3 tháng 3, 2013

NEPAL STYLE

Giàu có và sử dụng tài sản của mình như thế mới xứng đáng là Đại Gia, mới đáng kính phục. Kaiser SJB Rana, theo mình là nhân vật vĩ đại nhất của tộc họ Rana Nepal và là “Player” đáng ngưỡng mộ nhất của Nepal.

   Mình nghĩ mãi không ra cái tựa đề cho bài này. Chủ đề là kể về phong cách “chơi” (tiêu xài-spend, sưu tập-collect, lối sống- style…) của những nhân vật nổi tiếng người Nepal, nổi tiếng ở đẳng cấp thế giới. Mới đầu định lấy tựa “Dân chơi Nepal”, nhưng thấy phàm phu, có mùi giang hồ, và “hôi sữa” của mấy nhóc thiếu gia ngày nay; vì các nhân vật đề cập trong bài này toàn là giới thượng lưu, tinh hoa (elite) của Nepal xưa. “Chơi kiểu Nepal” càng không ổn vì quá thô tục. May, cái video clip làm mưa làm gió khắp thế giới của anh chàng ca sĩ Hàn Quốc Psy đã giúp mình một cái tựa thích hợp “Nepal Style”.
Mẫu Roll Royce Phantome III mà ông Kaiser SJB Rana đưa về Kathmandu Nepal vào thập niên 1930

    Năm 1973, cái xe Mercedes đời mới nhất của ông hoàng Vijay SJB Rana về đến Kathmandu, Nepal. Ngay lập tức nó trở thành “hot girl” được mọi người trầm trồ khen ngợi và thu hút mọi sự chú ý mỗi khi xuất hiện. Cũng thời điểm ấy, một “ông hoàng” xe hơi lặng lẽ rời khỏi Nepal. Ông Vijay luôn tiếc nuối khi kể về sự kiện này. “Nếu biết họ bán nó đi, thì dù có bán cả gia sản ông cũng sẽ làm để giữ nó lại ở Nepal. Chiếc xe ấy là một phần lịch sử của Nepal, một vật chứng và là niềm hãnh diện cho đất nước trên núi này.”
  “Nó” là chiếc Roll Royce Phantom III nổi tiếng.
  Chủ nhân của chiếc Roll Royce ấy là ông Kaiser Shamsher JB Rana, chú của ông hoàng Vijay.
   Wikipedia chỉ ghi chú mấy dòng ngắn ngủi như thế này về ông Kaiser SJB Rana: Field Marshal H.H Sir Kaiser Shamsher Jang Bahadur Rana, sinh ngày 08/01/1892 mất ngày 07/06/1964. Ông là con thứ ba của His Highness Maharaja Sir Chandra SJB Rana – Thủ tướng thứ năm triều đại Rana. Kaiser đã từng làm đại sứ Nepal ở  triều đình Anh Quốc (1947–1948), Bộ trưởng Quốc phòng của Nepal (1951–1955) và Bộ trưởng Tài chính Nepal (1952–1953).
Kaiser SJB Rana
   
  Ông Vijay kể cho tôi nghe với giọng ngưỡng mộ về người chú đậm đặc chất quý tộc này. Từ nhỏ, Kaiser đã là một cậu bé thông minh, ham học hỏi, được cha là Thủ tướng Chandra cưng nhất trong số các con trai và thường dẫn theo trong các chuyến đi nước ngoài. Sống trong môi trường sùng bái người Anh của tộc họ Rana, lại sớm tiếp xúc với văn hóa Anh quốc nên tự nhiên Kaiser cũng sùng bái văn hóa Anh. Năm Kaiser 16 tuổi, ông được gửi sang học ở Anh. Thú đam mê suốt những năm tuổi trẻ sống ở Anh và Cựu lục địa của chàng trai Kaiser là :Sách và Xe hơi. Ngay lần đầu trông thấy một trong những chiếc Roll Royce đầu tiên lăn bánh trên đường phố London, Kaiser đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Dùng qua hầu hết các hiệu xe trong thời trai trẻ ở châu Âu, cuối cùng Kaiser nhận ra rằng, mối tình đầu chính là mối tình vĩ đại nhất của mình.
  Trở về Nepal lúc 22 tuổi, hành trang của Kaiser là hơn 5,000 quyển sách đủ các thể loại, chủ đề mà anh sưu tập suốt mấy năm qua. Chiếc Roll Royce anh dùng ở London đành phải để lại bên đó không thể mang về Nepal vì … không có đường.
   Từ đồng bằng phía Bắc Ấn Độ, cho đến cuối thập kỷ 1930 muốn lên đến Kathmandu phải vượt qua dãi Terai cao hơn 3000m bằng đường mòn. Đấy là một lợi thế để Nepal thoát khỏi cuộc chinh phục của thực dân Anh vào giữa thế kỷ 19, nhưng cũng là rào cản cho việc phát triển của Kathmandu.      
  Tộc họ Rana Nepal không thiếu tiền, quá dư dả là khác vì là một tộc họ lấn át cả nhà vua họ Shah để độc quyền cai trị với danh nghĩa Thủ tướng truyền đời. Cha của Kaiser vào năm 1903 đã cho xây dựng Singha Durbar (Cung điện Sư tử) trải rộng trên diện tích 50ha. Cung điện này được ghi nhận là Cung-điện-rộng-lớn-nhất-và-xa-hoa-nhất châu Á, sau này vào thập niên 1970 lại trở thành Tòa nhà chính phủ rộng lớn nhất châu Á.
SINGHA DURBAR

Bên trong Singha Durbar



   Khi Kaiser trở về sau nhiều năm học tập ở Anh, ông Chandra đã cho xây dựng một cung điện hoành tráng cho đứa con trai yêu ở vị trí gần như đối diện với Cung điện Sư tử, ngay bên cạnh hoàng cung của vua Shah.
Phương tiện giao thông cho đến cuối những năm 1930 ở Kathmandu

  Cho đến khi đó, thủ đô Kathmandu của Nepal vẫn chưa có chiếc xe hơi nào. Quý tộc Nepal đi lại chủ yếu dùng ngựa hoặc xe ngựa, khi lễ lạt thì dùng voi. Đam mê xe hơi là một “Thú đau thương” (tựa một lời dịch soundtrack của bộ phim Godfather trước đây ở Saigon). Cái thú ấy khiến quý tộc Nepal (không chỉ một mình Kaiser) quyết tâm san bằng mọi chướng ngại. Đầu tiên là mở rộng các đường mòn vượt qua rặng Terai. Sau đó xe được nhập từ châu Âu về India rồi tập kết ở biên giới Nepal-India. Tại đây, các xe hơi được tháo bánh xe ra, ràng cột cẩn thận trên một hệ thống đòn khiêng bằng gỗ. Thế là lên đường vượt núi trên vai của phu khiêng kiệu hay lính.



  Chiếc xe đầu tiên lên đến Kathmandu vào cuối thập niên 1930 là chiếc Roll Royce của Thủ tướng Chandra. Vốn là chiếc xe mà Kaiser sử dụng ở London trước đây. “Tay chơi” Kaiser thì đã đặt hàng tại hãng Roll Royce một chiếc xe mới. Chính là chiếc Phantome III.
  Xe này nặng đến 3,5 tấn, phải dùng đến hơn 600 người thay phiên nhau khiêng suốt 1 tháng trời mới lên đến Kathmandu từ biên giới India.
  Có xe rồi, thế là Kaiser liền cho làm một con đường nhựa (con đường nhựa đầu tiên ở Nepal) dài khoảng 1,5km nối từ Cung điện Sư tử đến Cung điện Kaiser của mình. Cứ mỗi sáng, Kaiser cho tài xế lái chiếc Phantome chở mình vượt 1,5km đến Cung điện Sư tử để… uống café với ông Chandra; rồi lại lái về tư dinh. Mỗi khi có lễ lạt hoàng gia, Kaiser lại cho mượn chiếc Phantome làm phương tiện. 
Con đường nhựa đầu tiên ở Nepal nối liền hai Palace

  Sau cha con Kaiser, các hoàng thân khác cũng lục tục bắt chước cho …. khiêng xe lên Kathmandu. Rồi đến các đại sứ quán. Việc khiêng xe này kéo dài mãi cho đến thập niên 1950, khi Nepal hoàn thành việc xây dựng các con đường quốc lộ nối Kathmandu với biên giới với India mới chấm dứt.
   Khiêng xe lên núi chạy. Đúng là “Chơi xe kiểu Nepal”, không nơi nào có được.
  
   Kaiser SJB Rana mất năm 1964. Ông lập di chúc để lại Cung điện Kaiser của mình làm trụ sở Bộ Giáo Dục, đồng thời hiến tặng toàn bộ thư viện mà ông đã sưu tập suốt 60 năm làm thư viện công cộng. Thư viện có đến 50.000 cuốn sách, trong đó có những bản thảo viết tay cổ nhất và duy nhất của Nepal, những cuốn sách độc bản trên thế giới, những sách quý 300 năm Kaiser sưu tập từ châu Âu và sách đặt hàng từ các nhà xuất bản lớn, nổi tiếng. Tất cả đều được bọc bìa da, đặt trong những tủ sách cao tận trần nhà, người đọc được tự do lựa và lấy sách từ các kệ, tủ sách không cần qua thủ thư rồi ngồi đọc ở bất cứ nơi đâu mình thích (trong những căn phòng xa hoa, bên cạnh cửa sổ nhìn xuống khu vườn đẹp nhất Nepal có tên là Dream Garden do chính Kaiser thiết kế…). Hơi lạc đề một chút: chính thư viện Kaiser này đã níu chân mình ở lại Nepal, và suốt 2 năm đầu tiên mình đã làm con mọt sách bám trụ hàng ngày ở đây để lấp những lỗ hổng kiến thức bằng nguồn tư liệu Anh ngữ có thể nói là số một châu Á.
Dinh Kaiser, nay là trụ sở Bộ Giáo Dục Nepal
Bên trong Dinh Kaiser


Thư viện
 

Nơi uống trà, cafe và trò chuyện sau khi ăn tối

Dream Garden

   Chiếc Roll Royce Phantome III của Kaiser mà ông Vijay nhắc tới bị bỏ nằm phủ bụi suốt nhiều năm sau khi chủ nhân của nó qua đời. Năm 1972, một nhà sưu tập Mỹ tìm gặp con trai của Kaiser sống ở India và mua được nó với cái giá … sắt vụn: 10,000USD. Đến khi ông này lên đến Kathmandu cho đóng thùng và vận chuyển chiếc Phantome vào năm 1973 thì ông Vijay mới hay. Quá muộn. Chiếc Phantome sau đó được chở đến cảng Kolkata để vận chuyển bằng đường biển về Mỹ. Khi cẩu nó lên tàu thì đột nhiên cáp bị đứt. Roll Royce Phantome III rơi xuống biển. Chiếc xe vô giá vĩnh viễn ngủ yên dưới lòng vịnh Bengal, chừng như nó không muốn rời xa lục địa Ấn Độ của chủ nhân nó, người vì lòng đam mê đã san bằng mọi thứ để đưa “tình yêu” của mình về nhà.

Kaiser không chỉ là một “tay chơi” (player), một nhà sưu tập (collector) mà còn là một nhà bác học của Nepal, một người “dân túy” bạn thân của Thủ tướng India Neru. Ông chơi để học và học để chơi tới đẳng cấp cao nhất. Kiến thức của Kaiser trải rộng tới tất cả mọi lĩnh vực và ở tầm mức chuyên gia. Thập niên 1940, ông là người chỉ huy cuộc khảo cổ ở Lumbini. Cái hồ nơi Hoàng hậu Maya tắm trước khi sinh hạ Siddhartha đã được Kaiser cho nạo vét và cẩn gạch như ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà ông từng nắm giữ chức bộ trưởng quốc phòng và tài chính, cũng như làm đại sứ tại Anh. Thật ra niềm đam mê sách vở của Kaiser còn lấn át hơn cả đam mê xe hơi. Cũng như ông quý sách vở, kiến thức hơn là những tài sản khác. Bằng chứng là ông đã tặng cho nhân dân Nepal thư viện và cho ngành giáo dục  tư dinh của mình (dinh thự vào loại lớn và đẹp nhất nhì Nepal chỉ sau có Cung điện Sư tử). Nhân dân Nepal mãi nhớ đến ông vì những nghĩa cử đẹp này chứ không phải lối sống xa hoa, tài sản khổng lồ mà ông có. 
Góc tưởng niệm Kaiser ở thư viện của ông

Thư viện Kaiser đã được in lên tem
  Giàu có và sử dụng tài sản của mình như thế mới xứng đáng là Đại Gia, mới đáng kính phục. Kaiser SJB Rana, theo mình là nhân vật vĩ đại nhất của tộc họ Rana Nepal và là “Player” đáng ngưỡng mộ nhất của Nepal.