30 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 4

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 4
CHIÊM BÁI XÁ LỢI PHẬT NGUYÊN THỦY

Xá lợi Phật Nguyên thủy trưng bày tại Indian Museum - Kolkata
                               Là một Phật tử ai cũng mong được ít nhất một lần trong đời chiêm bái xá lợi của vị Từ Phụ. 



 Lần đầu tiên mình được chiêm bái xá lợi Phật là vào dịp Tết Nguyên đán 1994 trong một ngôi chùa nhỏ ở Bình Thạnh, Saigon. Thầy trụ trì đi hành hương ở Ấn Độ mang về ba hạt xá lợi Phật. Tin loan truyền trong các Phật tử. Vào ngày đã định, từ sáng sớm hàng trăm người đã sắp hàng trong sân chùa để được chiêm bái xá lợi. Mãi đến 8 giờ sáng mình mới đến được bàn thờ Phật. Ba hạt xá lợi nhỏ như hạt gạo đặt trên vải nhung đỏ bên trong một hộp kính. Cả ba đều có bề ngoài sáng bóng, hai hạt màu trắng sữa còn một màu xanh lá chuối non.
  Mười năm sau, khi ở Phnom Penh lại được chị Chủ tịch Hội Phụ Nữ Cambodia đưa đi chiêm bái xá lợi Phật của hoàng gia Khmer. Lần này mình được xem chừng chục viên xá lợi to chừng đầu ngón tay, có đủ các màu và cũng có bề ngoài láng bóng, trông giống ngọc hơn.
  Hôm dự lễ cầu nguyện ở Bodhgaya, các nhà sư Thái lan cung kính bưng 9 bảo tháp bọc vàng đựng xá lợi Phật. Mình có tiếp cận và nhận ra những xá lợi này cũng giống như xá lợi mình đã được chiêm bái trước đây. Nghĩa là trông giống ngọc quá.


Xá lợi Phật được trưng bày trong ngày cầu nguyện tại Bodhgaya

  Điều hấp dẫn lớn nhất trong chương trình hành hương của Hội Nghị Phật giáo Toàn cầu 2011 với mình là chiêm bái xá lợi Phật ở Sarnath. Thế nhưng, khi đến Sarnath thì do khoán trắng cho một công ty du lịch địa phương, những người hăm hở đưa bạn đến các cửa hàng để mua đồ hơn là  đưa bạn đi thăm các cổ tích tàn lụi hàng ngàn năm trước, nên các tiếp viên của công ty du lịch nọ lờ đi  chẳng thấy ai đề cập đến chuyện chiêm bái xá lợi Phật…
  Trước đó, vào hôm thứ ba ở Delhi, các Thầy và vợ chồng anh Vũ có rủ đi chiêm bái xá lợi Phật ở Bảo tàng quốc gia Ấn Độ. Tiếc là hôm đó mình phải đi gia hạn hộ chiếu ở Đại sứ quán nên không đi theo cùng được. Vả lại chương trình nghiên cứu của mình sẽ quay lại Delhi trước khi về Nepal nên tự nhủ sẽ thăm viếng bảo tàng này sau vậy.
  Mình đến Kolkata để lo công việc, cố gắng thu vén trong một ngày cho xong mọi thứ và rứt ra được một ngày trọn vẹn cho  Indian Museum – Bảo tàng Ấn Độ. Đây là bảo tàng đầu tiên của châu Á, thành lập vào năm 1875. Bảo tàng này là lý do chính yếu mình phải đến Kolkata ngoại trừ công việc làm ăn. Đây là tổng hành dinh của Cục khảo cổ Ấn Độ của người Anh và là kho chứa tất cả mọi thứ khai quật được trong tất cả các cuộc khảo cổ do người Anh thực hiện trên đất Ấn. Tại đây, các mẫu vật được phân loại và Toàn quyền Anh sẽ quyết định cái nào gửi về Anh quốc cái nào để lại Ấn Độ. Dĩ nhiên, phần lớn những mẫu vật có giá trị nhất, hiếm quý nhất, tinh túy nhất, hoàn hảo nhất đã bị đưa về Anh, nhưng số lượng lớn còn tồn tại tại các kho chứa của bảo tàng thì không một bảo tàng nào khác sánh nổi. Sau này, khi Delhi trở thành thủ đô của Ấn Độ, người ta đã xây dựng một Bảo tàng quốc gia hoành tráng, hiện đại ở đấy và chuyển một số mẫu vật quý từ Kolkata về trưng bày. Tuy nhiên, Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata vẫn là bảo tàng số một ở Ấn Độ xét về quy mô và tính chuyên nghiệp, và những nghiên cứu của các học giả ở đây luôn luôn đóng dấu đẳng cấp quốc tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân người ta coi Kolkata như là “Brain of India” – bộ não của Ấn Độ.
  Lý do cuốn hút mình đến Indian Museum thực ra rất đơn giản. Ở đấy có một bộ sưu tập vô giá về Asoka và Ấn Độ cổ đại. Ngay lối vào chính của bảo tàng, người ta đã đặt các pho tượng được xác định thuộc về thời đại Asoka rồi. Điều thú vị là Bảo tàng này cho phép chụp hình với ticket là 50 rupees – kể cả 500 rupees thì mình cũng chịu ;-D… Vì điều bực mình duy nhất trong chuyến đi này của mình là một số bảo tàng thuộc hệ thống Cục Khảo Cổ không cho phép chụp hình, rút kinh nghiệm, lần sau mình sẽ tìm cho ra cách để chụp cho được he he...
  Mình hăm hở chụp tất tần tật mọi thứ trong bảo tàng từ trong các phòng trưng bày cho đến các hành lang mênh mông đầy ắp các mẫu vật thu thập từ khắp nơi trên Ấn Độ, kể cả một số mẫu vật tuyệt đẹp từ Borobodur của Indonesia, Angkor Wat của Cambodia.
  Mải mê trôi theo các phòng trưng bày, mình chụp gần hết cái thẻ 32GB, còn pin thì nhấp nháy 2%. Mình bước vào một phòng trưng bày nhỏ ở một góc sân. Vừa nhìn vào vật bày trong tủ kính một luồng điện chạy dọc sống lưng làm mình rợn người. Chiếc bình origin đựng xá lợi Phật của họ Thích-ca khai quật được vào năm 1895 ở Piprahwa, bang Bihar. Chưa bao giờ mình tưởng tượng được rằng chiếc bình quý giá và nổi tiếng kia lại nằm một cách lặng lẽ ở bảo tàng này.  Trông thấy hàng chữ Brahmi trên nắp bình mà mình vẫn chưa tin, cứ hỏi đi hỏi lại anh chàng bảo vệ trong phòng rằng đấy có phải là chiếc bình origin hay chỉ là bản sao. Khi nhận được sự xác nhận, mình vội vàng bỏ giày, camera qua một bên rồi lễ bái chiếc bình một cách thành kính. Lễ xong mình chụp hình cái bình thì hỡi ôi, hết pin. Trong sự kích thích và thất vọng cao độ cùng lúc suýt chút nữa mình bỏ lỡ một cơ duyên. May mà anh bảo vệ kéo tay mình chỉ vào một phòng kính ở giữa phòng. Bảo tàng đã làm lại mô hình thu nhỏ Bảo tháp Bharut. Và trong một chiếc bình replica có cắt mở một góc để người xem nhìn được vào bên trong đang ngự hai mảnh xá lợi Phật trên bông trắng. Hai mảnh xá lợi lớn bằng cỡ móng tay, không bóng loáng, không có màu sắc rực rỡ, chỉ một màu nâu nhạt giản dị và có nhiều lỗ nhỏ trông giống như cấu tạo xương. Đây chính là xá lợi thật không hề có chút nghi vấn! Hai mảnh xá lợi này được chính các nhà khảo cổ Anh quốc thu thập được khi khai quật bảo tháp Piprahwa, quan trọng hơn, nó thuộc về 1/8 xá lợi Phật nguyên thủy chia cho vương tộc Sakya. Mình lễ bái xá lợi thành kính không biết bao nhiêu lạy. Khách tham quan ngạc nhiên thấy một anh chàng ngoại quốc lạy như tế sao cái hộp kính nên tò mò dừng lại xem thử. Khi phát hiện ra đó là xá lợi Phật thì hầu hết kính cẩn chiêm bái theo kiểu Hindu, một số ít thì bắt chước mình quỳ lạy. Có lẽ đó là lần đầu tiên căn phòng trưng bày im lìm này trở nên nhộn nhịp. 

Bình đựng xá lợi Phật nguyên thủy nổi tiếng khai quật từ Piprahwa, trên nắp có khắc dòng chữ Brahmi: "Phần xá lợi này thuộc về họ Thích-ca". Hiện đang được trưng bày tại Indian Museum - Kolkata

   Hên cho mình, có mang một cục pin dự trữ cất trong túi xách gửi ở cổng. Thay pin và quay lại chụp được một lô hình. Một bất ngờ thú vị.
   Sau bốn tuần ngang dọc đất Ấn, mình quay lại Delhi để kết thúc chuyến khảo cứu. Dĩ nhiên là có một ngày dành cho Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ rồi. Cũng giống như ở Indian Museum, mình chụp tuốt tuồn tuột mọi thứ ngay từ cổng vào. Biết rằng ở đây có xá lợi Phật, mình hồi hộp vừa muốn chạy ngay đến căn phòng ấy, vừa cố kìm nén cảm xúc để cố gắng chụp hình các mẫu vật tuyệt đẹp trước. Hai tiếng sau, trong khi đang mải mê chụp một pho tượng apsara tuyệt đẹp mang về từ Khajuraho, một phụ nữ tiếp cận mình giọng rưng rưng xúc động. “Can you take for me some photos?” “Why not?” mình cười, ra dấu cho bà đứng bên cạnh pho tượng. “No, no, not this.” Bà chỉ tay về gian phòng kế cận “There is relics of Buddha.” Ôi chao. Thế là mình đi như chạy theo bà ta.
  Đó là một căn phòng rộng rãi trưng bày các mẫu vật Phật giáo cổ đại. Cuối phòng là một lồng kiếng cao chạm trần bao bọc lấy một bảo tháp bằng vàng đặt trên bệ cao. Bảo tháp tạo hình kiểu Thái Lan với mái nhọn vút lên, trên đỉnh gắn một viên kim cương. Bên trong bảo tháp là một bệ tròn nhiều tầng, tầng đáy có đường kính chừng 20cm. Lần lượt các xá lợi của Đức Phật Thích-ca được đặt trên các tầng, lớn bên dưới, nhỏ bên trên. Có khoảng 20 mảnh xá lợi Phật, mảnh lớn nhất dài chừng 6-7cm, nhỏ nhất cũng 2-3cm. Tất cả đều có màu nâu nhạt giống như xá lợi trưng bày ở Indian Museum-Kolkata. Thật ra đây chính là phần xá lợi trước kia thuộc về Indian Museum. Chính phủ Ấn đã xem đây như quốc bảo nên cho mang về đặt trong bảo tàng quốc gia. Hoàng gia Thái đã tặng bảo tháp bằng vàng để thờ phượng xá lợi Phật cho bảo tàng vào năm 1997.

Xá Lợi Phật Nguyên Thủy trong Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ

Gia đình Phật tử Malaysia Bee Leng Choo hoan hỷ chụp hình trước tháp xá lợi

  Trong lồng kính phía trước bên dưới bảo tháp còn trưng bày hai chiếc bình đựng xá lợi. Chiếc bên phải chỉ là bản sao. Chiếc bên trái có dấu vết bị vỡ chính là chiếc bình xá lợi thứ hai khai quật được cùng chỗ Piprahwa với chiếc bình ở bảo tàng Kolkata. Tuy nhiên chiếc bình này kém quan trọng hơn vì không có khắc hàng chữ nào.  

Bình đựng xá lợi Phật nguyên thủy

  Mình xúc động vô ngần, trông thấy chị Bee Leng Choo rưng rưng nước mắt hạnh phúc đứng bên cạnh tháp xá lợi suýt chút nữa cũng không cầm được nước mắt. Gia đình người Malaysia này là những Phật tử nhiệt thành. Đến Ấn Độ chỉ để chiêm bái xá lợi Phật. Nhóc con chị sáng nay táy máy thế nào làm hỏng mất chiếc máy ảnh.Mình chụp hình cho gia đình chị và hứa làm theo yêu cầu của chị sẽ gửi hình qua meo (mình đã gửi hình gia đình chị và cả một bộ ảnh chụp xá lợi Phật cho chị khi vừa về tới Nepal, chị cảm ơn quá xá và cho biết đã khoe với mọi người trong cộng đồng Phật tử ở Kuala Lumpur và pót lên facebook). Thấy có đông người quá, mình quay đi chụp nốt các gian phòng khác. Một lúc sau trở lại nơi ấy khi vắng người, mình liền thực hành nghi thức bái lạy xá lợi và kinh hành vòng quanh tháp. Ông cảnh sát trực trong phòng rất hay. Ông đến đứng gần đó và không để ai làm phiền việc chiêm bái và cầu nguyện của mình (chuyện chiêm bái và cầu nguyện các thánh tích trong các bảo tàng hay đền miếu là bình thường ở Ấn Độ và Nepal. Chuyện này mà xảy ra ở Bảo tàng lịch sử TPHCM chắc thiên hạ bu tới coi, rồi bảo vệ bốc mình chở đi nhà thương Biên Hòa quá… he he)…
   Chuyến đi nghiên cứu của mình trên đất Ấn vậy là thành công mỹ mãn đến phút cuối. Mình được nạp đầy năng lượng để vững bước thực hiện những nghiên cứu của mình. Bao nhiêu duyên kỳ ngộ cùng đến trong một chuyến đi vượt quá tất cả những mong ước của mình. Hạnh phúc đến bất ngờ từ những phút giây nhỏ nhặt, chỉ cần ta chú tâm lắng nghe, trông thấy và đón nhận với một tấm lòng rộng mở. 
   
                    Ngày cuối cùng của năm 2011
  Chúc tất cả mọi người một năm mới an lạc và tràn đầy hạnh phúc!