Hiển thị các bài đăng có nhãn Bangladesh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bangladesh. Hiển thị tất cả bài đăng

17 tháng 10, 2013

QUAN ĐIỂM CỦA TÔI VỀ TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG


  • TẤT CẢ CÁC TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG ĐỀU DẠY NGƯỜI TA LÀM ĐIỀU TỐT, LÀM LÀNH TRÁNH DỮ, RÈN LUYỆN THÂN TÂM.
  • TẤT CẢ CÁC TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG ĐỀU BÌNH ĐẲNG NHƯ NHAU.
  • TÔI KHÔNG CUỒNG TÍN CŨNG NHƯ KHÔNG HẠ THẤP HAY TÔN CAO BẤT KỲ MỘT TÔN GIÁO HAY TÍN NGƯỠNG NÀO.
  • NẾU CÓ VIẾT BÀI LIÊN QUAN ĐẾN CÁC TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG, PHONG TỤC, TẬP QUÁN Ở MỌI NƠI TÔI CÓ DỊP ĐẶT CHÂN ĐẾN TÔI SẼ CỐ GẮNG TƯỜNG THUẬT NHỮNG GÌ TÔI THẤY ĐƯỢC, BIẾT ĐƯỢC, HIỂU ĐƯỢC; TUYỆT ĐỐI TRÁNH BÌNH LUẬN (NO COMMENT).

16 tháng 10, 2013

Eid Al-Adha "TẾT BANGLADESH"


Hôm nay là ngày bắt đầu lễ hội hiến tế Eid Al-Adha của người theo đạo Hồi trên khắp thế giới. Với đa số trong 200 triệu dân theo đạo Hồi và là một trong các lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của Bangladesh, có thể xem Eid Al-Adha như là Tết của người Bangladesh.


PHẦN 1: NGUỒN GỐC LỄ HỘI EID-AL-ADHA:



Trong số các lễ hội Hồi giáo tổ chức trên thế giới Eid ul- Adha hoặc Bakri -Id giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của toàn thể cộng đồng. Ngày thánh này trong tiếng Ả Rập được gọi là Eid al-Adha : Lễ hội của 'hiến tế'
Eid-al- Adha là cực kỳ quan trọng đối với người Hồi giáo
. Lễ này được tổ chức vào ngày thứ 10 của tháng thứ 12 theo âm lịch Hồi giáo, sau khi các cuộc hành hương Hajj hoàn tất, là trụ cột thứ năm của đạo Hồi (sẽ có bài riêng về đạo Hồi sau). Lễ hội được đặt tên theo nguồn gốc của nó nằm trong lịch sử Hồi giáo.

Chuyện rằng vào ngày này rằng Thiên Chúa (Allah) quyết định thử nghiệm đức tin của Abraham. Theo truyền thống Hồi giáo , khoảng bốn ngàn năm trước đây , thung lũng Mecca (​​ngày nay thuộc Saudi Arabia) là một nơi khô cằn trơ đá và đá, không có người ở. Allah hướng dẫn Abraham (Ibrahim trong tiếng Ả Rập) mang Hajar, vợ ông ta, và Ismail (Ishmael), đứa con duy nhất của ông ta mới sinh vào thời điểm đó đến nơi hoang vắng này. Khi Abraham chuẩn bị cho cuộc hành trình trở về lại xứ Canaan, bà vợ Hajar hỏi ông : "Có phải Allah muốn bạn để chúng tôi lại đây ? Hoặc là bạn muốn cho chúng tôi ở lại đây để chết. " Abraham quay lại đối mặt với vợ mình. Ông buồn rầu nói rằng ông không thể nói bất cứ điều gì . Ông chỉ vào bầu trời cho thấy rằng Allah đã truyền cho ông phải làm như vậy . Hajar nói: " Nếu thế, Allah sẽ không lãng phí chúng tôi , bạn có thể đi" . Mặc dù Abraham đã để lại một số lượng lớn các thực phẩm và nước cho Hajar và Ishmael , các nguồn cung cấp vơi đi một cách nhanh chóng, và trong vòng một vài ngày hai người bắt đầu cảm nhận được sự khổ sở của nạn đói và mất nước. Hajar chạy lên và xuống giữa hai ngọn đồi gọi là Al- Safa và Al- Marwah bảy lần, trong cuộc tìm kiếm tuyệt vọng các nguồn nước . Kiệt sức, cuối cùng cô quỵ xuống bên cạnh Ishmael bé bỏng và cầu nguyện sự giải thoát của Allah. Thật kỳ diệu, một nguồn nước tươi mát chảy ra từ trái đất dưới chân của bé Ishmail. Với nguồn cung cấp nước an toàn, được gọi là giếng Zamzam, họ không chỉ đủ cho nhu cầu riêng của họ, mà còn có thể bán nước uống cho khách lữ hành và dân du mục để đổi lấy thực phẩm. Nhiều năm sau, Allah đã hướng dẫn Abraham đã quay trở lại từ xứ Canaan để xây dựng một nơi thờ phượng bên cạnh giếng Zamzam. Abraham và Ishmail xây dựng một cấu trúc đá và vữa - được gọi là Kaaba [chính là hòn đá đen hình lập phương vuông vức, thánh tích số một của đạo Hồi tại Mecca ngày nay-NP]- đó là nơi tập hợp cho tất cả những ai muốn củng cố đức tin của họ vào Allah.
Hòn đá đen thánh tích ngày nay ở Mecca-nơi vợ và con của Abraham được Allah ban cho nguồn nước


  Sau đó, khi Ishmail khoảng 13 tuổi (Abraham là 99), Allah quyết định thử nghiệm đức tin của họ trước công chúng. Abraham đã có một giấc mơ kỳ lạ, trong đó Allah yêu cầu ông ta hiến tế con trai mình, người mà Allah đã ban cho ông sau nhiều năm cầu nguyện. Abraham biết rằng những giấc mơ của các tiên tri được Thiên Chúa linh ứng , và đấy là một trong những cách thức mà Allah truyền đạt ý muốn. Khi giấc mơ đã trở thành rõ ràng với ông , Abraham quyết định thực hiện lệnh của Allah. Trong khi chuẩn bị cho lễ hiến tế, Quỷ Satan cám dỗ Abraham và gia đình của ông để cho hắn thực hiện mệnh lệnh của Allah. Họ đã xua đuổi Satan đi xa bằng cách ném đá vào nó [ngày nay hành động này được tái hiện bởi các người hành hương Hồi giáo bằng cách ném đá vào một trụ cột biểu tượng cho Satan trong các nghi thức Hajj-NP].

Mặc dù Abraham đã sẵn sàng hy sinh
vật thân yêu nhất của mình vì lợi ích của Allah, ông không thể mang con trai của mình đến đàn tế mà không có sự đồng ý cậu ấy. Ishmail phải được tham khảo ý kiến ​​về việc liệu cậu có sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của mình để thực hiện các lệnh của Allah. Đây sẽ là mộtthử nghiệm lớn cho sự trưởng thành của Ishmail trong đức tin , tình yêu và cam kết với Allah, sẵn sàng tuân theo cha mình, và sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích của Allah. [NO COMMENT!]

Abraham trình bày vấn đề này với con trai của mình và Ishmael không
hề do dự chấp nhận hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích của Allah.
Abraham hiến tế con trai mình cho Allah

Khi
ở đàn tế Abraham bắt đầu cắt cổ họng của Ishmael , ông rất ngạc nhiên khi thấy rằng Ishmael không hề hấn gì và thay vào đó, ông nhìn thấy một con cừu đực đã bị tay mình cắt cổ họng.  Abraham đã vượt qua thử thách: sẵn sàng thực hiện lệnh của Allah .
   Như một phần thưởng cho sự hy sinh này , Allah đã ban tin lành cho Abraham: sự ra đời của con trai thứ hai của ông , Ishaaq .
Chuyện Abraham đã chỉ ra rằng tình yêu của mình cho Allah thay thế tất cả những người khác : rằng anh sẽ hy sinh mạng sống của mình hoặc cuộc sống của những người thân thiết nhất của anh theo mệnh lệnh của Allah. Người Hồi giáo kỷ niệm hành động tột cùng của sự dâng hiến cho đức tin này mỗi năm. Và đấy là nguồn gốc lễ Eid al- Adha .


(Còn tiếp)




15 tháng 4, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI BANGLADESH-NEPAL-ẤN ĐỘ

  NHÂN DỊP NĂM MỚI Ở BANGLADESH-NEPAL-ẤN ĐỘ KÍNH CHÚC CÁC BẠN MỘT NĂM ĐẦY HẠNH PHÚC VÀ NIỀM VUI!


 

Mình đang cố gắng viết chi tiết về "Tết" ở Nam Á, mong các bạn đón xem. 

7 tháng 4, 2013

TRANG ĐIỂM VÀ TRANG SỨC CỦA PHỤ NỮ ẤN ĐỘ

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN:

   Mình vốn "favour" vẻ đẹp của phụ nữ Ấn. Lúc mới lớ ngớ đến Ấn Độ và Nepal, mình chưa hiểu biết gì về phong tục tập quán của người ở Tiểu Lục địa cho nên mặc dù cái thằng họa sĩ mê sắc đẹp trong mình cứ háo hức muốn chiêm ngưỡng vẻ mặn mà của người đẹp miền Bắc Ấn, nhưng cứ phải lấm lét vì sợ vi phạm những điều cấm kỵ của phong tục địa phương trong việc giao thiệp với người khác giới. Không khéo có thể bị chồng hay người thân của họ rượt mà đập cho một trận thì xúi quẩy cả đời hi hi... Cho nên mình cố gắng tìm hiểu các "chỉ dấu" để nhận biết đâu là một phụ nữ Ấn đã kết hôn (các chỉ dấu này cũng có thể áp dụng cho cả Nepal).
  Các kiểu trang điểm và trang sức sau đây dành cho các phụ nữ đã kết hôn, không chỉ tôn thêm nét đẹp của họ mà còn là những dấu hiệu quan trọng đánh dấu một cuộc đời mới của người phụ nữ.
  He he mời các bác "háo sắc" ghi nhớ 16 dấu hiệu này để .... thận trọng khi tiếp xúc vì họ là người đã có chồng....

  Đầu tiên, họ sẽ mặc chiếc sari màu đỏ, và ...


22 tháng 12, 2012

BÃI BIỂN DÀI NHẤT THẾ GIỚI: COX's BAZAR - PHẦN 2


 DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI: TẮM BIỂN KIỂU BANGLADESH


Bangladesh là một nước Hồi giáo, theo phong tục Islam, phụ nữ khi ra đường phải che kín 100%. Tuy thế, chiếc áo choàng đen với khăn trùm đầu chỉ hở đôi mắt sâu thẳm không ngăn chặn được sức hấp dẫn tự nhiên của phái đẹp đối với mình mà chỉ càng thêm cuốn hút, quyến rũ mình lao về họ như một con thiêu thân không sợ lửa. Bangladesh hiện đại đã có nhiều phụ nữ đi làm ở công sở, vả lại luật lệ đạo Hồi xứ này cũng không quá nghiêm khắc như ở Pakistan hay Afghanistan, cho nên tỷ lệ phụ nữ đeo khăn trùm đầu cũng không còn chiếm đa số. Dù vậy, ngoại trừ khuôn mặt tuyệt đẹp ra, bạn sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ phần thân thể nào của phụ nữ ở đây. Ở Ấn Độ, bạn có thế ngất ngây trước những vòng eo tuyệt mỹ, những bờ vai trần hoàn hảo, những tấm lưng nuột nà không tỳ vết hay cả đôi gò bồng đảo nóng bỏng bên dưới chiếc áo cánh cách điệu chỉ nhỉnh hơn chiếc áo ngực tý xíu của những giai nhân tuyệt sắc những khi chiếc sari của họ hững hờ buông thả. Phụ nữ Bangladesh cũng choàng sari, nhưng bên trong là cả bộ áo dài kín đáo, không hở một centimetre nào cho các đôi mắt phàm tục như mắt của mình lợi dụng. Tối đa, bạn chỉ có thể ngắm một cách kín đáo gương mặt và đôi tay của họ; nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của một phụ nữ không phải vợ mình là một hành động khiếm nhã và vô cùng xúc phạm đến những thân nhân là đàn ông của họ- và điều ấy có thể tước đi cuộc đời tươi đẹp của bạn.
  Đêm ấy thức khuya, mình ngủ chập chờn với giấc mơ về một bãi biển tràn ngập những người đẹp Bangladesh mặc những bộ bikini tung tăng trên cát nóng… giống như bãi biển Mumbai…

  Anh chàng Mafuzur ngủ nướng nên mãi tới hơn 8 giờ sáng bọn mình mới ra tới bãi biển. Hôm ấy là ngày thứ sáu, ngày nghỉ hàng tuần của dân Bangladesh nên bãi biển Cox’s Bazar khá đông các gia đình từ Chittagong đi nghỉ mát (giống như dân Saigon đi chơi biển Vũng Tàu vậy). Mình háo hức đi thật nhanh xuống bãi cát vàng rực rỡ dưới mặt trời mùa đông để chứng kiến giấc mơ của mình đêm qua thành sự thực… Ha ha… Bé cái nhầm! Nói theo kiểu “Chiếc nón kỳ diệu” là: “Bikini? Không có một chiếc bikini nào cả!”... Hi hi, câu “nothing” của anh chàng Sak quá đúng.  

Nam phụ lão ấu… tất tần tật mặc quần áo nghiêm chỉnh như đi hội chợ… lũm chũm chạy xuống, sóng nước chỉ vỗ tới mắt cá chân đã cười ré lên vội vã chạy trở lại. Thi thoảng có một vài người dám ra xa hơn chừng 5-7m, nơi nước ngập tới … đùi… rồi đứng đó chờ sóng biển đến mà nhảy sóng … rồi cười sung sướng mãn nguyện… Tắm biển kiểu Bangladesh là như vậy đấy!   




  
Dân Bangladesh thật là hoang phí!
Sở hữu một bãi biển số một thế giới mà không tận hưởng cái thú vui đùa cùng sóng nước. Sở hữu những người đẹp làm phái mày râu thót tim mà không hề khoe ra… (để mình có dịp ngắm trộm… hu hu buồn năm phút). Sở hữu nguồn hải sản phong phú, đa dạng không thua kém Việt Nam mình mà không biết thưởng thức các món luộc, hấp, nấu lẩu, kho, nấu hủ tiếu hải sản, nấu canh chua, nướng, làm mắm… Phí quá!
Hai cô nàng hở hang nhất bãi biển ngày hôm ấy...

  Mình xách cái handycam lượn vòng vèo từ đầu xóm-nhúng-nước-biển đến cuối xóm-chạm-nước-biển. Tuyệt không thể tìm ra một chị em nào dám mặc… mà nói gì phái nữ, kể cả đàn ông cũng không ai cởi trần. Chán ơi là chán. Chán đến nỗi mình cũng không tắm biển luôn. Thứ nhất là nếu mình cởi trần thì sợ sẽ bị bắt vì tội… “công xúc tu xỉ”  he he… Thứ nhì: không có chỗ tắm nước ngọt! Một lần nữa anh chàng Sak lại nói đúng. Mặc nguyên bộ đồ mà dầm nước biển rồi phải lội bộ hơn cây số về khách sạn để tắm nước ngọt rồi lại lóc cóc quay xuống đây thì chết còn sướng hơn.
Không tắm, thế là mình muốn đi dọc theo bờ biển ngắm cảnh. Mafuzur gọi một chiếc auto-ricksaw made in China rồi cả hai lên đường. Xe chạy tà tà trên con đường nhựa nhỏ dọc theo bờ biển ngăn cách bãi cát vàng và dãy đồi thấp.


Bên này là gò đồi hoang vu, sau mươi km lại nhường cho những làng xóm bình dị. Bên kia, bọt sóng trắng nối tiếp bọt sóng trắng như những chiếc hôn cuồng nhiệt biển Bengal gửi cho bờ cát vàng yểu điệu. Thi thoảng, một khoảng vườn dừa thơ mộng làm chỗ nghỉ chân cho những tâm hồn lãng mạn. Rồi những xóm chài nhỏ bé với những chiếc thuyền hai mũi cong cổ truyền của ngư dân Bangladesh đủ để cho các phó nháy chụp cả ngày mà triển lãm...




  Chốc chốc, một người dân địa phương bày trên lớp rơm mỏng bên vệ đường những quả dưa chín mọng xanh vỏ đỏ lòng, ngọt lịm tận kẽ răng được trồng ngay trên bãi cát vàng gần đó. Thế là mình được ăn Tết sớm. Bạn cũng có thể dừng chân nơi một vườn dừa và yêu cầu chủ vườn leo lên bẻ dừa cho bạn. Haiza, kỳ này dân Bến Tre trổ tài nha. Anh chàng chủ vườn đu bên dưới bẹ lá theo yêu cầu của mình bẻ thử một trái ở từng quài quăng xuống, mình búng búng vỏ dừa rồi phán cái này chưa có cái (còn non theo cách nói của dân xứ dừa tức chưa có cơm dừa); cái này nạo (cơm dừa vừa ăn); cái này cứng cạy (cơm dừa dày ăn không ngon)… Dĩ nhiên là giải thích vòng vo bằng tiếng Anh bồi rồi… Mấy chục năm xa quê, hổng ngờ không bị lụt nghề …làm mấy anh chàng địa phương mắt tròn mắt dẹt thán phục… Chỉ tiếc là bây giờ già rồi, lại mập ú nữa nên không còn leo dừa được, nếu không mấy anh chàng địa phương này phải lé mắt luôn trước các tuyệt chiêu của dân xứ dừa…
Dưa hấu đêêê... ăn Tết sớm đêêê

   Nếu đi vào các làng chài vào buổi sáng hay chiều bạn có thể mua được hải sản tươi rói mới đánh bắt từ biển về. Nhớ kỷ niệm hai mươi năm trước mình về quê thằng bạn đại học ở Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ngày nào cũng được ăn cá thu tươi, mực tươi hấp chấm nước mắm sống. Bước vào một chợ làng ở đây (Cox’s Bazar), cũng đầy đủ cá mực tôm tép tươi chong… Thế là lên kế hoạch cho tháng tới về đây sẽ không ở khách sạn mà sẽ vào trong làng mướn nhà ở trọ, mặc sức mà nấu nướng theo kiểu Việt Nam he he…
   Thực ra nếu muốn tắm trần (với quần áo tắm, dĩ nhiên) bạn chỉ cần chịu khó đi xa ra khỏi thành phố và làng mạc. Mình đã nghĩ ra chiêu chở theo hai can 20l nước ngọt để tắm lại và mang theo mấy cái võng cho lần sau về Cox’s Bazar (tốt hơn nữa là có một thùng bia và dụng cụ để nướng thức ăn ha ha). Còn đơn giản hơn nữa là tắm đêm, tuy nhiên ở đây đêm xuống biển cả tối mịt mù với lại còn sợ “cá lạ” nó rỉa cho một phát thì toi, nên không tắm đêm cho nó lành hi hi…
  Phải cảnh giác với người địa phương nha bạn!(nói đùa nha...) Lonely Planet ấn bản mới nhất về Bangladesh xuất bản năm… 2008 nói rằng dân Bangladesh rất tò mò và sẽ bu kín lấy người ngoại quốc. He he… năm 2012 không đến nỗi như vậy nhưng quả thực là dân Bangladesh rất tò mò và thích tiếp xúc với người nước ngoài, dù là “Tây mũi tẹt da vàng” như mình. Ở Nepal, mình thường bị nhầm là người bản xứ, trong khi ở Bangladesh cái mặt của mình từ xa một cây số cũng dễ dàng nhận ra là người nước ngoài giữa đám đông người bản xứ có màu da bánh mật nồng nàn, mắt to sâu, mũi cao.  Câu thường xuyên bạn bị hỏi là: “Anh từ đâu đến? Bangladesh thế nào? Đẹp hông?”  Tuy đen so với dân Việt nhưng dân Bangladesh da sáng hơn người ở Nam Ấn Độ và tóc thẳng chứ không xoăn. Có lẽ, người Bangladesh là hợp chủng giữa Dravidian (dân Nam Ấn có nguồn gốc từ Phi Châu) và dân Mon-Khmer (Miến Điện).

Nụ cười hồn nhiên của các em bé địa phương

  Biển ở đây có màu xanh da trời hơi ngả sang màu ngọc bích. Bờ cát dài không ô nhiễm, không rác rưới, không bịch nylon. Nước trong văn vắt. Quả là Thiên đường cho dân mê biển. Nói rằng bãi biển Cox’s Bazar còn hoang sơ là nói ở thì hiện tại và quá khứ, chứ tương lai gần thì không còn bao xa… Mình chỉ đi dọc theo con đường nhựa nhỏ chạy song song theo bờ biển vài chục cây số, thế mà đã thấy toàn bộ đất đã được chia lô xí phần, có khoảnh đã bắt đầu xây dựng các resort, hotel 5-7 sao, có khoảnh vẫn còn là các trại cá giống nhưng cũng chỉ là tình trạng xí phần đã diễn ra ở Nha Trang hơn chục năm trước. Mafuzur bảo rằng cách đây vài năm giá đất dọc theo con lộ này rẻ bèo chỉ 1-2 ngàn đô 1000m2. Nay thì rớ vào là phỏng tay. 100 ngàn đô 1000m2 và đang lên giá từng ngày. Anh bạn trẻ của mình cũng chốp được một lô đất từ tiền lời của vụ kinh doanh đầu tiên (mình sẽ kể sau về anh chàng này và thế hệ của anh ta được gọi bằng nick “The Campus Generation” ở Bangladesh. Rất đáng cho các bạn trẻ tìm hiểu). Lô đất của Mafuzur không nằm ở mặt tiền, nhưng hắn kiếm thêm được một apartment nhìn ra biển ở một building cao cấp đang xây dựng. “Năm sau anh về đây thì khỏi phải ở khách sạn.” Hắn cười hãnh diện.    





  Năm 2011, Cox’s Bazar cũng lọt vào tầm ngắm của New Open World Corporation (NOWC) –Tổ chức lừa đảo bầu chọn 7 kỳ quan thế giới mới. (Đã là kỳ quan của Tạo hóa mà còn bầu chọn thì bùn cời hỉ?)   May mà chính phủ Bangladesh tỉnh táo, người dân không mù quáng mê muội nên không có những tên bố láo nhắn hàng trăm nghìn tin nhắn bầu chọn và ép nhân viên cũng phải nhắn tin bầu chọn hay có những ông quan đầu đất làm trò khỉ mang cả đứa bé miệng còn hôi sữa ra bấm tin nhắn như trường hợp Vịnh Hạ Long. Thế là NOWC lẳng lặng cút khỏi Bangladesh đồng thời xóa tên Cox’s Bazar ra khỏi danh sách dỏm 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. (Ở một bảng xếp hạng khác không cần bầu chọn, Cox’s Bazar xếp chung nhóm với Vịnh Hạ Long trong mục Kỳ quan tự nhiên châu Á. Châu Á thôi chứ chẳng thế giới, thế gian gì ráo trọi). Bangladesh đâu có cần mua cái bánh vẽ của NOWC! Hữu xạ tự nhiên hương, các tập đoàn du lịch hàng đầu thế giới tranh nhau đầu tư hotel, resort, hàng triệu du khách hàng năm nườm nượp tìm đến nơi này.
   Điểm kết thúc của bãi biển dài nhất thế giới Cox’s Bazar là Teknaf, cũng là điểm cực nam trên đất liền của Bangladesh, ngăn cách với Myanmar bằng một biên giới tự nhiên: con sông Naf. Đến đây bạn sẽ có thể có thêm một cuộc phiêu lưu cảm giác mạnh: thuê thuyền đi ngược dòng sông Naf giữa hai quốc gia Bangladesh và Myanmar. Chuyến đi này chỉ dành cho những tay ưa mạo hiểm, điếc không sợ súng… từ lính biên phòng cả hai bên Bangladesh và Myanmar… Nghe mà ham rồi lại sợ. Hổng biết lần sau về Cox’s Bazar mình có dám đi không nữa…

  Rồi nếu chán cảnh lang thang “bờ cát dài phẳng lặng” (Xuân Diệu), bạn có thể theo tàu ra các hòn đảo. Nổi tiếng nhất chính là đảo Saint Martin với những rạn san hô và rùa biển, với những con suối nước ngọt nơi bạn có thể tắm tiên…

  Xe chạy hơn tiếng đồng hồ, 30km, mà bờ cát vàng vẫn mời gọi đi mãi đi mãi… Sợ xe hết… pin nên mình bảo Mafuzur nói tài xế quay xe về (thực ra mình sợ phải đẩy xe he he)… Đây là loại xe tuk-tuk do Trung Quốc chế tạo chạy bằng bình ắc-quy, giá rất rẻ chừng trên dưới 1000USD; hiện đã bắt đầu phổ biến khắp Bangladesh (mình sẽ nói về xe cộ và giao thông ở Bangladesh ở bài khác). Ưu điểm của loại xe này là không khói, không tiếng ồn. Mỗi lần sạc đầy bình accu có thể chạy … từ sáng tới tối – bác tài nói vậy. Nhưng khi mình hỏi tiếp chạy cả ngày chừng bao nhiêu cây số, bác ấy hồn nhiên nói chừng trên dưới 50km… Hú hồn! Đẩy cái xe Trung Quốc mắc dịch này suốt 50km về lại thành phố chắc cặp giò mình xin nghỉ hưu non…

   Nếu thích một bãi biển hoang sơ đẹp đến nao lòng, nếu muốn tìm kiếm cảm giác thanh bình yên ả, hay tận hưởng một tuần trăng mật “độc” suốt đời không thể nào quên thì Cox’s Bazar là nơi xứng đáng cho bạn tìm đến. Nhanh lên bạn! Cox’s Bazar đang lột xác từng ngày từ một cô gái chân quê chất phác thật thà trở thành một quý bà thành thị diêm dúa. Không lâu nữa đâu, những cảnh đẹp thơ mộng này rồi chỉ còn là ký ức đẹp đẽ giống như đã từng xảy ra với những bãi biển xô bồ ngày nay ở Việt Nam.

18 tháng 12, 2012

BÃI BIỂN DÀI NHẤT THẾ GIỚI: COX’s BAZAR


DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI: CỰC NAM BANGLADESH-
COX's BAZAR BEACH KỲ QUAN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI

  Với 125km không bị gián đoạn, Cox’s Bazar của Bangladesh được ghi nhận là bãi biển tự nhiên dài nhất thế giới (The longest beach of the world).
  Tên nguyên thủy của bãi biển này Pengwa (Hoa Vàng – Yellow Flower) đã gợi hứng cho mình đặt nickname Cúc Nhiệt Đới cho Bangladesh :D. Cox’s Bazar là nơi phải đến và đáng đến nhất ở Bangladesh.

   Theo lịch sử, vùng đất này thuộc về người Rakhyn. Năm 1784, vua Miến Điện là Monwaing tấn công vùng này, giết chết vua địa phương Thamada. Năm 1799, Công Ty Đông Ấn của Anh (East India Company-Tổ chức được Nữ hoàng Anh bán cho quyền quản lý và khai thác thuộc địa Ấn Độ của Đế Quốc Anh với giá 01 đồng vàng) cử thuyền trưởng Hiram Cox dẫn quân tấn công Pengwa. Cox thắng trận, đoạt được vùng này. Ông ta cho xây dựng nơi này thành một thị trấn với một cái chợ ở trung tâm (bazar theo tiếng Hindi). Cox chết trong năm 1799 với những kế hoạch xây dựng vùng này còn dở dang, dân địa phương bắt đầu gọi vùng này là Cox's Bazar (Chợ của ông Cox) từ đấy.
Bãi biển dài hàng trăm cây số còn hoang sơ chưa bị công nghiệp du lịch tàn phá

   Từ thủ đô Dhaka xuống hải cảng Chittagong bằng đường bộ là 264km. Từ Chittagong phải đi tiếp xuống vùng cực nam Bangladesh thêm 154km để đến Bãi biển dài nhất thế giới.
  Trước khi đến Cox’s Bazar, mình tưởng tượng nơi này chỉ là một thị trấn tỉnh lẻ, nhất là sau khi nghe anh chàng doanh nhân Bangladesh tên Sak- kẻ rong chơi khắp thế giới-khuyên mình đừng đi Cox’s Bazar vì nơi đó “nothing”. Thế nhưng mấy anh bạn trẻ đối tác của mình thì cứ nhất mực kéo mình đi bằng được, “Anh sẽ hối hận cả đời nếu đến Bangladesh mà không thăm viếng Cox’s Bazar.” Họ quả quyết. Ừ, thì đi. Vốn dĩ đấy cũng là tuyến đường trong kế hoạch của mình thăm viếng các địa điểm: Bandarban-thành lũy Phật giáo cuối cùng ở Bangladesh; Ramu-nơi diễn ra cuộc đốt phá các ngôi chùa và làng xóm của Phật giáo 2 tháng trước bởi bọn cực đoan Hồi giáo, và trại tỵ nạn của người Rohingya-nhóm sắc tộc đang gây ra các cuộc xung đột ở biên giới Myanmar và  Bangladesh. (Các chủ đề này sẽ viết sau khi về tới Nepal… hi hi). Thế là kiếm một cái xe và lên đường cùng với Mafuzur.
  Xe mình đến Cox’s Bazar vào lúc 8 giờ tối. Đang ngái ngủ sau chặng đường bị nhồi xóc đến từng cái xương già nua, ánh đèn lóa mắt của một thành phố làm mình bừng tỉnh. Xe đi vào con phố mới, hai bên là những khách sạn 10-20 tầng hiện đại cái nọ chen chúc cái kia. Vặn cửa kính xuống, không khí mát rượi không thể lẫn của biển tràn vào xóa tan mệt nhọc của một chặng đường dài. Mafuzur đã book một phòng đôi ở khách sạn 5 sao Long Beach Hotel. Giá rẻ đến bất ngờ: 120$/ đêm. Nhận phòng xong, cả hai vội vã rửa mặt rồi tranh thủ…check mail qua wifi. 9 giờ đêm, Mafuzur kéo mình đi lang thang ra khỏi khách sạn.
  Chắc các bạn đã từng biết đến thói quen đi ngủ sớm của người ở Lục địa Ấn Độ? Ở Nepal, sau 8 giờ tối là khó tìm taxi, trong khi các cửa tiệm (trừ quán bar, nhà hàng, casino…ở khu người nước ngoài) thì đóng cửa lúc 6-7 giờ tối. Ấn Độ thì muộn hơn, nhưng cũng không quá 8-9 giờ tối. Bangladesh làm mình bất ngờ. Bữa tối xuống đến Chittagong đã 11 giờ đêm nhưng các cửa hàng, tiệm, quán đều mở cửa, đèn mở sáng choang dù rất ít khách hàng. Cox’s Bazar cũng không ngoại lệ.
  Mình và Mafuzur tản bộ dọc theo phố chính rồi rẽ xuống hướng biển. Gần 10 giờ đêm, hàng quán vẫn còn sáng choang ánh đèn. Dãy cửa hàng cá khô làm mình nhớ đến Vũng Tàu. Thử tìm thì không thấy tôm khô, chỉ có ruốc khô. Còn cá thì vô thiên lủng, có cả khô cá khoai  hi hi… Ấn tượng nhất là mấy con khô hoành tráng treo trước cửa tiệm dài từ 1,5 đến hơn 2m… Kế đó là các gian hàng bán vỏ ốc và đồ lưu niệm từ san hô, ốc… Không có gì đặc sắc và đẹp, thua đồ mỹ nghệ biển ở Vũng Tàu, Côn Đảo, Nha Trang… (Các bạn nhớ đừng mua các hàng này vì sẽ bị tịch thu khi qua phi trường Bangladesh đó!)
Cửa hàng khô các loại

Con khô này dài tới 2 m

  Bọn mình băng qua một con đường nhựa hẹp chạy giữa phố chính và bờ biển. Ôi chao, dọc theo đường xuống biển là các quầy bán hải sản tươi sống với ngọn đèn dầu tù mù…Dạ dày mình réo sùng sục nhưng phải dằn lòng bấm bụng đi theo Mafuzur cho… khỏi quê…
  Từ mép đường nhựa, bãi cát trải dài xuống đến mép nước phải đến hơn 50m. Sóng vỗ ầm ì. Hàng dãy ghế nằm với dù che chạy dài theo bờ biển. Biển Bengal trong đêm tối mịt mù, không có cảnh đèn thắp sáng choang của các thành phố nổi câu mực như ở Việt Nam. Mình dầm đôi chần trần cho đến đầu gối xuống nước. Để cảm nhận vị lạnh ngọt ngào của biển Bengal mùa đông. Để những đợt sóng tiếp thêm sinh lực cho các mạch máu có phần lười biếng của mình vì cái lạnh mùa đông trên Kathmandu. Không khí ấm áp làm mình cảm thấy đã quyết định sáng suốt khi đi tránh mùa đông Nepal ở Bangladesh.
  Chụp vài tấm hình biển đêm xong, bọn mình quay trở lại con đường cũ. Khỏi phải nói mình mừng thế nào. Tấp vào mấy xe hải sản. Ôi trời, cá tươi, tôm và Vow  tôm hùm… Ôi… ghẹ nữa… Chỉ thiếu nghêu sò ốc hến…Mình chốp liền mấy con tôm hùm và ghẹ, bảo Mafuzur trả giá  … he he sử dụng lợi thế người bản xứ để khỏi bị chặt chém (thường dân Bangladesh hét giá chỉ…gấp đôi thôi, chứ không đến nỗi như các nơi du lịch khác giá gấp mười…). Hi hi, cuối cùng mình dzớt một con ghẹ 1kg và 1 con tôm hùm 900gr mà chỉ trả có 5$ (100.000VNĐ). Người bán hàng hỏi mình muốn làm món gì. Thì ra ở đây người ta tẩm hải sản với masala (masala là một hỗn hợp các gia vị theo kiểu Ấn Độ, nhất thiết phải có bột nghệ cho có màu… mình sẽ nói về ăn uống kiểu Bangladesh vào dịp khác). Kiểu ăn thứ hai là tẩm bột chiên. Mất hứng vì dân Bangladesh không biết ăn món luộc, hấp mình nói anh chàng bán hàng cứ rửa sạch rồi chiên. Ôi chao cả đám quay lại nhìn mình như quái vật, người ăn lông ở lỗ… May mà anh chàng Mafuzur xổ một tràng tiếng Bangla cứu nguy,nếu không chắc cả Cox’s Bazar sẽ chạy đến xem trò lạ: ăn thức ăn không có masala… ô..hô…    
Hải sản tươi sống đêêê

    Mafuzur đã đưa mình đi ăn gần hết các nhà hàng lớn ở Chittagong. Anh chàng doanh nhân trẻ măng này không đời nào chịu đưa mình đi các quán bình dân (kể cả khi mình nằn nì để biết về đời sống bình thường của người Bangladesh), chắc là để giữ thể diện (doanh nhân là tầng lớp được kính trọng trong xã hội Hồi giáo Bangladesh)  và nhất là từ lòng hiếu khách đến mức có khi làm mình áy náy. Thế nhưng bữa hải sản tươi sống bên bờ biển này mới chính là bữa ăn ngon miệng nhất của mình suốt ba tuần qua ở Bangladesh. Sống trên núi (Nepal, Kathmandu) nên thức ăn mình thèm nhất là hải sản tươi sống. Còn nhớ cái bữa vào nhà hàng hải sản ngày đầu tiên ở Chittagong, mình hăm hở kêu món cua hấp (steamed crab). Hỡi ôi, con cua bị cắt nhỏ vụn vằn bằng cỡ ngón tay cái, hấp chung với masala nồng nặc đến không còn mùi cua… Hôm nay, khoái trá gặm từng cái chân của con ghẹ khủng, mời Mafuzur hai cái càng, thấy hắn  từ chối thế là không mời lần thứ hai… chén luôn cả cặp. Anh chàng Mafuzur thì gọi cho mình món cá thờn bơn chiên bột, ăn từ tốn với sốt cà. Mình hạ xong con ghẹ thì bắt đầu xử lý con tôm hùm. Bẻ cái đầu ra, trời, gạch tôm miên man… Nghe mình quảng cáo đấy là phần ngon nhất của con tôm, Mafuzur nếm thử để rồi trợn trắng cố dằn sự kinh hãi xuống… He he, mặc kệ, mình hồn nhiên chén con tôm hùm thịt chắc nịch, ngọt đến tận kẽ răng… Mấy anh chàng Bangladesh cứ lạng qua lạng lại xem mình ăn thức ăn không có masala… ha ha...
Con tôm hùm và con ghẹ khủng bố

  Bangladesh theo đạo Hồi nên rượu bia bị kiểm soát gắt gao. Hơi tiếc vì hải sản ăn không thì hơi bị… phí, nhưng không chuẩn bị trước để mua vài lon bia trong các cửa hàng rượu nên đành chịu. Bơm nhậu Việt nam qua đây chắc sẽ thất vọng não nề vì mồi rẻ và đầy ra mọi chỗ mà không được uống chăm phần chăm… hi hi…  
   Hai tên về đến khách sạn lúc hơn 12 giờ đêm. Mafuzur lăn ra ngủ sớm sau khi thống nhất với mình sẽ dậy sớm đi tắm biển. Mình thì vào mạng mãi đến 2 giờ khuya…
   Muốn biết dân Bangladesh tắm biển thế nào xin mời xem tiếp hồi sau sẽ rõ… hi hi
  (Còn tiếp)