18 tháng 12, 2012

BÃI BIỂN DÀI NHẤT THẾ GIỚI: COX’s BAZAR


DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI: CỰC NAM BANGLADESH-
COX's BAZAR BEACH KỲ QUAN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI

  Với 125km không bị gián đoạn, Cox’s Bazar của Bangladesh được ghi nhận là bãi biển tự nhiên dài nhất thế giới (The longest beach of the world).
  Tên nguyên thủy của bãi biển này Pengwa (Hoa Vàng – Yellow Flower) đã gợi hứng cho mình đặt nickname Cúc Nhiệt Đới cho Bangladesh :D. Cox’s Bazar là nơi phải đến và đáng đến nhất ở Bangladesh.

   Theo lịch sử, vùng đất này thuộc về người Rakhyn. Năm 1784, vua Miến Điện là Monwaing tấn công vùng này, giết chết vua địa phương Thamada. Năm 1799, Công Ty Đông Ấn của Anh (East India Company-Tổ chức được Nữ hoàng Anh bán cho quyền quản lý và khai thác thuộc địa Ấn Độ của Đế Quốc Anh với giá 01 đồng vàng) cử thuyền trưởng Hiram Cox dẫn quân tấn công Pengwa. Cox thắng trận, đoạt được vùng này. Ông ta cho xây dựng nơi này thành một thị trấn với một cái chợ ở trung tâm (bazar theo tiếng Hindi). Cox chết trong năm 1799 với những kế hoạch xây dựng vùng này còn dở dang, dân địa phương bắt đầu gọi vùng này là Cox's Bazar (Chợ của ông Cox) từ đấy.
Bãi biển dài hàng trăm cây số còn hoang sơ chưa bị công nghiệp du lịch tàn phá

   Từ thủ đô Dhaka xuống hải cảng Chittagong bằng đường bộ là 264km. Từ Chittagong phải đi tiếp xuống vùng cực nam Bangladesh thêm 154km để đến Bãi biển dài nhất thế giới.
  Trước khi đến Cox’s Bazar, mình tưởng tượng nơi này chỉ là một thị trấn tỉnh lẻ, nhất là sau khi nghe anh chàng doanh nhân Bangladesh tên Sak- kẻ rong chơi khắp thế giới-khuyên mình đừng đi Cox’s Bazar vì nơi đó “nothing”. Thế nhưng mấy anh bạn trẻ đối tác của mình thì cứ nhất mực kéo mình đi bằng được, “Anh sẽ hối hận cả đời nếu đến Bangladesh mà không thăm viếng Cox’s Bazar.” Họ quả quyết. Ừ, thì đi. Vốn dĩ đấy cũng là tuyến đường trong kế hoạch của mình thăm viếng các địa điểm: Bandarban-thành lũy Phật giáo cuối cùng ở Bangladesh; Ramu-nơi diễn ra cuộc đốt phá các ngôi chùa và làng xóm của Phật giáo 2 tháng trước bởi bọn cực đoan Hồi giáo, và trại tỵ nạn của người Rohingya-nhóm sắc tộc đang gây ra các cuộc xung đột ở biên giới Myanmar và  Bangladesh. (Các chủ đề này sẽ viết sau khi về tới Nepal… hi hi). Thế là kiếm một cái xe và lên đường cùng với Mafuzur.
  Xe mình đến Cox’s Bazar vào lúc 8 giờ tối. Đang ngái ngủ sau chặng đường bị nhồi xóc đến từng cái xương già nua, ánh đèn lóa mắt của một thành phố làm mình bừng tỉnh. Xe đi vào con phố mới, hai bên là những khách sạn 10-20 tầng hiện đại cái nọ chen chúc cái kia. Vặn cửa kính xuống, không khí mát rượi không thể lẫn của biển tràn vào xóa tan mệt nhọc của một chặng đường dài. Mafuzur đã book một phòng đôi ở khách sạn 5 sao Long Beach Hotel. Giá rẻ đến bất ngờ: 120$/ đêm. Nhận phòng xong, cả hai vội vã rửa mặt rồi tranh thủ…check mail qua wifi. 9 giờ đêm, Mafuzur kéo mình đi lang thang ra khỏi khách sạn.
  Chắc các bạn đã từng biết đến thói quen đi ngủ sớm của người ở Lục địa Ấn Độ? Ở Nepal, sau 8 giờ tối là khó tìm taxi, trong khi các cửa tiệm (trừ quán bar, nhà hàng, casino…ở khu người nước ngoài) thì đóng cửa lúc 6-7 giờ tối. Ấn Độ thì muộn hơn, nhưng cũng không quá 8-9 giờ tối. Bangladesh làm mình bất ngờ. Bữa tối xuống đến Chittagong đã 11 giờ đêm nhưng các cửa hàng, tiệm, quán đều mở cửa, đèn mở sáng choang dù rất ít khách hàng. Cox’s Bazar cũng không ngoại lệ.
  Mình và Mafuzur tản bộ dọc theo phố chính rồi rẽ xuống hướng biển. Gần 10 giờ đêm, hàng quán vẫn còn sáng choang ánh đèn. Dãy cửa hàng cá khô làm mình nhớ đến Vũng Tàu. Thử tìm thì không thấy tôm khô, chỉ có ruốc khô. Còn cá thì vô thiên lủng, có cả khô cá khoai  hi hi… Ấn tượng nhất là mấy con khô hoành tráng treo trước cửa tiệm dài từ 1,5 đến hơn 2m… Kế đó là các gian hàng bán vỏ ốc và đồ lưu niệm từ san hô, ốc… Không có gì đặc sắc và đẹp, thua đồ mỹ nghệ biển ở Vũng Tàu, Côn Đảo, Nha Trang… (Các bạn nhớ đừng mua các hàng này vì sẽ bị tịch thu khi qua phi trường Bangladesh đó!)
Cửa hàng khô các loại

Con khô này dài tới 2 m

  Bọn mình băng qua một con đường nhựa hẹp chạy giữa phố chính và bờ biển. Ôi chao, dọc theo đường xuống biển là các quầy bán hải sản tươi sống với ngọn đèn dầu tù mù…Dạ dày mình réo sùng sục nhưng phải dằn lòng bấm bụng đi theo Mafuzur cho… khỏi quê…
  Từ mép đường nhựa, bãi cát trải dài xuống đến mép nước phải đến hơn 50m. Sóng vỗ ầm ì. Hàng dãy ghế nằm với dù che chạy dài theo bờ biển. Biển Bengal trong đêm tối mịt mù, không có cảnh đèn thắp sáng choang của các thành phố nổi câu mực như ở Việt Nam. Mình dầm đôi chần trần cho đến đầu gối xuống nước. Để cảm nhận vị lạnh ngọt ngào của biển Bengal mùa đông. Để những đợt sóng tiếp thêm sinh lực cho các mạch máu có phần lười biếng của mình vì cái lạnh mùa đông trên Kathmandu. Không khí ấm áp làm mình cảm thấy đã quyết định sáng suốt khi đi tránh mùa đông Nepal ở Bangladesh.
  Chụp vài tấm hình biển đêm xong, bọn mình quay trở lại con đường cũ. Khỏi phải nói mình mừng thế nào. Tấp vào mấy xe hải sản. Ôi trời, cá tươi, tôm và Vow  tôm hùm… Ôi… ghẹ nữa… Chỉ thiếu nghêu sò ốc hến…Mình chốp liền mấy con tôm hùm và ghẹ, bảo Mafuzur trả giá  … he he sử dụng lợi thế người bản xứ để khỏi bị chặt chém (thường dân Bangladesh hét giá chỉ…gấp đôi thôi, chứ không đến nỗi như các nơi du lịch khác giá gấp mười…). Hi hi, cuối cùng mình dzớt một con ghẹ 1kg và 1 con tôm hùm 900gr mà chỉ trả có 5$ (100.000VNĐ). Người bán hàng hỏi mình muốn làm món gì. Thì ra ở đây người ta tẩm hải sản với masala (masala là một hỗn hợp các gia vị theo kiểu Ấn Độ, nhất thiết phải có bột nghệ cho có màu… mình sẽ nói về ăn uống kiểu Bangladesh vào dịp khác). Kiểu ăn thứ hai là tẩm bột chiên. Mất hứng vì dân Bangladesh không biết ăn món luộc, hấp mình nói anh chàng bán hàng cứ rửa sạch rồi chiên. Ôi chao cả đám quay lại nhìn mình như quái vật, người ăn lông ở lỗ… May mà anh chàng Mafuzur xổ một tràng tiếng Bangla cứu nguy,nếu không chắc cả Cox’s Bazar sẽ chạy đến xem trò lạ: ăn thức ăn không có masala… ô..hô…    
Hải sản tươi sống đêêê

    Mafuzur đã đưa mình đi ăn gần hết các nhà hàng lớn ở Chittagong. Anh chàng doanh nhân trẻ măng này không đời nào chịu đưa mình đi các quán bình dân (kể cả khi mình nằn nì để biết về đời sống bình thường của người Bangladesh), chắc là để giữ thể diện (doanh nhân là tầng lớp được kính trọng trong xã hội Hồi giáo Bangladesh)  và nhất là từ lòng hiếu khách đến mức có khi làm mình áy náy. Thế nhưng bữa hải sản tươi sống bên bờ biển này mới chính là bữa ăn ngon miệng nhất của mình suốt ba tuần qua ở Bangladesh. Sống trên núi (Nepal, Kathmandu) nên thức ăn mình thèm nhất là hải sản tươi sống. Còn nhớ cái bữa vào nhà hàng hải sản ngày đầu tiên ở Chittagong, mình hăm hở kêu món cua hấp (steamed crab). Hỡi ôi, con cua bị cắt nhỏ vụn vằn bằng cỡ ngón tay cái, hấp chung với masala nồng nặc đến không còn mùi cua… Hôm nay, khoái trá gặm từng cái chân của con ghẹ khủng, mời Mafuzur hai cái càng, thấy hắn  từ chối thế là không mời lần thứ hai… chén luôn cả cặp. Anh chàng Mafuzur thì gọi cho mình món cá thờn bơn chiên bột, ăn từ tốn với sốt cà. Mình hạ xong con ghẹ thì bắt đầu xử lý con tôm hùm. Bẻ cái đầu ra, trời, gạch tôm miên man… Nghe mình quảng cáo đấy là phần ngon nhất của con tôm, Mafuzur nếm thử để rồi trợn trắng cố dằn sự kinh hãi xuống… He he, mặc kệ, mình hồn nhiên chén con tôm hùm thịt chắc nịch, ngọt đến tận kẽ răng… Mấy anh chàng Bangladesh cứ lạng qua lạng lại xem mình ăn thức ăn không có masala… ha ha...
Con tôm hùm và con ghẹ khủng bố

  Bangladesh theo đạo Hồi nên rượu bia bị kiểm soát gắt gao. Hơi tiếc vì hải sản ăn không thì hơi bị… phí, nhưng không chuẩn bị trước để mua vài lon bia trong các cửa hàng rượu nên đành chịu. Bơm nhậu Việt nam qua đây chắc sẽ thất vọng não nề vì mồi rẻ và đầy ra mọi chỗ mà không được uống chăm phần chăm… hi hi…  
   Hai tên về đến khách sạn lúc hơn 12 giờ đêm. Mafuzur lăn ra ngủ sớm sau khi thống nhất với mình sẽ dậy sớm đi tắm biển. Mình thì vào mạng mãi đến 2 giờ khuya…
   Muốn biết dân Bangladesh tắm biển thế nào xin mời xem tiếp hồi sau sẽ rõ… hi hi
  (Còn tiếp)