28 tháng 6, 2018

TRANH DÂN GIAN MITHILA - TÂM HỒN THƠ MỘNG (3)

Quân đội Hoàng Gia Nepal tuần tiễu trong thời gian nội chiến

Nepal vào những năm cuối cuộc nội chiến đầy những hàng rào kẽm gai, những đồn bót chất đầy bao cát, những lính tráng mặc đồ rằn ri tay lăm lăm súng khắp mọi nơi... những hình ảnh đánh thức ký ức thơ dại của tôi về miền Nam vào thời gian cuối của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Lúc tôi sống ở vùng Lumbini  vào những tháng cuối cùng của năm 2005, đêm đêm vẫn nghe vọng về những tiếng bom nổ ì ùm, những tiếng súng mơ hồ. Tuy nhiên, Khu Lumbini – nơi đản sinh của Đức Phật đã may mắn được các bên tham chiến ngầm thoả thuận đặt ra khỏi những trận đánh giành dân chiếm đất của tất cả các bên. Tôi sống ở Lumbini thì đã may mắn sống trong một “khu trung lập” giữa một vương quốc đang chìm vào những ngày bạo liệt nhất cuối cuộc chiến. Ngồi phía sau chiếc xe bò lọc cọc đi trên con đường làng, nhìn lại về hướng chiếc cầu vẫn còn đang toả khói đen trong bóng hoàng hôn sẫm máu, tôi chợt rùng mình. Nếu chiếc xe bus mà chúng tôi đi không dừng lại để rước thêm khách ở ngã tư vành đai hoặc thiếu vắng đi vài trạm kiểm soát dọc đường có lẽ chúng tôi đã là nạn nhân của vụ đánh bom của quân du kích Maoist. Đây là lần gần nhất mà Thần Chiến Tranh ở Nepal đã phả hơi thở giá lạnh vào tôi.
   Hôm ấy, Cỗ máy thời gian đã vứt tôi ngược lại 30 năm vào thời điểm cộng sản đang chiếm lấy toàn bộ miền Nam giống như quân cộng sản Maoist đang chiếm lấy toàn bộ phần còn lại của Nepal. Dĩ nhiên thời điểm đó tôi không hề nhận ra điều ấy mà mãi nhiều năm sau này mới lờ mờ nhận thấy chuyện kỳ lạ này. Sau một thời gian ngắn nữa, Cỗ máy thời gian lại sẽ tái hiện cho tôi cái cảnh cộng sản dẫn dắt quần chúng bao vây lấy hoàng cung, lật đổ nhà vua của vương triều đã tồn tại hơn hai trăm năm mươi năm giống như cộng sản Việt Nam đã làm với triều đình Nguyễn ở Huế năm 1945. Nhưng đó là chuyện về sau, khi vương quốc Hindu cuối cùng trên Trái Đất bị cộng sản Maoist xoá bỏ một cách bạo liệt. Còn ngay lúc này đây, Cỗ máy thời gian đang phóng chiếu cho tôi những ảo ảnh của một vương quốc vô cùng nổi tiếng hơn hai ngàn năm trước.

16 tháng 6, 2018

TRANH DÂN GIAN MITHILA - TÂM HỒN THƠ MỘNG (2)

Khai bút Mùng Một Năm Mậu Tuất 2018

Giống như thần thoại là phóng chiếu những ước mơ của con người, tranh Mithila là phóng chiếu những tưởng tượng của người Mithila một cách hồn nhiên và thơ mộng nhất. NP
    
___________________
Đám cưới Rama và Sita - Tranh dân gian Mithila
      Tôi ra đến bến xe Gongabu – bến xe mới lớn nhất của Kathmandu vào lúc 7 giờ sáng một sớm đầu Đông 2006. Ba ngày trước lễ hội Vivah Panchami- kỷ niệm đám cưới của Ram và Sita, khoảng tháng 11 Tây lịch. Quầy vé bán cho tôi một vé đi Janakpur với giá khoảng 3USD có ghi số xe, số ghế đàng hoàng. Quảy chiếc ba lô chỉ vỏn vẹn 2 bộ đồ, một hộp bánh và chai nước, tôi đi tìm số xe và leo lên một chiếc xe bus đường dài trang trí sặc sỡ như tất cả mọi chiếc xe ở Tiểu Lục Địa. Xe có hai dãy ghế, mỗi hàng 3 ghế có trùm ghế bằng vải cotton dày màu vàng. May cho tôi, số ghế của tôi ở sát cửa sổ, vị trí tôi thích ngồi dù là đi máy bay hay xe đường dài để ngắm cảnh thoải mái. Ngồi chờ khoảng nửa tiếng thì có một đôi vợ chồng già người Nepal lên ngồi cạnh tôi. Họ chừng trên dưới 70 nhưng nhìn cái cách người đàn ông ân cần, chăm chút từng ly từng tý cho bà vợ giống như một đôi uyên ương mới cưới làm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Người đàn ông mặc quốc phục của người Nepal: nguyên bộ áo dài tay (tapalan) -quần túm ống (suruwa) bằng vải cotton trắng, ngoài khoác một gilet đen, đầu đội nón topi đen, Người phụ nữ dĩ nhiên vận bộ sari đỏ - trang phục của hàng trăm triệu phụ nữ khắp Nam Á. Với tính tình cởi mở của cả người Nepal và dân Nam Bộ, chúng tôi mau chóng làm quen với nhau. Ông bà họ Thapa (một họ thuộc giai cấp quý tộc Nepal), ông từng làm công chức cấp cao, đã nghỉ hưu và lần này họ xuống Janakpur để coi mắt cô gái họ định cưới cho con trai của họ đang ở Anh Quốc. Biết ý nguyện của tôi muốn thăm viếng và tìm hiểu quê hương của Janaki (“con gái vua Janaka”), ông Thapa hứa sẽ nhờ người địa phương giúp tôi. Đúng là duyên lành.

2 tháng 6, 2018

TRANH DÂN GIAN MITHILA – TÂM HỒN THƠ MỘNG (1)

“I try to apply colors like words that shape poems, like notes that shape music. ”
- Joan Miro

“Tôi cố gắng ghép các màu sắc [vào bức tranh] giống như các từ tạo nên bài thơ, giống như các nốt tạo nên bản nhạc” Joan Miro- Danh hoạ Tây Ban Nha thế kỷ 20
____________
 Hội hoạ là môn nghệ thuật vô thanh.
Thế nhưng, với những danh hoạ như Joan Miro hay Picasso, tranh vẽ của họ lại rộn vang âm thanh bởi những sắc màu mang đầy “tiếng” của cuộc đời.
Ở Vương quốc Mithila ngày xưa, ngày nay bị chia đôi bởi biên giới hai nước Nepal và Ấn Độ, có một dòng nghệ thuật cổ xưa lại cất tiếng ca hát, mộng mơ như thế trước cả Joan Miro và Picasso nhiều thiên niên kỷ. Dòng tranh dân gian Mithila hay còn gọi là Madhubani, lấy theo tên một làng ngày ngay nằm ở bang Bihar thuộc India.
Ghép từ nhiều trích đoạn của các tranh Mithila
  Ngắm nhìn tranh Mithila, người xem chừng như có thể thấy được những vũ điệu mê hồn của màu và sắc, có thể nghe được tiếng nhạc lạc quan yêu đời của con người và thiên nhiên Ấn Độ và có thể cảm được cái chính xác nhất là “Tâm Hồn Ấn Độ” - Soul of India, mà không một dòng tranh nào của Ấn Độ có thể làm được.
  Ngây thơ và hồn nhiên.
  Tranh Mithila phô bày được cái “bản thể nguyên sơ” của tâm hồn con người. Phô bày được khoảnh khắc đầu tiên con người xúc động trước Cái Đẹp và tìm cách lưu nó lại để thưởng thức.

  Tranh Mithila lại còn phô bày được con đường tiến hoá của nghệ thuật đi từ giản đơn đến phức tạp rồi cuối cùng giản dị hoá trở về với chính mình như thế giới trong đôi mắt trẻ thơ; chỉ còn lại những vần thơ đầy màu sắc lay động cảm xúc của mọi trái tim  yêu Cái Đẹp.
Tôi chạm trán lần đầu với nghệ thuật hội hoạ Mithila một cách rất bất ngờ. Cuối tháng 11 năm 2006, sau khi đã ở Nepal được hơn một năm, tôi mới hội đủ cơ duyên để làm một chuyến phiêu lưu nho nhỏ xuống vùng Nam Nepal giáp giới Ấn Độ. Hồi ấy, cuộc nội chiến Nepal đang đi vào giai đoạn kết thúc và cũng giống như cuối thời gian loạn lạc ở bất cứ nơi đâu chuyện mất trật tự trị an là một hệ luỵ đi kèm cho các cuộc “cách mạng bạo lực”. Huống chi, đó lại là vùng biên giới luôn luôn mở cho bất kỳ người Ấn Độ và Nepal nào qua lại tự do, lại là vùng quân đội Maoist Nepal với sự hỗ trợ của Maoist Ấn Độ hoạt động mạnh mẽ nhất.
 Vì sao tôi “phải” tìm đến tận nơi ấy?