29 tháng 10, 2012

DASHAIN-TẾT NEPAL: KOJAGRAT PURNIMA ĐÊM THỨC TRẮNG ĐÓN NỮ THẦN THỊNH VƯỢNG MAHALAXMI



Update 31/10/2012:
  "Nhập gia tùy tục". Mình thức trắng đêm Kojagrat Purnima, tụng Laxmi Mantra (Thần chú Nữ thần Laxmi) - vì mình sống có một mình, chẳng có ai để đánh bài Tiến lên suốt đêm như thời sinh viên he he... Quá nửa đêm, một cô đom đóm bay vào nhà vẩn vơ khắp nơi rồi đậu lên pho tượng Laxmi trên bàn thờ. Hỏi thăm các bác Brahmin ai cũng bảo là điềm cực lành, cực hên: "Mahalaxmi blesses you herself!". Khấp khởi hy vọng, vì cả năm qua mình bị xúi quẩy, công việc làm ăn bết bát, đi chơi gặp toàn "quái nhân"... 
 Điềm lành này cùng với việc tận mắt diện kiến Nữ Thánh Sống Kumari Kathmandu bên trong Kumari Ghar và nhận ban phúc tika từ Tổng thống Nepal đã làm cho mùa Dashain năm 2012 của mình thật trọn vẹn và đầy kỷ niệm.
...12 giờ trưa hôm nay, đột nhiên Tổng Giám Đốc National Trading Corporation (một trong 5 công ty TM-XNK quốc doanh lớn nhất Nepal) điện thoại kêu mình đến gặp để giao thầu cung cấp đường cát cho Nepal. Không muốn tin cũng khó phải không các bạn?...


Cúng lễ Nữ thần Nava Durga và Mahalaxmi  tại...nhà mình
Huyền thoại Hindu kể rằng Nữ thần Thịnh Vượng và Thành Công Laxmi đi tản bộ trên trái đất vào đêm trăng tròn “Kojagrat Purnima”  (tiếng Hindi Ko-jagrat nghĩa là: Ai-Còn-Thức và Purnima nghĩa là đêm rằm) để ban sự giàu có-thịnh vượng-thành công-may mắn cho ai thức trong đêm ấy để cúng bái nữ thần. Các bà nội trợ nhịn ăn cả ngày và thức suốt cả đêm từ 7:30 tối cho đến 6 giờ sáng hôm sau để cúng và cầu nguyện Nữ thần Laxmi-Vĩ đại (dịch thoát từ Mahalaxmi với Maha có nghĩa như là Vĩ Đại-Great hoặc xưng tụng như Tối cao-Extreme). Người ta tin rằng sự cúng bái và cầu nguyện Nữ thần Laxmi trong suốt đêm này sẽ mang đến sự thành công-thịnh vượng cho người cầu nguyện. Đêm nay nhà cửa quét dọn sạch sẽ, cổng-cửa rộng mở, đèn thắp khắp nơi để đón Nữ thần Laxmi.




Sáng sớm ngày cuối cùng của Dashain, jamara và các thức dùng cúng bái trong mùa Dashain sẽ được mang đi bỏ nơi bờ sông gần nhất đánh dấu sự kết thúc chính thức của lễ hội lớn nhất của Nepal kéo dài 15 ngày.
Nữ thần Thịnh Vượng-Thành Công-May Mắn MAHALAXMI


Tổng Thống Nepal tại đền Nava Durga ở Bhaktapur
Nhân ngày May Mắn Kojagrat Purnima này, vào lúc 5 giờ chiều, theo truyền thống Tổng thống Nepal như là người đứng đầu đất nước đến ngôi đền Nava Durga ở thành phố cổ Bhaktapur dự lễ cúng ở đó, nhận tika và Prasad (sau khi tín đồ dâng lễ vật để cúng thần, người Brahmin trông đền sẽ lấy một phần lễ vật tặng lại cho người cúng như là quà của thần ban cho. Cái đó gọi là Prasad). Nava Durga là chín hóa thân của Nữ thần Durga.


Người ta cúng bái Mahalaxmi vào buổi chiều tối và thức trắng đêm nay để… cúng bái liên tục và chơi các trò cờ bạc như đánh bài, “bầu-cua-cá-cọp”, cờ cá ngựa… với lòng tin rằng Nữ thần Mahalaxmi sẽ ban phúc cho họ qua sự may mắn trong mỗi lượt chơi…
Cờ bạc được cho phép chơi đêm nay để cầu may mắn


Bảo tháp Swayambhu rực rỡ trong đêm
Người Phật tử bản địa Kathmandu thì đến cầu nguyện và cúng bái theo nghi lễ Buddha Puja suốt cả đêm tại Đại Bảo Tháp Swayambhu vì đêm này được tin rằng là đêm “Swayambhu Jyoti” (Ánh Sáng Tự Sinh) phát ra từ đỉnh đồi. Tích này xuất phát từ huyền thoại hình thành nên Thung Lũng Kathmandu. Thung lũng này vốn là một cái hồ lớn với một hòn đảo ở giữa. Vào một đêm Kojagrat Purnima, ánh sáng chói lọi bên dưới mặt đất vọt thẳng lên chín tầng trời từ trung tâm của hòn đảo. Khi ấy Đức Phật Dipankar (Đức Phật Ánh Sáng, vị Phật có nguồn gốc bản địa của Kathmandu) đến ngự trên hòn đảo ấy. Từ hướng Đông, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjusri) trông thấy ánh sáng ấy liền tìm tới để đảnh lễ Đức Phật. Manjusri đã dùng báu kiếm Trí Tuệ của mình cắt một lối giữa vách đá, làm nước thoát ra và tạo thành Thung Lũng Kathmandu ngày nay. Tích này cho thấy Phật giáo đã bắt rễ sâu xa tại Thung Lũng Kathmandu trước cả Hindu. (Chúng ta sẽ trở lại chủ đề này vào một dịp khác).     
 
 Vô cùng trùng hợp, ngày kết thúc của 15 ngày lễ hội Dashain của Hindu lại là ngày bắt đầu của một lễ hội quan trọng và vô cùng ấn tượng của Phật giáo Himalaya – Tibet, Mustang, Sikkim, Bhutan. Lễ hội Mani Rimdu với cuộc trình diễn điệu múa mặt nạ nổi tiếng của các Lama. Điệu múa này diễn ra vào ngày thứ hai của lễ hội. Mời các bạn đón xem vào ngày mai.  

24 tháng 10, 2012

DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 10 VIJAYA DASHAMI


 Cáo lỗi các bạn đọc, vì không đủ thời gian nên sẽ lần lượt hoàn chỉnh từng bài còn "cù" này trong vòng vài ngày tới. Mong các bạn sẽ quay lại đọc sau.
   Nguyễn Phú


BẬC TRƯỞNG THƯỢNG TRONG GIA ĐÌNH BAN TIKA CHO TỪNG THÀNH VIÊN

NHẬN BAN PHÚC "TIKA" TỪ TỔNG THỐNG NEPAL

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐẦU TIÊN NHẬN TIKA TỪ TỔNG THỐNG NEPAL





















Bác sĩ Ram Baran Yadav sinh ngày 4/2/1948 được bầu là Tổng thống đầu tiên của Liên Bang Dân Chủ Cộng Hòa Nepal vào tháng 07/2008, khi đang là Tổng Bí thư của Đảng Quốc Đại Nepal. Trước đó ông từng hai lần làm Bộ trưởng Y tế.
Yadav bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình rất sớm, ngay khi còn là sinh viên Y khoa ở Calcutta, Ấn Độ, dưới sự dìu dắt của các nhà tiền bối cách mạng Nepal lưu vong sang đấy. Sau khi tốt nghiệp ông làm bác sĩ vài năm rồi chuyển sang hoạt động chính trị chuyên nghiệp với Đảng Quốc Đại Nepal. Ông là một người nhiệt thành với dân chủ và đa đảng. Trong số tất cả các lãnh tụ chính trị đương thời ở Nepal, Bác sĩ Ram Baran Yadav được đánh giá là người trí tuệ, cương trực, bản lĩnh, nhân cách cao cả và trong sạch.
Có một chuyện chứng tỏ bản lĩnh và trí tuệ của ông vào năm 2009. Khi ấy Thủ tướng cộng hòa đầu tiên cùng được Quốc hội bầu năm 2008 với Yadav là Chủ tịch Đảng Maoist – bí danh là Prachanda. Khi đụng độ quyền lực xảy ra, Prachanda (người khi ấy vẫn còn hơn 10,000 quân Maoist trong tay) cách chức Tổng Tư lệnh quân đội Nepal Tướng Rookmangud Katawal để thay thế bằng Trung tướng Kul Bahadur Khadka. Cuộc tranh giành quyền chỉ huy quân đội xảy ra. Tình hình căng thẳng đến mức mọi người lo ngại sẽ xảy ra một cuộc nội chiến mới. Áp lực chuyển sang Tổng thống Nepal, người theo Hiến pháp tạm thời chính là Chỉ Huy Tối cao tất cả các lực lượng vũ trang Nepal. Bình tĩnh, chịu đựng mọi áp lực suốt hai tháng, sau đó tuyên bố chịu trách nhiệm trên cương vị của mình Bác sĩ Yadav hủy bỏ cả hai quyết định của Thủ tướng Prachanda và tái bổ nhiệm Tướng Katawal làm Tổng Tư lệnh quân đội Nepal. Prachanda tự ái, tuyên bố từ chức Thủ tướng vài ngày sau đó.
 Bác sĩ Ram Baran Yadav là một người hiếm hoi không có bất cứ hoen ố  hay scandal nào trên chính trường Nepal. Ngay cả các đối thủ chính trị cũng phải dùng lời kính trọng khi nói về ông.

Bác sĩ Ram Baran Yadav - Tổng thống Nepal
DINH TỔNG THỐNG NEPAL - SEETAL NIWAS

Không hề có bất kỳ bảng cấm chụp hình hay quay phim nào ở đây

 Theo thông lệ, người đứng đầu đất nước Nepal sẽ ban Tika cho tất cả các công dân Nepal vào ngày thứ 10 của Lễ hội Dashain - Vijaya Dashami. Trước đây, nhà vua Nepal thực hành nghi thức này, nhưng rất ít dân thường có cơ hội vào hoàng cung Narayan Hiti để nhận tika. Từ mấy hôm trước báo đài Nepal đã thông báo rộng rãi rằng Dinh Tổng thống Nepal sẽ mở rộng cửa từ 12h30 cho tất cả những  ai muốn được nhận tika từ Tổng thống Yadav.
  Thực ra chỉ có công dân Nepal mới có thể nhận được vinh dự này, nhưng năm nay tôi có "bùa". Đó là cái thẻ báo chí mà Cục Truyền thông Nepal vừa cấp cho tôi tháng trước với tư cách một nhà báo tự do hoạt động cho các báo đài quốc tế để quảng bá hình ảnh Nepal.
  Từ 10h30 tôi đã lượn lờ quanh Dinh Seetal Niwas. Đến 11h30, tôi đến cổng chính để xin vào Dinh thì bị chặn lại và hướng dẫn cho tôi sang cổng phụ dành cho khách đến liên hệ với Dinh. Tranh thủ, tôi bấm mấy kiểu mặt tiền Dinh, rồi đi qua cổng phụ. Ở đây, Tổ trưởng an ninh hơi bất ngờ khi gặp tình huống một người nước ngoài muốn tham dự nghi thức ban tika của Tổng thống cho công dân Nepal. Tuy nhiên tôi khéo léo thuyết phục anh rằng tôi chỉ đến để lấy tin và chụp hình-quay phim thôi. Anh dùng máy bộ đàm hỏi chỉ huy, sau khi được phép, anh cẩn thận ghi tên tôi vào sổ rồi cho một chú an ninh trẻ dẫn đường cho tôi vào sân dinh. sau khi chỉ cho tôi biết khu vực có căng một mái bạt lớn ngay trước cửa dinh thự anh bảo tôi vào đấy chờ rồi vui vẻ chào, quay trở lại vị trí của mình. Tôi lại tranh thủ chụp vài kiểu sân dinh.
  Dinh Seetal Niwas vốn trước là tài sản hoàng gia Nepal. Khi tôi đến Nepal vào năm 2005, dinh này xuống cấp rất tệ và dùng làm Bộ Ngoại giao Nepal. Khi ấy, nhân dịp xin visa thường trú, tôi đã len lỏi thăm thú tất cả dinh thự mà không bị bất kỳ cản trở nào (có ai hỏi thì nói là bị lạc đường thôi... he he). Dinh thự này kiến trúc theo phong cách Baroque Anglo-Saxon của châu Âu rất được giới Quý tộc Nepal ưa chuộng với hàng cột Corinthian khổng lồ ở mặt tiền, độ cao mỗi tầng thoáng đãng. Sau khi bãi bỏ chế độ quân chủ, truất phế vương quyền của vua Gyanendra, Nepal thành lập chế độ Liên Bang Dân Chủ Cộng Hòa theo cơ chế Tổng thống-Thủ tướng giống như Ấn Độ. Quốc hội đã quyết định chọn Seetal Niwas làm Dinh Tổng thống vào tháng 8/2008. Hôm nay, nhìn bề ngoài, Seetal Niwas đã có chút sắc diện, tuy nhiên nội thất bên trong vẫn còn rất đơn sơ. Chuyện ngoài lề: Năm 2009, Gallery mà tôi gửi tranh bán được Dinh Tổng thống mua 30 bức tranh để trang trí nội thất. Tôi có hai tranh vẽ chân dung người dân tộc thiểu số Nepal được chọn. Không biết giờ chúng được treo ở đâu...
TÁC GIẢ CHỤP KÉ LẤY LE Ở SÂN DINH TỔNG THỐNG


CÙNG NGỒI VỚI CÁNH NHÀ BÁO CHỜ....

DÂN THƯỜNG (PEOPLE- NHÂN DÂN ĐÚNG NGHĨA) BẮT ĐẦU VÀO DINH

PHÓ TỔNG THỐNG NEPAL ĐẾN

TỔNG THỐNG RAM B. YADAV BAN TIKA CHO PHÓ TỔNG THỐNG PARMANAND JHA




TỔNG THỐNG BẮT ĐẦU BAN TIKA
12h, dân chúng lần lượt vào dinh. Mọi người ăn vận rất chỉnh tề, một vài chị mang hoa. Nhìn qua cách ăn mặc có thể thấy đa số không phải là người giàu có, thậm chí có cả sinh viên áo T-shirt, quần Jean vai khoác balo. Có anh chị nọ mang cả đứa con mới sinh đến để nhận phúc lành. Chỉ cần đảo mắt qua số lượng đông đúc các gương mặt rạng ngời đang chờ đợi thì có thể nhận xét rằng Bác sĩ  Yadav là một Tổng thống được dân yêu (trong khi đó, ở dinh thự của mình Cựu vương Gyanendra chỉ có được chừng vài chục người quý tộc, thượng lưu đến xin tika) . Đến đúng 12h30, nhân viên an ninh báo cho mọi người sẵn sàng. Cánh phóng viên được đưa đến khu vực bên tay trái cái bục Tổng thống sẽ đứng. Phóng viên được đưa vào phòng khách chứng kiến Tổng thống nhận tika từ một thầy Brahmin có chức vụ như là Quan tư tế của Nepal. Rồi được đưa ra ngoài. Vài phút sau, Phó Tổng thống Nepal Jha đến (ông này bốn năm trước bị vạ miệng vì đọc lời nhậm chức bằng tiếng Hindi suýt mất chức- dân Nepal rất dị ứng với Ấn Độ) . Cánh phóng viên lại được vào phòng khách chứng kiến Tổng thống ban tika cho Phó tổng thống Nepal (vì cao cấp hơn). Sau đó trở ra ngoài vài phút thì Tổng thống Yadav bước ra. Ông đến đứng trứơc cái bục, quan tư tế mang đặt lên trên ấy một đĩa phẩm màu đỏ và một đĩa Jamara (mạ non từ hạt kê dùng đặc biệt cho ngày Vajaya Dashami). Bắt đầu cuộc ban phúc. Một thầy Brahmin bước đến tặng một tràng hoa vạn thọ, một cuốn kinh Vishnu (truyền thống Hindu tin rằng người đứng đầu đất nước chính là hóa thân của Thần Vishnu) và ban tika cho Tổng thống (truyền thống Hindu quy định rằng giai cấp Brahmin cao hơn giai cấp Kshatria - vua, tướng lĩnh, quan chức). Rồi lần lượt từng người bước đến trước Tổng thống để nhận tika và một nhúm mạ Jamara như phúc lành từ các thần linh cho một cuộc sống tốt đẹp, các ước mơ thành sự thực, sức khỏe dồi dào.
  Tôi đặt máy của mình lên tripod rồi bước vào hàng để được nhận ban phúc của Bác sĩ Yadav và trở thành người ngoại quốc đầu tiên được nhận tika của Tổng thống Nepal (giới ngoại giao không bao giờ xuất hiện trong nghi lễ này vì khác biệt tôn giáo, và vì nghi thức này này chỉ dành cho công dân Nepal).
  Cứ nhìn vị Tổng thống Nepal bình dị ban tika cho từng công dân không phân biệt sang hèn, tuổi tác, giới tính. Cứ biết rằng ông sẽ phải đứng thực hiện lặp đi lặp lại nghi thức đó cho gần ngàn người suốt năm tiếng đồng hồ. Tôi tự hỏi ở đâu và do đâu mà có một Tổng thống, một truyền thống văn hóa như vậy? Đến khi nào người đứng đầu đất nước tôi chúc Tết cho từng người dân như thế?   
MỘT THẦY BRAHMIN CHÚC PHÚC CHO TỔNG THỐNG




GIÀ TRẺ LỚN BÉ NAM NỮ... ĐỀU ĐƯỢC BAN TIKA KHÔNG PHÂN BIỆT MỘT AI - DÂN CHỦ LÀ ĐÂY!




TÁC GIẢ NHẬN TIKA TỪ TỔNG THỐNG NEPAL

VÀ NHẬN JAMARA
HÌNH KỶ NIỆM SAU KHI NHẬN TIKA

23 tháng 10, 2012

DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 9 MAHA NAVAMI - DIỆN KIẾN LIVING GODDESS KUMARI

Kumari trong một lần ra ngoài dự lễ
  Kumari là Nữ thánh Sống duy nhất không chỉ của Nepal mà toàn thế giới. Chiêm bái Nữ thánh sống Taleju vào ngày Navami, đỉnh của các nghi thức chiêm bái thần linh, đấy mới chính là dân Kathmandu sành điệu!    
   Bước vào bên trong Kumari Ghar, tôi hồi hộp di từng bước chân. Đây là nơi mà các nhà vua trước đây và cả Tổng thống hiện nay cũng phải đến hàng năm vào dịp lễ hội Indra Jatra để nhận tika ban phúc của Kumari như là một sự chuẩn thuận từ Nữ thần hộ quốc cho sự cai trị của họ trong một năm.
 Tôi có lẽ là người ngoại quốc đầu tiên vào được căn phòng Kumari ngự và đảnh lễ Nữ Thánh Sống.
Phải mất bảy năm tôi mới thực hiện thành công kế hoạch diện kiến Kumari Kathmandu. Cái giá không phải là quá đắt! 



Hôm này là ngày thứ chín của Lễ Hội Dashain, gọi là Maha Navami – nghĩa là Ngày Thứ Chín Vĩ Đại. Các nghi lễ cúng bái Nữ thần lên đến đỉnh điểm trong ngày này.




  Từ sáng sớm hàng đoàn tín đồ Hindu đã kéo đến cúng bái tại các đền thờ của các nữ thần Dakshinkali, Guheshwari, Maitidevi, Kalikasthan, Naxal Bhagawati, Bhadrakali, Shobha Bhagawati, Bijyeshwori, Indrayani, Naradevi, Bajrabarahi, Raktakali, Bajrayogini and Sankata .Theo phong tục, các tín đồ dâng cúng lễ vật và tụng đọc kinh Durga Saptari.
Xếp hàng cả cây số để vào chiêm bái đền Taleju
Ngày này quan trọng vì Nữ thần Chamunda đã giết chết được quỷ vương Raktabji(một biến thể của huyền thoại Durga và chính Chamunda cũng là một hóa thân của Durga).
Việc hiến tế súc vật tiếp tục diễn ra trong ngày này, đặc biệt là tại các Dashain-ghar và Kot (doanh trại quân đội) và các đền miếu thờ Durga và các hóa thân của bà như Kali, Taleju. Thú vật được hiến tế lên Nữ thần Durga ngày hôm nay để mong sự bảo hộ của Nữ Thần cho xe cộ và người sử dụng chúng.Gà, vịt, dê, cừu, trâu bị chặt đầu khắp nơi để hiến tế. Người không sát sanh thì hiến tế bằng cách đập vỡ một trái dừa (tượng trưng cho đầu Quỷ Vương) , một quả trứng hay một bầu nước.
Cũng vào ngày Navami, Vishworkarma, Thần Sáng Tạo – thần của thợ thủ công và xây dựng, được các thợ thủ công, thợ máy, doanh nhân cúng bái thông qua các công cụ lao động, máy móc, vũ khí, xe cộ.
Đặc biệt trong ngày này ngôi đền Taleju Bhawami nổi tiếng trong quần thể cố cung Hanuman Dhoka của các vua Malla được mở cửa một ngày duy nhất trong năm để dân chúng vào chiêm bái Nữ thần Taleju. Đây là ngôi đền dành riêng cho vua và hoàng tộc (cả Malla và Shah-Gorkha) cúng tế Taleju, hóa thân của Durga và là thần hộ quốc của Nepal. Vị nữ thần Taleju này gắn liền với Mật Tông đặc biệt của các vua Malla và Kumari-Nữ thánh sống nổi tiếng chính là hiện thân của Nữ thần Taleju (xin có bài viết riêng về Mật Tông Malla, Nữ thánh sống Kumari và ngôi đền Taleju sau).
Dân chúng kéo vào đền Taleju để chiêm bái

Đã có kinh nghiệm nhiều năm trước và có mục tiêu đặc biệt trong năm nay nên tôi chọn buổi xế chiều để đến quần thể cố cung Malla.
 Có một quy định rất khắc khe là cấm người ngoại quốc vào bên trong các ngôi đền thiêng Hindu; chủ yếu là Tây phương mắt xanh mũi lỏ, nhưng để khỏi bị khiếu nại nên cấm luôn ngoại quốc da vàng mũi tẹt.
 Ngay từ năm đầu tiên sống ở Nepal tôi đã tìm ra cách lách qua cái quy định buồn cười này. Rất nhiều lần tôi đứng trước cổng đền và bị chặn lại, phải ấm ức quay về. Cho đến khi một anh chàng họa sĩ Nepal đùa vui tếu táo: “You look like Nepali 100% - Mày giống hệt một thằng Nepali.” Tôi nảy ra ý tưởng và áp dụng thành công cho đến bây giờ.
Bảo vệ canh gác cẩn mật cổng vào đền Taleju

  Tại sao tôi bị chặn lại? Phải chăng vì cái dáng bộ lơ ngơ, nghiêng nghiêng, ngó ngó, tay lăm lăm cái máy ảnh thấy gì cũng chụp? Cái dáng bộ ấy cách xa hàng cây số đã ngửi ra là một thằng ngoại quốc, hay khách du lịch. Chỉ cần là ngoại quốc là đủ.Có ai hỏi quốc tịch đâu?  
   Thế là tôi đóng vai một anh chàng câm (vì đâu có biết nói tiếng Nepali hay Hindi) tay bưng đĩa lễ vật ready-made mới mua của người bán rong, mắt nhìn thẳng không láo liên xung quanh,cứ đàng hoàng đi qua trạm gác và mấy anh chàng bảo vệ hách xì xằng vào thẳng trong các đền cấm. Bằng chiêu người-câm này tôi đã lọt vào tất cả các đền thiêng ở Kathmandu, kể cả Pashupatinath là ngôi đền canh giữ cẩn mật nhất bằng cả một đại đội cảnh sát dã chiến.
   Tôi đã vào cúng bái đền Taleju hầu như mỗi năm khi ngôi đền này mở cửa cho công chúng lần duy nhất trong năm vào ngày Navami, (năm nay tôi có mục tiêu khác nên đến đây vào buổi chiều). Thời điểm tốt nhất là sáng tinh mơ, chừng 5 giờ, giờ chỉ có tín đồ ngoan đạo mới đi trong sương lạnh vào cúng sớm. Giờ này thì mấy anh chàng trật tự mới khởi động nên cũng không gay gắt lắm, cái gì cũng cho qua. Vả lại họ sẽ không đề phòng khách du lịch hay người nước ngoài chịu khó dậy sớm chen lẫn vào đền. Tôi cứ câm nín lẳng lặng đến xếp hàng vào đoàn người rồng rắn di chuyển từng bước một theo cạnh tường ngôi đền để lọt qua cổng đền. Sau đó leo từng bậc thang đá lên ba tầng cấu trúc như Kim tự tháp Nam Mỹ. Cuối cùng đến được ngôi đền hoàn mỹ trên đỉnh. Cũng chỉ có một cửa phía Bắc mở ra cho dân chúng, ba phía còn lại vẫn đóng kín. Mỗi người chỉ có chưa đến 1 phút để liếc qua cái khám thờ nhỏ ngăn riêng ra cho dân chúng ở giữa là cái bệ thờ phủ vải đỏ trên đó đặt một mặt nạ cổ bằng đồng chân dung của Taleju, cùng với bình nước thánh. Tín đồ đứng ngoài bệ cửa dâng lễ vật qua tay mấy ông Brahmin và hướng về bàn thờ khấn vái, rồi phải dời đi ngay lấy chỗ cho người kế tiếp.
  Sau khi cúng bái Taleju, mọi người lại phải xếp hàng đi qua cửa hông thông với cố cung, xuyên qua các hành lanh của các cung để ra ngoài thông qua cổng chính của hoàng cung là Hanuman Dhoka (Cổng Thần Khỉ).
  Lối ra này có đi xuyên qua một cung gọi là Mul Chok. Đấy một cung điện kiến trúc theo lối Newar (văn hóa của cư dân gốc Newari của Thung Lũng Kathmandu) với bốn dãy nhà bao quanh một cái sân hình vuông 12x12m lát đá. Đấy là nơi hiến tế Taleju vào nửa đêm giữa Ashtami và Navami. 54 con trâu và 54 con dê đã bị chặt đầu tại đây vào đêm này hàng năm. Đầu và thân của chúng đã được mang đi trước khi tín đồ đầu tiên vào cổng đền Taleju. Bột mùn cưa thấm đẫm máu của chúng tạo thành một thứ bùn đặc nâu sẫm trên khoảnh sân lát đá. Máu bắn cả lên các bức tường. Tôi bước chậm lại, miệng lầm rầm niệm chú đại bi cầu nguyện cho vong hồn của chúng sớm được siêu sinh.
   Cái cung điện Mul Chow này cũng chính là nơi diễn ra nghi lễ bí mật cuối cùng để lựa chọn một Kumari mới. Cô bé gái bị đặt ngồi một mình trong căn phòng tối nhìn ra khoảnh sân ngập máu giữa hàng trăm chiếc đầu mắt mở trừng trừng của đàn súc vật vừa bị hiến tế. Nếu cô không sợ hãi, bình thản ngồi trong im lặng chết chóc đó cho đến khi các thầy tư tế hoàng gia hoàn thành buổi cầu nguyện bên đền Taleju quay trở lại, cô đã vượt qua cái test cuối cùng để trở thành Kumari, hiện thân sống của Taleju-Durga, Nữ thánh sống bảo hộ cho Thung lũng Kathmandu.
   Thế nên, với dân Kathmandu chính gốc, đến chiêm bái Nữ thánh Taleju sống, Kumari, mới chính là tột đỉnh của các nghi thức cầu nguyện nữ thần trong ngày Navami cũng như như suốt mùa Dashain.
   Kumari Ghar thì nằm ngay quảng trường hoàng cung, cách đền Taleju khoảng hơn trăm mét. Đây là một kiến trúc cổ Newari nửa chùa nửa nhà ba tầng. Rất nổi tiếng đối với du khách ngoại quốc như là Cung điện của Kumari. Hàng ngày, lối 4 giờ du khách ngoại quốc chen chúc trong cái sân bên dưới ngóng cổ nhìn lên khung cửa sổ 3 phần liên hoàn để thấy Kumari ló mặt ra nhìn xuống trong vài giây rồi biến mất. Nghiêm cấm chụp hình, và quy định này được giữ rất ngặt nghèo bởi mấy anh chàng bảo vệ Kumari Ghar đứng lẫn với du khách. Thoáng thấy cái bóng đỏ của Kumari rồi thì đám du khách đành phải tiu nghỉu ra về.
Xếp hàng vào bên trong chiêm bái Kumari -Cái biển đỏ viết "NO ENTRANCE FOR FOREIGNERS", anh chàng bảo vệ chỉ cho mỗi lượt 5 người vào sau khi có 5 người ra

   Tôi đến Kumari Ghar cũng tầm 4 giờ chiều. Cũng lẳng lặng xếp vào hàng dăm chục người rồng rắn đi vào bên trong. Phía bên tường của hoàng cung đoàn người xếp hàng vào đền Taleju kéo dài cả cây số cho đến tận ngoài đường New Road. Tôi ung dung lần bước trong đoàn người địa phương men theo hành lang để vào cái cửa nhỏ thấp, trong khi bên dưới sân thì đám du khách như mọi hôm chen chúc nhau vô vọng ngóng lên cái cửa sổ nổi tiếng nhất Nepal mà không biết rằng hôm nay Kumari bận ban phúc cho mọi người nên không đến bên cửa sổ. Còn cách ba mét tới cái cửa vào thì tôi suýt bị lộ. Lần đầu tiên từ khi sử dụng mánh người câm này. Một người đàn ông to lớn bệ vệ từ trong Kumari Ghar lách người bước qua cửa để ra sân sau khi chiêm bái Kumari. Ông xoay người, nhận ra tôi và kêu lớn mừng rỡ : “Oh, Mr. Phu.” Giọng nói vang vọng của ông làm ai cũng quay lại nhìn. Tôi tỉnh như không giả vờ quay nhìn mấy người phía sau mình rồi quay lại đặt một ngón tay lên môi ra vẻ như bảo ông giữ im lặng (thực ra là ra hiệu cho ông giữ bí mật). Ông ớ người và chợt hiểu, lắc lắc đầu giả vờ như nhìn nhầm người rồi quay người băng qua sân đến cánh bên kia tòa nhà nhìn sang.  Ông cười vui vẻ và vẫy vẫy tay chào trước khi rời đi cùng gia đình. Đó là ông Rajesh Kazi Shrestha người Newar chính gốc, cựu Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nepal. Ông hiểu ngay là tôi phải giữ bí mật mà lén vào chiêm bái Kumari. Có vẻ ông rất vui vì tôi đã thực hành nghi thức chiêm bái Kumari vào ngày này (tôi có điện cho ông sau khi rời Kumari Ghar, ông còn ngạc nhiên sao tôi lại biết được bí mật này của dân Kathmandu). Kumari là Nữ thánh Sống duy nhất không chỉ của Nepal mà toàn thế giới. Chiêm bái Nữ thánh sống Taleju vào ngày Navami, đỉnh của các nghi thức chiêm bái thần linh, đấy mới chính là dân Kathmandu sành điệu!    
   Bước vào bên trong Kumari Ghar, tôi hồi hộp di từng bước chân. Đây là nơi mà các nhà vua trước đây và cả Tổng thống hiện nay cũng phải đến hàng năm vào dịp lễ hội Indra Jatra để nhận tika ban phúc của Kumari như là một sự chuẩn thuận từ Nữ thần hộ quốc cho sự cai trị của họ trong một năm.
  
Leo lên hết hai cầu thang bằng gỗ khá dốc để đến tầng thứ ba, tôi thấy Kumari ngồi trên mấy cái gối đỏ dầy giữa căn-phòng-có-ba-khung-cửa-sổ-liên-hoàn. Kumari hiện tại tên là Matina Shakya thuộc họ Thích ca, mới 8 tuổi, lên ngôi từ mùa Dashain 2008. Kumari mặc toàn đỏ, ngồi duỗi dài hai chân ra phía trước, hai bàn chân cũng nhuộm phẩm màu đỏ rực. Cổ cô đeo một dây chuyền bạc to như dây xích với hai tayo (mặt dây chuyền hình thoi- thánh vật Tantric) và một trang sức hình con rắn khảm ngọc đỏ. Kumari mở to đôi mắt vốn rất to kẻ viền đen, đuôi mắt vẽ kéo dài xếch lên màng tang. Trán cô vẽ một vầng đỏ viền vàng hình trăng lưỡi liềm úp ngược. Chính giữa trán gắn một con mắt thứ ba bằng vàng. Tóc cô bới cao, cột túm lên trên với hoa màu đỏ. Lần lượt từng người quỳ xuống trước mặt Kumari cầu khấn rồi vinh dự chạm trán vào hai bàn chân để trần của Nữ thánh Sống. 
Căn phòng với ba cửa sổ liên hoàn này là nơi Kumari ngự để ban phúc cho mọi người

  Được chiêm bái Kumari-Living Goddess, một Royal Kumari của Kathmandu.  
  Thế là mơ ước của tôi đã thành sự thực. Tôi đã được chiêm bái tất cả các Kumari quan trọng của Thung lũng Kathmandu. Từ Cha Bahil, nơi khởi nguồn cho tập tục Kumari cho đến Kumari Patan – cựu Royal Kumari cho đến khi hoàng cung Malla dời sang Kathmandu. Kể cả Bhaktapur, nơi tập tục thờ phượng Kumari bắt đầu trễ nhất (800 năm trước). Trong số các Kumari quan trọng của Cha Bahil, Patan, Bhaktapur, Kathmandu thì diện kiến Kumari của Kathmandu là khó nhất. Đây là Royal Kumari của Nepal hiện nay, người nắm giữ bí mật Tantric của Nepal, sống trong Kumari Ghar dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của Chính Phủ .Tôi có lẽ là người ngoại quốc đầu tiên vào được căn phòng Kumari ngự và đảnh lễ Nữ Thánh Sống.
  Phải mất bảy năm tôi mới thực hiện thành công kế hoạch diện kiến Kumari Kathmandu. Cái giá không phải là quá đắt!     

Hắn dứng bên dưới căn phòng của Kumari - giống hệt một gã Kathmanduist

    Ngày mai sẽ có một cuộc phiêu lưu thú vị khác: nhận tika từ Tổng thống Nepal, xin mời đón xem!



22 tháng 10, 2012

DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 8 DURGA ASHTAMI


Hình tượng Nữ Thần Durga chiến thắng Quỷ Vương Mahishasura
Hôm nay là ngày Durga Ashtami, ngày thứ tám của lễ hội Dashain, cũng là ngày quan trọng nhất của lễ hội. Ngày này chính là ngày Nữ thần Durga tiêu diệt được Quỷ Vương Mahishasura cứu toàn thể vũ trụ khỏi thảm họa diệt vong, và đấy chính là nguyên cớ để có lễ hội Dashain.
  Ngày này còn được thế giới bên ngoài Hindu biết đến như là Ngày Hiến Tế (Sacrifice Day), bởi tập tục hiến tế súc vật để dâng cúng lên Nữ thần Durga (hiến tế bằng cách chặt đầu để cho máu chảy tràn trên mặt đất như xưa kia Nữ thần Durga giết chết Mahishasura).


Từ Quân Đội, Cảnh sát, cơ quan chính phủ cho đến từng nhà... nhỏ thì một con gà, con vịt, tầm trung thì một con dê hay hai ba nhà hùn nhau mua một con trâu cúng, lớn như Hãng Hàng Không Quốc Gia Nepal thì mỗi chiếc máy bay phải hiến tế một con trâu, vài con dê còn như các tướng lĩnh quân đội thì chức vụ càng cao hiến tế càng nhiều (vài con trâu, vài chục con dê... mời xem clip bên dưới). Tin buồn cho giống đực là CHỈ HIẾN TẾ CÁC CON TRÂU, DÊ ĐỰC thôi... Ngoài ra, do Quỷ vương Mahishasura có hình dạng và xuất thân từ con trâu nên, hiến tế trâu đực trong ngày này là thích hợp nhất.
  Các phương tiện giao thông như xe máy, xe hơi, máy bay phải được cúng trong ngày này để cầu không gặp tai nạn xui xẻo. Đa số cúng chay, nhưng cũng có chủ xe (nhất là các xe tải, xe chở khách ) hiến tế 1 con dê cho mỗi xe.   
Gia đình Pokharel năm nay vái cúng một con dê
  Việc cúng tế ngoài lý do tôn giáo còn là dịp để có thịt ăn trong dịp lễ hội. Dân Hindu không ăn thịt nhiều (chủ yếu là ngũ cốc, rau củ và các loại đậu), có gia đình cả năm không có thịt ăn, chỉ có dịp Dashain, một công đôi việc là vừa cúng vái , vừa được ăn thịt.
  Hiến tế là một tập tục tôn giáo chiếm vị trí tối cao trong nghi thức Hindu. Năm 2009, cả thế giới đã sốc với một lễ hội hiến tế tại một làng miền núi Nepal với 250.000 con vật hiến tế trong 10 ngày. Số súc vật này đến từ khắp lục địa Ấn Độ. Có những gia đình Hindu quyền quý từ Ấn Độ đã sang đến làng núi hẻo lánh đó để cúng tế vài trăm con trâu... Số lượng súc vật bị giết nhiều đến nỗi giai cấp đồ tể hầu như hết xí quách trong hai ngày cuối, phải cầu viện một số binh lính từ quân đội sang phụ giúp.

(Reuters) - At least 15,000 buffalo and "countless" goats and birds were sacrificed in a temple in southern Nepal, organizers said Wednesday, a ritual billed as the single biggest animal slaughter on earth.
Hindus in Nepal routinely offer animals for sacrifice to appease deities, Especially power goddesses, for good luck and prosperity.Scores of butchers carrying big curved knives killed the animals in an open field as thousands of devotees stood by, witnesses reached by phone said. More than 80 percent of Nepal's 27 million people are Hindus.Some devotees said they were offering animals for sacrifice in the hope of being blessed with a son, preferred by many parents in Nepal and India. Thousands of devotees also traveled from neighboring India for the festival


Thợ chuyên nghiệp chặt đầu dê
                            Giai cấp này có họ là Khadga hoặc Sahi chuyên làm nghề đồ tể , là giai cấp rất thấp trong xã hội Hindu. Ở Nepal, người ta không bao giờ tự làm thịt gia súc gia cầm trong để ăn mà bán chúng đi, rồi mua thịt từ các tiệm của giai cấp đồ tể. Như vậy tâm ác, giết chóc cũng giảm bớt phần nào. Vả lại một điều rất đáng ca ngợi là dân Nepal không có thói ăn thịt động vật hoang dã, chỉ ăn con vật do người nuôi như trâu, dê, heo, gà, vịt... (không ăn bò, chó, thú vật mang thai) mà khi ăn cũng chỉ mua từ tiệm chứ không tự làm. Có thể người Việt thấy cách làm thịt bằng cách chặt đầu là dã man, nhưng theo quan niệm của người ở lục địa Ấn Độ: cách giết súc vật này làm chúng chết ngay lập tức, chết không đau đớn; còn giết bằng cách cắt cổ, làm ngạt, trấn nước... thì làm chúng chết từ từ trong đau đớn như vậy là dã man khi tra tấn con vật trước khi chúng chết. Quan niệm của mỗi nơi mỗi khác, chúng ta không nên dùng nhãn quan của địa phương mình mà phán xét phong tục của địa phương khác!
Máu để cho chảy ra đất như là lễ vật hiến tế Nữ thần Durga

Đây là Khadga, sống dầy, lưỡi bén cách cấu tạo phát huy tác dụng chặt /chém đến mức tối đa xưa kia là vũ khí chiến đấu nổi tiếng của dân tiểu lục địa Ấn Độ, nay là dụng cụ chuyên để dùng trong hiến tế.

Các bác này hùn nhau hiến tế một con trâu, sau khi hiến tế thì chia thịt cho các phần hùn. Việc chia thịt thì rất bình đẳng, đồng đều cho đến từng bộ phận của con vật, chỉ trừ máu, phổi, lông, móng, sừng, óc bỏ đi, còn lại thì chia đều tất tần tật.



NGÀY HIẾN TẾ: MỜI XEM CLIP HIẾN TẾ DÊ VÀ TRÂU CỦA TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI VÀ CÁC SĨ QUAN CAO CẤP NHẤT TRONG NGÀY DURGA ASHTAMI.
(XIN ĐỪNG NGHĨ LÀ PHẢN CẢM VÀ ÁC ĐỘC VÌ ĐÂY LÀ MỘT PHẦN CỦA PHONG TỤC HINDU CỔ ĐẠI, VẢ LẠI SAU KHI HIẾN TẾ THÌ CHÚNG LÀ THỨC ĂN CHO NGƯỜI, KHÔNG PHẢI NHƯ CÁC ĐẠI GIA ĐI SĂN THÚ HOANG DÃ NHƯ MỘT THÚ VUI!)

DASHAIN- TẾT NEPAL: 1,5 TRIỆU NGƯỜI TỪ KATHMANDU VỀ QUÊ ĂN TẾT

Đang hoàn chỉnh , mời xem sau vài ngày nữa....
 




DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 7 PHULPATI


PHULPATI đến cố cung Malla ở Kathmandu
DASHAIN – TẾT NEPAL diễn ra 15 ngày. Hôm nay, 21/10/2012, là ngày thứ 7, tên chính thức là Saptami (ngày thứ bảy), nhưng triều đại Shah của Gorkha đã gọi ngày này là PHULPATI. Phulpati là một nghi lễ mang các phẩm vật dành cho việc cúng bái và ban phúc (jamara: mạ non, bột màu, rượu, lá chuối, mía thanh diệu, nước thiêng…) từ hoàng cung của Gorkha (triều đại quân chủ cuối cùng của Nepal, mới vừa chấm dứt vào năm 2007) đến hoàng cung cổ của triều đại Malla (triều đại bị Gorkha lật đổ). Nghi lễ mang các vật thánh này có liên quan tới việc đánh chiếm Kathmandu của Gorkha (sẽ thuật trong một bài khác).










Đoàn rước PHULPATI khởi hành từ Gorkha

PHULPATI
PHULPATI

PHULPATI



  Đầu đoạn video trên đây, các bạn sẽ thấy PHULPATI đến được Cố cung Malla ở Kathmandu. (Sẽ cập nhật giải thích chi tiết sau).
 Từ Cung điện ở Gorkha (100km tây Nam Kathmandu) đoàn mang vật phẩm đi bộ đến Dhading, 40km Tây Nam Kathmandu, tạm dừng chân nghỉ ở đấy 1 đêm. Từ Dhading 6 người Brahmin (tư tế Hindu) đảm trách việc mang t/ gánh tới Kathmandu. Đến Jamal (một địa điểm 1km gần trung tâm Kathmandu) Phulpati được châm đầy nước thiêng (holy water), cây chuối non, mạ non, cây mía được bọc trong vải đỏ như là vật pah63m dâng cúng lên Nữ thần Durga và được các Brahmin gánh trên kiệu bên trên che bằng lọng vàng để đi đến Cố cung Malla ở trung tâm Kathmandu (thường gọi là Hanuman Dhoka - Cổng thần khỉ, vì ở ngay cạnh cổng có một tượng thần Hanuman). Đám rước này được hộ tống bởi các Trung đội danh dự của Quân đội, cảnh sát Nepal, các viên chức chính phủ và 5 vị tư tế Hindu cao cấp. Phulpati sẽ được dâng lên thần durga và đến ngày thứ 10 (Bijaya Dashami) sẽ mang ra ban phúc cho tất cả mọi người như là quà của Nữ thần Durga.

Chào mừng Phulpati Day tại quảng trường Tuldhikhel

Chào mừng Phulpati Day tại quảng trường Tuldhikhel

Bảy loạt đại bác bắn bằng súng thần công cổ để khởi đầu Dashaintrước sự chứng kiến của Tổng thống, Thủ tướng và quan chức chính phủ - trước kia sẽ là Hoàng gia)

Dân Newari mừng Dashain

 Từ ngày Saptami/Phulpati thì Dashain mới thực sự diễn ra. Văn phòng, cơ quan nhà nước, cửa hàng, quán ăn… hầu như đóng cửa. Mọi người quay về quê nhà để nhận tika (dấu phúc màu đỏ lên trán) từ bậc trưởng thượng/người lớn trong nhà.
  Tại các bãi đất trống công cộng linge ping (đu tiên) được dựng lên để các nhóc teen vui chơi.

LINGE PING - ĐU TIÊN