28 tháng 4, 2013

HỆ THỐNG THẦN LINH ẤN ĐỘ GIẢN DỊ HÓA



 Có rất nhiều cứ liệu chứng tỏ rằng người Việt nhận nhiều ảnh hưởng của văn minh Ấn không kém gì văn minh Trung Hoa. Nghiên cứu văn minh Ấn, so sánh đối chiếu để khám phá lại các vết tích văn minh-văn hóa Ấn trong tâm thức Việt để hoàn thiện “bản sắc Việt” cũng là một con đường “thoát Hán” hiện nay cho người Việt.

 .........................


   Ấn Độ đầy bí ẩn và huyền hoặc có thể làm choáng ngợp bất cứ ai mới tiếp xúc với nền văn minh thâm hậu này. Một trong những vấn đề làm rối nhiều “người ngoài” chưa quen thuộc với văn hóa Ấn nhất chính là hệ thống thần linh Hindu.
       Tầng tầng lớp lớp các vị thần, nhiều đến mức có vị thần có đến chục vạn tên gọi và hóa thân…nhiều đến nỗi các Brahmin thông thái nhất cũng không thể nào nhớ hết tên các vị thần của điện thờ Hindu… nhiều đến mức có người nói rằng số lượng các vị thần Hindu còn nhiều hơn cả dân số Ấn Độ… Không thể “cảm” được văn hóa Ấn nếu không “hiểu” được hệ thống thần linh Hindu. Tham vọng của tác giả trong loạt bài về chủ đề này là “giản dị hóa” hệ thống thần linh Hindu để độc giả có thể đặt bước chân thành kính đầu tiên vào ngôi đền Ấn Độ giáo. Thiết nghĩ nghiên cứu Hindu (Ấn Độ giáo) là một việc rất đáng quan tâm với người Việt ta. Ở phía Nam, đã từng có những nền văn minh Óc Eo, Chân Lạp, Cát Tiên, Champa chịu ảnh hưởng sâu đậm và trực tiếp từ văn hóa Hindu. Ở phía Bắc, có nhiều hiện vật và phong tục của người Việt mang đậm tính chất Hindu. Ở miền Trung, suốt 500 năm qua, qua sự chung sống cùng nhau giữa người Chăm và người Việt, rất nhiều các yếu tố Hindu đã xâm nhập vào tâm thức người Việt sinh sống trên lãnh thổ xưa của Champa cho đến tận mũi Cà Mau. Với giới nghiên cứu, rất nhiều cán bộ, quan chức ngành văn hóa-bảo tàng tại các nơi có di tích Hindu (hầu như khắp từ Đà Nẵng cho tới Kiên Giang) rất cần trang bị kiến thức về Hindu để có thể “hiểu” và “cảm” các hiện vật vô giá của các nền văn minh Hindu đã từng tồn tại và phát triển rực rỡ tại Việt Nam như Óc Eo, Chân Lạp, Cát Tiên, Champa, để có thể bảo tồn các giá trị tinh thần độc đáo ấy. Ngay cả tôn giáo có nhiều tín đồ tại Việt nam hiện nay là Phật giáo thì cũng xuất phát từ vùng đất Hindu-Ấn Độ và Phật giáo đã truyền từ Ấn Độ sang Việt Nam trước khi đổ bộ lên Trung Hoa. Để hiểu Phật giáo sâu sắc hơn, theo thiển kiến của tác giả, có lẽ phải nghiên cứu Hindu để nhìn thấy lại “cái nền” mà trên đó Sakya Muni (Bậc thông tuệ họ Sakya- tức Phật Sakya) đã sử dụng để xây nên ngôi nhà Phật giáo (có thể thấy qua Jataka-chuyện tiền thân Phật), cũng như tránh các lầm lạc “tam sao thất bổn” do du nhập Phật giáo không chính thống từ Trung Hoa phải qua ít nhất hai lần phiên dịch và bị Hán hóa sâu nặng suốt cả ngàn năm nay. Có rất nhiều cứ liệu chứng tỏ rằng người Việt nhận nhiều ảnh hưởng của văn minh Ấn không kém gì văn minh Trung Hoa. Nghiên cứu văn minh Ấn, so sánh đối chiếu để khám phá lại các vết tích văn minh-văn hóa Ấn trong tâm thức Việt để hoàn thiện “bản sắc Việt” cũng là một con đường “thoát Hán” hiện nay cho người Việt.

*****************

THẦN THÁNH CŨNG BIẾT… CƯỜI

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN: THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY BÀI 3
 

THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY : BÀI 1

Một đặc điểm của người Ấn (hay người thuộc văn minh Ấn) là tính hài hước, hóm hỉnh. Ngay cả các vị thần cũng không sống ngoài không gian hóm hỉnh đầy thông tuệ của người Ấn. Có thể nói các vị thần Hindu rất “người”!

1/ INDRA-THỦ LĨNH CÁC VỊ THẦN-BỊ MANG NGHÌN “CON MẮT”

   Thủ lĩnh các vị thần trong hệ thống Hindu là Indra –Thần Mưa, Hán gọi là Đế Thích. Cần nhớ rõ Indra chỉ là thủ lĩnh của các Deva (bán thần) chỉ cai trị cung Trời (Svargaloka- heaven); thấp hơn God (Thần), và ba vị thần tối cao Trinity là các God cai trị cả vũ trụ: Shiva, Vishnu và Brahman.
  Indra vốn rất ham thích sắc đẹp phụ nữ. Một hôm, cầm lòng không đặng nên Indra đã quyến rũ một phụ nữ xinh đẹp đã có chồng. Chồng của phụ nữ này là một rishi (hành giả Hindu) tên là Bhrigu. Nổi cơn ghen vì bị cắm sừng, vị rishi này bèn rủa Indra rằng: “ Vì ông bị ám ảnh bởi thân thể phụ nữ ông sẽ mang một ngàn “âm hộ” trên khắp cơ thể ông!”

 
Hình ảnh của một vị thủ lĩnh mang đầy “âm hộ” ngồi trên ngai vàng của thiên đường quả là chẳng tôn nghiêm chút nào,

25 tháng 4, 2013

MÙA MƯA ĐẾN SỚM



Tùy bút...

Năm nay ở Kathmandu mưa về sớm hơn thường lệ.
Cả tuần nay ngày nào cũng mưa. Ít nhất là một cơn mưa rào, nhiều-có khi cả đêm.
Nhiệt độ đang từ 34oC đột ngột giảm xuống 24oC, thế là các áo khoác nhẹ vừa mới giặt sạch, xếp vào rương cho mùa Thu-Đông năm sau lại được lôi ra tung tăng khắp phố. Mới hai tuần trước, mình đưa hai anh chàng Bangladesh đối tác đi thăm Bhaktapur dưới trời nắng đổ lửa. Không thể ngờ chỉ vài ngày sau là mưa xối xả.

  Dọc theo các con đường của Kathmandu, đến hẹn như mọi năm phượng tím đã nở bừng để làm dịu cái nắng gắt của mùa hè. Năm nay dưới tông màu xám mưa, màu phượng tím lại làm cho Kathmandu có một nét đẹp buồn khó tả. Ngắm những cây phượng tím (Jacaranda) đầy hoa thay cho những cánh lá li ti, miên man nhớ lại một mùa hè thập niên 90 của thế kỷ trước ở Đà Lạt. Mình và Vũ Đức Đạt lang thang khắp các quán café của thành phố mộng mơ rồi ngớ ngẩn đứng ngắm những bông hoa tím nhạt lác đác trên cây Jacaranda cổ thụ và duy nhất của cả Đà Lạt và Việt Nam thời ấy, gần bùng binh chợ Đà Lạt, mặc cho người qua lại ngó bọn mình như những thằng điên.
  Café Tùng già cỗi gần nửa thế kỷ nghe nói đã in dấu chân của hầu hết các văn nghệ sĩ nổi tiếng miền Nam, và là nơi chốn gắn liền với tên của Trịnh Công Sơn. Ngày ấy, ngồi đồng cả ngày ở đó trên dãy ghế dọc tường ngay cạnh cửa ra vào, hết nhìn người qua lại bên ngoài qua ô cửa kiếng rộng suốt mặt tiền lại quay vào ngắm con gái ông bà chủ quán xinh như một bông hồng trắng. Rồi lại lê la khắp các quán café dọc theo con dốc trước chợ Hòa Bình. Nam Giao ngay đầu dốc khởi đầu cho dãy phố café là nơi không thể không ghé, với thiếu phụ chủ quán đẹp như một bức tranh của Nguyễn Phan Chánh. Quán kế tiếp quán dễ chừng trên hai mươi quán, hầu như quán nào cũng có một vài nàng xinh đẹp như cỏ hoa Đà Lạt. Mỗi quán có một gu nhạc riêng. Nhạc Pháp, nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến… nhưng không hề nghe thấy nhạc “sến” vọng vang nơi phố núi ngày ấy. “Đã” nhất là nghe Lê Uyên Phương ở xứ sương mù!

   Mình “biết” Đà Lạt khoảng 1981, khi mới là một chú nhóc ăn theo một đoàn nghỉ hè của trường cấp 2 nơi ông anh mình dạy học. Ấn tượng đầu tiên là ướt nhèm. Ngay tối đầu tiên theo ông anh dạo phố đã dính một cơn mưa như thác lũ, cái áo lạnh duy nhất mượn của ông anh khác ướt sũng nước mãi đến ngày về vẫn chưa khô, ngày hôm sau phải mặc ba bốn cái áo chồng lên để đi theo đoàn mà run cầm cập. Tình yêu đầu với Đà Lạt phải đến hơn 5 năm sau, trong lần “cúp cua” khi đang học ĐHTH ở Saigon mà theo Vĩnh Phú Hải, Trần Thanh Sơn đi bụi lên đó. Thuê một căn phòng áp mái của một biệt thự gần Saint Domaine (Nhà thờ Saint Domaine de Marie) để tối về ngủ, còn cả ngày cứ theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo lang thang khắp Đà Lạt đẹp như một bông dã quỳ trong nắng sớm. Nhờ hai gã lãng tử này mà mình biết được Đà-Lạt-xưa quý phái kiêu sa nhưng vô cùng lãng mạn, không phải Đà Lạt của các đoàn du lịch bát nháo xô bồ. Gã lãng tử dòng hoàng tộc Vĩnh Phú Hải (ngang vai với Vĩnh Thụy) có giọng khá giống Tuấn Ngọc vác theo một cây guitar thùng nghêu ngao cả ngày những bản nhạc Trịnh hay tiền chiến hay Beatles... Còn Trần Thanh Sơn có các ca khúc được Nhà Văn Hóa Đà Lạt dựng làm cả bọn được ăn theo chút tên tuổi mới nổi của anh chàng nhạc sĩ trẻ tuổi…  Có những hôm đã bảy giờ tối, cả bọn lại rủ nhau men theo những con hẻm tối mịt mù không có đèn đường của khu Ánh Sáng để đến café Serenade … Đà Lạt ngày ấy có giai nhân tên Huyền. Nàng là nguồn cảm hứng cho Hôn Môi Xa của Trần Minh Phi, cho bài gì mình không nhớ tựa của Lê Quốc Thắng, và chắc chắn là không chỉ một bài của Trần Thanh Sơn… mình biết thân biết phận nên chỉ ngắm ké vẻ đẹp thanh tú tinh khiết của nàng cũng đã lấy làm thỏa nguyện…
  Chưa đến nỗi cuồng si để đáp một chuyến xe chiều lên Đà Lạt ngồi thức cả đêm ở chợ Âm Phủ chỉ để hít thở không khí cho đỡ nhớ rồi lại bắt chuyến xe khuya về lại Saigon sáng sớm ngày mai để kịp đi làm như mấy chú em gốc Đà Lạt thực tập ở công ty của mình. Nhưng lúp xúp cùng mấy đứa bé đi hái dâu dại trên những sườn đồi phía sau tu viện Saint Domaine màu hồng phấn rồi nằm lăn trên bãi cỏ ngắm mây trời là những ký ức đẹp không bao giờ phai về Đà Lạt của mình. Một Đà Lạt kiểu tranh ấn tượng, huyền ảo, mong manh và đầm ấm. Lần cuối trở lại Đà Lạt là hơn mười năm trước (2001), và vỡ mộng khi đi qua những con phố sạch như lau như li, với hoa trồng trong các bồn bông khắp mọi chốn, với hàng lố những khách sạn và resort kiến trúc hiện đại với kính và nhôm… nhưng đi cả ngày trong thành phố mà không tìm thấy một gốc thông già… Tự xỉ vả mình rõ là lẩn thẩn, một kiểu luôn tiếc thương quá khứ, một kiểu làm dáng ra vẻ “ừ, quá khứ mà tôi đã từng biết thì luôn tốt đẹp hơn những thứ các bạn có bây giờ…”… Đời sống ngày càng văn minh hơn, tiêu chuẩn sống cũng nâng cao, rõ là tốt đẹp hơn cái cảnh những thiếu phụ đẹp não nùng mặc áo dài gánh hàng rong đi bán trên các dốc phố Đà Lạt xưa phải không? Nhưng tình yêu mà, không thể lý giải tại sao. Thế nên xin phép cho tôi yêu Đà Lạt của ngày xưa, thời xây cất chưa bùng nổ, thời của những kiến trúc kiểu Pháp ẩn mình lặng lẽ nghe lời hát ru của những gốc thông già, thời em còn duyên dáng không phấn son, thời em má đỏ môi hồng trong cái lạnh buổi sớm mai như Huyền ngày ấy…

Kathmandu trong mưa
 Không hiểu sao, những ngày mưa ở Kathmandu, tôi lại cứ luôn miên man nhớ đến Đà Lạt. Kathmandu ngày nay cũng đã chật chội và ngày càng vắng bóng cây xanh. Kathmandu không có quán café nơi có thể ngồi cả buổi với bạn bè. Kathmandu đầy bụi và bùn không thích hợp để thả bộ loanh quanh. Có lẽ từ cơn mưa rào Đà Lạt ban phúc cho tôi đêm đầu tiên ở đấy? Có lẽ từ màu phượng tím buồn bã đến nao lòng như những buổi chiều mưa ở Thung-Lũng-Phố một mình ngồi nghe Edit Piaf với một ly café nguội lạnh? Vũ Đức Đạt nay đã lên thành phố sương mù sống cùng với những giấc mơ. Năm ngoái, mình về Việt Nam, may gặp được hắn trong chuyến đi duy nhất mỗi năm một lần về Saigon của hắn. Hẹn lên Đà Lạt với hắn nhưng không biết bao giờ mới thực hiện được. Chỉ sợ những ký ức đã bạc màu lại một lần vỡ vụn.  

PHẠM CÔNG THIỆN-THIÊN TÀI VĂN CHƯƠNG VÀ TRIẾT HỌC VIỆT THẾ KỶ 20

 Ông là thần tượng của mình từ thuở mình 20 tuổi và vẫn là thần tượng không thay đổi cho đến hôm nay. NP

*******************************

PHẠM CÔNG THIỆN – MỘT THI SỸ KỲ TUYỆT THIÊN TÀI

Bài này của tác giả Tâm Nhiên từ Văn Chương +:
http://vanchuongplusvn.blogspot.com/2013/04/pham-cong-thien-mot-thi-sy-ky-tuyet.html
 
Có những con người đến rồi đi qua mặt đất trần gian này như một cơn sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ một điều chi kỳ tuyệt, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện là một con người độc đáo như vậy.
“Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại…Người lữ hành bước đi, từng con sóng của đại dương cuốn theo xóa sạch từng dấu chân đi. Lưu lại trong khách ảo ảnh tiền thân, phảng phất mùi hương và sắc màu quá khứ không phai nhạt.”* Tuệ Sỹ giới thiệu như thế về Phạm Công Thiện, một tâm hồn hạo nhiên chi khí, một thi sĩ thượng thừa đã khơi nguồn mạch sáng tạo trào dâng ngất ngưởng, mở ra thể điệu phiêu bồng trên cung bậc văn chương, thiền học, triết lý, thi ca bát ngát dị thường. Bước đi một mình một bóng, đơn thân độc mã quá đỗi phong trần gần 50 năm trời nay, say gót mộng chuếnh choáng lang bạt kỳ hồ, lang thang lêu lổng suốt muôn chiều phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương. Lướt cánh đại bàng, tung hoành ngang dọc khắp năm châu bốn biển, thênh thang giữa thiên địa hoàn cầu.
Vào một chiều tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng Cửu Long, một dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam. Thi sĩ lớn lên từ đó, suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng rong chơi, tha hồ tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng xa xôi.
Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một thần đồng biết nhiều thứ tiếng, một thiên tài lỗi lạc : Năm 1957, mới 16 tuổi đã xuất bản Tự điển Anh ngữ tinh âm, 19, 20 tuổi viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, 23 tuổi, viết Tiểu luận Bồ Đề Đạt Ma, 25, 26, 27 tuổi, viết Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm, Ý thức bùng vỡ, Bay đi những cơn mưa phùn, Trời tháng tư, Ngày sinh của rắn, Mặt trời không bao giờ có thực, Nikos Kazantzaki, Rainer Maria Rilke, Henry Miller và dịch thuật những tác giả vĩ đại Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger… làm chấn động toàn thể giới văn nghệ sĩ trí thức thời bấy giờ.
Thuở ấy, năm 1967, khi Phạm Công Thiện làm Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, đúng lúc 26 tuổi

15 tháng 4, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI BANGLADESH-NEPAL-ẤN ĐỘ

  NHÂN DỊP NĂM MỚI Ở BANGLADESH-NEPAL-ẤN ĐỘ KÍNH CHÚC CÁC BẠN MỘT NĂM ĐẦY HẠNH PHÚC VÀ NIỀM VUI!


 

Mình đang cố gắng viết chi tiết về "Tết" ở Nam Á, mong các bạn đón xem. 

7 tháng 4, 2013

TRANG ĐIỂM VÀ TRANG SỨC CỦA PHỤ NỮ ẤN ĐỘ

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN:

   Mình vốn "favour" vẻ đẹp của phụ nữ Ấn. Lúc mới lớ ngớ đến Ấn Độ và Nepal, mình chưa hiểu biết gì về phong tục tập quán của người ở Tiểu Lục địa cho nên mặc dù cái thằng họa sĩ mê sắc đẹp trong mình cứ háo hức muốn chiêm ngưỡng vẻ mặn mà của người đẹp miền Bắc Ấn, nhưng cứ phải lấm lét vì sợ vi phạm những điều cấm kỵ của phong tục địa phương trong việc giao thiệp với người khác giới. Không khéo có thể bị chồng hay người thân của họ rượt mà đập cho một trận thì xúi quẩy cả đời hi hi... Cho nên mình cố gắng tìm hiểu các "chỉ dấu" để nhận biết đâu là một phụ nữ Ấn đã kết hôn (các chỉ dấu này cũng có thể áp dụng cho cả Nepal).
  Các kiểu trang điểm và trang sức sau đây dành cho các phụ nữ đã kết hôn, không chỉ tôn thêm nét đẹp của họ mà còn là những dấu hiệu quan trọng đánh dấu một cuộc đời mới của người phụ nữ.
  He he mời các bác "háo sắc" ghi nhớ 16 dấu hiệu này để .... thận trọng khi tiếp xúc vì họ là người đã có chồng....

  Đầu tiên, họ sẽ mặc chiếc sari màu đỏ, và ...


29 tháng 3, 2013

CẶP ĐÔI HOÀN HẢO CỦA THẦN THOẠI ẤN ĐỘ



THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY : BÀI 2

LỜI DẪN: Jade là một chuyên gia về Trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence) từ Singapore đến Nepal để nghiên cứu các văn bản cổ đại ở đây. Cô được Lasta, nữ sĩ quan tình báo Nepal dưới vỏ bọc một Chuyên viên Quan hệ công chúng của một tập đoàn lớn, hướng dẫn thăm viếng các di tích cổ của Nepal... 
CHƯƠNG 16

      Lasta chỉ một cái đền nhỏ, “Đấy là Đền Shiva-Parvati.” Cô dắt tay Jade đi đến ngôi đền ấy.
  Trên các vì kèo và tường của ngôi đền này trang trí các bức chạm gỗ gợi tình (Erotic scenes), mô tả các lạc thú của tình yêu. Jade thẹn đỏ mặt khi nhìn thấy các hình ảnh ấy. Cô nghĩ thầm – “Sao họ có thể làm như thế? Trang trí một nơi thờ phượng tôn nghiêm với các cảnh từ Kama Sutra… Không thể tưởng tượng được!”
Đền Shiva-Parvati trong khuôn viên quần thể khu đền Pashupati thiêng liêng nhất của Hindu Nepal

 
Các hình chạm khắc gợi tình (erotic) của đền Shiva-Parvati

Xin bấm vào hình để phóng to lên




   Như hiểu ý Jade, Lasta liền giải thích, “Đừng hiểu nhầm, cô bạn của tôi ơi. Những bức điêu khắc gỗ này không làm ô uế ngôi đền này đâu. Chúng là những kiệt tác tôn vinh những tình nhân vĩ đại của loài người, những vị thần Sáng Tạo và Hủy Diệt của vũ trụ, Shiva và Parvati. Chúng không phải là những hình ảnh “con heo” 3D đâu, mà chính là những biểu tượng của sự hợp nhất các yếu tố Âm và Dương trong vũ trụ theo Mật tông Hindu. Chúng chỉ xuất hiện ở những ngôi đền của, hoặc liên quan đến Shiva và Parvati-Những vị thần của sự sáng tạo và hủy diệt, yêu thương và hy sinh. Những bức chạm khắc này mô tả triết lý của Vòng Sinh-Tử vô cùng tận.”


   Jade vô cùng ngạc nhiên trước những kiến thức thâm sâu của cô gái còn rất trẻ này.
   Cô gái Nepal liền kể cho Jade nghe chuyện tình của Shiva và Parvati, một trong những chuyện tình cảm động nhất của loài người.
  “Xưa kia, thần Daksha có một cô con gái xinh đẹp tên là Sati. Daksha mong có một chàng rể quý đẹp trai, danh giá hơn là anh chàng lông bông Shiva hay lê la cùng với bọn nghèo khổ. Tuy nhiên, trái với ước nguyện của cha mình, Sati đã trao cho Shiva trái tim mình ngay từ lần gặp đầu tiên bất kể vẻ ngoài kinh khiếp của chàng. Anh ta có làn da sạm nắng, tóc dài chấm vai, quấn một tấm khố bằng da hổ, tay cầm một cái chĩa ba và một cái trống damru. Một con rắn hổ mang quần trên cổ anh ta như một vòng đeo sống động. Khi Sati đến tuổi cập kê, theo phong tục, Daksha tổ chức một buổi lễ gọi là Swayamvara cho con gái yêu (Swayamvara= buổi lễ chọn chồng cho các cô gái). Daksha mời tất cả các vị thần trai trẻ xinh đẹp đến dự để Sati chọn, nhưng cố tình không mời Shiva. Sati lướt mắt tìm khắp nơi mà không thấy Shiva, cô liền khấn nguyện và tung vòng hoa lên trời. Vòng hoa bay lượn trên không trung và đáp xuống choàng vào cổ anh chàng Shiva đang ngủ vùi bên một đống tro sau một đêm say sưa hát hò cùng bè bạn. Daksha cay cú lắm nhưng đành phải gả Sati cho Shiva. Chàng đưa nàng về ngọn núi thiêng Kailash, lãnh địa của chàng. 
 
Shiva và Sati
Vẫn còn oán ghét chàng rể điên điển nên vào một dịp lễ hội khác Daksha cố tình không mời Shiva đến dự. Sati phải về dự lễ một mình. Trong lúc hội hè tưng bừng Daksha lại buông lời sỉ nhục Shiva trước mặt tất cả các vị thần. Để bảo vệ danh dự của chồng, Sati nhảy vào đống lửa thiêng tự sát. (Đấy là nguồn cội của phong tục “Sati” của đạo Hindu. Theo phong tục này người vợ tự thiêu sau cái chết của chồng để bày tỏ sự chung thủy-Chúng ta không phán xét ở đây chỉ ghi nhận lại lịch sử và phong tục- NP). 
Sati tự thiêu
 


Shiva bồng xác Sati chạy cuồng loạn khắp nơi
 Đau buồn vô hạn trước cái chết của người vợ yêu, Shiva mất trí. Ông bồng xác vợ tuôn chạy cuồng dại khắp nơi làm cho mặt đất chấn động, đe dọa tới sinh mạng của muôn loài. Để cứu thế giới, thần Vishnu liền hóa phép cắt thi hài của Sati thành nhiều mảnh rơi xuống nhiều nơi trên đất Ấn, Tuyệt vọng, Shiva lầm lũi quay về ẩn cư trên núi Kailash. Sati sau đó tái sinh làm con gái của thần núi Himavan (Himalaya) với tên Uma họ là Himavati, nhưng thường được biết đến với mỹ danh Parvati (nghĩa là vô tội, thánh thiện). Kiếp này Parvati cũng lại yêu Shiva vì số phận của họ đã đan bện vào nhau. Tuy thế, Shiva đã chọn một đời sống ẩn dật, tịnh khẩu, không tiếp xúc với người ngoài. Chàng suốt ngày ở trong hang đá đắm chìm với tình yêu vô vọng dành cho Sati. Trong khi đó, cô gái xinh đẹp con gái của thần núi Himalaya lại từ chối tất cả các lời cầu hôn của các chàng trai, giữ vẹn lòng chung thủy với người duy nhất mà cô yêu từ kiếp trước. Cô chờ đợi Shiva hết năm này sang năm khác và cầu nguyện sẽ được cùng chung sống với người yêu một lần nữa. Parvati sau đó bỏ vào rừng sống đời một đạo sĩ Yogi trong khu rừng bên cạnh hang đá của Shiva. Hàng ngày nàng vào hang quét dọn sạch sẽ, trang hoàng hoa rừng khắp hang đá nhưng thủy chung Shiva vẫn không để mắt tới bất cứ ai. Thần tình yêu Kamadeva (người tương truyền đã ban Kama Sutra cho dân Ấn) muốn giúp Parvati nên lẻn vào hang dùng cánh cung bằng cây mía bắn một mũi tên tẩm mật vào người Shiva. Shiva mở bừng con mắt thần giữa trán thiêu Kamadeva ra tro. Họ sẽ mãi ở cạnh nhau mà không bao giờ gặp nếu các vị thần không kéo đi khuấy Biển Sữa (Tích khuấy Biển Sữa xin xem ở đây) làm chất độc Halahala trồi lên đe dọa đến toàn bộ vũ trụ. Chỉ có một mình Shiva mới có thể cứu chuộc thế giới (Tích Shiva cứu thế giới xin xem CHÚ THÍCH ở cuối bài này). Khi ấy Vishnu đã mang Parvati đặt trước mặt Shiva để đánh thức ông khỏi cơn trầm uất. Mặt đối mặt, họ nhận ra rằng mỗi người là một nửa của nhau và từ khoảnh khắc ấy, không gì có thể chia cắt họ được nữa. Với sức mạnh của tình yêu (chỉ sự hợp nhất toàn bộ các yếu tố và năng lượng của vũ trụ- NP), Shiva đã đánh bại thế lực hắc ám và cứu được thế giới. Khi cả hai tái hợp cùng nhau, sức mạnh tình yêu của họ đã phục sinh Kamadeva từ đống tro tàn…”
 
Shiva và Parvati
    “Ô, đây là một chuyện tình kỳ diệu nhất mà mình từng được nghe,” Jade thở dài. “Ước gì mình cũng có được một tình yêu như thế…”
     
 Lasta tiếp tục kể:” Cặp đôi thần thánh này đã cứu thế giới không chỉ lần ấy mà còn nhiều lần sau này nữa. Lần nọ có một con quỷ hung bạo tên là Rakta Veeja (nghĩa là Hạt-Giống-Máu) đe dọa thế giới. Mỗi một giọt máu của nó rơi xuống chạm mặt đất sẽ biến thành hàng ngàn con quỷ con hung bạo giống hệt như nó. Không ai và không một vị thần nào có thể tiêu diệt được lũ quỷ sinh sản không ngừng ấy. Durga (Durga là một hóa thân khác của Parvati trong hình tướng nữ chiến binh cuồng nộ) nổi cơn thịnh nộ. Và từ con mắt thứ ba giữa trán của nữ thần xẹt ra một nữ thần da đen thui, tóc dài bay tung tõa và có bốn tay. Nữ thần này cầm  một thanh kiếm sắc, tay khác cầm một nắm đầu quỷ mới bị chặt, cổ đeo xâu chuỗi cũng bằng các đầu lâu quỷ và mặc một cái váy làm bằng các cánh tay bị chặt của quỷ. Mắt bà long sòng sọc, đỏ rực như than hồng. Đó chính là Kali (Sanskrit là Kaalaratri – Nữ thần đen như bóng đêm. Thường gọi là Kali nghĩa là ĐEN). Trông thấy bọn quỷ con, Kali gầm lên xông vào bọn chúng và chém như cắt rạ. Cái lưỡi của Kali thè dài ra hứng lấy tất cả những giọt máu mà Rakta Veeja tung xuống đất, chính vì vậy mà dừng lại được sự sinh sản ra bọn quỷ con. Cuối cùng chỉ còn lại mỗi mình Rakta Veeja, Kali chặt đầu con quỷ này và ăn sống nuốt tươi nó tránh để máu của nó có cơ hồi sinh trở lại. Sự khủng khiếp của cuộc chiến, cùng với lượng máu đầy chất độc của Sakta Veeja làm Kali mất tự chủ, hóa điên và nhảy múa cuồng loạn. Mặt đất rung chuyển dưới từng bước chân của vị nữ thần hung tợn và toàn bộ vũ trụ có nguy cơ bị tàn phá. Lần này đến lượt Shiva. Ông liền nằm xuống dưới chân Kali chịu đựng các cú giẫm đạp của bà cho đến khi bà kềm chế được cơn thịnh nộ. Chính vì thế, bạn sẽ thấy các nghệ sĩ mô tả Kali trong hình thức một nữ thần đen nhẻm cầm một hoặc một nắm đầu lâu, lưỡi thè lè ra khỏi miệng và dẫm lên thân thể một người đàn ông.”


Nữ thần Kali

 ********************************************
CHÚ THÍCH: lễ hội Maha Shivaratri (Đêm vĩ đại của Shiva), là lễ hội quan trọng nhất của tín đồ Hindu theo phái Shaivism (phái này thờ thần Shiva như vị thần tối cao, trong khi phái thứ hai là Vaishavism thì tôn thờ Vishnu như chúa tể vũ trụ) diễn ra vào ngày trăng non của tháng Falgun theo lịch Ấn Độ (khoảng cuối tháng Hai đầu tháng Ba Tây lịch). Hàng triệu tín đồ Hindu từ khắp các nước Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Mỹ, châu Âu,… hành hương về địa điểm linh thiêng nhất của Hindu giáo ở Nepal: ngôi đền thiêng Pashupati ở Kathmandu.


Thần Shiva nuốt Halahala để cứu muôn loài.
Theo thần thoại Hindu, có một lần thế lực hắc ám đe doạ huỷ diệt vũ trụ dưới hình thức Halahala (chất tối độc trồi lên khi các vị thần khuấy đảo Đại dương Sữa huyền thoại để tìm thuốc trường sinh – hạnh phúc). Với tư cách là Người bảo vệ vũ trụ, thần Shiva đã nuốt chửng chất độc ấy để cứu tất cả muôn loài. Chất độc bỏng cháy cổ họng Shiva và làm thân thể Ngài lạnh giá. Ngài chạy băng trên những ngọn núi tuyết của Himalaya để làm dịu nó đi. Dừng chân tại một cánh rừng, những thợ săn thấy Ngài run rẩy vì lạnh nên đã vội vàng chạy đi gom củi khô, đốt lên một đống lửa to để sưởi ấm cho Ngài.
Ganga (nữ thần sông Hằng) đã mang nguồn nước tinh khiết từ thượng nguồn của các dòng sông để hạ nhiệt cho cổ họng của Shiva. Nhưng vẫn chưa đủ. Cho đến khi thần Chandra (mặt trăng) chui vào trong mái tóc dài rậm của Shiva giải toả sức nóng đang nung đốt trong đầu và luồng hơi lạnh giá trong cơ thể Ngài. Sau những giây phút “xuống địa ngục rồi lên đỉnh”, Shiva vô cùng phấn khích và bắt đầu hân hoan nhảy múa vũ điệu tandawa nritya.
Chính vì thế, ngày trăng non ấy được gọi là Maha Shivaratri để kỷ niệm ơn cứu mạng của Shiva với muôn loài, còn khu rừng ấy nay là khu vực toạ lạc ngôi đền thiêng Pashupati (tên gọi cổ và nguyên thuỷ của Shiva, nghĩa là Người bảo vệ muôn loài).