THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY : BÀI 1
LỜI DẪN: xin trích dịch lại đây vài đoạn trong bản thảo cuốn sách mà mình sắp xuất bản. Sách viết bằng tiếng Anh nên phải dịch lại he he... vì thế giọng văn chắc chắn là không thuần Việt rồi, mong các bạn thông cảm!
Tạm đặt tên cho đoạn này: YẾU TỐ ÂM DƯƠNG TRONG MẬT TÔNG HIMALAYA
(trong sách đây là chương Ba, không có tên)
CHƯƠNG BA
Raj đưa cho Don mảnh giấy mà ông vừa vẽ trên đó, “Cậu có biết cái này là cái gì không?”
Don nhìn lướt qua tờ giấy, trên đó có một hình vẽ ngôi sao sáu cánh
“Đừng nói với tôi đó là Ngôi sao David mà Dan Brown đã đề cập trong quyển Mật mã Da Vinci nha…” Don cười. Nhưng khi thấy vẻ mặt nghiêm túc của Raj, anh vội vàng nói, “Xin lỗi! Tôi nói đùa…”
Raj gật đầu, “Không sao. Đấy thực sự là Ngôi sao David, biểu tượng của Do thái giáo và cộng đồng Do thái. Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng bởi đạo Hồi, Thiên chúa giáo và các tôn giáo Đông phương khác. Trong đạo Hồi, nó được gọi là Khatem Sulayman-Con dấu của Solomon và Najmat Dawuud-Ngôi sao David. Rất nhiều thánh đường Hồi giáo trang trí ngôi sao sáu cánh này. Anh cũng đã biết rằng, Thiên chúa giáo cũng thờ phụng ngôi sao này.”
Ông hoàng Nepal ngừng lại, nhấp một ngụm trà xanh, đoạn tiếp tục với một giọng nói chậm rãi, rõ ràng, “Tuy nhiên, ở Lục địa India, trước khi trở thành ngôi sao sáu cánh, biểu tượng này được sắp xếp như là hai tam giác chạm vào nhau như thế này…” Raj vẽ một hình khác: “”.
“Biểu tượng này được tìm thấy trên những lá bùa ở Mohenjo-daro trong cuộc khai quật năm 1920. Trên thực tế, anh đã trông thấy nó trong hình thức thực nếu anh đã từng thăm viếng một ngôi đền Shiva.” Raj mỉm cười.
“Tôi…” Don ngơ ngác nhìn ông già.
“Linga và Jalari” Raj nhắc.
“Jalari? Bác muốn nói cái bầu đựng nước phía trên mỗi linga?”
“Chính xác! Chúng – Linga và Jalari- chính là hình thức nguyên thủy của các tam giác ngược chiều nhau. Trong Mật tông, chúng chuyển hóa thành muôn hình vạn trạng các sự phối hợp giữa hai tam giác ngược chiều nhau. Như vậy, hơn ba ngàn năm trước, nền văn minh của Thung lũng Indus đã tôn thờ hai tam giác ngược chiều nhau.”
Don cẩn thận xem xét lại hình vẽ của Raj. Nó là một ngôi sao sáu cánh tạo thành bởi hai tam giác đều ngược chiều nhau và lồng vào nhau. Anh chợt nhớ đến sự tò mò của chính mình nhiều năm về trước khi anh lần đầu tiên trông thấy biểu tượng này ở những ngôi đền ở India và Nepal.
“Có lẽ các tôn giáo khác nhau tạo nên ngôi sao sáu cánh này một cách độc lập với nhau, hoặc họ vay mượn từ người khác, hoặc cũng có thể có một mối liên hệ nào đó giữa các tôn giáo phương Đông thông qua biểu tượng này. Anh có biết rằng Jesus Christ đã từng ở Lục địa India hơn mười năm để học hỏi và giảng dạy triết lý và tôn giáo phương Đông trước khi lập ra Thiên chúa giáo nơi quê hương ông?”
Don gật đầu. Anh đã từng đọc qua vài cuốn sách nghiên cứu về thông tin này. Không ngạc nhiên tại sao Thiên chúa giáo lại có nhiều khái niệm, tư tưởng tương đồng với Phật giáo.
“Liên quan đến chủ đề của chúng ta, ngôi sao sáu cánh này có một vị trí rất quan trọng cả trong Mật tông Hindu và Mật tông Phật giáo.” Ông hoàng dẫn dắt chủ đề một cách khéo léo. “ Trong Mật tông Phật giáo, nó được gọi là Sanmukha-biểu tượng của Vajrayogini-vị nữ thần chính yếu. Mặt khác, Mật tông Phật giáo tin rằng Sanmukha biểu tượng hóa sự thống nhất của Pragya-tri thức hay sự giác ngộ và Upaya-sức chuyển hóa hay lực ÂM. Mật tông Hindu gọi nó là Satkon. Anh thấy đó, nó gồm hai tam giác. Cái chỉ mũi nhọn lên là biểu tượng của linga, là Shiva và cái chỉ xuống là biểu tượng của Shakti.”
“Shakti là gì?” Don hỏi.
“Bingo!” Ông già gật đầu vui vẻ. “Shakti là người nữ tương ứng với các vị thần và là một nữ thần. Trong trường hợp này, đó chính là Parvati, vợ của Shiva. Shiva và Parvati chính là những người đã truyền dạy Mật tông cho loài người. Nhân tiện, họ không phải là các vị thần có nguồn gốc Aryan. Có hai mảnh gốm phát hiện được ở Mohenjo-daro. Một là một con dấu hình chữ nhật với một hình tượng người nữ trong hình dạng tam giác chỉ xuống, đầu hướng xuống đất với một cái cây mọc ra từ tử cung của bà. Không nghi ngờ gì, đây chính là nguyên gốc của tam giác chỉ xuống. Mảnh gốm khác mô tả một vị thần với ba gương mặt ngồi trong tư thế yoga-tam giác hướng lên. Đấy chắc chắn là Pashupati- Thần bảo hộ của muôn loài mà sau này được người ta gọi là Shiva.” (Chú thích: Mohenjo-daro thuộc nền Văn minh Indus của người Dravidian, trước khi người Aryan tràn vào Lục địa India. Vì thế ông Raj nói là Shiva và Parvati không phải là các vị thần có nguồn gốc Aryan).
Ông hoàng già lại nhấp một hớp trà xanh, chừng như để cho Don có thời gian thẩm thấu những gì ông vừa nói. Đoạn ông đặt tách trà xuống và tiếp tục, “ Ngôi sao này là tuyệt đỉnh của Mật tông! Bởi vì nó chứa đựng toàn bộ năng lượng của vũ trụ : Shiva và Shakti, Đàn ông và Đàn Bà, Dương và Âm, Lên và Xuống, Hủy Diệt và Sáng Tạo, Sinh và Tử. Toàn bộ vũ trụ trong trạng thái cân bằng, toàn bộ các yếu tố phối hợp hài hòa lẫn nhau... Một Biểu tượng Hai-Mặt-Đối-Lập.”
Raj nói thật chậm để nhấn mạnh cái mà ông muốn Don ghi sâu vào lòng:“Tính Hai-Mặt-Đối-Lập chính là đặc điểm quan trọng nhất trong cả Mật tông Hindu và Mật tông Phật giáo!”