22 tháng 12, 2012

BÃI BIỂN DÀI NHẤT THẾ GIỚI: COX's BAZAR - PHẦN 2


 DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI: TẮM BIỂN KIỂU BANGLADESH


Bangladesh là một nước Hồi giáo, theo phong tục Islam, phụ nữ khi ra đường phải che kín 100%. Tuy thế, chiếc áo choàng đen với khăn trùm đầu chỉ hở đôi mắt sâu thẳm không ngăn chặn được sức hấp dẫn tự nhiên của phái đẹp đối với mình mà chỉ càng thêm cuốn hút, quyến rũ mình lao về họ như một con thiêu thân không sợ lửa. Bangladesh hiện đại đã có nhiều phụ nữ đi làm ở công sở, vả lại luật lệ đạo Hồi xứ này cũng không quá nghiêm khắc như ở Pakistan hay Afghanistan, cho nên tỷ lệ phụ nữ đeo khăn trùm đầu cũng không còn chiếm đa số. Dù vậy, ngoại trừ khuôn mặt tuyệt đẹp ra, bạn sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ phần thân thể nào của phụ nữ ở đây. Ở Ấn Độ, bạn có thế ngất ngây trước những vòng eo tuyệt mỹ, những bờ vai trần hoàn hảo, những tấm lưng nuột nà không tỳ vết hay cả đôi gò bồng đảo nóng bỏng bên dưới chiếc áo cánh cách điệu chỉ nhỉnh hơn chiếc áo ngực tý xíu của những giai nhân tuyệt sắc những khi chiếc sari của họ hững hờ buông thả. Phụ nữ Bangladesh cũng choàng sari, nhưng bên trong là cả bộ áo dài kín đáo, không hở một centimetre nào cho các đôi mắt phàm tục như mắt của mình lợi dụng. Tối đa, bạn chỉ có thể ngắm một cách kín đáo gương mặt và đôi tay của họ; nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của một phụ nữ không phải vợ mình là một hành động khiếm nhã và vô cùng xúc phạm đến những thân nhân là đàn ông của họ- và điều ấy có thể tước đi cuộc đời tươi đẹp của bạn.
  Đêm ấy thức khuya, mình ngủ chập chờn với giấc mơ về một bãi biển tràn ngập những người đẹp Bangladesh mặc những bộ bikini tung tăng trên cát nóng… giống như bãi biển Mumbai…

  Anh chàng Mafuzur ngủ nướng nên mãi tới hơn 8 giờ sáng bọn mình mới ra tới bãi biển. Hôm ấy là ngày thứ sáu, ngày nghỉ hàng tuần của dân Bangladesh nên bãi biển Cox’s Bazar khá đông các gia đình từ Chittagong đi nghỉ mát (giống như dân Saigon đi chơi biển Vũng Tàu vậy). Mình háo hức đi thật nhanh xuống bãi cát vàng rực rỡ dưới mặt trời mùa đông để chứng kiến giấc mơ của mình đêm qua thành sự thực… Ha ha… Bé cái nhầm! Nói theo kiểu “Chiếc nón kỳ diệu” là: “Bikini? Không có một chiếc bikini nào cả!”... Hi hi, câu “nothing” của anh chàng Sak quá đúng.  

Nam phụ lão ấu… tất tần tật mặc quần áo nghiêm chỉnh như đi hội chợ… lũm chũm chạy xuống, sóng nước chỉ vỗ tới mắt cá chân đã cười ré lên vội vã chạy trở lại. Thi thoảng có một vài người dám ra xa hơn chừng 5-7m, nơi nước ngập tới … đùi… rồi đứng đó chờ sóng biển đến mà nhảy sóng … rồi cười sung sướng mãn nguyện… Tắm biển kiểu Bangladesh là như vậy đấy!   




  
Dân Bangladesh thật là hoang phí!
Sở hữu một bãi biển số một thế giới mà không tận hưởng cái thú vui đùa cùng sóng nước. Sở hữu những người đẹp làm phái mày râu thót tim mà không hề khoe ra… (để mình có dịp ngắm trộm… hu hu buồn năm phút). Sở hữu nguồn hải sản phong phú, đa dạng không thua kém Việt Nam mình mà không biết thưởng thức các món luộc, hấp, nấu lẩu, kho, nấu hủ tiếu hải sản, nấu canh chua, nướng, làm mắm… Phí quá!
Hai cô nàng hở hang nhất bãi biển ngày hôm ấy...

  Mình xách cái handycam lượn vòng vèo từ đầu xóm-nhúng-nước-biển đến cuối xóm-chạm-nước-biển. Tuyệt không thể tìm ra một chị em nào dám mặc… mà nói gì phái nữ, kể cả đàn ông cũng không ai cởi trần. Chán ơi là chán. Chán đến nỗi mình cũng không tắm biển luôn. Thứ nhất là nếu mình cởi trần thì sợ sẽ bị bắt vì tội… “công xúc tu xỉ”  he he… Thứ nhì: không có chỗ tắm nước ngọt! Một lần nữa anh chàng Sak lại nói đúng. Mặc nguyên bộ đồ mà dầm nước biển rồi phải lội bộ hơn cây số về khách sạn để tắm nước ngọt rồi lại lóc cóc quay xuống đây thì chết còn sướng hơn.
Không tắm, thế là mình muốn đi dọc theo bờ biển ngắm cảnh. Mafuzur gọi một chiếc auto-ricksaw made in China rồi cả hai lên đường. Xe chạy tà tà trên con đường nhựa nhỏ dọc theo bờ biển ngăn cách bãi cát vàng và dãy đồi thấp.


Bên này là gò đồi hoang vu, sau mươi km lại nhường cho những làng xóm bình dị. Bên kia, bọt sóng trắng nối tiếp bọt sóng trắng như những chiếc hôn cuồng nhiệt biển Bengal gửi cho bờ cát vàng yểu điệu. Thi thoảng, một khoảng vườn dừa thơ mộng làm chỗ nghỉ chân cho những tâm hồn lãng mạn. Rồi những xóm chài nhỏ bé với những chiếc thuyền hai mũi cong cổ truyền của ngư dân Bangladesh đủ để cho các phó nháy chụp cả ngày mà triển lãm...




  Chốc chốc, một người dân địa phương bày trên lớp rơm mỏng bên vệ đường những quả dưa chín mọng xanh vỏ đỏ lòng, ngọt lịm tận kẽ răng được trồng ngay trên bãi cát vàng gần đó. Thế là mình được ăn Tết sớm. Bạn cũng có thể dừng chân nơi một vườn dừa và yêu cầu chủ vườn leo lên bẻ dừa cho bạn. Haiza, kỳ này dân Bến Tre trổ tài nha. Anh chàng chủ vườn đu bên dưới bẹ lá theo yêu cầu của mình bẻ thử một trái ở từng quài quăng xuống, mình búng búng vỏ dừa rồi phán cái này chưa có cái (còn non theo cách nói của dân xứ dừa tức chưa có cơm dừa); cái này nạo (cơm dừa vừa ăn); cái này cứng cạy (cơm dừa dày ăn không ngon)… Dĩ nhiên là giải thích vòng vo bằng tiếng Anh bồi rồi… Mấy chục năm xa quê, hổng ngờ không bị lụt nghề …làm mấy anh chàng địa phương mắt tròn mắt dẹt thán phục… Chỉ tiếc là bây giờ già rồi, lại mập ú nữa nên không còn leo dừa được, nếu không mấy anh chàng địa phương này phải lé mắt luôn trước các tuyệt chiêu của dân xứ dừa…
Dưa hấu đêêê... ăn Tết sớm đêêê

   Nếu đi vào các làng chài vào buổi sáng hay chiều bạn có thể mua được hải sản tươi rói mới đánh bắt từ biển về. Nhớ kỷ niệm hai mươi năm trước mình về quê thằng bạn đại học ở Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ngày nào cũng được ăn cá thu tươi, mực tươi hấp chấm nước mắm sống. Bước vào một chợ làng ở đây (Cox’s Bazar), cũng đầy đủ cá mực tôm tép tươi chong… Thế là lên kế hoạch cho tháng tới về đây sẽ không ở khách sạn mà sẽ vào trong làng mướn nhà ở trọ, mặc sức mà nấu nướng theo kiểu Việt Nam he he…
   Thực ra nếu muốn tắm trần (với quần áo tắm, dĩ nhiên) bạn chỉ cần chịu khó đi xa ra khỏi thành phố và làng mạc. Mình đã nghĩ ra chiêu chở theo hai can 20l nước ngọt để tắm lại và mang theo mấy cái võng cho lần sau về Cox’s Bazar (tốt hơn nữa là có một thùng bia và dụng cụ để nướng thức ăn ha ha). Còn đơn giản hơn nữa là tắm đêm, tuy nhiên ở đây đêm xuống biển cả tối mịt mù với lại còn sợ “cá lạ” nó rỉa cho một phát thì toi, nên không tắm đêm cho nó lành hi hi…
  Phải cảnh giác với người địa phương nha bạn!(nói đùa nha...) Lonely Planet ấn bản mới nhất về Bangladesh xuất bản năm… 2008 nói rằng dân Bangladesh rất tò mò và sẽ bu kín lấy người ngoại quốc. He he… năm 2012 không đến nỗi như vậy nhưng quả thực là dân Bangladesh rất tò mò và thích tiếp xúc với người nước ngoài, dù là “Tây mũi tẹt da vàng” như mình. Ở Nepal, mình thường bị nhầm là người bản xứ, trong khi ở Bangladesh cái mặt của mình từ xa một cây số cũng dễ dàng nhận ra là người nước ngoài giữa đám đông người bản xứ có màu da bánh mật nồng nàn, mắt to sâu, mũi cao.  Câu thường xuyên bạn bị hỏi là: “Anh từ đâu đến? Bangladesh thế nào? Đẹp hông?”  Tuy đen so với dân Việt nhưng dân Bangladesh da sáng hơn người ở Nam Ấn Độ và tóc thẳng chứ không xoăn. Có lẽ, người Bangladesh là hợp chủng giữa Dravidian (dân Nam Ấn có nguồn gốc từ Phi Châu) và dân Mon-Khmer (Miến Điện).

Nụ cười hồn nhiên của các em bé địa phương

  Biển ở đây có màu xanh da trời hơi ngả sang màu ngọc bích. Bờ cát dài không ô nhiễm, không rác rưới, không bịch nylon. Nước trong văn vắt. Quả là Thiên đường cho dân mê biển. Nói rằng bãi biển Cox’s Bazar còn hoang sơ là nói ở thì hiện tại và quá khứ, chứ tương lai gần thì không còn bao xa… Mình chỉ đi dọc theo con đường nhựa nhỏ chạy song song theo bờ biển vài chục cây số, thế mà đã thấy toàn bộ đất đã được chia lô xí phần, có khoảnh đã bắt đầu xây dựng các resort, hotel 5-7 sao, có khoảnh vẫn còn là các trại cá giống nhưng cũng chỉ là tình trạng xí phần đã diễn ra ở Nha Trang hơn chục năm trước. Mafuzur bảo rằng cách đây vài năm giá đất dọc theo con lộ này rẻ bèo chỉ 1-2 ngàn đô 1000m2. Nay thì rớ vào là phỏng tay. 100 ngàn đô 1000m2 và đang lên giá từng ngày. Anh bạn trẻ của mình cũng chốp được một lô đất từ tiền lời của vụ kinh doanh đầu tiên (mình sẽ kể sau về anh chàng này và thế hệ của anh ta được gọi bằng nick “The Campus Generation” ở Bangladesh. Rất đáng cho các bạn trẻ tìm hiểu). Lô đất của Mafuzur không nằm ở mặt tiền, nhưng hắn kiếm thêm được một apartment nhìn ra biển ở một building cao cấp đang xây dựng. “Năm sau anh về đây thì khỏi phải ở khách sạn.” Hắn cười hãnh diện.    





  Năm 2011, Cox’s Bazar cũng lọt vào tầm ngắm của New Open World Corporation (NOWC) –Tổ chức lừa đảo bầu chọn 7 kỳ quan thế giới mới. (Đã là kỳ quan của Tạo hóa mà còn bầu chọn thì bùn cời hỉ?)   May mà chính phủ Bangladesh tỉnh táo, người dân không mù quáng mê muội nên không có những tên bố láo nhắn hàng trăm nghìn tin nhắn bầu chọn và ép nhân viên cũng phải nhắn tin bầu chọn hay có những ông quan đầu đất làm trò khỉ mang cả đứa bé miệng còn hôi sữa ra bấm tin nhắn như trường hợp Vịnh Hạ Long. Thế là NOWC lẳng lặng cút khỏi Bangladesh đồng thời xóa tên Cox’s Bazar ra khỏi danh sách dỏm 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. (Ở một bảng xếp hạng khác không cần bầu chọn, Cox’s Bazar xếp chung nhóm với Vịnh Hạ Long trong mục Kỳ quan tự nhiên châu Á. Châu Á thôi chứ chẳng thế giới, thế gian gì ráo trọi). Bangladesh đâu có cần mua cái bánh vẽ của NOWC! Hữu xạ tự nhiên hương, các tập đoàn du lịch hàng đầu thế giới tranh nhau đầu tư hotel, resort, hàng triệu du khách hàng năm nườm nượp tìm đến nơi này.
   Điểm kết thúc của bãi biển dài nhất thế giới Cox’s Bazar là Teknaf, cũng là điểm cực nam trên đất liền của Bangladesh, ngăn cách với Myanmar bằng một biên giới tự nhiên: con sông Naf. Đến đây bạn sẽ có thể có thêm một cuộc phiêu lưu cảm giác mạnh: thuê thuyền đi ngược dòng sông Naf giữa hai quốc gia Bangladesh và Myanmar. Chuyến đi này chỉ dành cho những tay ưa mạo hiểm, điếc không sợ súng… từ lính biên phòng cả hai bên Bangladesh và Myanmar… Nghe mà ham rồi lại sợ. Hổng biết lần sau về Cox’s Bazar mình có dám đi không nữa…

  Rồi nếu chán cảnh lang thang “bờ cát dài phẳng lặng” (Xuân Diệu), bạn có thể theo tàu ra các hòn đảo. Nổi tiếng nhất chính là đảo Saint Martin với những rạn san hô và rùa biển, với những con suối nước ngọt nơi bạn có thể tắm tiên…

  Xe chạy hơn tiếng đồng hồ, 30km, mà bờ cát vàng vẫn mời gọi đi mãi đi mãi… Sợ xe hết… pin nên mình bảo Mafuzur nói tài xế quay xe về (thực ra mình sợ phải đẩy xe he he)… Đây là loại xe tuk-tuk do Trung Quốc chế tạo chạy bằng bình ắc-quy, giá rất rẻ chừng trên dưới 1000USD; hiện đã bắt đầu phổ biến khắp Bangladesh (mình sẽ nói về xe cộ và giao thông ở Bangladesh ở bài khác). Ưu điểm của loại xe này là không khói, không tiếng ồn. Mỗi lần sạc đầy bình accu có thể chạy … từ sáng tới tối – bác tài nói vậy. Nhưng khi mình hỏi tiếp chạy cả ngày chừng bao nhiêu cây số, bác ấy hồn nhiên nói chừng trên dưới 50km… Hú hồn! Đẩy cái xe Trung Quốc mắc dịch này suốt 50km về lại thành phố chắc cặp giò mình xin nghỉ hưu non…

   Nếu thích một bãi biển hoang sơ đẹp đến nao lòng, nếu muốn tìm kiếm cảm giác thanh bình yên ả, hay tận hưởng một tuần trăng mật “độc” suốt đời không thể nào quên thì Cox’s Bazar là nơi xứng đáng cho bạn tìm đến. Nhanh lên bạn! Cox’s Bazar đang lột xác từng ngày từ một cô gái chân quê chất phác thật thà trở thành một quý bà thành thị diêm dúa. Không lâu nữa đâu, những cảnh đẹp thơ mộng này rồi chỉ còn là ký ức đẹp đẽ giống như đã từng xảy ra với những bãi biển xô bồ ngày nay ở Việt Nam.