phật tử ở Patan thực hiện lễ “Pancha Dana” -
Lễ dâng cúng năm thứ vật thực (gạo lức, gạo trắng, đậu, lúa mì và
muối). Đó chính là lễ cúng dường cho các chư tăng ni theo nghi thức cổ
truyền. Huyền thoại truyền rằng đó chính là ngày khi Siddhartha từ bỏ
lối tu khổ hạnh để chọn con đường Trung Đạo và sau đó chứng ngộ thành
Phật. Trong ngày Pancha Dana, các cửa hiệu và nhà cửa trang hoàng với
hoa và các tranh tượng Phật. Phụ nữ ngồi trước cửa nhà với những cái bồn
bằngđồng chứa đầy 5 thứ dâng cúng (nguồn gốc của Vu-lan bồn),
và dâng mỗi lần đầy hai tay vào bình bát của các tăng ni đi ngang qua
theo phong tục được chính Đức Phật thực hành hơn 2500 năm trước. Các
tăng ni ban phước cho mỗi thí chủ bằng cách chạm vào trán của họ bằng
những cuốn kinh Phật, cầu chúc cho họ nhận được phước duyên và sự bảo hộ
của chư Phật. Khi trời chạng vạng tối, một nhà sư đi vòng quanh thành
phố và lắc một cái chuông báo hiệu kết thúc ngày Pancha Dana, khi đó các
tăng ni không nhận thêm lễ vật dâng cúng nữa. Sau đó, vào ngày thứ 28
của tháng GŪLA, Pancha Dana lại đươc tổ chức ở hai thành phố khác của
Thung Lũng Kathmandu là Kathmandu và Bhaktapur.
Vào
ngày Pancha Dhana, các sư, ni hoặc thành viên của họ Sakya, Vajracharya
thực hành nghi thức khất thực theo truyền thống của Đức Phật. Phụ nữ
của những gia đình Phật tử ngồi trước cửa nhà với một hoặc nhiều “bồn”
chứa đầy gạo, muối, tiền xu, các loại đậu để cúng dường cho họ.
Hai Vajracharya đang đi khất thực
Một cửa tiệm ở khu trung tâm buôn bán sầm uất Ason trang hoàng đẹp đẽ với tượng Phật
và đích thân bà chủ đứng cúng dường suốt cả ngày.
và đích thân bà chủ đứng cúng dường suốt cả ngày.
Một nữ Phật tử trong ngày Pancha Dhana,
đến 3 giờ chiều thì hầu hết các vật thực cúng dường đã cạn.
đến 3 giờ chiều thì hầu hết các vật thực cúng dường đã cạn.
Một bô lão Sakya trong trang phục cổ truyền
đang nhận vật thực cúng dường từ Phật tử.
Bahi
Doe Boyegu, sự trưng bày các tượng Phật trong sân chùa rơi vào ngày thứ
12, và có thể kéo dài vài ngày, tuỳ thuộc vào quyết định của cộng đồng
Sakya của tự viện đó. Trong ngày này, những thánh tích và tượng cổ được
trưng bày cho công chúng chiêm bái và cầu nguyện. Đó là những tượng gỗ
tuổi đời vài thế kỷ, có tượng đã bị mối mọt làm hư hại. Đó là những bức
tranh cuộn thanka, và những tấm thảm treo tường cổ thể hiện cuộc đời đức
Phật hoặc các Thánh Tăng, đó còn là những hạt gạo ngoại cỡ được nói
rằng đã được trồng ở Thung Lũng Kathmandu vào thời cổ đại. Mỗi ngày có
đến hàng trăm người đến chiêm bái ở mỗi tự viện. Tại một ngôi chùa ở
Thamel những cuốn kinh cổ hơn ngàn năm tuổi được viết bằng mực hoàng kim
được trưng bày một lần duy nhất trong năm cũng vào dịp này.
Tượng Phật trưng bày tại Golden Temple
Kinh cổ được trưng bày mùa Gula
Vào ngày rằm, Phật tử tựu tập tại các Bảo tháp Asoka ở Patan để cầu nguyện.
Vào
ngày thứ 17, diễn ra Mata-Ya , Lễ Đèn (xin xem Phần 2). Tên đầy đủ của
ngày lễ này là Mata Puja, với mata là đèn và puja là nghi lễ cúng bái
Thần - Phật. Vào ngày ấy, mọi người bưng những cây đèn dầu đi không mệt
mỏi vòng quanh khắp các đường lớn, hẻm nhỏ của Patan để cầu nguyện cho
những người thân đã chết. Họ đi chân trần mặc những bộ đồ đẹp nhất và
tụng đọc những bài ngợi ca Chư Phật, Đi đầu luôn luôn là những nhóm nhạc
cổ truyền.
Bắt
đầu từ mờ sáng, những đoàn người kéo đi xuyên qua mê cung của các con
đường nhỏ hẹp và hẻm hóc của thành phố cổ Patan, rắc gạo, tiền xu và bột
đỏ lên tất cả các khám thờ tượng, tháp, chùa, đền dọc theo đường đi. Họ
đi càng nhanh khi trời đã đến giữa trưa, và quan niệm rằng càng khổ
nhọc bao nhiêu thì người thân đã khuất của họ sẽ bớt đau khổ chừng ấy.
Họ rắc những đồng xu trên đường đi trong khi gọi tên người thân đã
khuất, trong những người khác hát vang những bài ca ngợi ca sự chiến
thắng của Đức Phật trước ma vương Mara. Đến quá trưa thì hầu hết mọi
người gần như kiệt sức, bột đỏ chảy dài trên thân thể thành những dòng
mồ hôi đỏ, bám đầy cả trên tóc, trên quần áo. Nhưng họ vẫn không dừng
lại. Một số thanh niên và đàn ông của những gia đình có người thân chết
trong vòng một năm qua cởi trần và quỳ lạy trong đất bụi trước mỗi khám
thờ dọc đường. Jyapu, cộng đồng nông dân bản địa của Thung Lũng
Kathmandu, tin chắc rằng Lễ Đèn là để tưởng niệm người thân đã khuất của
họ.
Chúng
tôi nghĩ rằng GŪLA chính là từ nguyên của Vu-lan khi phiên âm sang
tiếng Trung Quốc. Cũng như Vu-lan bồn là để chỉ cái chậu chứa năm thứ
vật thực cúng dường chư Phật hoặc chư tăng, ni trong ngày Pancha Dana.
Một
số “bồn” dùng trong mùa Vu-lan của người Newari: GULPA, và GULU dùng
đựng các vật thực cúng dường Chư Phật (bình bát bằng đồng)
Bồn KAMALA (trên) và khay SULIN (bên dưới)
Một
điều thú vị là từ Kathmandu Valley cho đến Trung Hoa, Việt Nam, Nhật
Bản, Triều Tiên thì ở đâu tinh thần kính ngưỡng Chư Phật-Chư Tăng và báo
hiếu cũng là trọng tâm của lễ Vu-lan.
Kathmandu-Nepal, Mùa GŪLA – Vu-lan 2010
NGUYỄN PHÚ
(Bài viết này có tham khảo tư liệu từ tác giả Đồng Thành, Mary Slusser và văn bản cổ của cộng đồng Newar)
PHẦN 2: MATA YA - LỄ ĐÈN MÙA VU LAN
CỦA CỘNG ĐỒNG NEWARI
****************
Tôi đến Patan vào lúc 4 giờ sáng 26/8/2010. Trời mưa ngâu lất phất.
Patan là thành phố cổ nhất của Kathmandu Valley, nơi đây cũng là thành
phố có nhiều gia đình theo Phật giáo nhất ở Nepal, nên được mệnh danh là
Thành Phố Phật Giáo (gọi là “thành phố” (city) nhưng thực ra diện tích
của Patan chỉ xấp xỉ một phường lớn ở Saigon ). Tương truyền, vào thời
cổ đại, thành phố này được quy hoạch theo hình Bánh Xe Pháp – Dharma
Chakra với 8 cổng ra vào. Lễ đèn Mata Ya được bắt đầu từ
MAHABUDDHA TEMPLE. Đây là một ngôi tháp được xây dựng ở trung tâm khu
phố cổ theo hình thức là một bản sao thu nhỏ của Tháp Đại Giác ở Bodgaya
-Ấn Độ. Tháp được ốp toàn bộ mặt ngoài bằng gạch nung màu đỏ, mỗi viên
gạch có chạm hình một vị Phật đủ các kích cỡ, số lượng lên đến hơn vạn
hình Phật. Nguồn gốc của Tháp này là do một người hành hương Sakya sau
khi chiêm bái Tháp Đại Giác ở Ấn Độ đã phát tâm cúng dường xây dựng từ
hơn ngàn năm trước.
5
giờ sáng cuộc lễ bắt đầu. Một cô gái Sakya với trang phục cổ truyền tay
cầm nến, hông đeo một cái túi nhỏ đựng gạo chéo qua vai trái dùng để
cúng dường các bảo tháp, bắp chân đeo lục lạc đồng, đi chân trần bắt đầu
kinh hành.
Hậu duệ của người Kirat trong trang phục cổ truyền dự lễ đèn
Tất cả các tháp (Caitya) và các chỗ thờ Phật đều được thắp đèn để mọi người chiêm bái và cúng dường
Đèn
trên tay, Phật tử đi kinh hành vòng quanh tất cả các tháp lớn, tháp
nhỏ, điện thờ Phật. Cho đến sau bảo tháp thứ 100 thì tôi không thể nhớ
nữa, chân mải miết bước theo đoàn người, mắt căng ra trong ánh sáng lờ
mờ để quan sát đường đi trơn trượt, gập gềnh và những khung cửa thấp lè
tè trên dưới 1,5m.
Có khi đi xuyên qua cả những ngôi nhà, những hẻm hóc chật hẹp để đến được những Caitya xưa cổ giờ bị nhà cửa xây dựng bao quanh…
Các em hứơng đạo sinh cũng đến tham gia giữ trật tự cho buổi lễ.
Nhịp kinh hành càng lúc càng nhanh…
Ba
cô gái Newar tham gia lễ đèn trong trang phục cổ truyền: tóc thắt bím,
cổ đeo dây chuyền bạc và xâu chuỗi san hô đỏ, cổ chân đeo kiềng bạc, tay
mang KAMALA (bồn đựng vật thực cúng dường). Từ trái qua: Sakya, Jyapu
(cư dân cổ của Kathmandu làm nghề nông) và Shrestha (đây là hậu duệ của
vương tộc Kolya – bên mẹ của Đức Phật Sakya; họ đã di cư đến Kathmandu
cùng với Sakya của Kapilavastu và chuyển đổi họ sang Shrestha nghĩa là
Ưu tú)
Nhạc cổ truyền là món không thể thiếu trong bất cứ lễ hội nào của người Newar.
Một số thanh niên hoá trang thành các quỷ ma đói khát của cõi âm chòng ghẹo mọi người làm không khí buổi lễ thêm phần náo nhiệt.
Trời sáng dần và người tham gia càng đông, ken cứng các con đường nhỏ hẹp của khu phố cổ
Vượt qua cả những con đường lầy lội thế này để kinh hành…
Một
thanh niên Newar thực hành nghi thức lễ bái ở tất cả các tháp lớn nhỏ
để cầu phúc cho người mẹ đã khuất. Đến trước mỗi Caitya anh dừng lại
chắp tay cầu nguyện và niệm một câu chú, rồi lấy một nhúm gạo từ chiếc
túi bên hông rắc lên tháp. Sau đó anh từ từ quỳ xuống lạy bảo tháp, toàn
thân áp sát xuống đất bất kể nơi đó thế nào, trán dập vào nền đất lầy
bùn. Người phát nguyện lạy bảo tháp trong ngày Lễ Đèn phải không bỏ sót
bất kỳ Caitya nào và càng thành tâm bao nhiêu thì thân nhân của họ càng
được trợ duyên bên cõi âm để thoát cảnh địa ngục.
Giấy
in lời cầu nguyện cho người đã khuất và hình ảnh của họ được thân nhân
đặt lên các các khay trước mỗi Caitya (xưa kia các tờ giấy này viết
tay). Người tham gia Lễ Đèn cúng dường cho họ bằng cách rắc gạo, kẹo
bánh hoặc tiền xu vào đó.
Thầy Sato, Trụ trì chùa Nhật Bản ở Lumbini cũng tham gia Lễ Đèn
Vòng
kinh hành kết thúc ở Tháp Asoka (Tháp Bắc, một trong bốn Tháp Asoka ở
Patan). Tôi ước tính một vòng kinh hành người tham gia có dịp chiêm bái
hơn 300 chùa, đền và tháp, vượt qua quãng đường chừng 2 cây số trong
vòng hai giờ đồng hồ không được dừng chân. Trời mưa ngâu cũngcó mặt tốt
là làm cho người tham gia kinh hành không cảm thấy nóng bức. Từ đây Phật
tử có thể lập lại không ngừng các vòng kinh hành theo ứơc nguyện (càng
nhiều lần càng tốt).
Tôi cũng cầu nguyện cho cha mẹ đã khuất của tôi mỗi khi đến một Caitya;
chỉ tiếc mình không có duyên (nghi thức này chỉ dành cho người có người
thân vừa mất trong vòng một năm mà thôi) và sức khỏe để thực hành nghi
thức bái lạy mỗi Caitya như anh thanh niên hiếu kính Newar nọ. Trời sáng
rõ và tôi sực tỉnh khỏi cơn mơ trong đó tôi thấy mình dường như đi
ngược thời gian trở về nhiều thế kỷ trước để tham gia vào một buổi lễ cổ
kính của Vulan nguyên thủy.
NGUYỄN PHÚ -MÙA GŪLA 2010 – Patan -Kathmandu