28 tháng 6, 2018

TRANH DÂN GIAN MITHILA - TÂM HỒN THƠ MỘNG (3)

Quân đội Hoàng Gia Nepal tuần tiễu trong thời gian nội chiến

Nepal vào những năm cuối cuộc nội chiến đầy những hàng rào kẽm gai, những đồn bót chất đầy bao cát, những lính tráng mặc đồ rằn ri tay lăm lăm súng khắp mọi nơi... những hình ảnh đánh thức ký ức thơ dại của tôi về miền Nam vào thời gian cuối của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Lúc tôi sống ở vùng Lumbini  vào những tháng cuối cùng của năm 2005, đêm đêm vẫn nghe vọng về những tiếng bom nổ ì ùm, những tiếng súng mơ hồ. Tuy nhiên, Khu Lumbini – nơi đản sinh của Đức Phật đã may mắn được các bên tham chiến ngầm thoả thuận đặt ra khỏi những trận đánh giành dân chiếm đất của tất cả các bên. Tôi sống ở Lumbini thì đã may mắn sống trong một “khu trung lập” giữa một vương quốc đang chìm vào những ngày bạo liệt nhất cuối cuộc chiến. Ngồi phía sau chiếc xe bò lọc cọc đi trên con đường làng, nhìn lại về hướng chiếc cầu vẫn còn đang toả khói đen trong bóng hoàng hôn sẫm máu, tôi chợt rùng mình. Nếu chiếc xe bus mà chúng tôi đi không dừng lại để rước thêm khách ở ngã tư vành đai hoặc thiếu vắng đi vài trạm kiểm soát dọc đường có lẽ chúng tôi đã là nạn nhân của vụ đánh bom của quân du kích Maoist. Đây là lần gần nhất mà Thần Chiến Tranh ở Nepal đã phả hơi thở giá lạnh vào tôi.
   Hôm ấy, Cỗ máy thời gian đã vứt tôi ngược lại 30 năm vào thời điểm cộng sản đang chiếm lấy toàn bộ miền Nam giống như quân cộng sản Maoist đang chiếm lấy toàn bộ phần còn lại của Nepal. Dĩ nhiên thời điểm đó tôi không hề nhận ra điều ấy mà mãi nhiều năm sau này mới lờ mờ nhận thấy chuyện kỳ lạ này. Sau một thời gian ngắn nữa, Cỗ máy thời gian lại sẽ tái hiện cho tôi cái cảnh cộng sản dẫn dắt quần chúng bao vây lấy hoàng cung, lật đổ nhà vua của vương triều đã tồn tại hơn hai trăm năm mươi năm giống như cộng sản Việt Nam đã làm với triều đình Nguyễn ở Huế năm 1945. Nhưng đó là chuyện về sau, khi vương quốc Hindu cuối cùng trên Trái Đất bị cộng sản Maoist xoá bỏ một cách bạo liệt. Còn ngay lúc này đây, Cỗ máy thời gian đang phóng chiếu cho tôi những ảo ảnh của một vương quốc vô cùng nổi tiếng hơn hai ngàn năm trước.
   Đôi bò cao lớn màu trắng sừng cong bán nguyệt, gốc sừng bằng bắp chân người lớn kéo phương tiện giao thông hơn hai ngàn năm trước của Tiểu Lục Địa Ấn Độ đi vào làng. Lần đầu tiên tôi mới gặp một cặp bò khổng lồ như vậy. Tôi cao mét bảy mà chỉ đứng ngang u bò, cổ bò phải hơn vòng tay người lớn, cơ bắp toàn thân vạm vỡ. Chiếc chuông trên cổ bò bằng đồng dày dặn lớn cỡ một lon sữa Guigoz liên tục phát ra tiếng vọng “Aum... Aum” theo mỗi nhịp điệu của bò. Chiếc xe bò bằng gỗ, thùng xe rộng chừng 2m dài khoảng 4m. Hai bánh xe đường kính một giang tay người lớn với những chiếc căm gỗ chuốt tròn lớn cỡ cổ tay. Người đánh xe lực lưỡng đen bóng, ở trần, quấn một chiếc dhoti (giống sarong của Khmer nhưng cách thắt nút/buộc tinh tế hơn) trắng đã ngã màu vàng và đầu quấn một cái khăn dài thành turban. Cây đuốc cắm vào một cái lỗ ở góc trước bên phải thùng xe toả ra một thứ ánh sáng bập bùng không để soi tỏ đường đi phía trước mà có lẽ để người đi trên đường định vị chiếc xe bò đang lọc cọc di chuyển mà tránh. Người đánh xe trầm mặc không nói lời nào như đang thả trí tưởng trôi về cõi nào xa tít, không buồn điều khiển chiếc xe, chừng như phó mặc cho hai con bò tự đi về nhà trên con đường quen thuộc.
    Hơn nửa tiếng sau, chiếc xe bò thả chúng tôi xuống giữa đường làng, trước một cái cổng nhà kỳ dị rồi lại thong thả lăn bánh. Giữa nhập nhoạng tối chiếc cổng có hai trụ cổng tròn đường kính chừng ba gang tay ốp đầy vỏ sò màu trắng theo kiển vặn thừng xoắn lên cao chừng như phát một thứ ánh sáng mờ ma quái. Nơi đây cách biển Bengal gần nhất cũng trên 700km thì những vỏ sò ốc kia quả thực là của hiếm. Cổng chỉ có hai trụ chứ không có cánh cổng. Ông Thapa thản nhiên dẫn chúng tôi đi trên con đường đất sạch sẽ hai bên viền gạch xuyên qua một vườn cây rộng hàng chục mét. Trước mặt tôi hiện ra một căn nhà thấp có ban công phía trước, vách đất, mái tranh dầy. Vừa nhìn thấy mặt tiền căn nhà, tôi choáng váng. Trước mặt tôi là một ngôi nhà kỳ dị lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy. Tất cả các cột đều ốp bằng đất sét và chạm nổi hoa văn hình ảnh. Tất cả bức tường đất đều nổi bật những phù điêu đầy hình người, muông thú, hoa lá như tranh lập thể của Picasso. Từ khắp tất cả ngóc ngách phương hướng, những con mắt trực diện phóng vào tôi những ánh nhìn thẳng thắn mà không suồng sã, nồng nhiệt mà không quá lố. Một cái nhìn ban sơ như mắt trẻ con. Chưa bao giờ tôi có cảm giác mình “cảm” được tranh Picasso như lúc ấy. Đấy gọi là “Tâm truyền Tâm”, là phản bổn hoàn nguyên chớ gì nữa, phải hem?     

(Những hình này được chụp sau ngày hôm đó)




(Hết phần 3, mời xem phần 4 sau vài ngày nữa)
 Xem Phần 1 ở đây
          Phần 2 ở đây