29 tháng 12, 2012

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO: CHẾT BỞI TAY TRUNG QUỐC!


ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO- HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẾ PHẦN 2

HÀNG ĐỂU MADE IN CHINA

Sau khi post hai bài về ĐTHT (đông trùng hạ thảo) có vài bạn thắc mắc cho rằng mình nổ chứ ĐTHT bán đầy ở các hiệu thuốc Đông Y chỉ vài chục triệu VNĐ/kg làm gì đến nỗi mấy trăm triệu một ký…
 
  Tháng Năm vừa rồi mình có dịp về VN, cũng tranh thủ thời gian đi kiểm chứng thị trường ĐTHT ở đây nhằm so sánh với thị trường Singapore, Thái Lan, India và Trung Đông là những thị trường mà mình đã có cơ hội cọ xát thực tế.

Hình minh họa từ Internet
  Địa điểm chính yếu nhất là chợ thuốc Đông y Hải thượng Lãn ông ở quân 5, Saigon. Hầu như tất cả các cửa hiệu ở đây đều có bán ĐTHT nhập từ Trung Quốc. Khi hỏi một bà chủ tiệm, bà đon đả mời ngồi và mở tủ kính lấy ra mấy hộp bằng giấy cứng hình thức thật sang trọng với mặt trên gắn kính để có thể nhìn thấy những con ĐTHT đặt trên nhung đỏ quý phái. Bà cho biết giá mỗi hộp 100g là hai triệu VNĐ (1000USD/kg). Mình sốc. Dù nhìn thoáng qua cũng biết hàng này chỉ là loại kém nhất về kích cỡ (size), màu sắc (màu nhợt nhạt) nhưng dù cho thế thì loại này ở Kathmandu, Nepal cũng không thể có giá dưới 15.000USD/kg. Mà đây lại là giá bán lẻ (nếu trả giá chắc còn bớt thêm 1-2 trăm ngàn VNĐ), thế thì các cửa hiệu ở đây phải nhập về với giá chỉ trên dưới 500USD/kg. Không thể tưởng tượng nổi.

   Không thể tưởng tượng nổi vì Trung Quốc không hề có ĐTHT ! Như đã nói qua trong bài trước, từ ngàn xưa các hoàng đế và đại tài chủ Trung Hoa chỉ có thể nhận triều cống hoặc mua ĐTHT từ Tây Tạng (Tây Tạng chỉ bị Trung quốc xâm chiếm từ năm 1959). Ngoài ra, trên thực tế tuy nói rằng khắp dãy Himalaya những nơi cao trên 3.000m đều có ĐTHT nhưng số lượng rất ít và không tập trung (chính vì thế ngày xưa mới quý hiếm). Duy nhất vùng Dolpa của Nepal giáp biên giới với Tibet là nơi tập trung và là nguồn cung cấp chính ĐTHT cho thị trường toàn thế giới ngày nay, chiếm đến hơn 80% sản lượng hàng năm(trên dưới 2,000kg). ĐTHT từ Tây Tạng cả năm chỉ thu hoạch được chừng 10kg, giá còn mắc hơn ĐTHT của Nepal vậy thì làm sao Trung Quốc có ĐTHT để xuất khẩu với giá rẻ bèo bọt như cho?


   Câu trả lời đơn giản đến bất ngờ.
   Quý ông ở Việt Nam chắc đều nghe đến món hải mã? Một cặp hải mã giá bét cũng vài ba triệu, thế nhưng bạn cũng có thể mua được những cặp hải mã (thiệt) với giá 1-2 trăm ngàn đồng thôi. Đó là những cặp hải mã đã được ngâm rượu, rồi sau đó tẩy rửa lại, phơi khô và bán với giá bèo. Chúng chỉ là những xác khô không còn “dược chất” nữa. ĐTHT giá bèo xuất xứ từ Trung Quốc cũng làm theo chiêu này đấy!

   Theo tiết lộ của một quan chức y tế Trung Quốc đã về hưu, vào cuối những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã giao ngành y tế nước này nhiệm vụ “hổ  trợ” các vận động viên Trung Quốc giành chiến thắng trong các cuộc đua tranh thể thao thế giới. Chương trình bí mật này đã triển khai nghiên cứu các loại dược liệu Đông y có khả năng giúp vận động viên đạt thành tích tốt nhất. Nói trắng ra là “doping”. Sự tuyệt vời của chương trình này là tìm ra các dược chất “doping” không bị phát hiện bới các xét nghiệm theo phương pháp Tây y. Cả thế giới đã từng bị “sốc” với kết quả của các vận động viên điền kinh Trung Quốc. Huấn luyện viên họ Mã đã lấp lửng “bật mí” rằng ông ta cho các vận động viên dùng máu rùa… Thực chất, vũ khí bí mật của các vận động viên Trung Quốc chính là ĐTHT .

   Thường cứ vào một năm trước khi diễn ra Thế Vận Hội Olympic, chính phủ Trung Quốc giao cho các thương nhân sang Nepal mua gom, vét sạch toàn bộ nguồn hàng. Số ĐTHT này được đưa đến Phòng Điều chế bí mật của Cục Thể thao thành tích cao. Tại đây, ĐTHT được trích ly toàn bộ các dược chất. Tinh chất ĐTHT sau đó được pha chế ra các loại thuốc tiêm, hoặc viên nén, hay dạng bột để vận động viên sử dụng như thuốc "doping". Đấy chính là nguyên nhân tại sao giá ĐTHT lại tăng đột biến cứ mỗi 4 năm theo chu kỳ Thế Vận Hội kể từ năm 2000 đến nay.
Thương nhân Trung quốc thu gom ĐTHT tại Nepal

   Trước kia, sau khi trích ly dược chất, xác ĐTHT bị đổ bỏ vì hết tác dụng. Nhưng với đầu óc ma mãnh của con buôn Trung Quốc cái bịch nylon rác rưởi còn tái chế được thì làm sao họ có thể bỏ phí mỏ vàng ĐTHT. Thế là có những đầu nậu thu gom các xác khô ĐTHT  để tái xuất bán ra các nước khác. Nguy hiểm nhất là : biết rõ tâm lý người mua ĐTHT nhằm tăng cường khả năng tính dục bọn đầu nậu này liền tẩm vào các xác ĐTHT những chất có công dụng như Viagra. Tội nghiệp cho các bác cứ tưởng rằng mình mua được ĐTHT thứ thiệt, vì dùng vào thấy “sung” quá, nào ngờ mua phải Viagra dỏm…
  Và có trời mới biết ngoài Viagra ra bọn gian thương này còn tẩm vào các xác ĐTHT những chất gì nữa!

   Các bác nhà mình chỉ nghi ngờ rằng đông trùng hạ thảo giả làm từ cây thạch thảo, hoặc những thứ giống đông trùng hạ thảo rồi cắm cỏ vào. Rồi truyền miệng rằng : "Cách xác định đông trùng hạ thảo thật sau khi đã... mua về: đem hầm rồi quan sát hình dạng, mùi. Đông trùng hạ thảo tốt là ninh lâu vẫn dai, không mủn, cọng cỏ ở đầu không nát, khi ninh toả ra mùi thơm, tanh như cá... "
  Bố khỉ, với cách dùng xác khô ĐTHT của các sư phụ Tàu ô thì các bác nhà mình có ninh, hầm vẫn cứ dính chưởng như thường!

29/12/2012

Nguyễn Phú



Còn đây là bài từ Sài Gòn Giải Phóng:
 http://www.sggp.org.vn/sggp12h/2007/6/105393/
"Loạn" đông trùng hạ thảo!
SGGP:: Cập nhật ngày 14/06/2007 lúc 14:56'(GMT+7)
Vì lời đồn thổi bổ dưỡng "gấp trăm lần nhân sâm" nên thời gian gần đây, nhiều người đổ xô săn lùng "biệt dược" đông trùng hạ thảo. Có người cần thiệt, nhưng cũng có người mua cho biết bởi "hổng bổ bề ngang thì cũng sang bề dọc". Chưa biết đông trùng hạ thảo bổ dưỡng đến mức nào, chỉ thấy nhiều khách hàng đã bị loại "biệt dược" này bổ… vào túi nhát nào nhát nấy đau điếng! 
  •  Mê cung "biệt dược"
 Trong một lần ngồi nhậu, sếp của tôi được nhóm đàn em hồ hởi chào hàng một loại rượu thuốc gọi là… đại bổ. Chung rượu chỉ lưng lưng tách trà nhưng có giá đến… 200.000đ. Thấy chúng tôi tròn mắt, ông chủ quán bật mí: "Mắc vậy mà không phải ai cũng có đâu nhé, đại bổ đông trùng hạ thảo, hàng nhập từ Trung Quốc hẳn hoi".
 



Tuyến Triệu Quang Phục và khu phố đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 được xem là trung tâm mua bán đông trùng hạ thảo nhộn nhịp nhất. Vào nhà thuốc K.D (đường Hải Thượng Lãn Ông), nghe chúng tôi tìm đông trùng hạ thảo, cô bán hàng liền bốc điện thoại và bảo chúng tôi ngồi đợi, sẽ có người mang hàng đến. Hơn 20 phút sau, chị chủ hàng chừng 40 tuổi tên D. đưa chúng tôi xem hàng: đông trùng hạ thảo đóng trong hộp gỗ bằng bàn tay màu đỏ sậm, bên ngoài có hàng chữ Trung Quốc, dưới đáy hộp có miếng vải lót và 1 gói hút ẩm. Hộp này là một lượng (khoảng 80-90 con), được chào giá 2 triệu đồng. Chê mắc, chị D. bảo: "Giá này là thấp nhất rồi đó, vì đây là hàng nuôi chứ không phải hàng trong tự nhiên. Nếu em muốn lấy hàng tự nhiên, chị cũng có nhưng giá hơn 3,5 triệu đồng/lượng". "Chị có hàng của Hàn Quốc không"? Vừa nghe tôi hỏi, chị D. giãy nãy: "Trời, Hàn Quốc làm gì có đông trùng hạ thảo? Loại này chỉ Trung Quốc mới có thôi (!?). Em phải xem hàng cho kỹ, không thôi là bị lừa như chơi đấy". Viện cớ phải hỏi lại thầy thuốc, chúng tôi ra về, chị D. liền đưa số điện thoại và dặn: "Em về bàn thêm với người nhà, nếu cần thì cứ a lô một cái, chị sẽ giao hàng tận nhà".

Tại nhà thuốc H., bà chủ chào hàng loại hộp 5 chỉ của Hàn Quốc(?) giá 750.000đ (150.000đ/chỉ). Thấy tôi không "mặn", bà đưa gói hàng 2 chỉ đựng trong bọc nhựa (tôi đếm được đúng 20 con), bên ngoài chi chít chữ, bảo: "Em lấy hàng này xịn hơn. Hàng này của Hồng Công, mấy ngày nay chị bán hút lắm, giá 380.000đ (190.000đ/chỉ)".
 Tại chợ An Đông, mỗi gói đông trùng hạ thảo 2 chỉ (khoảng 20-25 con) được "hét" giá 1,5 triệu đồng. Tìm mua loại hảo hạng để biếu sếp, bà chủ gần 50 tuổi liền đưa cho tôi hộp đông trùng hạ thảo 1 lượng chi chít chữ Trung Quốc, màu sắc sặc sỡ, xởi lởi: "Em nên lấy loại này, chị bảo đảm… chất lượng hơn hẳn. Vì con lớn hơn (cỡ 1/4 con nhộng tằm) nên tích tụ được nhiều chất bổ hơn, hàng này là "chất lượng 5 sao" đó nghen". Cái giá của gói... "5 sao" này mới nghe qua tôi đã đổ mồ hôi hột: "chỉ có"… 15 triệu đồng! 
  • Thật giả khôn lường… 

Mua ĐHT tại cửa hàng động dược đường Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh Đ.T

Vòng quanh trung tâm mua bán đông dược nhộn nhịp nhất này, chỉ chuyện hộp đông trùng hạ thảo "hảo hạng" 1 lượng, nhưng chúng tôi được chào nhiều giá khác nhau. Có quầy một, hai triệu đồng nhưng cũng có quầy "hét" đến… một, hai chục triệu đồng. So với nhân sâm thì mức giá này cao gấp cả trăm lần. Giải thích điều này, các chủ quầy thuốc đều có cùng câu "tiền nào của nấy đó"!

 Chủ một nhà thuốc trên đường Triệu Quang Phục giải thích rất cặn kẽ: "Muốn hái đông trùng hạ thảo, người ta phải lên tận vùng núi cao, xa xôi hiểm trở. Cả một cánh rừng rộng lớn, thường người nào giỏi lắm cũng chỉ tầm được chừng vài trăm gram. Hái về, người ta phải phân loại lớn nhỏ khác nhau, sau đó là vận chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam. Qua biết bao nhiêu mối lái, nó mới ra được tới chợ. Tìm được nó công phu và… trần ai như vậy, biểu sao mà giá không mắc"?! Một khách hàng nãy giờ nghe chuyện, bỗng quay sang tôi bỏ nhỏ: "Mặt hàng này bây giờ loạn lắm. Có trời mới biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Mình là dân tay ngang không thể nào biết được đâu".

Một thầy thuốc đông y ở đường Hải Thượng Lãn Ông kể, nhiều người sau khi mua đông trùng hạ thảo đã tìm đến ông nhờ kiểm chứng xem là hàng thật hay giả. Kết quả, trong 10 trường hợp ông từng xem giúp, thường chỉ có 1-2 trường hợp là "mua được hàng có chất lượng". Chính vì giá cao như vậy nên đông trùng hạ thảo là dược phẩm cao cấp được làm… giả nhiều nhất!. 
MINH AN

 Theo nhà thuốc Đồng Nhân Đường (Bắc Kinh) ở Trung Quốc 3 vùng có ĐTHT nổi tiếng: Tây Tạng, Thanh Hải và Tứ Xuyên. ĐTHT có màu nâu hoặc vàng nhạt. Độ dài khoảng 4-5cm, khối lượng từ 0,3g đến 1g, có 8 đôi chân, nhưng thường chỉ nhìn rõ được 4 cặp. Giá bán của 1g ĐTHT tại Trung quốc loại tốt 1 con = 1g thì giá là 360 tệ, khoảng 700.000 VNĐ. Loại kém chất lượng hơn thì 3-4 con = 1g giá khoảng 100 tệ trở lên (khoảng 200.000 VNĐ). ĐTHT loại tốt là loại có đạm cao. Theo kinh nghiệm, ĐTHT loại tốt được đánh giá trên phần con sâu càng dài, càng mập và phần cây càng ngắn là tốt. Ngược lại thì ĐTHT sẽ kém chất lượng hơn. Do giá cao, nhu cầu nhiều, trong thời gian qua, tại Trung Quốc đã có một số trường hợp bán ĐTHT kém chất lượng, hàng giả. Hàng giả có thể làm bằng thân củ địa tàm và thạch thảo hoặc bằng bột ngô, mì… màu sắc trắng hoặc vàng nhạt, nặng hơn hàng thật. (T.Đ)