25 tháng 4, 2013

MÙA MƯA ĐẾN SỚM



Tùy bút...

Năm nay ở Kathmandu mưa về sớm hơn thường lệ.
Cả tuần nay ngày nào cũng mưa. Ít nhất là một cơn mưa rào, nhiều-có khi cả đêm.
Nhiệt độ đang từ 34oC đột ngột giảm xuống 24oC, thế là các áo khoác nhẹ vừa mới giặt sạch, xếp vào rương cho mùa Thu-Đông năm sau lại được lôi ra tung tăng khắp phố. Mới hai tuần trước, mình đưa hai anh chàng Bangladesh đối tác đi thăm Bhaktapur dưới trời nắng đổ lửa. Không thể ngờ chỉ vài ngày sau là mưa xối xả.

  Dọc theo các con đường của Kathmandu, đến hẹn như mọi năm phượng tím đã nở bừng để làm dịu cái nắng gắt của mùa hè. Năm nay dưới tông màu xám mưa, màu phượng tím lại làm cho Kathmandu có một nét đẹp buồn khó tả. Ngắm những cây phượng tím (Jacaranda) đầy hoa thay cho những cánh lá li ti, miên man nhớ lại một mùa hè thập niên 90 của thế kỷ trước ở Đà Lạt. Mình và Vũ Đức Đạt lang thang khắp các quán café của thành phố mộng mơ rồi ngớ ngẩn đứng ngắm những bông hoa tím nhạt lác đác trên cây Jacaranda cổ thụ và duy nhất của cả Đà Lạt và Việt Nam thời ấy, gần bùng binh chợ Đà Lạt, mặc cho người qua lại ngó bọn mình như những thằng điên.
  Café Tùng già cỗi gần nửa thế kỷ nghe nói đã in dấu chân của hầu hết các văn nghệ sĩ nổi tiếng miền Nam, và là nơi chốn gắn liền với tên của Trịnh Công Sơn. Ngày ấy, ngồi đồng cả ngày ở đó trên dãy ghế dọc tường ngay cạnh cửa ra vào, hết nhìn người qua lại bên ngoài qua ô cửa kiếng rộng suốt mặt tiền lại quay vào ngắm con gái ông bà chủ quán xinh như một bông hồng trắng. Rồi lại lê la khắp các quán café dọc theo con dốc trước chợ Hòa Bình. Nam Giao ngay đầu dốc khởi đầu cho dãy phố café là nơi không thể không ghé, với thiếu phụ chủ quán đẹp như một bức tranh của Nguyễn Phan Chánh. Quán kế tiếp quán dễ chừng trên hai mươi quán, hầu như quán nào cũng có một vài nàng xinh đẹp như cỏ hoa Đà Lạt. Mỗi quán có một gu nhạc riêng. Nhạc Pháp, nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến… nhưng không hề nghe thấy nhạc “sến” vọng vang nơi phố núi ngày ấy. “Đã” nhất là nghe Lê Uyên Phương ở xứ sương mù!

   Mình “biết” Đà Lạt khoảng 1981, khi mới là một chú nhóc ăn theo một đoàn nghỉ hè của trường cấp 2 nơi ông anh mình dạy học. Ấn tượng đầu tiên là ướt nhèm. Ngay tối đầu tiên theo ông anh dạo phố đã dính một cơn mưa như thác lũ, cái áo lạnh duy nhất mượn của ông anh khác ướt sũng nước mãi đến ngày về vẫn chưa khô, ngày hôm sau phải mặc ba bốn cái áo chồng lên để đi theo đoàn mà run cầm cập. Tình yêu đầu với Đà Lạt phải đến hơn 5 năm sau, trong lần “cúp cua” khi đang học ĐHTH ở Saigon mà theo Vĩnh Phú Hải, Trần Thanh Sơn đi bụi lên đó. Thuê một căn phòng áp mái của một biệt thự gần Saint Domaine (Nhà thờ Saint Domaine de Marie) để tối về ngủ, còn cả ngày cứ theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo lang thang khắp Đà Lạt đẹp như một bông dã quỳ trong nắng sớm. Nhờ hai gã lãng tử này mà mình biết được Đà-Lạt-xưa quý phái kiêu sa nhưng vô cùng lãng mạn, không phải Đà Lạt của các đoàn du lịch bát nháo xô bồ. Gã lãng tử dòng hoàng tộc Vĩnh Phú Hải (ngang vai với Vĩnh Thụy) có giọng khá giống Tuấn Ngọc vác theo một cây guitar thùng nghêu ngao cả ngày những bản nhạc Trịnh hay tiền chiến hay Beatles... Còn Trần Thanh Sơn có các ca khúc được Nhà Văn Hóa Đà Lạt dựng làm cả bọn được ăn theo chút tên tuổi mới nổi của anh chàng nhạc sĩ trẻ tuổi…  Có những hôm đã bảy giờ tối, cả bọn lại rủ nhau men theo những con hẻm tối mịt mù không có đèn đường của khu Ánh Sáng để đến café Serenade … Đà Lạt ngày ấy có giai nhân tên Huyền. Nàng là nguồn cảm hứng cho Hôn Môi Xa của Trần Minh Phi, cho bài gì mình không nhớ tựa của Lê Quốc Thắng, và chắc chắn là không chỉ một bài của Trần Thanh Sơn… mình biết thân biết phận nên chỉ ngắm ké vẻ đẹp thanh tú tinh khiết của nàng cũng đã lấy làm thỏa nguyện…
  Chưa đến nỗi cuồng si để đáp một chuyến xe chiều lên Đà Lạt ngồi thức cả đêm ở chợ Âm Phủ chỉ để hít thở không khí cho đỡ nhớ rồi lại bắt chuyến xe khuya về lại Saigon sáng sớm ngày mai để kịp đi làm như mấy chú em gốc Đà Lạt thực tập ở công ty của mình. Nhưng lúp xúp cùng mấy đứa bé đi hái dâu dại trên những sườn đồi phía sau tu viện Saint Domaine màu hồng phấn rồi nằm lăn trên bãi cỏ ngắm mây trời là những ký ức đẹp không bao giờ phai về Đà Lạt của mình. Một Đà Lạt kiểu tranh ấn tượng, huyền ảo, mong manh và đầm ấm. Lần cuối trở lại Đà Lạt là hơn mười năm trước (2001), và vỡ mộng khi đi qua những con phố sạch như lau như li, với hoa trồng trong các bồn bông khắp mọi chốn, với hàng lố những khách sạn và resort kiến trúc hiện đại với kính và nhôm… nhưng đi cả ngày trong thành phố mà không tìm thấy một gốc thông già… Tự xỉ vả mình rõ là lẩn thẩn, một kiểu luôn tiếc thương quá khứ, một kiểu làm dáng ra vẻ “ừ, quá khứ mà tôi đã từng biết thì luôn tốt đẹp hơn những thứ các bạn có bây giờ…”… Đời sống ngày càng văn minh hơn, tiêu chuẩn sống cũng nâng cao, rõ là tốt đẹp hơn cái cảnh những thiếu phụ đẹp não nùng mặc áo dài gánh hàng rong đi bán trên các dốc phố Đà Lạt xưa phải không? Nhưng tình yêu mà, không thể lý giải tại sao. Thế nên xin phép cho tôi yêu Đà Lạt của ngày xưa, thời xây cất chưa bùng nổ, thời của những kiến trúc kiểu Pháp ẩn mình lặng lẽ nghe lời hát ru của những gốc thông già, thời em còn duyên dáng không phấn son, thời em má đỏ môi hồng trong cái lạnh buổi sớm mai như Huyền ngày ấy…

Kathmandu trong mưa
 Không hiểu sao, những ngày mưa ở Kathmandu, tôi lại cứ luôn miên man nhớ đến Đà Lạt. Kathmandu ngày nay cũng đã chật chội và ngày càng vắng bóng cây xanh. Kathmandu không có quán café nơi có thể ngồi cả buổi với bạn bè. Kathmandu đầy bụi và bùn không thích hợp để thả bộ loanh quanh. Có lẽ từ cơn mưa rào Đà Lạt ban phúc cho tôi đêm đầu tiên ở đấy? Có lẽ từ màu phượng tím buồn bã đến nao lòng như những buổi chiều mưa ở Thung-Lũng-Phố một mình ngồi nghe Edit Piaf với một ly café nguội lạnh? Vũ Đức Đạt nay đã lên thành phố sương mù sống cùng với những giấc mơ. Năm ngoái, mình về Việt Nam, may gặp được hắn trong chuyến đi duy nhất mỗi năm một lần về Saigon của hắn. Hẹn lên Đà Lạt với hắn nhưng không biết bao giờ mới thực hiện được. Chỉ sợ những ký ức đã bạc màu lại một lần vỡ vụn.