7 tháng 4, 2013

TRANG ĐIỂM VÀ TRANG SỨC CỦA PHỤ NỮ ẤN ĐỘ

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN:

   Mình vốn "favour" vẻ đẹp của phụ nữ Ấn. Lúc mới lớ ngớ đến Ấn Độ và Nepal, mình chưa hiểu biết gì về phong tục tập quán của người ở Tiểu Lục địa cho nên mặc dù cái thằng họa sĩ mê sắc đẹp trong mình cứ háo hức muốn chiêm ngưỡng vẻ mặn mà của người đẹp miền Bắc Ấn, nhưng cứ phải lấm lét vì sợ vi phạm những điều cấm kỵ của phong tục địa phương trong việc giao thiệp với người khác giới. Không khéo có thể bị chồng hay người thân của họ rượt mà đập cho một trận thì xúi quẩy cả đời hi hi... Cho nên mình cố gắng tìm hiểu các "chỉ dấu" để nhận biết đâu là một phụ nữ Ấn đã kết hôn (các chỉ dấu này cũng có thể áp dụng cho cả Nepal).
  Các kiểu trang điểm và trang sức sau đây dành cho các phụ nữ đã kết hôn, không chỉ tôn thêm nét đẹp của họ mà còn là những dấu hiệu quan trọng đánh dấu một cuộc đời mới của người phụ nữ.
  He he mời các bác "háo sắc" ghi nhớ 16 dấu hiệu này để .... thận trọng khi tiếp xúc vì họ là người đã có chồng....

  Đầu tiên, họ sẽ mặc chiếc sari màu đỏ, và ...




1/ Trang điểm tóc Keshapasharachana:


Cô dâu Bắc Ấn
Cô dâu Nam Ấn
Sau khi được tắm bằng dầu tơm, tóc của cô dâu được trang điểm bằng hoa và trang sức. Nếu tóc dài, cô sẽ được thắt bím và trang điểm bằng nữ trang trên mỗi bím tóc (cái vụ này hơi bị tốn tiền nếu tóc càng dài nha hi hi... nhưng quý ông đừng lo, vì số nữ trang này là của hồi môn của gia đình nhà gái).








2/ Đeo nữ trang Maang-Tikka:

Maang-Tikka là một loại nữ trang được làm đặc biệt cho maang (làn rẽ ngôi thiêng liêng chính giữa đầu). Nữ trang này thường được làm bằng vàng, bạc và đá quý. Cô dâu sẽ được chính chú rể điểm sindoor (xin xem mục kế tiếp) phủ lên cả maang-tikka, và trở thành trung tâm của mọi sự chú ý trong một lễ cưới truyền thống ở Ấn Độ.







3/Dấu hiệu Sindoor:

Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để biết một phụ nữ đã có chồng. Sindoor (sin-đua) là bột màu đỏ được người chồng vẽ lên đường rẽ chính giữa tóc kể từ chân tóc trên trán của cô dâu, kể từ khi đó người phụ nữ phải vẽ sindoor mỗi ngày trong suốt cuộc đời của họ với người chồng ấy. Dấu hiệu sindoor chỉ dừng khi người phụ nữ ly dị hoặc chồng mất, và lại thực hiện tiếp tục nếu người phụ nữ tái giá. Sindoor là một biểu tượng cực kỳ tốt lành mang ý nghĩa kể từ hôm ấy cô đã kết hôn với một người đàn ông, người sẽ chăm sóc cho cô ta suốt đời và ngược lại cô cũng chăm sóc cho anh ta suốt đời. Khi mang dấu hiệu sindoor, người phụ nữ biểu lộ sự chung thủy với chồng cũng như ước mong sự sống lâu cho anh ấy. Vì thế hãy quan sát cẩn thận xem người phụ nữ xinh đẹp mà mình gặp có vẽ màu đỏ ở chân tóc trên trán không nhé các bác! Hi hi

4/Dấu hiệu Bindi: 

Trong khi sindoor đặt trên lằn ngôi của tóc thì bindi đặt ở giữa trán cũng có nghĩa là một phụ nữ đã kết hôn. Một cái trán trống trơn của một phụ nữ thì không chấp nhận được trong một gia đình Ấn truyền thống. Ngày nay, bindi được làm sẵn như là các miếng dán, có nhiều màu, thậm chí bằng kim tuyến hay đính trang sức chứ không chỉ thuần một loại bột màu đỏ như xưa.

Bindi hiện đại




















5/ Tô mí mắt-Kajal:

Kajal là đường kẻ màu đen để làm nổi bật đôi mắt của một phụ nữ (mình chết mê chết mệt vì các đôi mắt vẽ Kajal này của các mỹ nhân Ấn Độ  hic hic...).
   Đây chính là bí quyết tạo nên vẻ huyền bí cuốn hút của nhan sắc Ấn Độ.
Ngày xưa, kajal được làm từ muội than của các đèn dầu, nay thì công nghiệp mascara đã giúp làm phong phú thêm kajal của phụ nữ Ấn.






6/Đeo nữ trang ở mũi -Nath:
Nath giống một chiếc hoa tai nhưng đeo ở mũi để gây sự chú ý tới bộ phận vô cùng xinh đẹp trên gương mặt của phụ nữ Ấn. Nath thường đính ngọc trai hay đá quý và thường đeo bên cánh mũi trái. (mình thường hay nói vui là các cô này đã bị các ông xỏ mũi rồi... hi hi)







7/ Hoa tai của cô dâu - Jhumka:

Hoa tai của cô dâu thì to và cầu kỳ hơn hoa tai đeo ngày thường.
















8/Chuỗi đeo cổ Magal Sutra:


Trong lễ cưới, cô dâu đeo rất nhiều chỗi đeo cổ, và trong số đó quan trọng nhất là Magal Sutra. Nó được làm bằng vàng và các hạt đá màu đen, có ý nghĩa đánh dấu sự hợp nhất giữa một người đàn ông và một phụ nữ trong một nghi thức hôn nhân thiêng liêng.





Chú rể đeo magalsutra cho cô dâu trong lễ cưới


9/Vòng đeo trên bắp tay- Baajuband:


Vòng Baajuband đeo ở bắp tay trên (con chuột), làm bằng vàng và đá quý. Đây là một trang sức truyền thống của lễ cưới ở vùng Rajasthan-Bắc Ấn.

10/Vòng tay Choodiyan:


Choodiyan là một trang sức quan trọng của phụ nữ có chồng! Bắt buộc phải đeo! Người ta nói là các cô dâu được yêu cầu đeo vòng tay thật nhiều vì khi mới cưới, các cô không phải làm việc nội trợ trong nhà hi hi... Phụ nữ Ấn phải đeo vòng tay có cặp hoặc nhiều quá thì phải theo số chẵn. Xưa kia, Choodiyan làm bằng vàng và đá quý, ngày nay công nghiệp plastic và composite đã giúp cho phái nữ có vô vàn các kiểu Choodiyan mà lựa chọn.

11/Nhuộm tay -Mehendi:

Mehendi hay Henna là tục nhuộm bàn tay,bàn chân cho cô dâu để biểu tượng hóa tình yêu của họ. Việc nhuộm này rất cầu kỳ. Trước tiên phải làm phẩm màu từ thảo dược rồi một nghệ nhân sẽ dùng công cụ vẽ những chi tiết đẹp như tranh lên tay/chân các giai nhân (có khi mất cả giờ đồng hồ cho một bàn tay) , sau đó giai nhân phải chờ thêm 3-4 giờ đồng hồ nữa cho màu thấm vào da. Các nét vẽ này có màu gỉ sắt có thể lưu trên da người đến 1 tuần lễ rồi tự phai.
 Thường thì phụ nữ Ấn và Nepal (kể cả các cô gái chưa chồng) thường vẽ mehendi vào các dịp lễ hội lớn, nhưng vụ này thì nhất thiết phải làm trong lễ cưới.
 Xưa dùng màu thảo dược và vẽ tay, nay có màu làm sẵn và có cả khuôn mẫu hình vẽ để tô màu... Truyền thống ngày càng mai một!













12/Hoa tay-Hathphool:

Vâng, không nhầm đâu các bác! Hathphool nghĩa là hoa nở trên bàn tay (dĩ nhiên là tay phụ nữ rùi). Hathphool trên mỗi bàn tay gồm năm chiếc nhẫn nối bằng các sợi dây chuyền với một bông hoa trên lưng bàn tay mà bông hoa này nối với các vòng tay bằng các sợi dây chuyền khác. Hathphool làm bằng vàng và đá quý; càng cầu kỳ và càng nhiều vàng và đá quý càng tốt (Hic hic...trước tiên khổ cho các bậc cha mẹ chạy lo món nữ trang này làm của hồi môn cho con gái... Nhưng các ông chớ vội mừng! Của hồi môn càng lớn thì sau khi kết hôn , mỗi năm các ông phải tặng trang sức cho vợ tương ứng với số của hồi môn ấy và nó hoàn toàn thuộc về tài sản riêng của cô ta. Cha mẹ lo nữ trang cho con gái có một lần, còn các ông chồng sẽ lo mỗi năm cho đến suốt đời... Ha ha... cái gì cũng có cái giá của nó! Người Ấn thâm lắm đấy.)     


 13/Bông hoa trên ngón cái- Aarsi:

Đây là một chiếc nhẫn rất lớn để đeo ở ngón cái. Aarsi có đính một miếng gương nhỏ để các các cô dâu có thể kiểm tra nhan sắc của mình. Ngoài ra, aarsi còn có công dụng rất hữu ích là để các cô dâu có thể ... lén ngắm nhìn chú rể ha ha... Trong lễ cưới cô dâu Ấn Độ phải đeo mạng nên không thể thấy mặt chú rễ. Trong một số trường hợp, có các cuộc hôn nhân sắp đặt mà cô dâu không hề biết chú rể, cô gái sẽ dùng cách này để nhìn mặt ông chồng tương lai trước khi diễn ra nghi thức đi vòng quanh bếp lửa thiêng kết thúc nghi thức kết hôn. Cho đến lúc ấy cô gái vẫn có quyền từ chối cuộc hôn nhân! Aarsi lợi hại chưa?


Cô dâu đeo khăn choàng che mặt sẽ liếc nhìn dung nhan của chú rể qua Aarsi

Cô dâu đeo đầy đủ đồ trang sức

14/Thắt lưng- Kamarband:

Thắt lưng bằng vàng này không chỉ là vật trang sức mà còn có tác dụng giúp cô dâu giữ cái sari đặc biệt cho ngày cưới nằm đúng vị trí. Thông thường sari của cô dâu sẽ làm bằng vải quý, đính đá quý và thêu bằng vàng ròng nên rất nặng, có khi trên cả 10kg...

15/Vòng đeo cổ chân-Payal:

Vòng đeo cổ chân Payal thường là các dây chuyền với các chùm hạt bằng bạc để tạo nên những âm thanh vui tai khi cô dâu bước về nhà chồng.

16/Nhẫn đeo ngón chân-Bichua:
Chú rể đang đeo bichua cho cô dâu
 Chiếc nhẫn này đeo ở ngón chân thứ hai trên bàn chân trái của cô dâu. Nó là một dấu hiệu quan trọng của hôn nhân nên sau đó sẽ không bao giờ được tháo ra nữa.

 


Túm lại, có hai tuyệt chiêu các bác nên nhớ, trước tiên nhìn chân tóc của cô ấy xem có màu đỏ không, nếu cô quàng khăn che đầu không thể thấy được thì hãy nhìn xuống ngón chân thứ hai của bàn chân trái... hi hi...