28 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 2

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 2

   ĐẤT THIÊNG


   Từ Delhi, máy bay chở đoàn xuống Varanasi. Ra khỏi sân bay đã là 1 giờ trưa. Các nhân viên của một công ty du lịch địa phương đã chờ sẵn hướng dẫn mọi người lên 10 chiếc coach. Mình lên chiếc thứ tư, chiếm lấy ngay một cửa sổ. Mọi người lục tục kéo lên. Thấy một lama già chừng 60 tuổi lóng nga lóng ngóng mình cười, chắp tay chào và vỗ vỗ vào chiếc ghế trống ngay bên cạnh. Ông cũng cười lại như đã quen biết từ lâu và ngồi bên cạnh mình.
   Chỉ có 200km mà mất đến hơn 6 tiếng  đồng hồ mới đến được Bodhgaya. Suốt cả quãng đường dài, mình ngủ gà ngủ gật , giữa hai cơn buồn ngủ là hỏi chuyện làm quen vị lama bên cạnh. Ông biết tiếng Anh rất kém, hầu hết là nghe mình hỏi rồi cười đôn hậu vì không đủ tiếng Anh trả lời. 7 giờ tối đến Bodhgaya, khi nhận phòng tình cờ thế nào mình lại được sắp chung phòng với ông. Mệt mỏi sau cả ngày di chuyển nên sau khi ăn tối xong là mình ngủ ngay, không chuyện trò gì và vì ông cũng không thể trò chuyện được.
  4 giờ sáng hôm sau, ông đã dậy, vệ sinh, rồi ngồi xếp bằng trên giường tụng kinh bằng tiếng Tibet. Mình cũng ngồi dậy, xếp bằng và lắng nghe lời tụng rì rầm của ông. Không hiểu nhưng cũng cảm thấy bình an vô cùng. Khi kết thúc bài kinh ông đến chỗ mình hai tay nắm lấy tay mình và cười, “Friend, friend.” Mình vội vàng nâng hai tay ông lên chạm trán vào đó, nói “ No, no. Master, master…” và thêm vào tiếng Hindi “Guru, you are my guru.” Ông lắc đầu hiền hậu, “No, friend. No guru, brother.” Mình chẳng hiểu gì cả chỉ nghĩ ông không hiểu tiếng Anh nên gật gật đầu cười. Ông lại nói “Come Gumpa, Spiti. Yes?”  Mình cũng chẳng hiểu gì , lại gật đầu. Ông vui lắm.

                    Với Hon Lama Dorje Sonam Tu viện Trưởng tu viện DHANKAR
    Khi đi ăn sáng, ông dẫn đến một ông già khác để làm phiên dịch. Họ là những đại biểu từ Himachand Pradesh. Lama Dorje hiện là Viện trưởng Tu viện danh tiếng 1200 năm tuổi Dhankar ở Spiti – vùng giáp biên giới Tibet và được coi là một mẩu nhỏ của Tibet ở Ấn Độ vì những truyền thống văn hóa tôn giáo đặc thù Tibet. Mình nhờ ông phiên dịch nói với Lama Dorje rằng mình xem ông như bậc thầy  và muốn học hỏi Phật pháp với ông. Khi nghe ông phiên dịch nói lại, Lama Dorje lắc đầu quầy quậy. “Brother, brother no Guru.”  làm ông phiên dịch cũng ngạc nhiên. Lama Dorje bảo ông phiên dịch nói với mình rằng  “To find your way, go south, then come to Spiti I will show you your Guru.” – Muốn tìm đường, đi về hướng Nam., sau đó đi đến Spiti tôi sẽ chỉ cho anh bậc thầy của anh… Mình căn vặn ý nghĩa của câu nói này nhưng Lama chỉ cười khó hiểu. Hôm ấy họ tham gia vào đoàn hành hương đi thăm Nalanda và thành Vương xá, còn mình quyết định dành cả ngày cho cội Bồ đề linh thiêng nên chia tay nhau ở đó.
    Sau khi đi theo đoàn rước kinh từ chùa Thái ở Bodhagaya, mình lẳng lặng đi về Tháp Đại giác trước, ngại 1-2 tiếng nữa đòan cầu kinh kéo qua sẽ không có chỗ chen chân. Lễ Phật trong tháp xong, mình bắt đầu kinh hành 9 vòng quanh tháp và cây bồ đề. Hoàn thành kinh hành mình mới từ tốn thả bước ngắm nhìn mọi thứ.
   Đến ngay bên dưới cội bồ đề linh thiêng mình dừng lại hoan hỉ ngắm những chùm lá xanh vươn ra từ thân cây già cỗi. Rất nhiều người , tăng ni có khách hành hương có, Á có Âu có ngồi dọc theo hàng rào chờ từng chiếc lá bồ đề rơi xuống là tranh nhau nhặt lấy.  Mình cũng ước có một chiếc lá làm kỷ niệm nhưng không ham tranh giành, thế là chỉ đứng dưới gốc cây hết ngắm nhìn lại chụp hình.
   “Cốc” bỗng đâu có một vật rơi trúng ngay đầu mình rồi văng xuống bên cạnh chân mình. Nhặt lên…Ôi trời… một mảnh vỏ cây bồ đề hình tam giác dài chừng 6 cm. Mọi người xung quanh ồ lên ghen tỵ. Mình sướng quá thành kính chạm mảnh vỏ bồ đề lên trán rồi cất kỹ ngay vào túi áo ngực.

Vỏ cây bồ đề thiêng


KIM CƯƠNG TÒA một truyền thống do Asoka lập nên đánh dấu chính xác nơi Đức Phật thành đạo

   “Sir, come here. There is best angle.” Một ông Ấn độ mặc đồng phục bảo vệ tiếp cận mình . Ông dẫn mình đến sát hàng rào đá bảo vệ cho cây bồ đề , cho phép mình lòn tay vào bên trong hàng rào đá để chụp hình Kim Cương Tòa bên dưới cây bồ đề. Chụp được mấy tấm hình quý giá xong, mình lễ bái cây bồ đề và tặng cho ông 100 rupee Ấn (2 đô la)  để uống "chai" - trà sữa Ấn độ. Ông cười , kéo mình tới một góc sân , và hí hoái lôi cái túi cá nhân của ông ra. Nâng từ trong túi ra một gói vải vàng ông trân trọng đặt vào tay mình “Give you” Mình hồi hộp mở mảnh vải vàng ra …Trời ơi… một nắm đất  và hơn 50 chếc lá bồ đề còn chưa khô…

Nắm đất thiêng liêng và lá bồ đề

   Hóa ra ông phụ trách việc quét tước gốc bồ đề mỗi sáng, nắm đất này ông gom lại sau khi quét sáng nay cùng với lá bồ đề. Ông thấy tôi không tranh lá rơi, còn được “Bodhi Tree blessing you” – chữ của ông nên tặng tôi chứ không phải vì 2 đô la nhỏ nhoi  kia.. Chợt nghĩ nếu mình xăm xăm đi đến, đưa thậm chí 1000 rupee để yêu cầu ông vét cho một tí đất ở gốc bồ đề chắc ổng chộp mình giao cho nhà chức trách. Mà mua bán như vậy thì còn gì là ý nghĩa nữa!Có phần hổng cần gì lo. Mình quay lại tạ ơn cây Bồ Đề một lần nữa.
   Tối đó, đặt một muỗng đất thiêng vào một cái hộp bạc rồi cúng dường Lama Dorje. Ông rưng rưng muốn khóc, gói cẩn thận vào ba lớp lụa rồi đặt vào trong hộp đựng kinh.