Hiển thị các bài đăng có nhãn Art. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Art. Hiển thị tất cả bài đăng

28 tháng 6, 2018

TRANH DÂN GIAN MITHILA - TÂM HỒN THƠ MỘNG (3)

Quân đội Hoàng Gia Nepal tuần tiễu trong thời gian nội chiến

Nepal vào những năm cuối cuộc nội chiến đầy những hàng rào kẽm gai, những đồn bót chất đầy bao cát, những lính tráng mặc đồ rằn ri tay lăm lăm súng khắp mọi nơi... những hình ảnh đánh thức ký ức thơ dại của tôi về miền Nam vào thời gian cuối của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Lúc tôi sống ở vùng Lumbini  vào những tháng cuối cùng của năm 2005, đêm đêm vẫn nghe vọng về những tiếng bom nổ ì ùm, những tiếng súng mơ hồ. Tuy nhiên, Khu Lumbini – nơi đản sinh của Đức Phật đã may mắn được các bên tham chiến ngầm thoả thuận đặt ra khỏi những trận đánh giành dân chiếm đất của tất cả các bên. Tôi sống ở Lumbini thì đã may mắn sống trong một “khu trung lập” giữa một vương quốc đang chìm vào những ngày bạo liệt nhất cuối cuộc chiến. Ngồi phía sau chiếc xe bò lọc cọc đi trên con đường làng, nhìn lại về hướng chiếc cầu vẫn còn đang toả khói đen trong bóng hoàng hôn sẫm máu, tôi chợt rùng mình. Nếu chiếc xe bus mà chúng tôi đi không dừng lại để rước thêm khách ở ngã tư vành đai hoặc thiếu vắng đi vài trạm kiểm soát dọc đường có lẽ chúng tôi đã là nạn nhân của vụ đánh bom của quân du kích Maoist. Đây là lần gần nhất mà Thần Chiến Tranh ở Nepal đã phả hơi thở giá lạnh vào tôi.
   Hôm ấy, Cỗ máy thời gian đã vứt tôi ngược lại 30 năm vào thời điểm cộng sản đang chiếm lấy toàn bộ miền Nam giống như quân cộng sản Maoist đang chiếm lấy toàn bộ phần còn lại của Nepal. Dĩ nhiên thời điểm đó tôi không hề nhận ra điều ấy mà mãi nhiều năm sau này mới lờ mờ nhận thấy chuyện kỳ lạ này. Sau một thời gian ngắn nữa, Cỗ máy thời gian lại sẽ tái hiện cho tôi cái cảnh cộng sản dẫn dắt quần chúng bao vây lấy hoàng cung, lật đổ nhà vua của vương triều đã tồn tại hơn hai trăm năm mươi năm giống như cộng sản Việt Nam đã làm với triều đình Nguyễn ở Huế năm 1945. Nhưng đó là chuyện về sau, khi vương quốc Hindu cuối cùng trên Trái Đất bị cộng sản Maoist xoá bỏ một cách bạo liệt. Còn ngay lúc này đây, Cỗ máy thời gian đang phóng chiếu cho tôi những ảo ảnh của một vương quốc vô cùng nổi tiếng hơn hai ngàn năm trước.

16 tháng 6, 2018

TRANH DÂN GIAN MITHILA - TÂM HỒN THƠ MỘNG (2)

Khai bút Mùng Một Năm Mậu Tuất 2018

Giống như thần thoại là phóng chiếu những ước mơ của con người, tranh Mithila là phóng chiếu những tưởng tượng của người Mithila một cách hồn nhiên và thơ mộng nhất. NP
    
___________________
Đám cưới Rama và Sita - Tranh dân gian Mithila
      Tôi ra đến bến xe Gongabu – bến xe mới lớn nhất của Kathmandu vào lúc 7 giờ sáng một sớm đầu Đông 2006. Ba ngày trước lễ hội Vivah Panchami- kỷ niệm đám cưới của Ram và Sita, khoảng tháng 11 Tây lịch. Quầy vé bán cho tôi một vé đi Janakpur với giá khoảng 3USD có ghi số xe, số ghế đàng hoàng. Quảy chiếc ba lô chỉ vỏn vẹn 2 bộ đồ, một hộp bánh và chai nước, tôi đi tìm số xe và leo lên một chiếc xe bus đường dài trang trí sặc sỡ như tất cả mọi chiếc xe ở Tiểu Lục Địa. Xe có hai dãy ghế, mỗi hàng 3 ghế có trùm ghế bằng vải cotton dày màu vàng. May cho tôi, số ghế của tôi ở sát cửa sổ, vị trí tôi thích ngồi dù là đi máy bay hay xe đường dài để ngắm cảnh thoải mái. Ngồi chờ khoảng nửa tiếng thì có một đôi vợ chồng già người Nepal lên ngồi cạnh tôi. Họ chừng trên dưới 70 nhưng nhìn cái cách người đàn ông ân cần, chăm chút từng ly từng tý cho bà vợ giống như một đôi uyên ương mới cưới làm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Người đàn ông mặc quốc phục của người Nepal: nguyên bộ áo dài tay (tapalan) -quần túm ống (suruwa) bằng vải cotton trắng, ngoài khoác một gilet đen, đầu đội nón topi đen, Người phụ nữ dĩ nhiên vận bộ sari đỏ - trang phục của hàng trăm triệu phụ nữ khắp Nam Á. Với tính tình cởi mở của cả người Nepal và dân Nam Bộ, chúng tôi mau chóng làm quen với nhau. Ông bà họ Thapa (một họ thuộc giai cấp quý tộc Nepal), ông từng làm công chức cấp cao, đã nghỉ hưu và lần này họ xuống Janakpur để coi mắt cô gái họ định cưới cho con trai của họ đang ở Anh Quốc. Biết ý nguyện của tôi muốn thăm viếng và tìm hiểu quê hương của Janaki (“con gái vua Janaka”), ông Thapa hứa sẽ nhờ người địa phương giúp tôi. Đúng là duyên lành.

2 tháng 6, 2018

TRANH DÂN GIAN MITHILA – TÂM HỒN THƠ MỘNG (1)

“I try to apply colors like words that shape poems, like notes that shape music. ”
- Joan Miro

“Tôi cố gắng ghép các màu sắc [vào bức tranh] giống như các từ tạo nên bài thơ, giống như các nốt tạo nên bản nhạc” Joan Miro- Danh hoạ Tây Ban Nha thế kỷ 20
____________
 Hội hoạ là môn nghệ thuật vô thanh.
Thế nhưng, với những danh hoạ như Joan Miro hay Picasso, tranh vẽ của họ lại rộn vang âm thanh bởi những sắc màu mang đầy “tiếng” của cuộc đời.
Ở Vương quốc Mithila ngày xưa, ngày nay bị chia đôi bởi biên giới hai nước Nepal và Ấn Độ, có một dòng nghệ thuật cổ xưa lại cất tiếng ca hát, mộng mơ như thế trước cả Joan Miro và Picasso nhiều thiên niên kỷ. Dòng tranh dân gian Mithila hay còn gọi là Madhubani, lấy theo tên một làng ngày ngay nằm ở bang Bihar thuộc India.
Ghép từ nhiều trích đoạn của các tranh Mithila
  Ngắm nhìn tranh Mithila, người xem chừng như có thể thấy được những vũ điệu mê hồn của màu và sắc, có thể nghe được tiếng nhạc lạc quan yêu đời của con người và thiên nhiên Ấn Độ và có thể cảm được cái chính xác nhất là “Tâm Hồn Ấn Độ” - Soul of India, mà không một dòng tranh nào của Ấn Độ có thể làm được.
  Ngây thơ và hồn nhiên.
  Tranh Mithila phô bày được cái “bản thể nguyên sơ” của tâm hồn con người. Phô bày được khoảnh khắc đầu tiên con người xúc động trước Cái Đẹp và tìm cách lưu nó lại để thưởng thức.

  Tranh Mithila lại còn phô bày được con đường tiến hoá của nghệ thuật đi từ giản đơn đến phức tạp rồi cuối cùng giản dị hoá trở về với chính mình như thế giới trong đôi mắt trẻ thơ; chỉ còn lại những vần thơ đầy màu sắc lay động cảm xúc của mọi trái tim  yêu Cái Đẹp.
Tôi chạm trán lần đầu với nghệ thuật hội hoạ Mithila một cách rất bất ngờ. Cuối tháng 11 năm 2006, sau khi đã ở Nepal được hơn một năm, tôi mới hội đủ cơ duyên để làm một chuyến phiêu lưu nho nhỏ xuống vùng Nam Nepal giáp giới Ấn Độ. Hồi ấy, cuộc nội chiến Nepal đang đi vào giai đoạn kết thúc và cũng giống như cuối thời gian loạn lạc ở bất cứ nơi đâu chuyện mất trật tự trị an là một hệ luỵ đi kèm cho các cuộc “cách mạng bạo lực”. Huống chi, đó lại là vùng biên giới luôn luôn mở cho bất kỳ người Ấn Độ và Nepal nào qua lại tự do, lại là vùng quân đội Maoist Nepal với sự hỗ trợ của Maoist Ấn Độ hoạt động mạnh mẽ nhất.
 Vì sao tôi “phải” tìm đến tận nơi ấy?

24 tháng 5, 2013

ĐỨC PHẬT SAKYA ĐẢN SANH - SỰ THẬT HAY HUYỀN THOẠI?

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN 2557

Tượng Phật đản sanh có "thần" nhất, đẹp nhất mà tôi từng được biết. Vốn dĩ là một pho tượng đồng, không biết vì lý do gì người ta phủ những lớp sơn thật dầy lên toàn pho tượng. Thời gian đã cải chính những lỗi lầm của những người sơn tượng. Những dấu vết ngẫu nhiên mà thời gian mấy chục năm qua lưu lại đã hoàn thiện bức tượng. Hãy ngắm đôi mắt của tượng, ta như cảm thấy lòng từ bi, sự xót thương cho chúng sinh của Trái Đất này trầm luân trong Vòng Luân Hồi. Tượng được đặt trong khu vườn bên trái của ngôi chùa Quốc Gia Nepal ở Lumbini.Đây là ngôi chùa đầu tiên tại Lumbini (thập niên 1950) do chính phủ hoàng gia Nepal dựng nên.




 Sau đây xin mời các bạn xem qua bài nghiên cứu rất hay của tác giả Tâm Quảng

****************
Tác giả: Tâm Quảng
Lời cảm tạ:  Tác giả chân thành cảm tạ GS TS Trần Thị Lợi, nguyên chủ nhiệm Bộ Môn Phụ Sản trường Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã đọc bài viết trước đây của tôi về đề tài này (Đức Phật ra đời như thế nào?) và đã gợi cho tôi nhiều ý kiến quý báu để tôi viết lại bài này.  

8 tháng 11, 2012

THẦN TÀI ẤN ĐỘ - NỮ THẦN LAKSHMI


 PHẦN I

 
  Sống ở Nepal sướng nhất là ăn Tết, Tết gần như có mỗi tháng. Tết Nepal-Dashain vừa mới dứt mọi người lại chuẩn bị đón Tết Ấn Độ – Dipawali/Tihar. Tết này là Tết lớn thứ nhì với người Nepal, nhưng lại là Tết lớn nhất trong năm của người Hindu tại Ấn Độ. Dipawali/Tihar diễn ra trong 5 ngày bắt đầu từ 28/9 Âm lịch Việt Nam, năm nay rơi vào ngày Chúa nhật 11/11/2012.
  Nếu như Dashain của Nepal là 15 ngày cúng lễ Nữ thần Durga chỉ có ngày cuối cùng (rơi vào ngày rằm) dành để cúng lễ Nữ thần Lakshmi (xin đính chính: phiên âm chính xác theo Sanskrit là LAKSHMI chứ không phải LAXMI như các bài trước tác giả đã sử dụng); thì Đại lễ hội/Tết Dipawali-Tihar dành riêng để cúng lễ Nữ thần Thịnh Vượng-May Mắn-Sắc Đẹp Lakshmi. Mình sẽ cố gắng viết về Tết Ấn Độ Dipawali-Tihar sau, riêng bài này xin dành cho nhân vật chính: Thần Tài Ấn Độ-Lakshmi.


Có lẽ có nhiều bạn đã từng đến phi trường Suvarnabhumi tại Bangkok, Thái Lan. Ở sảnh lớn của phi trường ấy, các bạn thấy một cụm tượng rất đẹp miêu tả 2 nhóm người dùng thân mình một con rắn khổng lồ xoay một cái trục có con rùa lớn làm trụ để khuấy đảo biển cả. Cụm tượng này tên là Samudra manthan theo Sanskrit, nghĩa là The Churning of the Milk Ocean (Sự tích Khuấy Động Biển Sữa), diễn lại một chuyện trong thần thoại Ấn Độ (tích này thường được mô tả tại các đền thờ Hindu mà hoành tráng nhất là ở Angkor Wat, Cambodia). Và đấy cũng chính là sự tích xuất hiện của Nữ thần Lakshmi.
Samudra manthan ở phi trường Suvarnabhumi tại Bangkok


Ngày xửa ngày xưa, Indra (Hán Việt là Đế Thích, Vua của các thần linh theo thần thoại Ấn Độ), một hôm cưỡi voi đi dạo. Khi đi ngang qua một khu rừng, một vị ẩn sĩ đứng bên đường dâng tặng Indra một mala (vòng hoa). Theo phong tục Ấn, đấy là một hành động tôn kính vì vòng hoa tượng trưng cho Shri (Sanskrit nghĩa là May mắn, Fortune). Indra hoan hỷ nhận lễ vật ấy và đặt lên vòi con voi mà mình đang cưỡi. Nhưng xui xẻo thay, vòng hoa làm từ hoa rừng ấy lại có mùi rất hắc. Con voi liền vứt vòng hoa xuống đất và lấy chân giẫm nát. Một hành động cực kỳ xúc phạm và báng bổ.
  Vị ẩn sĩ liền hiện nguyên hình là một vị thần tên là Durvasa Muni. Ông ta nguyền rủa Indra và toàn bộ các vị thần (Devas) sẽ bị mất hết sự bất tử, quyền phép,  báu vật và sự may mắn giống như các yêu tinh (Asuras).
  Hay tin ấy, các Asura liến kéo đến thách thức các vị thần đã mất hết quyền phép và của cải nhằm chiếm lấy thiên giới.
   Lo lắng vì có thể mất hết tất cả, các Deva liền tìm đến sự tư vấn của Vishnu, Thần Bảo Hộ-một trong ba vị thần tối cao của Hindu. Vishnu tiết lộ thông tin rằng trong lòng Biển Sữa ( Samudra theo Sanskrit, dịch tiếng Anh là Milk Ocean, có lẽ là Vịnh Bengal ngày nay) có chứa rất nhiều báu vật kể cả một bình chứa Amrita (Nectar of Immortality-Nước/Mật Trường Sinh Bất Tử). Vishnu cố vấn cho các thần thách thức các Asura ra Biển Sữa thi thố tài năng. Các Devas và Asuras dùng Vua Rắn Vasuki (trong hình dạng một con rắn khổng lồ có 7 hoặc 9 đầu) quấn quanh cái trục và kéo về hai phía (như cách người xưa khuấy bơ từ sữa). Do được sự cố vấn của Vishnu, các Deva giành phần đuôi rắn, còn phần đầu với chín chiếc đầu phun nọc độc của vua rắn Vasuki thì “nhường” cho các Asura. Cả hai nhóm kéo-đẩy thân mình khổng lồ của Vasuki khuấy động Biển Sữa như người ta đánh bơ.
 Ngọn núi Mandara dùng làm trục từ từ chìm xuống dưới mực nước. Để giúp cho các Deva khôi phục quyền lực, Vishnu liền hóa thân thành Kurma (thần rùa) cõng ngọn núi Mandara trên lưng dội lên khỏi mặt nước để các Deva tiếp tục công việc.
  Sau cả ngàn năm bị khuấy đảo đến tận đáy, Biển Sữa ngầu bọt và các vật chứa trong lòng nó từ từ nổi lên.
  Đầu tiên là Halahala, chất kịch độc thiêu rụi bất kỳ thứ gì nó chạm đến (có lẽ là nọc độc của Vasuki phun ra suốt quá trình khuấy Biển Sữa). Cái cục khổng lồ Halahal đó cứ nhằm các Deva mà đuổi theo làm họ bỏ chạy tán loạn. May nhờ Shiva, Thần Bảo hộ-Tái sinh và Hủy diệt xuất hiện và nuốt trộng cục Halahala nên cứu thế giới khỏi họa hủy diệt. (sự tích này dẫn đến lễ hội Shivaratri xin trình bày vào dịp khác).
  Kế đến, từ trong đám bọt trắng, một hoa sen tuyệt đẹp nổi lên, nở ra, hiển lộ một nữ thần mặc toàn đỏ bên trong. Đó chính là Lakshmi, nữ thần Thịnh Vượng và May Mắn. Vishnu liền trút bỏ hóa thân “rùa Kurma”, xuất hiện trở lại là một vị thần tối cao và “handsome”, hoan hỷ nâng bàn tay Lakshmi đưa về cung của mình làm vợ.

  Các vị Deva, sau khi Shiva nuốt Halahala, vội vàng quay trở lại để đón lấy các Ratna (Sanskrit: báu vật) đang từ nổi lên từ đáy Biển Sữa.
·         Apsara: tiên nữ. Ô… các Deva chia nhau mỗi người một tiên.
·         Sura: nữ thần Rượu được các Asura chiếm lấy.
·         Kamadhuk: Bò cái Thần của các ước nguyện. Lakshmi ngự trên lưng bò cái thần này mà về với Vishnu (tục thờ bò của Hindu phát xuất từ đây).
·         Airavata: Voi trắng thần. Indra bắt lấy thay cho con voi ngu xuẩn lúc trước.
·         Ngựa 7 đầu Uchhaishravas bị Demon bắt.
·         Vishnu còn chớp được viên ngọc quý báu nhất thế gian là Kaustubha, cái ốc tù và Shankha.
·         Cây hoa thần Parijat với những  bông hoa không bao giờ héo được các Deva mang về cung trời của Indra.
·         Shiva được dâng tặng mặt trăng Chandra đặt lên trán Ngài để sức lạnh mặt trăng làm dịu đi cơn nóng cháy của chất độc Halahala.
Các báu vật nổi lên từ Biển Sữa

   Cuối cùng, cái bình Amrita chứa nước trường sinh huyền thoại nổi lên. Deva và Asura đánh nhau dữ dội để giành cái bình Amrita quý giá. Chim Thần Garuda, vật cưỡi của Vishnu quắp lấy cái bình Amrita bay lên cao bể bảo vệ nó khỏi bị vỡ do vũ khí của hai bên.
   Rahu, một quỷ vương có cánh đã bay theo Garuda và giành được Amrita. Rahu đáp xuống một đỉnh núi hí hửng nhìn ngắm bình Amrita trước khi mở nắp để thưởng thức.  Bỗng nhiên xuất hiện trước mặt Rahu một tiên nữ vô cùng khiêu gợi tên là Mohini (chính là Vishnu biến hình). Mohini nhảy múa mừng cho Rahu đã giành được giải nhất của cuộc thi giữa Deva và Asura. Khi Rahu mê mẩn với những vũ điệu của mình, thừa cơ Mohini-Vishnu chớp lấy cái bình Amrita tung cho các Deva đang chờ ở chân núi.
 Không chút chậm trễ, các Deva chia nhau đến giọt cuối cùng của Amrita và bất tử trở lại.
(Xin mời xem tiếp phần II vào các ngày tới)

24 tháng 2, 2012

SAMYAK BUDDHA - HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT

  Hôm nay mùng ba tháng hai Âm lịch, có một sự kiện quan trọng của người Newar 4 năm mới xảy ra một lần: SAMYAK BUDDHA (dịch nôm là HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT) .
 Mình đi lễ Phật và chụp hình lễ hội này từ 3 giờ chiều tới giờ (23h30) đừ quá. Pót tạm mấy tấm hình trước , mai chụp tiếp pót sau...








28 tháng 1, 2012

TÔN VINH SARASVATI - NỮ THẦN KIẾN THỨC, ÂM NHẠC và NGHỆ THUẬT

-->
TÔN VINH SARASVATI - NỮ THẦN KIẾN THỨC,  ÂM NHẠC và NGHỆ THUẬT


SARASVATI -Nữ Thần Kiến Thức, Âm Nhạc và Nghệ Thuật
Không gì có thể so sánh với học vấn –kiến thức – kỹ năng. Nhất là trong thế kỷ 21 này, thế kỷ của Kinh Tế Tri Thức. Là xứ sở có nền văn minh lâu đời và liên tục hơn 5,000 năm, Tiểu Lục Địa truyền trao sự quý trọng học vấn của mình qua các thế hệ bằng một phong tục đẹp: Vasant Panchami – Ngày Tôn Vinh Nữ Thần Học Vấn, Âm Nhạc và Nghệ Thuật Sarashvati.

-->
Hôm nay mùng năm là ngày kết thúc hội xuân Tamang với buổi chung kết cuộc thi Ca-Múa Tamang và Miss Tamang 2012. Ngoài ra còn có giọng ca vàng Prasant Tamang, người làm cả nước Nepal phát sốt cách đây 5 năm vì giật được giải nhất Indian Idol – cuộc thi ca nhạc danh giá nhất Ấn Độ. Thực ra anh chàng này mang quốc tịch Ấn, gốc gác vùng đồi trà nổi tiếng Darjeeling. Tuy nhiên dân Tamang được Tiểu Lục Địa Ấn Độ xếp vào gốc gác Nepal nên xứ sở Nepal nhỏ xíu (20 triệu người so với 1 tỷ của Ấn Độ) hãnh diện biết bao nhiêu. Anh bạn họa sĩ bật mí cho biết Ban Tổ chức hội xuân sẽ chơi chiêu giật gân bằng cách mướn 4 chiếc trực thăng để chở danh ca Prasant Tamang, 24 ứng viên hoa hậu và các khách VIP vào sân, một phần cũng vì lượng người tham gia hội xuân ngày hôm nay sẽ đông đảo. Mình ngán ngẩm chuyện chen chúc, vả lại hôm nay còn có một sự kiện quan trọng hơn chuyện đi xem mặt mấy chàng ca sĩ và nghe mấy cô hoa hậu hát ;-D. Hôm nay là ngày Vasant Panchami.     
Cầu nguyện Manjusri-Sarasvati trong ngày Vasant Panchami

    Không gì có thể so sánh với học vấn –kiến thức – kỹ năng. Nhất là trong thế kỷ 21 này, thế kỷ của Kinh Tế Tri Thức. Là xứ sở có nền văn minh lâu đời và liên tục hơn 5,000 năm, Tiểu Lục Địa truyền trao sự quý trọng học vấn của mình qua các thế hệ bằng một phong tục đẹp: Vasant Panchami – Ngày Tôn Vinh Nữ Thần Học Vấn, Âm Nhạc và Nghệ Thuật Sarashvati.
Viết tên mình bằng phấn lên các bề mặt của Đền để cầu nguyện Nữ Thần Kiến Thức độ trì

Viết chữ cái đầu tiên


Các đôi tình nhân thì viết tên mình cùng nhau cầu Thần Tình Yêu phù hộ

   Ngày này còn được gọi là Shree Panchami (Ngày Mùng Năm Vĩ Đại) là ngày đầu tiên của mùa xuân. Theo phong tục, ngày này trẻ con được học mặt chữ đầu tiên từ bảng chữ cái Devanagari (Bảng chữ cái của Sanskrit, Hindi, Nepali… có nguồn gốc từ bảng chữ cái Brahmi cổ đại), các gia đình tế cáo tổ tiên và các đôi tình nhân thì lễ bái thần Kamadeva (Thần tình yêu). Tuy nhiên quan trọng nhất trong ngày này là việc lễ bái Nữ thần Sarasvati.
   Sarasvati là người phối ngẫu của Thần Sáng Tạo Brahman – một trong ba vị thần chúa tể của Hindu giáo. Nữ thần được mô tả trong nghệ thuật Ấn với một cung cách uy nghi sang trọng, mặc sari trắng, ngự trên tòa sen trắng, có bốn tay cầm các thứ như: kinh sách-xâu chuỗi hoặc hoa sen trắng–đàn sita. Bốn tay này còn tượng trưng cho bốn khía cạnh của con người trong chuyện học tập: trí nhớ-thông minh-sự nhanh trí và bản sắc cá nhân. Vật cưỡi của Nữ Thần là con ngỗng trắng.
 
   Nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, thầy giáo và sinh viên học sinh đủ các lứa tuổi lễ bái Sarasvati cầu mong Nữ thần ban cho kiến thức và kỹ năng. Lễ cúng Nữ Thần được gọi là Sarasvati Puja. Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức của Nepal ngày hôm nay cùng tham dự một nghi lễ đặc biệt gọi là Vasant Shrawan tại hoàng cung cũ của các vua Malla. Các VIP nhận tika (chấm ban phước màu đỏ ở trán) và nghe các thầy tư tế Hindu tụng đọc kinh sách.
Trẻ cầu nguyện

Già cũng cầu nguyện Nữ Thần
   Có một phong tục Hindu là: nếu ai nuốt được bảy hạt gạo (tượng trưng cho các bộ môn văn học nghệ thuật) dâng cúng cho Nữ Thần Kiến thức, người đó sẽ trở nên thông thái học một biết mười. Thế là học trò chen lấn nhau giành giật từng hạt gạo rơi ra từ các bàn thờ trong đền thờ Sarasvati.
Các đồ cúng trong ngày Vasant Panchami: quan trọng nhất là đèn bơ, gạo , bột vàng và PHẤN (để viết tên lên các bề mặt quanh đền)
Chen chúc nhau lễ bái và...giành các hạt gạo
  Người ta đi đến các đền miếu Sarasvati để lễ bái trong ngày Vasant Panchami. Ở Kathmandu, Ngôi đền linh thiêng nhất cho ngày này lại chính là đền Manjusri trên đồi Swayambu.
  Thật ra không lạ vì Manjusri-Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong truyền thống Phật giáo chính là Bồ Tát chủ về Kiến Thức-Học Vấn. Người Hindu ở Kathmandu thì cho rằng ngôi đền này là đền Sarasvati còn Phật tử thì cả quyết đó là đền Manjusri, người sáng lập ra Kathmandu. Mọi chuyện tranh cãi bắt nguồn từ lịch sử thành lập Kathmandu trong huyền sử (sẽ có một chuyên đề riêng về chuyện này ;-D).
Chùa Swayambhu nhìn từ phòng làm việc nhà mình

Manjusri -Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi

Đền Majusri-Sarasvati trên đồi Swayambhu


  Từ sáng sớm, mọi người đã chen chúc đổ về ngôi đền giản dị này trên đỉnh đồi Swayambhu. Cầu nguyện, xin lộc, cầu duyên, học vỡ lòng… Tôi cũng đến đây để cầu nguyện cho chuyện học tập của mình.
   Sáng nay có thế cảm thấy trời không còn lạnh giá như mấy bữa trước bởi vì BASANT có nghĩa là Mùa Xuân, còn Panchami là mùng Năm. Basant Panchami rơi vào ngày mùng Năm tháng Magh, tháng thứ 10 theo lịch Ấn Độ, đánh dấu ngày đầu tiên của mùa Xuân trong năm. Người của Tiểu Lục Địa Ấn Độ chọn ngày đầu tiên của mùa Xuân làm ngày tôn vinh Nữ Thần Sarasvati thật là hoàn hảo và đầy ý nghĩa! Vì mọi sự bắt đầu từ mùa xuân. Hôm nay, tôi cũng tôn vinh Nữ thần Sarasvati và cầu xin Người phù hộ cho một hành trình mới của tôi bằng việc học tượng trưng bảng chữ cái Devanagari để dấn thân vào các ngôn ngữ Hindi, Sanskrit, Pali và Brahmi, để có thể đọc trực tiếp kinh sách và nghiên cứu sâu hơn lịch sử và văn hóa Himalaya.
     Cầu nguyện Bồ Tát Majusri - Nữ thần Sarasvati độ trì và ban cho kiến thức!
Nhận tika ban phúc

   Mùng Năm Tết Nhâm Thìn - Swayambhu
Nguyễn Phú

31 tháng 8, 2010

MỘT PHẬT ĐẢN KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Bút Ký:


      Năm năm trước, tôi rời Lumbini sau khi làm công quả và công tác thiện nguyện tại đây mà lòng buồn bã; không biết có còn dịp trở lại nơi chốn đã làm thay đổi toàn bộ đời tôi. Tôi đã chọn Kathmandu, thủ đô của Nepal, làm nơi dừng chân để học tiếp Phật Pháp và  nghiên cứu lịch sử  họ  Sakya từ chính những người Sakya (Thích Ca) cũng chính là vì muốn có thể trở lại Lumbini bất cứ khi nào.
Hơn 3 năm nay tôi chuyên vẽ về đề tài Đức Phật. Là quê hương của Đức Phật, hơn nữa tại đây còn có một cộng đồng Sakya (Thích Ca) đông đảo sinh sống - những người mà tay nghề vẽ và điêu khắc Đức Phật vào hàng bậc nhất trên thế giới, nên khẳng định một vị trí là điều không dễ dàng. Tôi đóng cửa lặng lẽ làm việc, bỏ qua tất cả mọi thứ để chuyên chú vào đề tài của mình. Thầy Bổn sư của tôi dạy rằng:” “Vẽ tranh chính là Thiền, nhất là vẽ tranh Phật. Tập trung vào Niệm (Sati) cho đến khi “thấy” Đức Phật.” Từ những hình ảnh tưởng tượng,  chủ đề này dần trở thành cụ thể gần như có thể cảm thấy bằng năm giác quan, cho đến một đêm cách đây hơn ba tháng, tôi mơ thấy Đức Phật. Tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng, tôi vội vàng vẽ lên tấm voan trắng hình ảnh mình vừa mơ thấy, sợ rằng nó sẽ tan biến mất. Chỉ trong 5 giờ đồng hồ, tôi đã hoàn thành bức tranh “Light of Asia” (Ánh sáng Á châu), bức tranh tôi ưng ý nhất trong tất cả những bức tôi đã vẽ về Đức Phật, và khi trưng bày thì mọi người cũng đồng ý rằng đó là bức tranh đạt nhất của tôi. Dường như Đức Phật độ trì, nên sau khi hoàn thành “Light of Asia”, Lumbini Development Trust  - LDT (*)  chính thức chọn tôi làm họa sĩ đầu tiên triển lãm tranh Phật tại Sacred Garden (Khu Vườn Thiêng nơi Đức Phật Thích Ca đản sinh) ở Lumbini nhân dịp Phật Đản 2554 (27/05/2010). Đây là một vinh dự không thể nào mơ tới của tôi. Ngoài việc được công nhận một vị trí trong giới vẽ tranh Phật ở Nepal và India, chỉ riêng việc được trưng bày tranh Phật tại nơi Phật đản sinh trong ngày Phật Đản đã là một phước duyên không thể nào đo lường được với tôi.

Tác giả bên bức Light of Asia









   Tất  bật chuẩn bị suốt ba tháng ròng cho sự kiện quan trọng nhất của đời mình, tôi gần như không ăn ngủ được. Nhất là được biết Ban Tổ Chức đã lên chương trình để Tổng Thống và Thủ tướng Nepal trong khi tham dự Đại Lễ Phật Đản Cầu Nguyện Hoà Bình cho Nepal ở Lumbini sẽ đến thăm triển lãm “Light of Asia” của tôi. 5 ngày trước lễ Phật Đản mọi việc đã sắp xếp xong, Ban Tổ Chức ưu ái dành riêng cho tôi một chiếc Pajero để mang tranh xuống Lumbini (gần 350km từ Kathmandu). Tôi xếp tranh lên xe và để một người bạn đi theo, phần tôi sẽ đi bằng xe gắn máy. Mọi người đều cho là tôi điên, khi không đi trên xe hơi đầy đủ tiện nghi mà sử dụng một phương tiện đầy nguy hiểm là xe gắn máy. Bởi vì Kathmandu nằm trên độ cao hơn 2.000m trên mực nước biển, còn Lumbini là đồng bằng, đường đèo dốc quanh co đầy vực thẳm, hơn nữa, đường sá nhỏ hẹp hư hỏng nặng nề. Ai cũng khuyên tôi nên đi xe hơi, nhưng tôi nhất quyết giữ ý định của mình. Tôi vốn mê đi trên những cung đường xa bằng xe gắn máy từ khi còn ở Việt Nam. Nó cho tôi cảm giác tự do bay bổng khi hòa cùng đất trời chứ không bị đóng trong một cái hộp sắt di chuyển. Ngoài ra, lý do lớn nhất để tôi chọn xe gắn máy là vì tôi muốn nhân dịp lễ Phật Đản này thăm viếng quê Mẹ và quê Cha của Đức Phật. Anh bạn thân Sarad Sakya biết ý định của tôi liền đưa cho tôi chiếc super moto Fazer Yamaha mới cáu cạnh mà anh mới mua chỉ ba ngày cho tôi. Anh nói, “Lấy nó mà đi, coi như tôi cùng đi với anh về quê của tôi.” Một đề nghị không thể nào từ chối.

Sáng 25/05, tôi lên đường. Kathmandu mùa này nóng, hơn 30 độ C, nhưng ra khỏi thung lũng trời còn nóng hơn. Mặc dù đường đèo với một bên là rừng núi, một bên là sông sâu, nhưng trời không có gió và nắng thì như đổ lửa. Có hề gì. Với một kẻ hơn ba năm đóng kín cửa ở trong nhà vẽ tranh thì tôi bây giờ giống như một con chim sổ lồng bay về quê chốn cũ. Tôi không đi nhanh được vì đường đèo quá quanh co và hư hỏng nặng, nên phải mất hần 3 giờ đồng hồ cho 110km đầu tiên mới tới Mugling, trạm dừng chân và ngã ba đường đi Lumbini hoặc Pokhara. Ở đây, trong lúc tạm dừng để uống nước và làm mát (tôi xối nước ướt đẫm đầu và nửa thân trên của chiếc áo sơ-mi vì trời quá nóng), tôi đọc thấy một tờ nhật báo Nepal đăng tin về triển lãm tranh Phật của tôi. Anh chủ quán nhận ra tôi từ tấm hình trên báo, bắt tay chúc mừng và biếu không tính tiền chai nước ngọt tôi vừa uống. Đó là một cử chỉ hiếm có, vì người miền núi Nepal rất chi li cặn kẽ về tiền bạc, một rupee cũng phải tính. Đọc tiếp tờ báo tôi cảm thấy lo lắng về tình hình chính trị tại Nepal. Ba năm trước trong nỗ lực chấm dứt nội chiến, các đảng chính trị đã đồng ý cho đảng cộng sản Maoist giải giáp và tham gia chính trường Nepal. Năm 2008, Nepal tổ chức bầu cử một Quốc Hội tạm thời để soạn thảo Hiến Pháp mới trong vòng 2 năm. Hai năm đã trôi qua nhưng Hiến Pháp mới không thể hoàn thành, các đảng chính trị muốn gia hạn Quốc Hội thêm một năm trong khi Maoist đòi giải tán Quốc Hội, cách chức Thủ tướng. Tháng trước (04/2010) họ đã tổ chức một cuộc tổng đình công kéo dài một tuần làm tê liệt toàn bộ đất nứơc Nepal. Ngày 28/05/2010 là thời hạn chót để gia hạn Quốc Hội, tình hình các phe phái đấu đá nhau căng thằng như cung tên đã giương lên hết mức. Tôi chỉ biết khấn nguyện thầm trong lòng mong cho Nepal vượt qua được khoảnh khắc cam go này.

Tôi cám ơn anh chủ quán và tiếp tục lên đường. Vượt qua hơn 50km đường xấu nữa, đến địa phận của khu bảo tồn Rừng nguyên sinh Quốc Gia Chitwal thì đường xá rất tốt. Đoạn này hai bên là rừng nên không khí mát dịu. Đường tốt lại vắng xe nên tôi có thể đi nhanh hơn, 80 – 90 km/h. 14h30, tôi đến điểm hành hương đầu tiên của cuộc hành trình: Devdha - quê  mẹ  của Đức Phật (tên đầy đủ theo kinh sách là Devadaha – Thành phố của thần linh). Địa danh này nằm ngay cạnh đường quốc lộ từ Lumbini về Kathmandu, dễ dàng thăm viếng hơn cả Kapilavastu. Ngay tại cổng chào của Devdha, một nhóm trên dưới 50 người địa phương cầm cờ Phật giáo đi diễu hành mừng ngày Phật Đản. Tôi dừng lại chào hỏi. Biết tôi là một Phật tử Việt Nam, họ rất mừng và cho biết đây là phong tục lâu đời của vùng này. Rất tự hào là những người con của Quê Mẹ Đức Phật họ chỉ cho tôi cờ Phật treo rải rác khắp nơi nhân dịp lễ lớn trong năm. Một vị bô lão cho tôi địa chỉ của vị Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Tồn các di tích của Kolya khi nghe tôi có ý định thăm viếng các di tích ở đây. Tôi đã liên lạc với vị này và đã có một cuộc hành hương – du khảo vô cùng thú vị, (Cuộc hành hương –du khảo này sẽ được kể trong loạt bài phóng sự “Về Quê”). Bịn rịn chia tay Quê Mẹ, tôi vượt hơn 100km cuối cùng để đến Lumbini khi trời sẩm tối. Từ ngay cổng chính của Lumbini đã thấy hàng nghìn người hành hương từ các địa phương xung quanh hoặc cả từ Ấn Độ đầu đội những gói hành lý, đi chân trần kéo vào thánh địa. Họ đen đúa, gầy ốm, áo váy cũ kỹ nhưng mắt thì ngời sáng. Không hẳn là người theo Phật Giáo, nhưng người theo đạo Hindu ở đây vẫn tôn thờ Đức Phật Sakya  theo cách riêng của họ.

Ngày kế tiếp, 26/05/2010, bọn chúng tôi dậy từ lúc 5 giờ sáng và tất bật chuẩn bị cho cuộc triển lãm. Căng tranh lên khung xong thì đã hơn 12 giờ trưa, tôi ra chỗ mà Ban Tổ Chức dành cho tôi để triển lãm bên cạnh lễ đài chính. Thật là thất vọng. Cả ba gian dành cho triển lãm đều chưa hoàn tất. Gian bên cạnh tôi, do đã có kinh nghiệm từ trước, nên Cục Khảo Cổ Nepal đã mang theo toàn bộ vật dụng từ Kathmandu xuống và ung dung chuẩn bị cho gian của họ. Gian của giới nhiếp ảnh có một nhóm nhiếp ảnh gia giận dữ đang đôi co với nhóm thợ lắp ráp với thái độ bề trên. Phần tôi, tôi liên lạc với các vị trong Ban Tổ Chức thì ai cũng bận rộn, vị này chỉ sang vị khác. Cuối cùng tôi quyết định phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Tôi chớp lấy anh chàng thanh niên trông coi nhóm thợ lắp ráp và hết sức lễ độ nhờ anh ta giúp đỡ. Trái ngược với thái độ phớt lờ khi bị nhóm nhiếp ảnh gia hoạnh họe, anh này giúp tôi hết sức nhiệt tình, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ sau, gian triển lãm của chúng tôi đã hoàn tất, có cả thảm lót nền, tinh tươm hơn cả gian của Cục Khảo Cổ và nhiếp ảnh. Đúng là lạt mềm buộc chặt.
Khoảng bốn giờ chiều, tôi đưa anh bạn người Nepal đi một vòng thăm các ngôi chùa ở Lumbini. Nhiều người lấy làm lạ khi thấy một người ngoại quốc làm hướng dẫn viên cho một người Nepal tại Nepal. Có gì đâu, tôi đã sống và làm việc tại Lumbini cả năm trời. Với tôi, Lumbini như là quê hương thứ hai. Vào dịp lễ lớn nhất trong năm này của Lumbini, ngôi chùa nào cũng trang hoàng rực rỡ. Chùa Thái trưng hàng loạt các tượng Phật đản sinh để khách hành hương dán những lá vàng lên theo phong tục các nước phái Tiểu thừa. Một ngạc nhiên với tôi là Cambodia cũng đã khởi công xây chùa ở Lumbini. Chiếc cổng lớn dùng xi măng đắp những phù điêu theo phong cách Angcor Wat mang trên mái năm ngọn tháp thu nhỏ, biểu tượng của đất nước chùa tháp, trông thật ấn tượng. Chùa Trung hoa khi chúng tôi tới thì đã đến giờ đóng cửa, nhưng khi nghe tôi là khách hành hương Việt Nam đã biệt đãi cho phép chúng tôi vào lễ Phật. Ở khu vực Viện Bảo Tàng Lumbini, cách đây hai năm, nhóm 108 ngôi chùa Hàn Quốc khi hành hương và cung thỉnh Xá Lợi Phật về Lumbini đã xây dựng một đài kỷ niệm thật hoành tráng. Trời bỗng nhiên mưa lớn, cơn mưa đầu tiên trong năm sau tám tháng nắng nung nẻ cả đất. Mưa lớn nhưng tạnh nhanh lập tức. Dường như thần mưa (Indra) về đây để chuẩn bị cho ngày lễ trọng.

Mấy anh bạn Nepal trải qua một đêm không ngủ nằm nghe tôi kể về lịch sử họ Sakya. Đến 4 giờ thì trời đã hửng sáng, chúng tôi vội vàng mang tranh ra gian triển lãm để treo. Hoàn tất mọi việc xong thì cũng đã 8 giờ sáng. Bọn ba người chúng tôi (Tôi, bạn tôi và chủ nhân của Gallery Nirvana ở Kathmandu) vội vàng ăn qua loa mấy gói mì ăn liền. Vì phải chịu trách nhiệm cho gian triển lãm của mình nên tôi đành phải bỏ qua buổi cầu nguyện cùng các chư tăng của các chùa ở Lumbini bên cạnh cột đá Asoka. Tiếc không thể tả. Đến 10 giờ thì quan khách bắt đầu đến. Như tôi đã linh cảm, vì tình hình căng thẳng đến mức có thể có đảo chính nên Tổng thống và Thủ tướng của Nepal không thể đến Lumbini được. Hòa Thượng-Học Giả Karma Sangbo Sherpa Phó Chủ Tịch thường trực thay mặt cho Chủ Tịch của Lumbini Development Trust là Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa đã cắt băng khai mạc triển lãm “Light of Asia”. Chúng tôi hết sức xúc động khi rất nhiều khách hành hương và quan khách kéo vào tham quan các bức tranh Phật. Từ anh cảnh sát cơ động, cụ già hơn tám mươi tuổi, cho đến em bé chập chững bước đi, tất cả đều ngắm các vị Phật với vẻ thành kính và chắp tay cầu nguyện. Một du khách đến từ Mehico tỏ ra ngạc nhiên khi bắt gặp một triển lãm tranh ở một nơi khi ho cò gáy như Lumbini. Một quan khách từ đại sứ quán Đức thì lại lo lắng dùm, sợ các bức tranh của tôi sẽ  hư hỏng khi nhiều người sờ chạm. Ông H. D. nghe tin cũng đến xem, và hỏi: “Triển lãm ở đây làm sao bán tranh.” Tôi chỉ cười, “Buddha is not for sale”. (Đức Phật thì không dành để bán). Tôi triển lãm tranh Phật trong ngày lễ trọng này là muốn làm hoan hỷ chư Phật, cầu nguyện bình an cho đất nước của Phật và mang đến cho mọi người nhất là những người nghèo ở xung quanh Lumbini một cơ hội ngắm nhìn chư Phật thông qua nghệ thuật hội họa, qua đó cổ võ mọi người làm thêm nhiều điều tốt đẹp; chứ tôi không có ý định kiếm tiền trong ngày lễ trọng này. Càng nhiều người đến xem thì với tôi đó là thành công. Cho nên mặc dù nguyên tắc của triển lãm tranh là không cho chụp hình, nhưng tôi vẫn để cho một số khách hành hương chụp hình với các bức tranh của tôi. Bất ngờ lớn đến cho tôi khi một quan khách sau khi xem thật kỹ triển lãm đã ngỏ ý mời tôi mang tranh Phật sang nước ông triển lãm. Ông là Aung Kyaw Moe, một quan chức cao cấp của Bộ Tôn Giáo – Myanmar. Một vinh dự không thể nào từ chối. Ông lấy địa chỉ của tôi để gửi thư mời chính thức từ Bộ Tôn Giáo Myanmar và ngỏ ý muốn mua bức “Light of Asia”. Nhưng tôi thành thực nói với ông rằng bức tranh đó là phước duyên lớn nhất mà tôi có được nên tôi sẽ không bán với bất cứ giá nào. Ông hơi thất vọng và mong muốn chụp hình chung với tôi bên cạnh bức tranh đó làm kỷ niệm.
Trời nóng cực độ, hơn 35 độ C trong bóng râm, một tượng trưng cho thế giới đầy đau khổ mà chúng ta đang sống. Và có lẽ đó cũng chính là lý do mà Hoàng Hậu Maya đã xuống tắm ở hồ Pushkarini trong Vườn Lumbini trước khi sinh Đức Phật?

12giờ thì chương trình Đại lễ Phật Đản ở Lumbini bắt đầu cử hành khi Ngài Bộ Trưởng Văn hoá Nepal đáp trực thăng từ Kathmandu xuống. Sau phần khai mạc của Ngài Phó Chủ Tịch Lumbini Development Trust, một đoàn vũ công địa phương người Tharu (* )  trình diễn những vũ điệu cổ truyền được cho rằng có từ thời Đức Phật Thích Ca. Bốn cô vũ công Tharu vận bốn bộ váy áo bốn màu khác nhau tượng trưng cho bốn mùa, đầu đội khăn choàng, trán, cổ, và tay chân đeo những bộ trang sức bằng bạc chạm trổ tinh xảo. Họ nhảy múa nhịp nhàng theo tiếng trống của một nhạc công già và tiếng hát của một dàn đồng ca tám cô gái khác. Tiếng lục lạc đồng trên cổ chân họ reo lên hân hoan, điểm xuyết bằng tiếng chạm của các vòng bạc trên cổ tay họ càng làm cho nhạc điệu thêm quyến rũ. Những tà váy rực rỡ xoay tròn theo bước chân uyển chuyển của họ cuốn hút ánh mắt mọi người. Điệu múa kết thúc với động tác rải hoa lên quan khách và họ nhường sân khấu cho đội vũ công nam. 10 thanh niên mặc trang phục cổ truyền Tharu –  đầu đội khăn trắng, áo dài tay xanh lơ, quần rộng màu trắng, lưng đeo một bó lông công rực rỡ , tay cầm những thanh kiếm gỗ ngắn, đeo trang sức bằng bạc- lần lượt xếp thành hai hàng đối diện nhau. Rồi theo nhịp trống họ bắt đầu trình diễn những động tác hùng dũng như những chiến binh ra trận.
Sau màn ca vũ chấm dứt, chư  tăng các nước lên cầu nguyện hòa bình cho Nepal và  thế  giới. Sau đó, các quan khách đọc cảm tưởng. Cuối cùng, Bộ Trưởng Văn hoá Nepal cũng là Chủ Tịch Lumbini Development Trust công bố thành lập Giải Thưởng Hòa Bình Quốc Tế Gautama Buddha (Đức Phật Cồ Đàm theo tiếng Việt) trị giá 50.000 USD hàng năm, sẽ dành tặng cho những cá nhân hoặc tổ chức truyền bá thông điệp hòa bình của Đức Phật và quảng bá hình ảnh Lumbini trên tòan thế giới.          
Trời bỗng nổi gió lớn xung quanh khu vực Khu Vườn Thiêng. Thật là kỳ lạ, vì chu vi ngoài 500m xung quanh không hề có gió.
 Chiều dần buông và chúng tôi phải thu dọn gian triển lãm dù vẫn còn nhiều khách hành hương đến muộn muốn xem tranh Phật. Xin hẹn với mọi người lễ Phật Đản sang năm vậy.











Đêm ấy, mưa như thác đổ suốt cả đêm cho đến gần sáng. Cơn mưa mát lành đã làm hồi sinh vùng đất khô cằn vì hạn hán. Tất cả người và vật hân hoan đón nhận ân sủng của trời cao. Cây cỏ cũng chuyển mình hát theo nhịp mưa rơi. Cả Vũ trụ tràn ngập trong hạnh phúc mát lành trong ngày đản sinh của Đấng Toàn Giác.

                                                          Lumbini, Phật Đản 2554
                                                          Kathmandu, 03/06/2010

                                                         Nguyễn Phú


(* ) Lumbini Development Trust – LDT là  một tổ chức được thành lập bởi Liên Hiệp Quốc và Chính Phủ Nepal để chuyên lo việc trùng tu, bảo quản các thánh tích liên quan tới Đức Phật Thich Ca tại Nepal theo sáng kiến của U Thant Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc năm 1968.
(*) Tharu là một bộ tộc cổ xưa, dân chúng bản địa của vương quốc Sakya và Kolya.