30 tháng 12, 2012

NGƯỜI GURUNG ĂN TẾT CON RẮN SỚM NHẤT THẾ GIỚI!


Sống ở Nepal sướng vậy đó, ăn Tết hết tháng này sang tháng khác. Năm 2012 chưa chấm dứt mà đã được ăn Tết Con Rắn rồi!
Cũng giống như hầu hết các tộc người miền núi ở Nepal và Tibet, Tết của người Gurung gọi là Lhosar.
Tamu Lhosar mở đầu một năm mới theo Tamu Sambat (âm lịch của người Gurung). Lịch Gurung cũng có 12 con giáp gọi là lohokor với mỗi con giáp là lho (năm) như sau: Garuda (chim thần trong thần thoại Hindu), Rắn, Ngựa, Cừu, Khỉ, Chim, Chó, Nai, Chuột, Bò, Hổ, và Mèo. Chúng ta có thể thấy 12 con giáp này tương ứng với 12 con giáp của người Việt như: Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần, Mẹo. Lhosar năm nay là năm 2597 lịch Gurung rơi vào ngày 15 tháng Push (30/12/2012) đón mừng năm con Rắn. Vậy là có thể coi người Gurung là tộc người mừng Tết Con Rắn sớm nhất thế giới!   

Một làng Gurung trên dãy Himalaya

  Gurung là một tộc người tự gọi họ là Tamu sống ở vùng Trung-Tây Nepal (chủ yếu là vùng núi lưng chừng 2000-3000m của dãy Himalaya), dân số vào khoảng 500 ngàn người, hoàn toàn theo Phật giáo Tibet.
  Trang phục dân tộc của người Gurung cũng đẹp sặc sỡ và độc đáo như bất cứ dân tộc nào ở Nepal. Đàn ông thì mặc bhangra (áo ngắn màu trắng) và kachhad (sà-rông). Phụ nữ thì mặc áo blouse nhung đỏ sậm, đeo trang sức hình đĩa bằng vàng và rất nhiều dây chuyền bằng đá bán quý.  
Trang phục cổ truyền của người Gurung



Ở các làng Gurung, người ta tập hợp tại khoảnh sân rộng giữa làng; ở Kathmandu, người Gurung tập trung ở quảng trường Tundhikhel để ăn Tết. Người Gurung ăn tết ba ngày. Hai ngày đầu diễn ra các cuộc thi cho cánh đàn ông như kéo co, bắn cung trong khi phụ nữ nhảy múa ca hát. Ngày thứ ba thường sẽ trao giải cho những ai thắng các cuộc thi và ăn nhậu tưng bừng khí thế để mừng năm mới. Chính thức là ba ngày nhưng thường thì dân Gurung cũng ăn Tết kéo dài 7-10 ngày (hết mùng như người Việt vậy!). Những ngày này là dịp dân Gurung đi thăm viếng lẫn nhau và tụ tập để ăn nhậu, bài bạc cho vui.


Nhảy múa giữa trời đất với ngọn Fish tail nổi tiếng phía sau

Thi bắn cung

Trang sức của các thiếu nữ Gurung



Nhảy múa là phần không thể thiếu của đời sống người Gurung

Các thầy tư tế Phật giáo cúng lễ với nhạc tôn giáo

Hoa khôi Gurung năm nay

29 tháng 12, 2012

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO: CHẾT BỞI TAY TRUNG QUỐC!


ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO- HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẾ PHẦN 2

HÀNG ĐỂU MADE IN CHINA

Sau khi post hai bài về ĐTHT (đông trùng hạ thảo) có vài bạn thắc mắc cho rằng mình nổ chứ ĐTHT bán đầy ở các hiệu thuốc Đông Y chỉ vài chục triệu VNĐ/kg làm gì đến nỗi mấy trăm triệu một ký…
 
  Tháng Năm vừa rồi mình có dịp về VN, cũng tranh thủ thời gian đi kiểm chứng thị trường ĐTHT ở đây nhằm so sánh với thị trường Singapore, Thái Lan, India và Trung Đông là những thị trường mà mình đã có cơ hội cọ xát thực tế.

Hình minh họa từ Internet
  Địa điểm chính yếu nhất là chợ thuốc Đông y Hải thượng Lãn ông ở quân 5, Saigon. Hầu như tất cả các cửa hiệu ở đây đều có bán ĐTHT nhập từ Trung Quốc. Khi hỏi một bà chủ tiệm, bà đon đả mời ngồi và mở tủ kính lấy ra mấy hộp bằng giấy cứng hình thức thật sang trọng với mặt trên gắn kính để có thể nhìn thấy những con ĐTHT đặt trên nhung đỏ quý phái. Bà cho biết giá mỗi hộp 100g là hai triệu VNĐ (1000USD/kg). Mình sốc. Dù nhìn thoáng qua cũng biết hàng này chỉ là loại kém nhất về kích cỡ (size), màu sắc (màu nhợt nhạt) nhưng dù cho thế thì loại này ở Kathmandu, Nepal cũng không thể có giá dưới 15.000USD/kg. Mà đây lại là giá bán lẻ (nếu trả giá chắc còn bớt thêm 1-2 trăm ngàn VNĐ), thế thì các cửa hiệu ở đây phải nhập về với giá chỉ trên dưới 500USD/kg. Không thể tưởng tượng nổi.

   Không thể tưởng tượng nổi vì Trung Quốc không hề có ĐTHT ! Như đã nói qua trong bài trước, từ ngàn xưa các hoàng đế và đại tài chủ Trung Hoa chỉ có thể nhận triều cống hoặc mua ĐTHT từ Tây Tạng (Tây Tạng chỉ bị Trung quốc xâm chiếm từ năm 1959). Ngoài ra, trên thực tế tuy nói rằng khắp dãy Himalaya những nơi cao trên 3.000m đều có ĐTHT nhưng số lượng rất ít và không tập trung (chính vì thế ngày xưa mới quý hiếm). Duy nhất vùng Dolpa của Nepal giáp biên giới với Tibet là nơi tập trung và là nguồn cung cấp chính ĐTHT cho thị trường toàn thế giới ngày nay, chiếm đến hơn 80% sản lượng hàng năm(trên dưới 2,000kg). ĐTHT từ Tây Tạng cả năm chỉ thu hoạch được chừng 10kg, giá còn mắc hơn ĐTHT của Nepal vậy thì làm sao Trung Quốc có ĐTHT để xuất khẩu với giá rẻ bèo bọt như cho?


   Câu trả lời đơn giản đến bất ngờ.
   Quý ông ở Việt Nam chắc đều nghe đến món hải mã? Một cặp hải mã giá bét cũng vài ba triệu, thế nhưng bạn cũng có thể mua được những cặp hải mã (thiệt) với giá 1-2 trăm ngàn đồng thôi. Đó là những cặp hải mã đã được ngâm rượu, rồi sau đó tẩy rửa lại, phơi khô và bán với giá bèo. Chúng chỉ là những xác khô không còn “dược chất” nữa. ĐTHT giá bèo xuất xứ từ Trung Quốc cũng làm theo chiêu này đấy!

   Theo tiết lộ của một quan chức y tế Trung Quốc đã về hưu, vào cuối những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã giao ngành y tế nước này nhiệm vụ “hổ  trợ” các vận động viên Trung Quốc giành chiến thắng trong các cuộc đua tranh thể thao thế giới. Chương trình bí mật này đã triển khai nghiên cứu các loại dược liệu Đông y có khả năng giúp vận động viên đạt thành tích tốt nhất. Nói trắng ra là “doping”. Sự tuyệt vời của chương trình này là tìm ra các dược chất “doping” không bị phát hiện bới các xét nghiệm theo phương pháp Tây y. Cả thế giới đã từng bị “sốc” với kết quả của các vận động viên điền kinh Trung Quốc. Huấn luyện viên họ Mã đã lấp lửng “bật mí” rằng ông ta cho các vận động viên dùng máu rùa… Thực chất, vũ khí bí mật của các vận động viên Trung Quốc chính là ĐTHT .

   Thường cứ vào một năm trước khi diễn ra Thế Vận Hội Olympic, chính phủ Trung Quốc giao cho các thương nhân sang Nepal mua gom, vét sạch toàn bộ nguồn hàng. Số ĐTHT này được đưa đến Phòng Điều chế bí mật của Cục Thể thao thành tích cao. Tại đây, ĐTHT được trích ly toàn bộ các dược chất. Tinh chất ĐTHT sau đó được pha chế ra các loại thuốc tiêm, hoặc viên nén, hay dạng bột để vận động viên sử dụng như thuốc "doping". Đấy chính là nguyên nhân tại sao giá ĐTHT lại tăng đột biến cứ mỗi 4 năm theo chu kỳ Thế Vận Hội kể từ năm 2000 đến nay.
Thương nhân Trung quốc thu gom ĐTHT tại Nepal

   Trước kia, sau khi trích ly dược chất, xác ĐTHT bị đổ bỏ vì hết tác dụng. Nhưng với đầu óc ma mãnh của con buôn Trung Quốc cái bịch nylon rác rưởi còn tái chế được thì làm sao họ có thể bỏ phí mỏ vàng ĐTHT. Thế là có những đầu nậu thu gom các xác khô ĐTHT  để tái xuất bán ra các nước khác. Nguy hiểm nhất là : biết rõ tâm lý người mua ĐTHT nhằm tăng cường khả năng tính dục bọn đầu nậu này liền tẩm vào các xác ĐTHT những chất có công dụng như Viagra. Tội nghiệp cho các bác cứ tưởng rằng mình mua được ĐTHT thứ thiệt, vì dùng vào thấy “sung” quá, nào ngờ mua phải Viagra dỏm…
  Và có trời mới biết ngoài Viagra ra bọn gian thương này còn tẩm vào các xác ĐTHT những chất gì nữa!

   Các bác nhà mình chỉ nghi ngờ rằng đông trùng hạ thảo giả làm từ cây thạch thảo, hoặc những thứ giống đông trùng hạ thảo rồi cắm cỏ vào. Rồi truyền miệng rằng : "Cách xác định đông trùng hạ thảo thật sau khi đã... mua về: đem hầm rồi quan sát hình dạng, mùi. Đông trùng hạ thảo tốt là ninh lâu vẫn dai, không mủn, cọng cỏ ở đầu không nát, khi ninh toả ra mùi thơm, tanh như cá... "
  Bố khỉ, với cách dùng xác khô ĐTHT của các sư phụ Tàu ô thì các bác nhà mình có ninh, hầm vẫn cứ dính chưởng như thường!

29/12/2012

Nguyễn Phú



Còn đây là bài từ Sài Gòn Giải Phóng:
 http://www.sggp.org.vn/sggp12h/2007/6/105393/
"Loạn" đông trùng hạ thảo!
SGGP:: Cập nhật ngày 14/06/2007 lúc 14:56'(GMT+7)
Vì lời đồn thổi bổ dưỡng "gấp trăm lần nhân sâm" nên thời gian gần đây, nhiều người đổ xô săn lùng "biệt dược" đông trùng hạ thảo. Có người cần thiệt, nhưng cũng có người mua cho biết bởi "hổng bổ bề ngang thì cũng sang bề dọc". Chưa biết đông trùng hạ thảo bổ dưỡng đến mức nào, chỉ thấy nhiều khách hàng đã bị loại "biệt dược" này bổ… vào túi nhát nào nhát nấy đau điếng! 
  •  Mê cung "biệt dược"
 Trong một lần ngồi nhậu, sếp của tôi được nhóm đàn em hồ hởi chào hàng một loại rượu thuốc gọi là… đại bổ. Chung rượu chỉ lưng lưng tách trà nhưng có giá đến… 200.000đ. Thấy chúng tôi tròn mắt, ông chủ quán bật mí: "Mắc vậy mà không phải ai cũng có đâu nhé, đại bổ đông trùng hạ thảo, hàng nhập từ Trung Quốc hẳn hoi".
 



Tuyến Triệu Quang Phục và khu phố đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 được xem là trung tâm mua bán đông trùng hạ thảo nhộn nhịp nhất. Vào nhà thuốc K.D (đường Hải Thượng Lãn Ông), nghe chúng tôi tìm đông trùng hạ thảo, cô bán hàng liền bốc điện thoại và bảo chúng tôi ngồi đợi, sẽ có người mang hàng đến. Hơn 20 phút sau, chị chủ hàng chừng 40 tuổi tên D. đưa chúng tôi xem hàng: đông trùng hạ thảo đóng trong hộp gỗ bằng bàn tay màu đỏ sậm, bên ngoài có hàng chữ Trung Quốc, dưới đáy hộp có miếng vải lót và 1 gói hút ẩm. Hộp này là một lượng (khoảng 80-90 con), được chào giá 2 triệu đồng. Chê mắc, chị D. bảo: "Giá này là thấp nhất rồi đó, vì đây là hàng nuôi chứ không phải hàng trong tự nhiên. Nếu em muốn lấy hàng tự nhiên, chị cũng có nhưng giá hơn 3,5 triệu đồng/lượng". "Chị có hàng của Hàn Quốc không"? Vừa nghe tôi hỏi, chị D. giãy nãy: "Trời, Hàn Quốc làm gì có đông trùng hạ thảo? Loại này chỉ Trung Quốc mới có thôi (!?). Em phải xem hàng cho kỹ, không thôi là bị lừa như chơi đấy". Viện cớ phải hỏi lại thầy thuốc, chúng tôi ra về, chị D. liền đưa số điện thoại và dặn: "Em về bàn thêm với người nhà, nếu cần thì cứ a lô một cái, chị sẽ giao hàng tận nhà".

Tại nhà thuốc H., bà chủ chào hàng loại hộp 5 chỉ của Hàn Quốc(?) giá 750.000đ (150.000đ/chỉ). Thấy tôi không "mặn", bà đưa gói hàng 2 chỉ đựng trong bọc nhựa (tôi đếm được đúng 20 con), bên ngoài chi chít chữ, bảo: "Em lấy hàng này xịn hơn. Hàng này của Hồng Công, mấy ngày nay chị bán hút lắm, giá 380.000đ (190.000đ/chỉ)".
 Tại chợ An Đông, mỗi gói đông trùng hạ thảo 2 chỉ (khoảng 20-25 con) được "hét" giá 1,5 triệu đồng. Tìm mua loại hảo hạng để biếu sếp, bà chủ gần 50 tuổi liền đưa cho tôi hộp đông trùng hạ thảo 1 lượng chi chít chữ Trung Quốc, màu sắc sặc sỡ, xởi lởi: "Em nên lấy loại này, chị bảo đảm… chất lượng hơn hẳn. Vì con lớn hơn (cỡ 1/4 con nhộng tằm) nên tích tụ được nhiều chất bổ hơn, hàng này là "chất lượng 5 sao" đó nghen". Cái giá của gói... "5 sao" này mới nghe qua tôi đã đổ mồ hôi hột: "chỉ có"… 15 triệu đồng! 
  • Thật giả khôn lường… 

Mua ĐHT tại cửa hàng động dược đường Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh Đ.T

Vòng quanh trung tâm mua bán đông dược nhộn nhịp nhất này, chỉ chuyện hộp đông trùng hạ thảo "hảo hạng" 1 lượng, nhưng chúng tôi được chào nhiều giá khác nhau. Có quầy một, hai triệu đồng nhưng cũng có quầy "hét" đến… một, hai chục triệu đồng. So với nhân sâm thì mức giá này cao gấp cả trăm lần. Giải thích điều này, các chủ quầy thuốc đều có cùng câu "tiền nào của nấy đó"!

 Chủ một nhà thuốc trên đường Triệu Quang Phục giải thích rất cặn kẽ: "Muốn hái đông trùng hạ thảo, người ta phải lên tận vùng núi cao, xa xôi hiểm trở. Cả một cánh rừng rộng lớn, thường người nào giỏi lắm cũng chỉ tầm được chừng vài trăm gram. Hái về, người ta phải phân loại lớn nhỏ khác nhau, sau đó là vận chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam. Qua biết bao nhiêu mối lái, nó mới ra được tới chợ. Tìm được nó công phu và… trần ai như vậy, biểu sao mà giá không mắc"?! Một khách hàng nãy giờ nghe chuyện, bỗng quay sang tôi bỏ nhỏ: "Mặt hàng này bây giờ loạn lắm. Có trời mới biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Mình là dân tay ngang không thể nào biết được đâu".

Một thầy thuốc đông y ở đường Hải Thượng Lãn Ông kể, nhiều người sau khi mua đông trùng hạ thảo đã tìm đến ông nhờ kiểm chứng xem là hàng thật hay giả. Kết quả, trong 10 trường hợp ông từng xem giúp, thường chỉ có 1-2 trường hợp là "mua được hàng có chất lượng". Chính vì giá cao như vậy nên đông trùng hạ thảo là dược phẩm cao cấp được làm… giả nhiều nhất!. 
MINH AN

 Theo nhà thuốc Đồng Nhân Đường (Bắc Kinh) ở Trung Quốc 3 vùng có ĐTHT nổi tiếng: Tây Tạng, Thanh Hải và Tứ Xuyên. ĐTHT có màu nâu hoặc vàng nhạt. Độ dài khoảng 4-5cm, khối lượng từ 0,3g đến 1g, có 8 đôi chân, nhưng thường chỉ nhìn rõ được 4 cặp. Giá bán của 1g ĐTHT tại Trung quốc loại tốt 1 con = 1g thì giá là 360 tệ, khoảng 700.000 VNĐ. Loại kém chất lượng hơn thì 3-4 con = 1g giá khoảng 100 tệ trở lên (khoảng 200.000 VNĐ). ĐTHT loại tốt là loại có đạm cao. Theo kinh nghiệm, ĐTHT loại tốt được đánh giá trên phần con sâu càng dài, càng mập và phần cây càng ngắn là tốt. Ngược lại thì ĐTHT sẽ kém chất lượng hơn. Do giá cao, nhu cầu nhiều, trong thời gian qua, tại Trung Quốc đã có một số trường hợp bán ĐTHT kém chất lượng, hàng giả. Hàng giả có thể làm bằng thân củ địa tàm và thạch thảo hoặc bằng bột ngô, mì… màu sắc trắng hoặc vàng nhạt, nặng hơn hàng thật. (T.Đ)

22 tháng 12, 2012

BÃI BIỂN DÀI NHẤT THẾ GIỚI: COX's BAZAR - PHẦN 2


 DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI: TẮM BIỂN KIỂU BANGLADESH


Bangladesh là một nước Hồi giáo, theo phong tục Islam, phụ nữ khi ra đường phải che kín 100%. Tuy thế, chiếc áo choàng đen với khăn trùm đầu chỉ hở đôi mắt sâu thẳm không ngăn chặn được sức hấp dẫn tự nhiên của phái đẹp đối với mình mà chỉ càng thêm cuốn hút, quyến rũ mình lao về họ như một con thiêu thân không sợ lửa. Bangladesh hiện đại đã có nhiều phụ nữ đi làm ở công sở, vả lại luật lệ đạo Hồi xứ này cũng không quá nghiêm khắc như ở Pakistan hay Afghanistan, cho nên tỷ lệ phụ nữ đeo khăn trùm đầu cũng không còn chiếm đa số. Dù vậy, ngoại trừ khuôn mặt tuyệt đẹp ra, bạn sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ phần thân thể nào của phụ nữ ở đây. Ở Ấn Độ, bạn có thế ngất ngây trước những vòng eo tuyệt mỹ, những bờ vai trần hoàn hảo, những tấm lưng nuột nà không tỳ vết hay cả đôi gò bồng đảo nóng bỏng bên dưới chiếc áo cánh cách điệu chỉ nhỉnh hơn chiếc áo ngực tý xíu của những giai nhân tuyệt sắc những khi chiếc sari của họ hững hờ buông thả. Phụ nữ Bangladesh cũng choàng sari, nhưng bên trong là cả bộ áo dài kín đáo, không hở một centimetre nào cho các đôi mắt phàm tục như mắt của mình lợi dụng. Tối đa, bạn chỉ có thể ngắm một cách kín đáo gương mặt và đôi tay của họ; nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của một phụ nữ không phải vợ mình là một hành động khiếm nhã và vô cùng xúc phạm đến những thân nhân là đàn ông của họ- và điều ấy có thể tước đi cuộc đời tươi đẹp của bạn.
  Đêm ấy thức khuya, mình ngủ chập chờn với giấc mơ về một bãi biển tràn ngập những người đẹp Bangladesh mặc những bộ bikini tung tăng trên cát nóng… giống như bãi biển Mumbai…

  Anh chàng Mafuzur ngủ nướng nên mãi tới hơn 8 giờ sáng bọn mình mới ra tới bãi biển. Hôm ấy là ngày thứ sáu, ngày nghỉ hàng tuần của dân Bangladesh nên bãi biển Cox’s Bazar khá đông các gia đình từ Chittagong đi nghỉ mát (giống như dân Saigon đi chơi biển Vũng Tàu vậy). Mình háo hức đi thật nhanh xuống bãi cát vàng rực rỡ dưới mặt trời mùa đông để chứng kiến giấc mơ của mình đêm qua thành sự thực… Ha ha… Bé cái nhầm! Nói theo kiểu “Chiếc nón kỳ diệu” là: “Bikini? Không có một chiếc bikini nào cả!”... Hi hi, câu “nothing” của anh chàng Sak quá đúng.  

Nam phụ lão ấu… tất tần tật mặc quần áo nghiêm chỉnh như đi hội chợ… lũm chũm chạy xuống, sóng nước chỉ vỗ tới mắt cá chân đã cười ré lên vội vã chạy trở lại. Thi thoảng có một vài người dám ra xa hơn chừng 5-7m, nơi nước ngập tới … đùi… rồi đứng đó chờ sóng biển đến mà nhảy sóng … rồi cười sung sướng mãn nguyện… Tắm biển kiểu Bangladesh là như vậy đấy!   




  
Dân Bangladesh thật là hoang phí!
Sở hữu một bãi biển số một thế giới mà không tận hưởng cái thú vui đùa cùng sóng nước. Sở hữu những người đẹp làm phái mày râu thót tim mà không hề khoe ra… (để mình có dịp ngắm trộm… hu hu buồn năm phút). Sở hữu nguồn hải sản phong phú, đa dạng không thua kém Việt Nam mình mà không biết thưởng thức các món luộc, hấp, nấu lẩu, kho, nấu hủ tiếu hải sản, nấu canh chua, nướng, làm mắm… Phí quá!
Hai cô nàng hở hang nhất bãi biển ngày hôm ấy...

  Mình xách cái handycam lượn vòng vèo từ đầu xóm-nhúng-nước-biển đến cuối xóm-chạm-nước-biển. Tuyệt không thể tìm ra một chị em nào dám mặc… mà nói gì phái nữ, kể cả đàn ông cũng không ai cởi trần. Chán ơi là chán. Chán đến nỗi mình cũng không tắm biển luôn. Thứ nhất là nếu mình cởi trần thì sợ sẽ bị bắt vì tội… “công xúc tu xỉ”  he he… Thứ nhì: không có chỗ tắm nước ngọt! Một lần nữa anh chàng Sak lại nói đúng. Mặc nguyên bộ đồ mà dầm nước biển rồi phải lội bộ hơn cây số về khách sạn để tắm nước ngọt rồi lại lóc cóc quay xuống đây thì chết còn sướng hơn.
Không tắm, thế là mình muốn đi dọc theo bờ biển ngắm cảnh. Mafuzur gọi một chiếc auto-ricksaw made in China rồi cả hai lên đường. Xe chạy tà tà trên con đường nhựa nhỏ dọc theo bờ biển ngăn cách bãi cát vàng và dãy đồi thấp.


Bên này là gò đồi hoang vu, sau mươi km lại nhường cho những làng xóm bình dị. Bên kia, bọt sóng trắng nối tiếp bọt sóng trắng như những chiếc hôn cuồng nhiệt biển Bengal gửi cho bờ cát vàng yểu điệu. Thi thoảng, một khoảng vườn dừa thơ mộng làm chỗ nghỉ chân cho những tâm hồn lãng mạn. Rồi những xóm chài nhỏ bé với những chiếc thuyền hai mũi cong cổ truyền của ngư dân Bangladesh đủ để cho các phó nháy chụp cả ngày mà triển lãm...




  Chốc chốc, một người dân địa phương bày trên lớp rơm mỏng bên vệ đường những quả dưa chín mọng xanh vỏ đỏ lòng, ngọt lịm tận kẽ răng được trồng ngay trên bãi cát vàng gần đó. Thế là mình được ăn Tết sớm. Bạn cũng có thể dừng chân nơi một vườn dừa và yêu cầu chủ vườn leo lên bẻ dừa cho bạn. Haiza, kỳ này dân Bến Tre trổ tài nha. Anh chàng chủ vườn đu bên dưới bẹ lá theo yêu cầu của mình bẻ thử một trái ở từng quài quăng xuống, mình búng búng vỏ dừa rồi phán cái này chưa có cái (còn non theo cách nói của dân xứ dừa tức chưa có cơm dừa); cái này nạo (cơm dừa vừa ăn); cái này cứng cạy (cơm dừa dày ăn không ngon)… Dĩ nhiên là giải thích vòng vo bằng tiếng Anh bồi rồi… Mấy chục năm xa quê, hổng ngờ không bị lụt nghề …làm mấy anh chàng địa phương mắt tròn mắt dẹt thán phục… Chỉ tiếc là bây giờ già rồi, lại mập ú nữa nên không còn leo dừa được, nếu không mấy anh chàng địa phương này phải lé mắt luôn trước các tuyệt chiêu của dân xứ dừa…
Dưa hấu đêêê... ăn Tết sớm đêêê

   Nếu đi vào các làng chài vào buổi sáng hay chiều bạn có thể mua được hải sản tươi rói mới đánh bắt từ biển về. Nhớ kỷ niệm hai mươi năm trước mình về quê thằng bạn đại học ở Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ngày nào cũng được ăn cá thu tươi, mực tươi hấp chấm nước mắm sống. Bước vào một chợ làng ở đây (Cox’s Bazar), cũng đầy đủ cá mực tôm tép tươi chong… Thế là lên kế hoạch cho tháng tới về đây sẽ không ở khách sạn mà sẽ vào trong làng mướn nhà ở trọ, mặc sức mà nấu nướng theo kiểu Việt Nam he he…
   Thực ra nếu muốn tắm trần (với quần áo tắm, dĩ nhiên) bạn chỉ cần chịu khó đi xa ra khỏi thành phố và làng mạc. Mình đã nghĩ ra chiêu chở theo hai can 20l nước ngọt để tắm lại và mang theo mấy cái võng cho lần sau về Cox’s Bazar (tốt hơn nữa là có một thùng bia và dụng cụ để nướng thức ăn ha ha). Còn đơn giản hơn nữa là tắm đêm, tuy nhiên ở đây đêm xuống biển cả tối mịt mù với lại còn sợ “cá lạ” nó rỉa cho một phát thì toi, nên không tắm đêm cho nó lành hi hi…
  Phải cảnh giác với người địa phương nha bạn!(nói đùa nha...) Lonely Planet ấn bản mới nhất về Bangladesh xuất bản năm… 2008 nói rằng dân Bangladesh rất tò mò và sẽ bu kín lấy người ngoại quốc. He he… năm 2012 không đến nỗi như vậy nhưng quả thực là dân Bangladesh rất tò mò và thích tiếp xúc với người nước ngoài, dù là “Tây mũi tẹt da vàng” như mình. Ở Nepal, mình thường bị nhầm là người bản xứ, trong khi ở Bangladesh cái mặt của mình từ xa một cây số cũng dễ dàng nhận ra là người nước ngoài giữa đám đông người bản xứ có màu da bánh mật nồng nàn, mắt to sâu, mũi cao.  Câu thường xuyên bạn bị hỏi là: “Anh từ đâu đến? Bangladesh thế nào? Đẹp hông?”  Tuy đen so với dân Việt nhưng dân Bangladesh da sáng hơn người ở Nam Ấn Độ và tóc thẳng chứ không xoăn. Có lẽ, người Bangladesh là hợp chủng giữa Dravidian (dân Nam Ấn có nguồn gốc từ Phi Châu) và dân Mon-Khmer (Miến Điện).

Nụ cười hồn nhiên của các em bé địa phương

  Biển ở đây có màu xanh da trời hơi ngả sang màu ngọc bích. Bờ cát dài không ô nhiễm, không rác rưới, không bịch nylon. Nước trong văn vắt. Quả là Thiên đường cho dân mê biển. Nói rằng bãi biển Cox’s Bazar còn hoang sơ là nói ở thì hiện tại và quá khứ, chứ tương lai gần thì không còn bao xa… Mình chỉ đi dọc theo con đường nhựa nhỏ chạy song song theo bờ biển vài chục cây số, thế mà đã thấy toàn bộ đất đã được chia lô xí phần, có khoảnh đã bắt đầu xây dựng các resort, hotel 5-7 sao, có khoảnh vẫn còn là các trại cá giống nhưng cũng chỉ là tình trạng xí phần đã diễn ra ở Nha Trang hơn chục năm trước. Mafuzur bảo rằng cách đây vài năm giá đất dọc theo con lộ này rẻ bèo chỉ 1-2 ngàn đô 1000m2. Nay thì rớ vào là phỏng tay. 100 ngàn đô 1000m2 và đang lên giá từng ngày. Anh bạn trẻ của mình cũng chốp được một lô đất từ tiền lời của vụ kinh doanh đầu tiên (mình sẽ kể sau về anh chàng này và thế hệ của anh ta được gọi bằng nick “The Campus Generation” ở Bangladesh. Rất đáng cho các bạn trẻ tìm hiểu). Lô đất của Mafuzur không nằm ở mặt tiền, nhưng hắn kiếm thêm được một apartment nhìn ra biển ở một building cao cấp đang xây dựng. “Năm sau anh về đây thì khỏi phải ở khách sạn.” Hắn cười hãnh diện.    





  Năm 2011, Cox’s Bazar cũng lọt vào tầm ngắm của New Open World Corporation (NOWC) –Tổ chức lừa đảo bầu chọn 7 kỳ quan thế giới mới. (Đã là kỳ quan của Tạo hóa mà còn bầu chọn thì bùn cời hỉ?)   May mà chính phủ Bangladesh tỉnh táo, người dân không mù quáng mê muội nên không có những tên bố láo nhắn hàng trăm nghìn tin nhắn bầu chọn và ép nhân viên cũng phải nhắn tin bầu chọn hay có những ông quan đầu đất làm trò khỉ mang cả đứa bé miệng còn hôi sữa ra bấm tin nhắn như trường hợp Vịnh Hạ Long. Thế là NOWC lẳng lặng cút khỏi Bangladesh đồng thời xóa tên Cox’s Bazar ra khỏi danh sách dỏm 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. (Ở một bảng xếp hạng khác không cần bầu chọn, Cox’s Bazar xếp chung nhóm với Vịnh Hạ Long trong mục Kỳ quan tự nhiên châu Á. Châu Á thôi chứ chẳng thế giới, thế gian gì ráo trọi). Bangladesh đâu có cần mua cái bánh vẽ của NOWC! Hữu xạ tự nhiên hương, các tập đoàn du lịch hàng đầu thế giới tranh nhau đầu tư hotel, resort, hàng triệu du khách hàng năm nườm nượp tìm đến nơi này.
   Điểm kết thúc của bãi biển dài nhất thế giới Cox’s Bazar là Teknaf, cũng là điểm cực nam trên đất liền của Bangladesh, ngăn cách với Myanmar bằng một biên giới tự nhiên: con sông Naf. Đến đây bạn sẽ có thể có thêm một cuộc phiêu lưu cảm giác mạnh: thuê thuyền đi ngược dòng sông Naf giữa hai quốc gia Bangladesh và Myanmar. Chuyến đi này chỉ dành cho những tay ưa mạo hiểm, điếc không sợ súng… từ lính biên phòng cả hai bên Bangladesh và Myanmar… Nghe mà ham rồi lại sợ. Hổng biết lần sau về Cox’s Bazar mình có dám đi không nữa…

  Rồi nếu chán cảnh lang thang “bờ cát dài phẳng lặng” (Xuân Diệu), bạn có thể theo tàu ra các hòn đảo. Nổi tiếng nhất chính là đảo Saint Martin với những rạn san hô và rùa biển, với những con suối nước ngọt nơi bạn có thể tắm tiên…

  Xe chạy hơn tiếng đồng hồ, 30km, mà bờ cát vàng vẫn mời gọi đi mãi đi mãi… Sợ xe hết… pin nên mình bảo Mafuzur nói tài xế quay xe về (thực ra mình sợ phải đẩy xe he he)… Đây là loại xe tuk-tuk do Trung Quốc chế tạo chạy bằng bình ắc-quy, giá rất rẻ chừng trên dưới 1000USD; hiện đã bắt đầu phổ biến khắp Bangladesh (mình sẽ nói về xe cộ và giao thông ở Bangladesh ở bài khác). Ưu điểm của loại xe này là không khói, không tiếng ồn. Mỗi lần sạc đầy bình accu có thể chạy … từ sáng tới tối – bác tài nói vậy. Nhưng khi mình hỏi tiếp chạy cả ngày chừng bao nhiêu cây số, bác ấy hồn nhiên nói chừng trên dưới 50km… Hú hồn! Đẩy cái xe Trung Quốc mắc dịch này suốt 50km về lại thành phố chắc cặp giò mình xin nghỉ hưu non…

   Nếu thích một bãi biển hoang sơ đẹp đến nao lòng, nếu muốn tìm kiếm cảm giác thanh bình yên ả, hay tận hưởng một tuần trăng mật “độc” suốt đời không thể nào quên thì Cox’s Bazar là nơi xứng đáng cho bạn tìm đến. Nhanh lên bạn! Cox’s Bazar đang lột xác từng ngày từ một cô gái chân quê chất phác thật thà trở thành một quý bà thành thị diêm dúa. Không lâu nữa đâu, những cảnh đẹp thơ mộng này rồi chỉ còn là ký ức đẹp đẽ giống như đã từng xảy ra với những bãi biển xô bồ ngày nay ở Việt Nam.

18 tháng 12, 2012

BÃI BIỂN DÀI NHẤT THẾ GIỚI: COX’s BAZAR


DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI: CỰC NAM BANGLADESH-
COX's BAZAR BEACH KỲ QUAN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI

  Với 125km không bị gián đoạn, Cox’s Bazar của Bangladesh được ghi nhận là bãi biển tự nhiên dài nhất thế giới (The longest beach of the world).
  Tên nguyên thủy của bãi biển này Pengwa (Hoa Vàng – Yellow Flower) đã gợi hứng cho mình đặt nickname Cúc Nhiệt Đới cho Bangladesh :D. Cox’s Bazar là nơi phải đến và đáng đến nhất ở Bangladesh.

   Theo lịch sử, vùng đất này thuộc về người Rakhyn. Năm 1784, vua Miến Điện là Monwaing tấn công vùng này, giết chết vua địa phương Thamada. Năm 1799, Công Ty Đông Ấn của Anh (East India Company-Tổ chức được Nữ hoàng Anh bán cho quyền quản lý và khai thác thuộc địa Ấn Độ của Đế Quốc Anh với giá 01 đồng vàng) cử thuyền trưởng Hiram Cox dẫn quân tấn công Pengwa. Cox thắng trận, đoạt được vùng này. Ông ta cho xây dựng nơi này thành một thị trấn với một cái chợ ở trung tâm (bazar theo tiếng Hindi). Cox chết trong năm 1799 với những kế hoạch xây dựng vùng này còn dở dang, dân địa phương bắt đầu gọi vùng này là Cox's Bazar (Chợ của ông Cox) từ đấy.
Bãi biển dài hàng trăm cây số còn hoang sơ chưa bị công nghiệp du lịch tàn phá

   Từ thủ đô Dhaka xuống hải cảng Chittagong bằng đường bộ là 264km. Từ Chittagong phải đi tiếp xuống vùng cực nam Bangladesh thêm 154km để đến Bãi biển dài nhất thế giới.
  Trước khi đến Cox’s Bazar, mình tưởng tượng nơi này chỉ là một thị trấn tỉnh lẻ, nhất là sau khi nghe anh chàng doanh nhân Bangladesh tên Sak- kẻ rong chơi khắp thế giới-khuyên mình đừng đi Cox’s Bazar vì nơi đó “nothing”. Thế nhưng mấy anh bạn trẻ đối tác của mình thì cứ nhất mực kéo mình đi bằng được, “Anh sẽ hối hận cả đời nếu đến Bangladesh mà không thăm viếng Cox’s Bazar.” Họ quả quyết. Ừ, thì đi. Vốn dĩ đấy cũng là tuyến đường trong kế hoạch của mình thăm viếng các địa điểm: Bandarban-thành lũy Phật giáo cuối cùng ở Bangladesh; Ramu-nơi diễn ra cuộc đốt phá các ngôi chùa và làng xóm của Phật giáo 2 tháng trước bởi bọn cực đoan Hồi giáo, và trại tỵ nạn của người Rohingya-nhóm sắc tộc đang gây ra các cuộc xung đột ở biên giới Myanmar và  Bangladesh. (Các chủ đề này sẽ viết sau khi về tới Nepal… hi hi). Thế là kiếm một cái xe và lên đường cùng với Mafuzur.
  Xe mình đến Cox’s Bazar vào lúc 8 giờ tối. Đang ngái ngủ sau chặng đường bị nhồi xóc đến từng cái xương già nua, ánh đèn lóa mắt của một thành phố làm mình bừng tỉnh. Xe đi vào con phố mới, hai bên là những khách sạn 10-20 tầng hiện đại cái nọ chen chúc cái kia. Vặn cửa kính xuống, không khí mát rượi không thể lẫn của biển tràn vào xóa tan mệt nhọc của một chặng đường dài. Mafuzur đã book một phòng đôi ở khách sạn 5 sao Long Beach Hotel. Giá rẻ đến bất ngờ: 120$/ đêm. Nhận phòng xong, cả hai vội vã rửa mặt rồi tranh thủ…check mail qua wifi. 9 giờ đêm, Mafuzur kéo mình đi lang thang ra khỏi khách sạn.
  Chắc các bạn đã từng biết đến thói quen đi ngủ sớm của người ở Lục địa Ấn Độ? Ở Nepal, sau 8 giờ tối là khó tìm taxi, trong khi các cửa tiệm (trừ quán bar, nhà hàng, casino…ở khu người nước ngoài) thì đóng cửa lúc 6-7 giờ tối. Ấn Độ thì muộn hơn, nhưng cũng không quá 8-9 giờ tối. Bangladesh làm mình bất ngờ. Bữa tối xuống đến Chittagong đã 11 giờ đêm nhưng các cửa hàng, tiệm, quán đều mở cửa, đèn mở sáng choang dù rất ít khách hàng. Cox’s Bazar cũng không ngoại lệ.
  Mình và Mafuzur tản bộ dọc theo phố chính rồi rẽ xuống hướng biển. Gần 10 giờ đêm, hàng quán vẫn còn sáng choang ánh đèn. Dãy cửa hàng cá khô làm mình nhớ đến Vũng Tàu. Thử tìm thì không thấy tôm khô, chỉ có ruốc khô. Còn cá thì vô thiên lủng, có cả khô cá khoai  hi hi… Ấn tượng nhất là mấy con khô hoành tráng treo trước cửa tiệm dài từ 1,5 đến hơn 2m… Kế đó là các gian hàng bán vỏ ốc và đồ lưu niệm từ san hô, ốc… Không có gì đặc sắc và đẹp, thua đồ mỹ nghệ biển ở Vũng Tàu, Côn Đảo, Nha Trang… (Các bạn nhớ đừng mua các hàng này vì sẽ bị tịch thu khi qua phi trường Bangladesh đó!)
Cửa hàng khô các loại

Con khô này dài tới 2 m

  Bọn mình băng qua một con đường nhựa hẹp chạy giữa phố chính và bờ biển. Ôi chao, dọc theo đường xuống biển là các quầy bán hải sản tươi sống với ngọn đèn dầu tù mù…Dạ dày mình réo sùng sục nhưng phải dằn lòng bấm bụng đi theo Mafuzur cho… khỏi quê…
  Từ mép đường nhựa, bãi cát trải dài xuống đến mép nước phải đến hơn 50m. Sóng vỗ ầm ì. Hàng dãy ghế nằm với dù che chạy dài theo bờ biển. Biển Bengal trong đêm tối mịt mù, không có cảnh đèn thắp sáng choang của các thành phố nổi câu mực như ở Việt Nam. Mình dầm đôi chần trần cho đến đầu gối xuống nước. Để cảm nhận vị lạnh ngọt ngào của biển Bengal mùa đông. Để những đợt sóng tiếp thêm sinh lực cho các mạch máu có phần lười biếng của mình vì cái lạnh mùa đông trên Kathmandu. Không khí ấm áp làm mình cảm thấy đã quyết định sáng suốt khi đi tránh mùa đông Nepal ở Bangladesh.
  Chụp vài tấm hình biển đêm xong, bọn mình quay trở lại con đường cũ. Khỏi phải nói mình mừng thế nào. Tấp vào mấy xe hải sản. Ôi trời, cá tươi, tôm và Vow  tôm hùm… Ôi… ghẹ nữa… Chỉ thiếu nghêu sò ốc hến…Mình chốp liền mấy con tôm hùm và ghẹ, bảo Mafuzur trả giá  … he he sử dụng lợi thế người bản xứ để khỏi bị chặt chém (thường dân Bangladesh hét giá chỉ…gấp đôi thôi, chứ không đến nỗi như các nơi du lịch khác giá gấp mười…). Hi hi, cuối cùng mình dzớt một con ghẹ 1kg và 1 con tôm hùm 900gr mà chỉ trả có 5$ (100.000VNĐ). Người bán hàng hỏi mình muốn làm món gì. Thì ra ở đây người ta tẩm hải sản với masala (masala là một hỗn hợp các gia vị theo kiểu Ấn Độ, nhất thiết phải có bột nghệ cho có màu… mình sẽ nói về ăn uống kiểu Bangladesh vào dịp khác). Kiểu ăn thứ hai là tẩm bột chiên. Mất hứng vì dân Bangladesh không biết ăn món luộc, hấp mình nói anh chàng bán hàng cứ rửa sạch rồi chiên. Ôi chao cả đám quay lại nhìn mình như quái vật, người ăn lông ở lỗ… May mà anh chàng Mafuzur xổ một tràng tiếng Bangla cứu nguy,nếu không chắc cả Cox’s Bazar sẽ chạy đến xem trò lạ: ăn thức ăn không có masala… ô..hô…    
Hải sản tươi sống đêêê

    Mafuzur đã đưa mình đi ăn gần hết các nhà hàng lớn ở Chittagong. Anh chàng doanh nhân trẻ măng này không đời nào chịu đưa mình đi các quán bình dân (kể cả khi mình nằn nì để biết về đời sống bình thường của người Bangladesh), chắc là để giữ thể diện (doanh nhân là tầng lớp được kính trọng trong xã hội Hồi giáo Bangladesh)  và nhất là từ lòng hiếu khách đến mức có khi làm mình áy náy. Thế nhưng bữa hải sản tươi sống bên bờ biển này mới chính là bữa ăn ngon miệng nhất của mình suốt ba tuần qua ở Bangladesh. Sống trên núi (Nepal, Kathmandu) nên thức ăn mình thèm nhất là hải sản tươi sống. Còn nhớ cái bữa vào nhà hàng hải sản ngày đầu tiên ở Chittagong, mình hăm hở kêu món cua hấp (steamed crab). Hỡi ôi, con cua bị cắt nhỏ vụn vằn bằng cỡ ngón tay cái, hấp chung với masala nồng nặc đến không còn mùi cua… Hôm nay, khoái trá gặm từng cái chân của con ghẹ khủng, mời Mafuzur hai cái càng, thấy hắn  từ chối thế là không mời lần thứ hai… chén luôn cả cặp. Anh chàng Mafuzur thì gọi cho mình món cá thờn bơn chiên bột, ăn từ tốn với sốt cà. Mình hạ xong con ghẹ thì bắt đầu xử lý con tôm hùm. Bẻ cái đầu ra, trời, gạch tôm miên man… Nghe mình quảng cáo đấy là phần ngon nhất của con tôm, Mafuzur nếm thử để rồi trợn trắng cố dằn sự kinh hãi xuống… He he, mặc kệ, mình hồn nhiên chén con tôm hùm thịt chắc nịch, ngọt đến tận kẽ răng… Mấy anh chàng Bangladesh cứ lạng qua lạng lại xem mình ăn thức ăn không có masala… ha ha...
Con tôm hùm và con ghẹ khủng bố

  Bangladesh theo đạo Hồi nên rượu bia bị kiểm soát gắt gao. Hơi tiếc vì hải sản ăn không thì hơi bị… phí, nhưng không chuẩn bị trước để mua vài lon bia trong các cửa hàng rượu nên đành chịu. Bơm nhậu Việt nam qua đây chắc sẽ thất vọng não nề vì mồi rẻ và đầy ra mọi chỗ mà không được uống chăm phần chăm… hi hi…  
   Hai tên về đến khách sạn lúc hơn 12 giờ đêm. Mafuzur lăn ra ngủ sớm sau khi thống nhất với mình sẽ dậy sớm đi tắm biển. Mình thì vào mạng mãi đến 2 giờ khuya…
   Muốn biết dân Bangladesh tắm biển thế nào xin mời xem tiếp hồi sau sẽ rõ… hi hi
  (Còn tiếp)

12 tháng 12, 2012

LUMBINI-MÙA SẾU VỀ LÀM TỔ

Cập nhật-Trả lời vắn tắt một số bạn đọc: Sếu đầu đỏ (Sarus Crane) là loài chim đặc hữu ở Lumbini quê hương của 3 vị Phật Sakya, Kanaka Muni và Krakuchanan. Chúng đã sống ở đây hàng nghìn năm (hình khắc trên cột đá Asoka từ năm 250 trước Thiên chúa giáng sinh). Không phải mới về sống ở Lumbini kể từ khi ông Huyền Diệu đến vùng này sau năm 1993 như ông ta kể trong tự truyện "Khi hồng hạc bay về". Chính phủ Nepal, Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã và Hội Sếu Quốc tế đều có các dự án bảo tồn loài chim quý này từ trước năm 1993.
                                                               9h 13/12/12 - NP
 .........................................................................................................................................................
 Ngỏ: nhân có bạn đọc nhắc đến SẾU ĐẦU ĐỎ, xin post lại đây entry cũ với hình ảnh đã được cập nhật từ các chuyến đi làm phim tài liệu của mình cho Quỹ Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã về SẾU ĐẦU ĐỎ ở LUMBINI các năm 2011-2012. Bài này đã được Báo Giác Ngộ đăng năm 2010.
  Vì dung lượng lưu trữ có hạn nên mình không post lên đây đoạn phim "độc" mình quay điệu luân vũ lãng mạn của một đôi sếu. Bạn nào thích, xin liên hệ với mình qua Email: phunepal@gmail.com mình sẽ gửi tặng.

..."Người ta thường nghĩ rằng gọi loài chim Sarus Crane này là sếu nghe có vẻ quê mùa và gọi chúng là “hạc” thì sang hơn, tôn quý hơn. Thật ra hạc là một từ Hán Việt được người Hán dùng chỉ "con cò", còn sếu là từ thuần Việt. Chưa chắc “hạc” đã hơn “sếu”, mà nói đúng ra, “sếu” còn tôn quý hơn, xưa hơn và chính xác hơn “hạc” .Tên “sarus” xuất xứ từ “sarasa” của Sanskrit nghĩa là “loài chim ở hồ”.  Từ “sarasa” này vay mượn từ ngữ căn “sar” của hệ ngôn ngữ Austro-Asiatic (ngôn ngữ của người Naga chủ nhân đầu tiên của Lục Địa Ấn Độ và cũng là ngôn ngữ của tổ tiên người Việt cổ). Theo tên gọi này, tên Việt nôm na của chúng: “sếu” (theo hệ ngôn ngữ Austro-Asiatic) là chính xác và cổ xưa hơn từ “hạc” có lẽ đến vài ngàn năm. "




Thu đã về ở Lumbini. Mỗi buổi sáng ở đây tôi lại được đánh thức bởi bản hoà tấu của các lòai chim. Thoạt tiên văng vẳng từ xa đến gần là tiếng gọi giông giống như “Đến đây bái Phật - Đến đây bái Phật” (chim “bắt cô trói cột” của vùng rừng miền Đông Nam bộ). Rồi đến tiếng solo thanh thoát của những chú chim chìa vôi trên nền trầm của tiếng gáy cu cườm. Rồi không gian vỡ oà bởi cơ man nào tiếng của muôn chim.
Ngoài kia, những cánh đồng lúa xanh mướt mênh mông bát ngát kéo dài đến tận chân trời được viền bởi bóng tím sẫm của dãy Terai. Bồng bềnh bên trên dãy núi ấy là những chỏm tuyết trắng của Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Và trùm lên tất cả là bầu trời xanh ngăn ngắt không một bóng mây. Không khí tinh khiết đến mức có thể nghe được sương đêm thoang thoảng bay lên trong nắng sớm khi mấy con nai vàng dẫm khẽ khàng lên những lá cỏ như sợ làm phiền buổi tọa thiền sáng sớm của những bậc chân tu. Nắng lấp lánh trên mình nai, chúng đưa đôi mắt nâu to dịu dàng nhìn bóng những ngôi chùa thấp thoáng qua rặng cây rồi lặng lẽ đi vào khu đồng cỏ.
Đồng cỏ với những khoảng nước ngập sau mùa mưa, gió chờn vờn trên những chùm hoa cỏ trắng xoá. Nơi đây Thu cũng đã kịp gọi sếu về làm tổ.  

Đôi sếu đang tìm về tổ cũ

Người ta thường nghĩ rằng gọi loài chim Sarus Crane này là sếu nghe có vẻ quê mùa và gọi chúng là “hạc” thì sang hơn, tôn quý hơn. Thật ra hạc là một từ Hán Việt, còn sếu là từ thuần Việt. Chưa chắc “hạc” đã hơn “sếu”, mà nói đúng ra, “sếu” còn tôn quý hơn, xưa hơn và chính xác hơn “hạc” .Tên “sarus” xuất xứ từ “sarasa” của Sanskrit nghĩa là “loài chim ở hồ”.  Từ “sarasa” này vay mượn từ ngữ căn “sar” của hệ ngôn ngữ Austro-Asiatic (ngôn ngữ của người Naga chủ nhân đầu tiên của Lục Địa Ấn Độ và cũng là ngôn ngữ của tổ tiên người Việt cổ). Theo tên gọi này, tên Việt nôm na của chúng: “sếu” (theo hệ ngôn ngữ Austro-Asiatic) là chính xác và cổ xưa hơn từ “hạc” có lẽ đến vài ngàn năm.    
Một số sách lịch sử Phật giáo khi phiên dịch ra tiếng Việt từ nguồn Hán tạng có kể câu chuyện Đức Phật Thích Ca và chim thiên nga. Theo đó thì khi còn là một thiếu niên, một hôm trong vườn ngự uyển, hoàng tử Siddartha bắt gặp một con thiên nga bị thương bởi một mũi tên của Devadatta. Siddartha nhổ mũi tên ra và cứu chữa cho chú chim tội nghiệp. Nhưng Devadatta khi phát hiện được đã lên tiếng đòi con chim do mình bắn được. Cả hai không ai chịu ai và đi đến tranh cãi gay gắt. Theo truyền thống dân chủ cộng hòa của gia tộc Sakya, vụ việc được đưa ra Mote Hall ( Nhà hội nghị, như Quốc hội ngày nay) cho cả hai trình bày lý lẽ của mình và để toàn bộ các thành viên nam của gia tộc phán quyết. Siddartha đã được quyền giữ chú chim kia khi lý luận rằng “Sinh mạng con chim thuộc về người cứu nó chứ không phải về kẻ tước đoạt nó!”



Hình chim sếu trên trụ đá Asoka ở Niglihawa – quê hương của Đức Phật Kanaka Muni, gần kinh thành Kapilavastu
Theo học giả Hemraj Shakya, người tinh thông các ngôn ngữ cổ như Brahmi, Sanskrit, Pali – cây đại thụ uy tín trong giới nghiên cứu về lịch sử và văn hoá cổ đại của Ấn Độ và Nepal, thiên nga hoặc ngỗng trời ở vùng này không có, mà con chim trong câu chuyện trên chính là chim sếu, một loài chim đặc hữu của quê hương Đức Phật Thích ca. Theo các nhà khoa học, loài sếu này phân bố khắp miền Bắc Ấn; tuy nhiên ở Nepal chúng chỉ sinh sống ở Kapilavastu (quê cha của Đức Phật) và khu vực xung quanh Lumbini. Vùng này ngoài Đức Phật Thích Ca còn là quê hương của hai vị Phật trong quá khứ là Kanaka Muni và Krakuchanan, cả hai nơi đều được Đại Đế Asoka dựng cột đá đánh dấu. Không phải ngẫu nhiên mà chim sếu được khắc trên trụ đá ở Niglihawa, theo khám phá của riêng tôi, đây là trụ đá Asoka duy nhất được khắc hình ảnh động vật-một cách thức tôn vinh loài chim thiêng ở quê hương các Đức Phật của Asoka. Chính xác thay các kinh sách cổ khi nói rằng chim sếu tụ hội nơi có thánh nhân.



Tác giả trong một chuyến đi thực địa khảo sát về chim khắp Nepal năm 2005

Tác giả đang quay phim tài liệu về sếu năm 2011


Nepal là một thiên đường cho chim và những người yêu quý chim muông. Xứ sở này có khoảng 900 chủng loại chim, chiếm 8% chủng loại chim của thế giới. Chín chủng loại được đưa vào danh sách bảo tồn của Chính phủ Nepal bao gồm sếu, cò trắng, và cò nâu. Xứ này có luật bất thành văn rằng mọi người phải yêu quý muông thú không giết hoặc ăn thịt chim hoang dã, mà thật ra cũng không cần luật vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người và được nhắc nhở giáo dục thường xuyên trong tất cả mọi cấp lớp của trường học. Vì thế, ngay cả ở nơi trung tâm đô thị như thủ đô Kathmandu người ta vẫn có thể nhìn thấy hàng đàn cò trắng, cò nâu đậu dày đặc theo các bờ sông hay làm tổ trên các cây cổ thụ.
Vùng Lumbini (Lumbini Zone) là phần mở rộng của Đồng bằng sông Hằng với một số con sông nhỏ, trong đó nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo là con sông Dầu (Telar Khola) đã được Ngài Huyền Trang mô tả trong hồi ký “Tây Du Ký” (không phải tiểu thuyết Tây Du ký của Ngô Thừa Ân). Vùng Lumbini rộng khoảng 140.000 ha, cao độ từ 95m đến 1200m trên mực nước biển. Khí hậu bán nhiệt đới, với mùa nóng dài hơn mùa lạnh và có bốn mùa: xuân, hè, thu (mưa) và đông. Nhiệt độ vào mùa hè thường trên 30º C có thể lên đến 38-39 và  mùa đông rơi xuống trên dưới 15º C. Mùa mưa từ tháng 6,7, 8 và có thể kéo dài sang cả 9-10. Vào mùa thu thì ngày ấm và đêm lạnh.Tổng diện tích đất do con người sử dụng chiếm đến 68% (cư trú và canh tác). Đồng cỏ chiếm 6% diện tích đất dọc theo bờ sông và trong khu bảo tồn Lumbini, đấy chính là nơi sếu làm tổ và kiếm thức ăn chính. Con sông Dầu chảy xuyên qua khu vực bảo tồn Lumbini và vùng đất ngập nước do nó tạo nên trong khu vực Lumbini được quy hoạch thành khu bảo tồn sếu của Nepal.
Sarus Crane hay sếu đầu đỏ của vùng này cùng một chủng loại với sếu đầu đỏ ở vùng Đồng Tháp Mười của Việt Nam. Đây là loài sếu cao nhất, khi đứng thẳng từ chân lên đến đỉnh đầu vào khoảng 2m, sãi cánh khi dang ra hết cỡ rộng đến 2,5m. Sếu trưởng thành nặng từ 7-10kg, toàn thân phủ một lớp lông xám nhạt, ở đỉnh đầu không lông với da mịn mướt màu xanh ve chai, toàn bộ lông đầu và phần trên của cổ màu đỏ huyết dụ. Chân có màu đỏ nhạt. Chim mái thường nhỏ hơn chim trống chút ít. Chim non có bộ lông tơ vàng ánh trên đầu và thân mình sậm hơn màu nâu quế.
Sếu đầu đỏ là loài chim không thiên di, chỉ di chuyển giữa các vùng thức ăn vào thời gian chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa. Chúng là loài chim thân thiện với con người đến mức gần như không sợ người, kể cả nơi có mật độ dân cư cao như vùng Bắc Ấn. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng điều này vì địa phương này có truyền thống “chung sống hòa bình” giữa các giống loài trải qua vài ngàn năm. Tuổi thọ một con sếu có lẽ lên đến nửa thế kỷ (người ta đã thấy một con sếu được nuôi từ nhỏ với người sống đến hơn 40 năm). Ở Ấn độ và Nepal, sếu được coi là chim thiêng và không bao giờ xâm phạm đến chúng. Chim non thì mừng rỡ chạy đến khi người ta vẫy tay, quấn quýt với người cho chúng ăn như những chú cún con. Và cũng như chó, chúng rất hung dữ với người lạ bước vào ngôi nhà của chủ chúng, (thêm một điều buồn cười là chúng rất ghét chó, hễ bất cứ con chó nào lảng vảng trong sân là nó rượt đuối chạy toé khói).



Một con sếu đang giữ nhà cho một người địa phương sau khi nó gãy cánh và được người này cứu chữa và nuôi dưỡng

Môi trường sống của sếu là những cánh đồng nước ngập theo mùa, đồng cỏ, ruộng lúa, hồ nước. Trái với quan niệm ban đầu của chúng tôi rằng sếu là loài “ăn chay”, trong thực tế sếu ăn khá nhiều loại thức ăn, cỏ, cây thủy sinh, rễ, củ, các loại hạt, động vật không xương sống, côn trùng, động vật nhỏ…
Tôi bắt gặp một điều thú vị ở Lumbini. Theo quy hoạch, chính phủ Nepal lập ra làng Đức Phật (Buddha Nagar) để tái định cư những gia đình sinh sống trong khuôn viên Vườn Lumbini. Ở làng này vào mùa Thu, cứ chiều chiều lại có một con sếu hoang đi đến từng nhà để khất thực. Đến trước mỗi cửa nhà, nó dừng lại gật gật đầu mấy cái như chào chủ nhà rồi đứng đợi người ta cho thức ăn. Nó không khất thực duy nhất một nhà mà mỗi nhà chỉ ăn chút ít rồi sang nhà khác dọc theo một con đường dài chừng 50m. Tôi thường ngồi uống trà sữa khoảng giữa con đường đó để đợi nó. Nó đến rất đúng giờ, tầm 4 giờ chiều mỗi ngày. Tôi lấy bánh bich-quy đưa cho nó. Sếu khéo léo dùng chiếc mỏ dài gắp từng cái bánh trong tay tôi, đặt xuống đất và dùng mỏ bẻ làm hai miếng rồi mới từ tốn ăn từng miếng; sau đó mới gắp cái bánh khác. Lần nào nó cũng chỉ nhận 5 cái bánh quy rồi thôi. Sau khi ăn xong, sếu cúi đầu chào tôi vài cái rồi mới thong thả đi sang nhà kế bên nhận thức ăn. Không ai biết nó từ đâu tới cũng như bao nhiêu tuổi. Làng này mới thành lập trên dưới 15 năm và từ những năm đầu người ta nói là đã thấy con sếu kia về khất thực.



Tác giả đang tặng thức ăn cho một con sếu hoang đi khất thực hàng ngày trong làng Đức Phật ở Lumbini

Sếu thường được coi như biểu tượng của sự chung thủy, người ta tin rằng chúng kết đôi với nhau một lần cho suốt cuộc đời, và nếu một trong hai mất đi, con còn lại sẽ nhịn ăn đến chết.


Điệu luân vũ của những đôi sếu mùa yêu đương

Khi vào mùa làm tổ, sếu bắt cặp và  biểu diễn những điệu luân vũ kèm theo bản hợp ca ngập tràn hạnh phúc. Tiếng hoan ca của chúng là một tràng những âm thanh phức hợp, hoà điệu lần lượt giữa tiếng chim trống và chim mái. Cứ mỗi tiếng gáy của chim trống thì chim mái gáy theo hai tiếng ngắn. Cả hai vươn người trong một tư thế hoàn mỹ, đầu ưỡn về sau, mỏ há vươn lên bầu trời như muốn gửi thông điệp yêu thương tới toàn vũ trụ. Rồi chim trống vươn xoè cánh lên cao trong khi chim mái thì xếp cánh yểu điệu duyên dáng bọc lấy thân mình để múa “Vũ điệu kết đôi”. Đôi sếu lướt trên cỏ như những vũ công ballet rồi rung lắc thân mình như những vũ nữ múa bụng, rồi cúi chào nhau, rồi bay bỗng lên không trung, rồi nhặt những cọng cỏ ném yêu vào nhau, rồi vỗ cánh hân hoan...kéo dài hàng vài chục phút... Đó là cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú nhất mà tôi từng được chứng kiến, khi có hàng vài chục đôi sếu cùng múa ca trong một buổi hoàng hôn mùa thu.
Vào khoảng tháng bảy-tám sếu bắt đầu làm tổ. Tổ chim sếu làm bằng các loại cây cỏ của vùng nước ngập, kể cả lúa. Sau khi chọn nơi làm tổ (các đôi sếu cũ thường làm tổ ở ngay chính cái tổ của năm trước), giữa một vùng ngập nước đến gần đầu gối, cặp sếu bắt đầu dùng mỏ nhổ quang quẽ cỏ, sậy, lúa xung quanh một diện tích 5-6 mét vuông và chất thành một gò nhỏ đường kính khoảng gần 2m. Khi làm tổ, cặp sếu đi theo chiều kim đồng hồ, nhổ và quăng thật chính xác các cây cỏ vào nơi làm tổ. Cứ kết thúc một vòng thì chim trống lại leo lên dẫm cho đống cây cỏ nén xuống thật chặt. Nhìn từ xa tổ sếu giống như một cù lao nhỏ nhô lên khỏi mặt nước 50-60cm trên đỉnh hơi lõm xuống. Sếu làm tổ giữa mặt nước như vậy có lẽ nhờ nước để điều hoà nhiệt độ, mát vào giữa trưa và ấm vào ban đêm. Và cũng có nguyên nhân nữa là để phòng tránh các thiên địch của trứng và chim con như: chồn, cáo, chuột, rắn…



Một đôi sếu bắt đầu làm tổ
Không một nông dân nào phàn nàn khi sếu nhổ trụi một khoảng lúa 4, 5 mét vuông trên ruộng của họ để làm tổ, trái lại còn vui mừng khi thấy sếu chọn ruộng của họ để làm tổ. Theo họ đó là một điềm lành, sếu sẽ mang lại may mắn và no ấm cho gia đình họ trong năm kế tiếp. Vì thế không có chuyện phá tổ sếu hoặc xua đuổi sếu. Điều này ngoài tín ngưỡng cổ xưa của vùng này là tôn kính sếu, còn có một tình yêu thương lẫn nhau giữa sếu và người. Chim mái thường đẻ hai trứng rất cân bằng âm dương, một sẽ là trống và một là mái. Trứng chim được ấp trong vòng 30 đến 35 ngày. Chim trống thường đi vòng quanh để bảo vệ cho tổ trong khi chim mái ấp và ấp thay chim mái khi con này đi ăn. Khi trời nắng chúng dùng mỏ đảo trứng để sức nóng toả đều quả trứng. Trứng chim chiều rộng có đường kính khoảng 10 cm, chiều dài khoảng 13cm đường kính trục, nặng khoảng trên dưới 300g, vỏ màu trắng có vân xám nhạt. Ăn trứng và thịt sếu là điều cấm kỵ (taboo) theo tín ngưỡng dân gian toàn vùng, vì thế không bao giờ có việc bất cứ kẻ nào dám ăn thịt hay trứng của loài chim thiêng này, kể cả vào mùa đói kém nhất.


Tổ chim sếu đầu đỏ

Trong thời gian khảo sát thực địa ở Lumbini, tôi đã tiếp cận với các tổ sếu để quan sát và tìm hiểu kết cấu tổ cũng như cân đo trứng sếu. Khi chúng tôi lội qua cánh đồng ngập nước để đến gần tổ của chúng, đôi sếu tỏ vẻ giận dữ chứ không sợ hãi. Chúng chạy vòng quanh ở khoảnh cách 5-6 m, con chim trống giang rộng đôi cánh lên, mỏ há lớn phát ra những âm thanh chói gắt, chim mái thì ở khoảng cách xa hơn nhưng cũng không kém phần kích động. Khi cân đo trứng sếu tôi đã phải rất cẩn thận dùng bao tay phẫu thuật vì sợ trứng ám hơi người sẽ bị đôi sếu mổ thủng bỏ đi.
Người nông dân nghèo khổ này sống trong một cái chòi lá vách đất, quanh năm suốt tháng chỉ quần xà lỏn và quàng tấm khăn như thế này. Đôi sếu đến làm tổ nhổ trụi nửa công ruộng của ông (500m2). Ngày đầu tiên tôi lội vào quay phim, ông đã chặn lại vì sợ tôi... ăn cắp trứng sếu. Các bạn có thể thấy đôi sếu đứng xa xa phía sau ông ta.
Một quả trứng sếu bị ung, nổ tung lúc 12 giờ trưa khi trời quá nóng

Chim sếu ấp trứng
Sau khi ấp trên dưới một tháng thì trứng nở. Vỏ trứng sau khi nở sẽ được chim bố mẹ mang đi quẳng thật xa khỏi tổ. Tập tính của sếu là giữ khu vực xung quanh tổ thật sạch, khi có bất kỳ cọng cỏ cây nào trôi gần đến tổ là nhặt quẳng đi thật xa (phòng chống rắn chăng?). Trong vài ngày đầu, chim non được bố mẹ đút thức ăn, khoảng một tuần tuổi chúng đã có thể theo bố mẹ đi kiếm ăn. Khi có nguy hiểm, chim bố mẹ kêu to báo động một cách đặc biệt, các chú chim con liền đứng im bất động cho đến khi bố mẹ đến gần dùng mỏ dụi dụi lên thân mình báo hết nguy hiểm rồi dẫn chúng đi tiếp.
Đôi sếu đang thảnh thơi ăn bên cạnh những người nông dân quê Phật Lumbini, phía xa là chiếc cày máy ầm ĩ
 Kỷ niệm đặc biệt nhất ở Lumbini của tôi là cứu sống một chim sếu con vào mùa thu 2005. Năm ấy mùa mưa kéo dài hơn thường lệ. Tôi làm một cái chòi dã chiến trên bờ ruộng để quan sát tổ của một đôi sếu. Sau một tháng, chỉ có một trứng nở, trứng còn lại bị ung và bị chim bố mỏ bỏ vứt đi. Chim sếu nở được một tuần thì gặp một cơn mưa lớn. Mưa dầm dề từ suốt từ nửa đêm 19, rạng ngày 20/10/2005. Kèm theo là cơn rét cắt da đột ngột, ở Lumbini đang từ 30 độ bỗng rớt xuống chỉ còn trên dưới 20 độ C. Rét kèm với mưa nên càng thấm. Đây không phải là cơn mưa lớn nhất, nhưng là cơn mưa dai nhất và lượng nước nhiều nhất mà tôi từng gặp ở Lumbini (cuối cùng thì sau đúng ba ngày trời mới tạnh hẳn). Ngày đầu tiên đôi sếu bố mẹ đứng chụm vào nhau che cho chú sếu con không đi kiếm ăn như thường lệ. Ngày thứ hai, đôi lúc một con nháo nhác chạy đi một lúc chắc là tìm thức ăn rồi vội vã quay về đổi chỗ. Vào lúc chập choạng tối ngày thứ ba, chúng tôi nghe tiếng sếu kêu thảm thiết vội vàng đội mưa chạy ra. Đôi sếu đang tất tả bỏ đi. Không thấy chú sếu con một tuần tuổi đi theo. Đoán có chuyện chẳng lành tôi và hai người địa phương giúp việc vội chia ra tìm. Người thì chặn mấy người Nepal đi bắt cá lại, xét giỏ đựng cá, kẻ soi đèn pin kiếm trong từng bụi cỏ. Mãi một lúc sau mới thấy chú sếu con nằm gục trong đám cỏ ven bờ ruộng, lông tơ ướt bẹp, người tím ngắt, mắt đã lờ đờ. Chúng tôi vội vã mang vào nhà của một người địa phương gần đó, thấm khô, rồi sưởi ấm chú bằng bóng đèn tròn. Được một lúc chú thở hắt ra rồi ngáp ngáp. “Sống rồi!” May quá. Một lát sau chú bắt đầu kêu khẽ mấy tiếng. Cả đêm ấy bọn chúng tôi thức trắng trông chừng chú.
Nửa đêm, vợ chồng sếu quay về tìm con, kêu thảm thiết. Tờ mờ sáng, chúng đi lảng vảng quanh ổ kêu than nẫu ruột. Trời vẫn mưa và lạnh quá nên chúng tôi không dám trả con cho chúng ngay. Cứ cách nửa giờ một lần chúng tôi bẻ bich-quy thành mẩu nhỏ mớm cho chú sếu con. Mãi đến chiều trời bớt mưa, chúng tôi mới thả chú sếu con về với bố mẹ. Chúng mừng rỡ ríu rít bên nhau rồi dắt nhau đi khuất trong màn mưa lất phất.




Sếu con được sưởi ấm bằng bóng đèn điện đã hồi tỉnh



Tác giả và chú sếu con được cứu sống.
Thu đã về ở Khu Vườn Thiêng Lumbini. Năm nay nắng gắt chen lẫn những cơn mưa lớn kéo dài. Tôi lại tìm về nơi chốn bình an ấy để lại được ngắm điệu luân vũ yêu thương của đàn sếu, để được tặng thức ăn cho con sếu khất thực và hoà nhập tâm hồn vào không gian huyền diệu của một trong những nơi linh thiêng nhất trên Trái Đất nơi đã đón nhận bước chân đầu tiên của Đức Từ Phụ của chúng ta.
Lumbini, Mùa Sếu 2010
Phật tử Nguyễn Phú



Sếu về bên Chùa Linh Sơn ở Lumbini của Người Việt ở Pháp
BONUS: BÀI NÀY CỦA MÌNH ĐĂNG TRÊN TUỔI TRẺ ONLINE NGÀY 12/09/11
http://tuoitre.vn/Ban-doc/455493/Dung-hoc-thoi-troc-phu-de-an-thu-hoang-da.html
Thứ Hai, 12/09/2011, 11:08 (GMT+7)
Đừng học thói trọc phú để ăn thú hoang dã
TTO - Man rợ, theo tôi chỉ có thể dùng từ như vậy với hành vi tận diệt thiên nhiên này. Đừng ngụy biện là dân nghèo kiếm sống mà phải bắt chim. Và cũng đừng đua đòi theo thói trọc phú tìm kiếm cao lương mỹ vị đặc sản mà ăn tất tần tật muông thú hoang dã.
Bạn có thể tưởng tượng cảnh những đôi chim sếu thảnh thơi đi ăn ngay bên cạnh thửa ruộng có nông dân đang cày bừa (kể cả máy cày cơ giới) mà không hề e ngại (ảnh).
Sếu trên đồng

Các "vua bếp" có bao giờ nổi tiếng với các món ăn man rợ từ động vật hoang dã? Chẳng lẽ các nhà khoa học lại không thể xác định tính dinh dưỡng (nếu có) từ các "món ăn đặc sản" chế biến từ động vật hoang dã? Tất cả chỉ là vấn đề tâm lý của kẻ trọc phú muốn mình hơn tất cả thiên hạ, ngay cả trong việc ăn, bởi vì tiền thừa thãi quá.
Tôi đang sống ở Nepal. Dân xứ này nghèo hơn dân nghèo ở Việt Nam, thế mà không bao giờ có chuyện bắt một con chim trời ăn thịt, đừng nói là tận diệt theo kiểu ở Hà Tĩnh. Tháng rồi tôi đi làm phim tài liệu về sếu đầu đỏ ở quê Đức Phật.
Khi tôi lội vào một khu ruộng để quay hình tổ sếu ngay trong ruộng lúa, người nông dân chủ ruộng thoạt tiên đã ra dấu không cho: "No egg! No egg!" (Không được lấy trứng!) vì tưởng chúng tôi đến lấy trứng chim (ảnh).
Mặc dù khoảnh ruộng gần 1 công đất không thể trồng trọt vì chim sếu làm tổ, thế mà ông nông dân nghèo còn bảo vệ như thế. Sếu còn bình an sống cạnh con người như thế, các loài chim khác thì sống càng thoải mái hơn.
NGUYỄN PHÚ