28 tháng 11, 2013

Giải mã bí ẩn Ấn Độ?

  Nguyễn Gia Kiểng (11/2013)
Link gốc: http://www.ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=4897%3Agi-i-ma-bi-n-n-d-nguy-n-gia-ki-ng&catid=44&Itemid=301

**********************

“…Phép mầu lớn nhất trong thế kỷ 20 đã là phép mầu Ấn Độ và có lẽ trong thế kỷ 21 cũng thế. Ấn Độ đã thành công và còn đang tiếp tục thành công…”

Ngay trước khi tôi sắp lên đường đi thăm Ấn Độ một bạn trẻ trong nước hỏi tôi trên Facebook: "Tại sao Ấn Độ có dân chủ mà lại tụt hậu, nghèo đói, bất công, dơ bẩn, đàn ông hay hãm hiếp?". Tôi không thể trả lời câu hỏi đó vì đối với tôi Ấn Độ là một thành công và tôi đang cố gắng giải mã thành công đó, nghĩa là tìm hiểu tại sao Ấn Độ lại thành công dù trước đây mọi dự đoán đều rất bi quan?
Những gì mà trong tuổi thanh thiếu niên tôi nghe được về Ấn Độ đều mô tả một đất nước kinh dị, nghèo khổ và dơ bẩn một cách huyền bí. Trong thập niên 1960 khi du học tại Pháp tôi may mắn có một người bạn thân mà cha mẹ là hai ông bà bác sĩ từng làm công tác nhân đạo nhiều năm tại Ấn Độ và đã góp phần quyết định đẩy lùi bệnh hủi tại đây. Tôi lui tới thường xuyên gia đình này và được coi như người nhà. Qua họ tôi cũng quen biết nhiều chuyên gia khác về Ấn Độ. Những gì hai ông bà và các bạn họ nói cũng phù hợp với những gì có thể đọc trong các sách và báo: Ấn Độ không có tương lai, người ta chỉ có thể vì lòng nhân đạo mà giúp nó đỡ nghèo khổ chứ không thể giúp nó vươn lên. Ấn Độ có tất cả mọi khó khăn mà một quốc gia có thể có và đều có ở mức độ nguy kịch. Nghèo khổ, dơ bẩn, tham nhũng và bất công cùng cực, các bệnh truyền nhiễm lan tràn, con người bệnh tật, mê tín dị đoan và bi quan yếm thế. Đã thế Ấn Độ lại không phải là một quốc gia mà là cả một thế giới hỗn độn với gần 2000 ngôn ngữ và hơn 500 vùng dị biệt xuất phát từ những chiến quốc cũ không có và cũng không muốn có quan hệ hợp tác với nhau. Trong lòng một mình Ấn Độ có nhiều di biệt và tương phản hơn cả trong phần còn lại của thế giới. Người Ấn Độ trong tuyệt đại đa số không biết đọc biết viết và không nhìn nhau như đồng bào. Mẫu số chung của cái thế giới hỗn tạp này chỉ là sự nghèo khổ, bệnh tật, dơ bẩn ngoài mức tưởng tượng. Ra ngoài đường ở bất cứ thành phố nào người ta không thể không thấy những đoàn người hốc hác vì đói trong đó có nhiều người đang chết đói. Một vấn đề nghiêm trọng khác là nạn nhân mãn. Ấn Độ đã quá đông dân và mỗi năm vẫn thêm một số người tương đương với dân số của cả nước Úc. Kết luận, Ấn Độ hoàn toàn tuyệt vọng. Những trí thức thân cộng, rất đông đảo trong suốt thập niên 1960, đôi khi so sánh Ấn Độ và Trung Quốc để bênh vực cho chủ nghĩa Mac-Lênin. Theo họ hai nước lớn này đã chọn hai con đường khác nhau vào cùng một thời điểm và thực tế cho thấy là Trung Quốc đã hơn hẳn Ấn Độ, điều này chứng tỏ sự đúng đắn của chủ nghĩa cộng sản. So sách này khập khiễng bởi vì hai nước khởi hành từ hai mức độ quá khác nhau.
Thế rồi người ta càng ngày càng ít nói tới Ấn Độ. Chưa ca tụng Ấn Độ nhưng cũng ít ai còn nói Ấn Độ là một trường hợp tuyệt vọng nữa. Tới gần ngưỡng cửa thế kỷ 21 Ấn Độ được nhắc tới như là một thành công. Trong những năm gần đây không còn ai phủ nhận Ấn Độ là một cường quốc đang lên và tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chỉ còn là vấn đề của một vài năm.
Không những thế, sự thành công của Ấn Độ lại rất lành mạnh. Ấn Độ không "đi nước dưới" như Trung Quốc và hầu hết các nước đang phát triển, nghĩa là khai thác nguồn nhân công rẻ để xuất khẩu quần áo, giày dép và những sản phẩm kỹ thuật thấp.  Ngược lại, Ấn Độ "đi nước trên" và cạnh tranh với các nước tiên tiến ngay trong những kỹ thuật hiện đại: công nghệ thông tin, điện tử, sinh hóa, dược phẩm, kỹ nghệ ôtô, hàng không v.v.
Kinh tế Ấn Độ không quá phụ thuộc xuất khẩu vì thế không điêu đứng trong bối cảnh toàn cầu khó khăn hiện nay; cũng không lạm dụng ngành xây dựng nên không có trái bong bóng bất động sản như Trung Quốc và Việt Nam. Thu nhập bình quân trên mỗi đầu người của Ấn Độ hiện đang tương đương với Việt Nam và sẽ qua mặt Việt Nam trong năm tới. Từ một nước chết đói quanh năm Ấn Độ đã trở thành một nước xuất cảng gạo. Nạn đói đã bị xóa bỏ cùng với nạn mù chữ. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm 2013 được uớc lượng là 4,8% theo đối lập và trên 5% theo chính quyền. Con số này được coi là thấp do hậu quả của bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nhưng vẫn là một tỷ lệ tăng trưởng mà nhiều nước mơ ước. Cũng đừng quên là Ấn Độ là một nước dân chủ trong đó mọi vấn đề đều có thể bàn cãi và mọi sự thực đều được phơi bày; tỷ lệ tăng trưởng 4,8%  là một tỷ lệ tăng trưởng đích thực trong khi những tỷ lệ tăng trưởng 5,5% hay 7% tại Việt Nam và Trung Quốc  chỉ là những con số ngụy tạo nhằm che dấu một thực tế suy thoái. Nền dân chủ của Ấn Độ ổn vững và ngày càng lành mạnh hơn. Tôi đã có dịp nhận xét tại chỗ bởi vì tôi đến đó vào cao điểm của cuộc tranh cử tại một số bang (đa số các bang của Ấn Độ có tầm vóc của một nước trung bình). Các tranh cãi đã rất thẳng thắn và xây dựng, nghiêm chỉnh hơn cả những cuộc tranh cử tại Pháp. Một vài vụ khủng bố rùng rợn (như tại Mumbai tháng 11-2008 và tháng 7- 2011) và hiếp dâm, giết người đã gây ấn tượng mạnh và khiến nhiều người quên rằng Ấn Độ là một trong những nước an ninh bậc nhất thế giới. Tỷ lệ án mạng trên 100.000 dân chỉ hơi cao hơn Châu Âu và Hoa Kỳ và thấp hẳn so với các nước đang phát triển, dù tỷ lệ cảnh sát/dân số rất thấp, chỉ bằng một nửa Hoa Kỳ và Châu Âu và 1/3 Việt Nam và Trung Quốc. Chỉ số bất ổn chính trị cũng tương đương với Hoa Kỳ và Châu Âu và thấp hơn hẳn Trung Quốc và Nga. Xã hội Ấn Độ còn cần khắc phục nhiều tật bệnh lớn do lịch sử để lại, thí dụ như đẳng cấp (caste), tham nhũng, vệ sinh v.v. nhưng đang cải tiến nhanh chóng. Tại biên giới Népal các viên chức an ninh làm thủ tục cho chúng tôi một cách nhanh chóng và bặt thiệp nhưng sau đó xin tiền típ ( khoảng 1 USD cho hai người nhưng không cho cũng không sao). Tại bang Uttar Pradesh mà chúng tôi đi qua một phụ nữ thuộc đẳng cấp paria (hạ tiện) đã đắc cử thống đốc; trong hai hướng dẫn viên của tôi, một anh thuộc đẳng cấp Brahmin (đạo sĩ, đẳng cấp cao quý nhất), một anh thuộc đẳng cấp Kshatriya (chiến binh, đẳng cấp thứ nhì) trong khi nhiều người thuộc các đẳng cấp thấp hơn đã thành triệu phú hoặc giữ những vai trò quan trọng trong chính quyền và các công ty. Phân biệt đẳng cấp bị luật pháp nghiêm cấm và đang giảm sút nhanh chóng, dù vẫn còn tồn tại trong xã hội. Vệ sinh vẫn còn là một vấn đề lớn. Tại Varanasi, bên bờ sông Hằng, người ta vẫn còn thẩy tro thiêu xác người, đôi khi còn xương thịt chưa cháy xong, cùng với quần áo xuống sông bên cạnh những người đang tắm và uống nước để "rửa sạch tâm hồn" theo nghi thức tôn giáo. Áp lực nhân mãn vẫn còn rất nặng nhưng cũng đang cải tiến; một anh hướng dẫn viên của tôi chỉ có một con, anh kia có hai con. Họ cho biết tầng lớp trung lưu như họ, khoảng 300 triệu người, đang có khuynh hướng giới hạn số con cái. Môi trường Ấn Độ vẫn còn là một vấn đề lớn nhưng đã có cải thiện và đàng nào cũng hơn xa Trung Quốc, bầu trời còn tương đối trong xanh.
Nói chung Ấn Độ đã giải quyết được rất nhiều vấn đề tưởng như không giải quyết được và đang trên đà giải quyết những vấn đề còn lại. Ấn Độ đang tiến những bước nhanh chóng và vững chắc về một tương lai tươi sáng. Phép mầu lớn nhất trong thế kỷ 20 đã là phép mầu Ấn Độ và có lẽ trong thế kỷ 21 cũng thế. Ấn Độ đã thành công và còn đang tiếp tục thành công.
Tại sao Ấn Độ đã thành công?
Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là dân chủ. Dân chủ cho phép phơi bày những yếu kém và tố giác những sai phạm để sửa chữa. Dân chủ cho phép đặt các vấn đề một cách đúng đắn và chọn lựa một cách đúng đắn những người trách nhiệm. Dân chủ đã được thiết lập tại Ấn Độ trong những điều kiện cực kỳ khó khăn về tất cả mọi mặt và đã thành công. Bài học Ấn Độ là dân chủ có khả năng đưa một đất nước ra khỏi tình trạng tuyệt vọng và thiết lập dân chủ không hề đòi hỏi một điều kiện tiên quyết nào cả. Đúng ra dân chủ cũng đòi hỏi một điều kiện để thành công mỹ mãn, đó là được thực hiện một cách lương thiện. Ấn Độ đã may mắn có được một giai cấp chính trị lương thiện. Họ chấp nhân tự do ngôn luận và sự minh bạch, ngay cả nếu vì thế mà những yếu kém của họ bị phơi bày. Họ chấp nhận bầu cử tự do dù có thể bị thất bại. Nhưng lương thiện không phải chỉ là điều kiện thành công của dân chủ mà là điều kiện bắt buộc của tất cả mọi hoạt động, có gì không lương thiện mà thành công được đâu, trừ trộm cướp? Vả lại dân chủ chính là điều kiện cần để áp đặt sự lương thiện như một luật chơi trong sinh hoạt chính trị.
Tuy nhiên Ấn Độ đã thành công ngoài mọi chờ đợi, và đó là bí ẩn cần được giải mã. Kinh nghiệm cho thấy có những điều mà người ta chỉ có thể hiểu được qua tiếp xúc trực tiếp tại hiện trường chứ không thể chỉ dựa trên các tài liệu. Đó là những yếu tố tâm lý và văn hóa, trong khi chính trị và kinh tế chủ yếu là những vấn đề tâm lý và văn hóa. Tham quan Ấn Độ là điều tôi muốn từ lâu để trước hết tìm những sự kiện phản bác những kết luận tạm thời đạt tới qua các tài liệu.
Một trong những phương pháp giản dị nhất có thể dùng để giải thích mức độ thành công hay thất bại của một dân tộc là gặp họ để nhận diện chân dung tập thể của họ qua nét mặt, cái nhìn, cử chỉ, cách đi đứng và ăn nói. Chân dung của người Ấn Độ là một chân dung của những người hiền lành và rất an nhiên, những người không lo sợ sẽ bị bắt bớ, giam cầm, đuổi việc, lường gạt và cũng không đang âm mưu làm hại hay lừa đảo ai. Những người như thế có thể làm việc với nhau một cách lành mạnh và hiệu quả bởi vì họ không mất thời giờ để để phá đám ai hay để đề phòng, chống trả lại và sửa chữa những thiệt hai đến từ người khác. Đó là những người có thể kết hợp với nhau tạo ra những sức mạnh mới và những khả năng mới của tập thể không có trong từng cá nhân. Sức mạnh của các dân tộc chủ yếu ở khả năng kết hợp. Ấn Độ có khả năng đó và có ở một mức độ rất cao. Thể chế dân chủ cho phép xã hội dân sự phát triển tự do và người Ấn Độ hành sử tối đa và tối ưu quyền tự do kết hợp. Con số chính thức các hiệp hội phi chính phủ là trên hai triệu, nhưng đó là những NGO có tầm vóc và có đăng ký, con số thực sự  phải gấp mười lần vì đa số các nhóm không thấy có nhu cầu đăng ký.
Cần nhấn mạnh rằng quyền tự do kết hợp (freedom of association, thường được dịch một cách sơ sài và sai là "quyền tự do lập hội") chỉ cần chứ không đủ. Một bằng chứng là cộng đồng người Việt hải ngoại dù được hoàn toàn tự do kết hợp nhưng đã không xây dựng được một tổ chức có tầm vóc nào cả. Quan trọng hơn nhiều là những đức tính trong con người thuận lợi cho kết hợp: sự trung thực, sự chuyên cần, sự kiên trì, lòng vị tha, tính thích kết bạn, ước mong phục vụ thay vì lợi dụng tổ chức, đặt mục tiêu chung lên trên tham vọng cá nhân v.v.. Những đức tính này người Ấn Độ đều có và có ở mức độ cao. Họ có văn hóa tổ chức bẩm sinh. Tôi có thể nhận thấy điều này ngay trong giao thông trên đường phố. Có những con bò và những bầy heo rừng đi nhởn nhơ trong thành phố, xe cộ phải tránh chúng và tránh nhau nhưng không ai tỏ ra bực bội. Ùn tắc giao thông ở Ấn Độ còn nghiêm trọng hơn nhiều so với Việt Nam theo lời vợ tôi và xe cộ phải luồn lách đủ kiểu. Rất bình thường nếu có xe chạy sang lề phải (Ấn Độ lái xe bên trái) hay thậm chí chạy ngược chiều trên xa lộ. Không có ai bực mình, mọi người đều hiểu là người kia bị tình thế bắt buộc chứ không bất chấp luật pháp. Đường kẹt tới mức hễ có chỗ là phải lách xe vào dù trái luật giao thông. Vậy mà trong suốt thời gian ba tuần lễ tôi không bao giờ thấy một vụ đụng xe. Hỏi ra thì Ấn Độ hầu như không có tai nạn giao thông bởi vì người ta nhường nhịn và tôn trọng nhau, người ta lo cho mình và đồng thời cũng lo cho người khác. Trong suốt ba tuần lễ tôi đã len lỏi trong nhiều khu nhộn nhịp, kể cả các khu chợ chen chúc, trong nhiều thành phố nhưng chưa bao giờ thấy hai người Ấn Độ cãi nhau. Họ luôn luôn thân thiện và hòa nhã. Các hướng dẫn viên của tôi quả quyết người Ấn Độ không thích xung đột. Họ làm việc chăm chỉ nhưng không giành giật. Những con người như thế rất dễ sống chung và hợp tác với nhau. Và đó chính là lý do khiến nền dân chủ Ấn Độ đã thành công ngoài mọi chờ đợi.
Do đâu mà người Ấn Độ có những đức tính quý báu đó?
Có lẽ phải tìm trong nguồn gốc của họ. Tôi không dám liều lĩnh tóm lược lịch sử và văn hóa Ấn Độ trong một vài dòng mà chỉ dựa vào lịch sử và văn hóa để hiểu Ấn Độ ngày nay. Càng ngày đa số các nhà sử học và khảo cổ càng có khuynh hướng tin rằng nền văn minh đầu tiên của nhân loại đã xuất hiện tại Ấn Độ. Người ta đã tìm thấy những di tích chứng tỏ rằng cách đây 5000 năm những con người trong vùng thung lũng sông Indus đã xây dựng được một xã hội khá tiến bộ về rất nhiều mặt, đặc biệt là thủ công nghiệp, nghệ thuật và thiết kế đô thị. Đó là một nền văn minh bình đẳng và phi bao lực. Người ta không tìm thấy vết tích của vũ khi và các cung điện. Xã hội văn minh này đã bị các bộ lạc du mục hiếu chiến Aryen đến từ Iran và Trung Á chinh phục vào khoảng thế kỷ 15 trước Công Nguyên. Các bộ lạc này nói tiếng Sanskrit, một ngôn ngữ có nhiều từ chung với các sắc dân Bắc Âu khiến người ta có thể nghĩ chúng có chung nguồn gốc với người Châu Âu. Vì không có vũ khí và không biết chiến tranh, người Ấn Độ đã nhanh chóng bị khuất phục, dù đông đảo hơn gấp bội. Tiếp theo là hàng ngàn năm thống trị  trong đó người Aryen áp đặt tín ngưỡng Bà La Môn của họ. Thành phần ưu tú địa phương đã bị tiêu diệt bởi vì người ta không còn hiểu những dấu tích chữ viết còn lại của xã hội này. Tuy vậy, do số lượng quá ít, giai cấp thống trị dần dần bị địa phương hóa, tương tự như trường hợp nhà Tiền Lý, họ Khúc, nhà Lý, nhà Trần tại nước ta, những thủ lãnh từ Trung Quốc sang nhưng đã thành người Việt. Văn hóa và tôn giáo dân gian, nghĩa là Ấn Giáo, dần dần giành lại thế áp đảo. Quần chúng Ấn chấp nhận những thần linh Aryen như Brahma, Vishnu v.v. như là những tên gọi khác của các thần linh sẵn có của họ như Krishna, Rama v.v. Với thời gian không phải Brahma, đấng tối cao của đạo Bà La Môn, mà Vishnu với những tên gọi Krishna, Rama, và cả Siddhartha, được tôn sùng cùng với Shiva và nhiều thần linh khác không có trong đạo Bà La Môn. Tại Ấn Độ chỉ còn hai đền thờ nhỏ dành cho Brahma nhưng có hàng ngàn đền thờ nguy nga tráng lệ dành cho Vishnu, Krishna, Rama, Shiva và các thần linh khác. Sự thoái bộ liên tục của đạo Bà La Môn trước Ấn Giáo không phải chỉ diễn ra trong xã hội mà trong cả tư tưởng. Từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 6 trước CN bộ kinh Upanishad đã được tạo ra để bổ túc thánh kinh Veda của Bà La Môn. Nói là bổ túc những thực ra là thay đổi (cũng tương tự như Phật Giáo Đại Thừa đối với Phật Giáo Nguyên Thủy). Người ta có thể thấy trong Upanishad những tư tưởng hoàn toàn trái ngược với quan niệm đẳng cấp của Bà La Môn. Thí dụ: "Luật là sự tối thượng của sự tối thượng. Không có gì cao hơn luật. Luật khiến kẻ yếu có thể khuất phục kẻ mạnh, như vua. Luật là sự thực" , hay "Đấng tối cao là linh hồn của tất cả, là nguyên lý của vạn vật, tinh vi hơn tất cả mọi sự tinh vi, là sự vĩnh cửu, là chính ngươi, chính là ngươi". Khó có thể tìm thấy những tuyên ngôn về nhà nước pháp trị và nhân quyền hùng hồn hơn. Một nhượng bộ quan trọng khác của Bà La Môn trước Ấn Giáo là sự chấp nhận thuyết luân hồi trong Upanishad. Các nhà lý luận Bà La Môn đã rất lúng túng để lý giải những mâu thuẫn giữa đạo Bà La Môn nguyên thủy với tư tưởng Ấn Giáo được phơi bày trong Upanishad, và họ không thành công. Phật Giáo đã xuất hiện vào thế kỷ thứ 6 (cùng với một số tín ngưỡng khác như Jain và Samkhya)  như là hậu quả của những mâu thuẫn này và như một phản kháng đối với tư tưởng Bà La Môn. Phật giáo phủ nhận đẳng cấp, nhìn nhận thuyết luân hồi, đề cao lẽ phải và sự từ bi nhưng đồng thời, khác với Ấn Giáo, cũng phủ nhận luôn giá trị của cuộc đời, chỉ nhìn cuộc đời như một chuỗi khổ đau. Phật Giáo có lúc đã được áp đặt làm quốc giáo. Một cách không chủ ý nhưng tự nhiên Phật Giáo đã mở đường cho Ấn Giáo tiến lên sáp nhập và tiêu hóa cả Bà La Môn lẫn Phật Giáo. Sau này Ấn Giáo cũng đủ mạnh để chống trả lại sự áp đặt rất thô bạo của Hồi Giáo do lực lượng thống trị ngoại xâm trong gần mười thế kỷ trước khi người Phương Tây tới. Trái với một thành kiến sai khá phổ biến Ấn Giáo không phải là một mê tín dân gian hay một tôn giáo bi quan yếm thế. Trái lại nó là tôn giáo độc đáo nhất thế giới. Không có người sáng lập, cũng không có hàng giáo phẩm và những người truyền giáo nhưng vẫn có gần một tỷ tín đồ với một giáo lý tinh vi và thành văn, dù không ai biết tác giả (cũng tương tự như kho tàng văn thơ ca dao của chúng ta nhưng ở một qui mô lớn hơn nhiều). Không ai có thể đọc hết bộ kinh Mahabharata dài gần 100.000 đoạn trong đó bài trường ca Bhagavard - Gita, phúc âm của Ấn Giáo, đề cao tình yêu, bổn phận và lẽ phải được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những tác phẩm thi ca tuyệt diệu nhất của nhân loại. Nét đậm nổi bật của Ấn Giáo là tôn trọng sự thực, tôn trọng sự sống của con người cũng như của mọi sinh vật và từ chối bạo lực trong cách ứng xử. Đó là một điểm yếu trong thời đại của bạo lực, chiến tranh và chinh phục, đó cũng là lý do đã khiến Ấn Độ liên tục bị xâm lăng và thống trị, nhưng đó lại là một sức mạnh quyết định trong thời đại văn minh và dân chủ. Ấn Giáo cũng có những yếu tố tiêu cục như các tôn giáo khác nhưng chứa đựng một văn hóa lành mạnh. Và chính nền văn hóa lành mạnh đó đã giải thích sự thành công ngoài mọi chờ đợi của Ấn Độ.
buocchangandhi
Những bước chân cuối cùng cùng của Mahatma Gandhi. Ngày 30-01-1948, hồi 5 giờ chiều, sau khi nói chuyện với Patel, cánh tay mặt của ông, Gandhi từ trong phòng này đi ra nhà nguyện đề đọc kinh. Đi được một đoạn đường ngắn ông bị một người cực đoan bắn. Ông thốt lên "Ô, Rama!" rồi tắt thở. Rama là một trong những vị thần của Ấn Giáo mà Gandhi là một tín đồ. Lời cuối cùng của Gandhi bày tỏ sự ngạc nhiên vì Ấn Giáo là một tôn giáo bất bạo động.
Xin kết luận bài này bằng hai nhận định cho Việt Nam qua trường hợp Ấn Độ.
Một là, đối với người Việt Nam cuộc tranh đấu cốt lõi của chúng ta trong lúc này là giành lấy quyền tự do kết hợp và xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh. Nhưng quyền tự do kết hợp chỉ cần chứ không đủ. Điều cần hơn là những con người trung thực và văn hóa tổ chức mà người Ấn Độ có từ bẩm sinh nhưng chúng ta lại gần như phải phát minh ra, hoặc phát minh lại. Đây là một cố gắng mà trí thức Việt Nam phải đảm nhiệm phần chính, và muốn như thế thì trước hết họ phải là những trí thức đúng nghĩa. Thiệt hại lớn nhất mà đảng và chế độ cộng sản gây ra cho nước ta là sự xuống cấp của những giá trị đạo đức và sự thiếu vắng của xã hội dân sự. Nhưng chế độ cộng sản không còn khả năng toàn trị như trước nữa. Nếu thực sự có thành tâm và quyết tâm chúng ta vẫn có thể kết hợp ngay trong lúc này. Vả lại muốn có quyền tự do kết hợp thì phải kết hợp trước đã. Tự do không thể ban phát.
Hai là, nếu so sánh Ấn Độ và Trung Quốc thì chúng ta có thể nói Ấn Độ là một lục địa hỗn tạp, nghèo khổ và đầy mâu thuẫn mà dân chủ đang biến thành một nước lớn, hòa hợp và đầy triển vọng, trong khi Trung Quốc là một nước vốn đã lớn mạnh, thống nhất, văn minh và có nề nếp mà chế độ toàn trị đang phá hủy. Chúng ta quý trọng nhân dân Trung Hoa nhưng không thể chấp nhận mô hình chính trị tồi tệ và độc hai hiện nay của họ mà chính những người Trung Quốc sáng suốt cũng đang cố gắng vất bỏ.
(11/2013)
Nguyễn Gia Kiểng