27 tháng 1, 2012

TẾT TAMANG - 2

Đầu đội mũ cổ truyền Tamang gọi là TAGI; tay cầm trống Tamang gọi là DUMPHU
Bữa nay tới thăm anh bạn họa sĩ Amir Lama , người hướng dẫn cho mình một số kỹ thuật vẽ Thanka. Anh chàng Tamang này rủ mình đi hội xuân Tamang. Vô đến đó gặp lại bạn chung của cả hai là Prem Lama, cũng là họa sĩ. He he... anh bạn này kỳ này làm Giám khảo Miss Tamang 2012, bảnh quá chừng...  Ngày mai sẽ là ngày cuối của hội xuân, cũng là buổi chung kết Miss Tamang, sẽ có lắm trò giựt gân.... Để mai tính, giờ post mấy tấm hình chộp được bữa nay đã...

LỊCH TAMANG
BÀN THỜ NGÀY TẾT Ở MỘT GIA ĐÌNH TAMANG


    MÓN ĂN ĐẶC SẢN NGÀY TẾT - PHẦN MÀU SÔ-CÔ-LA LÀ BỘT KÊ HẤP CHÍN NHƯ XÔI  GỌI LÀ KOTHOKO DITO (Bột kê-bánh) ĂN VỚI CÀ RI GÀ VÀ KIM CHI
CẢNH SÁT ĐANG YÊU CẦU CÁC CHỦ KI-ỐT KHÔNG BÁN RƯỢU TRONG HỘI XUÂN NỮA. ĐẶC SẢN CỦA TẾT TAMANG LÀ SHANGLA AIRAG (Airag là rượu - rượu kê) Rượu này như rượu đế , thơm và khá mạnh
Với Họa sĩ PREM LAMA (ngoài cùng bên trái) cùng hai giám khảo khác của Miss Tamang
Chương trình thi Ca-Múa của Hội Xuân
Với Rashmila Lama, top 10 của Miss Tamang hôm nay.

Nhờ là bạn của Giám khảo nên được chụp hình chung với mấy em thi hoa hậu  he he   Mấy em nói "You look like foreigner!" Chơời... "Anh giống người nước ngoài quá" Nhìn mặt mình tưởng là người Tamang he he
Trống Dumphu

Một mặt da mỏng căng trên cái khung tròn, nêm lại bằng các chốt tre

Đàn đầu ngựa - gọi là TUNGNA
TRANG PHỤC : GOILLA - BÔNG TAI HÌNH ĐĨA Ở PHÍA TRÊN: LA DUNGRY - BÔNG TAI HÌNH ĐĨA Ở DƯỚI : CHAPTE SUMO - KHOEN ĐEO DƯỚI MŨI : FURY BULAGI - BÔNG ĐEO Ở CÁNH MŨI: SHEER FULL - DÂY CHUYỀN VỚI MỀ-ĐAY HÌNH VUÔNG: JANTR

24 tháng 1, 2012

TẾT TAMANG

-->
TẾT TAMANG

 Hôm nay là Lhochhar (đọc là Lô-sa) Tết của người Tamang, tộc người cổ nhất Nepal. Tộc người đông thứ năm ở Nepal và theo đạo Phật này  có lịch gần giống Âm lịch của Trung quốc và Việt Nam, cũng gọi tên năm theo 12 chi, còn can thì theo ngũ hành: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ. Năm 2012 là năm 2848 theo lịch của người Tamang, năm “Ông Rồng Nước” (Male-Water Dragon).

  “Lho” nghĩa là năm, còn “Chhar” là mới. Có nhiều tộc người gọi Tết của họ là Lhochhar, như Tamang, Sherpa (người Tạng), Gurung, Magar, Thakali, Jirel, Lepcha… Tuy nhiên mỗi tộc người ăn Tết khác thời điểm. Tola Lhochhar của người Gurung thì xảy ra trước một tháng, Sonam Lhochhar thì trùng thời gian, còn Gyalpo Lhochhar của người Tây Tạng thường muộn hơn một tháng so với Tết Nguyên Đán của người Việt mình. Sonam Lhochhar có ý nghĩa cầu mong mùa màng tốt đẹp và một năm suôn sẻ. Theo niềm tin của người bản địa , chính Manjusri (Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát) đã tạo ra lịch và ấn định “Tết” cho vùng đất này.
HỘI XUÂN

MỘT ỨNG VIÊN CỦA MISS TAMANG

DIỄN VIÊN MÚA CỔ TRUYỀN CHỜ LƯỢT DIỄN

TRANH THỦ NGỦ MỘT CHÚT... HE HE

CẢNH NÀY GIỐNG XEM HÁT BỘI Ở VÙNG QUÊ NAM BỘ: CÁC NHÓC TÒ MÒ LÉN VẠCH MÀN CHE XEM TRỘM DIỄN VIÊN...

-->
Ở Kathmandu, Tết Sonam mở đầu bằng một vòng diễu hành với trang phục cổ truyền và cờ ngũ sắc của Phật giáo. Đoàn diễu hành sau khi đi qua các con phố chính thì tập trung về Tundikhel, một sân chơi công cộng ngay giữa trung tâm thủ đô, để bắt đầu các hoạt động náo nhiệt của một hội xuân.
   Người ta dựng một sân khấu ngoài trời với các dàn loa phóng thanh lớn đặt ở  bốn góc sân. Chương trình biểu diễn gồm các bài dân ca và các điệu múa cổ truyền. Tiết mục chính của chương trình Tết là điệu múa “mặt nạ” ( sẽ có một bài riêng về điệu múa này). Theo truyền thống điệu múa này do các lama của tự viện của cộng đồng đảm nhận. Nhưng chương trình ở hội xuân này thì do các diễn viên của một “gánh hát” biểu diễn.

Tết của người Tamang cũng kéo dài hàng tuần (ăn Tết đến hết “mùng” như người Việt mình vậy…he he). Ngày mùng  một họ ăn các món làm bằng chín loại hạt (để lấy hên) và cúng bái các vị thần để xua đuổi ma quỷ.Mùng hai thì đi thăm viếng họ hàng và nhận sự ban phúc lành từ các bậc “tiền bối”. Mùng ba thì tụ tập bạn bè và thân thích tới nhà để ăn uống, đánh bài, đổ xí ngầu. Cũng có nhậu nhưng chỉ là một vài chung nhỏ đủ để hưng phấn múa hát , hiếm khi nhậu tới bến say bí tỉ bê tha như dân Việt (xin lỗi các bác thích nhậu, nhưng mình không thích chuyện uống rượu bia như nước ở Việt Nam mình).

Trong những ngày Tết, các cô gái được ưu tiên nhận ban phúc và lì xì (ừ, dân Nepal cũng có tục lì xì vào dịp Tết). Tết cũng là dịp để phụ nữ diện những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, những bộ nữ trang cầu kỳ nhất. Nepal hơn hẳn Ấn Độ ở điểm này. Ở Ấn Độ, đâu đâu cũng chỉ thấy sari, đẹp nhưng  ngắm hoài cũng nhàm chán. Nepal thì mỗi tộc người có một kiểu trang phục, trang sức riêng không thể lẫn lộn. Vài chục dân tộc lận đấy.

Cũng như tất cả các tộc người của Nepal, người Tamang rất yêu thích âm nhạc và nhảy múa. Khi tiếng nhạc cổ truyền do các nghệ sĩ trên sân khấu vang lên qua các loa phóng thanh cỡ lớn , đám đông chật như nêm trên sân Tundikhel cũng rào rào chuyển động. Rồi tự động từng tốp từng tốp năm mười cô gái uyển chuyển lắc lư thân mình nối nhau thành một vòng tròn nhảy múa. Đám thanh niên thì hào hứng vỗ tay và hô “Hây…Hây..”  bắt nhịp cho các bước chân đang xoay vòng.

 Mình đang đi dọc theo tuyến phố chính để đến sân Tundikhel thì bắt gặp một hình ảnh hết sức lãng mạn. Một anh chàng chừng trên dưới hai mươi mặc áo thổ cẩm trắng, đầu đội mũ thêu, một tay cầm cây đàn đầu ngựa thật đẹp, tay kia khoác eo một thiếu nữ mặc trang phục cổ truyền đỏ rực. Cả hai thong dong đi giữa phố đông chẳng màng tới ai, chuyện trò ríu rít như một đôi chim non. Hình ảnh ngỡ như từ một phim giả tưởng, người xưa lạc vào tương lai. Hình ảnh ngỡ như lạc lõng vì đôi tình nhân lãng mạn kia chỉ có thể xuất hiện ở một thảo nguyên hay vùng núi đồi hoang vắng thơ mộng nào đó chứ không phải ở một nơi phố thị đông đúc của thế kỷ 21. Và cũng giống như một ảo ảnh đôi tình nhân kia tan biến vào đám đông hỗn độn ngay trước cổng vào hội xuân.Mình tìm, nhưng chẳng bao giờ gặp lại...
    Chỉ mong những phong tục cổ truyền của Himalaya đừng bao giờ biến mất như đôi tình nhân lãng mạn kia...
         Kathmandu, Mùng Hai Tết Nhâm Thìn

                Nguyễn Phú


TÓC THẮT BÍM, BỚI VÀ TRANG ĐIỂM THẬT CÔNG PHU


TRANG SỨC ĐẶC TRƯNG CỦA PHỤ NỮ TAMANG

"TẾT" LÀ DỊP ĐỂ CÁC THIẾU NỮ VẬN TRANG PHỤC CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC MÌNH MỘT CÁCH TỰ HÀO























 (Tai nạn nghề nghiệp: Tranh thủ giờ rảnh chạy tới hội xuân của người Tamang. Lụp chụp nên xách camera đi mà không kiểm tra. Chụp hàng trăm tấm hình đến chừng về nhà mới biết không có memory card, chẳng lưu lại được tấm hình nào... May mà còn vớt vát vài tấm bên cái Handycam...)

22 tháng 1, 2012

ĂN TẾT Ở NEPAL

-->
ĂN TẾT Ở NEPAL


      Vậy là mình đã đón cái Tết Nguyên Đán thứ bảy ở Nepal rồi.
Mùa này Kathmandu lạnh giá - 1,7 độ C ban đêm - không có được cái không khí mát mẻ dễ chịu của những ngày Tết ở quê mình. Chợt nhớ một buổi sáng tháng Giêng năm 2001, nằm đong đưa võng bên trong một căn chòi lá tơi tả ở vùng quê nơi sông Mekong ra tới biển.
Bâng quơ nhìn qua những lỗ thủng trên mái lá mình thả hồn ngao du trong màu xanh vô tận của trời cao. Bất chợt một làn hơi lạnh ngát phả vào mặt mình. Mình cảm giác đó là hơi thở của những ngọn núi tuyết vĩnh cửu Himalaya băng qua bao dặm đường, theo dòng sông Mekong-Cửu Long về đây đánh thức một giấc mơ ngủ quên đâu đó trong vô thức của mình. Mình bềnh bồng trên võng suốt cả buổi sáng đó mơ về những ngọn núi tuyết huyền bí, mơ về những hành giả thiền tọa trong những hang động hoang vắng, mơ về một chú ngựa bạch sãi vó trên cao nguyên xanh ngát với một cánh chim lượn bay trên đầu trong bầu trời xanh thẳm không một bóng mây. Hơi thở lạnh giá từ núi tuyết trong một ngày xuân ở xứ sở nhiệt đới ám ảnh mình khôn nguôi, thúc giục mình phải “lên đường”. Bốn năm sau, mình đã chạm đến giấc mơ ấy.



    Có lẽ xứ Nepal này là nơi đón nhiều “Tết” nhất trên thế giới. Khởi đầu là “Tết Tây” năm mới dương lịch, không chỉ cộng đồng người nước ngoài và thiểu số theo đạo Thiên Chúa và Tin lành ăn “Tết” Tây này mà các gia đình trung lưu Nepal cũng ăn theo. Hai tuần sau đó là Maghi Sankranti, “Tết” của người Tharu – hậu duệ của những cư dân vương quốc Sakya (Thích-Ca).  15, 20 ngày sau đó là Tết Âm lịch của các nước Đông Á, rồi Tết Lhosar của người Tây Tạng. Khoảng tháng ba có Holi – “Tết” tạt nước và bột màu của Ấn Độ, Nepal và các nước chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Cuối tháng 4 đầu tháng 5 là lễ hội Machhindranath Rato (một hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát), rồi đến Phật Đản. Tháng 5, mùa hoa Jacaranda tím ngát cả thủ đô còn chứng kiến lễ hội năm mới của dân tộc Rai-Kirat chủ nhân đầu tiên của thung lũng Kathmandu. Tháng 6 mưa xuống có lễ hội cấy lúa cổ truyền ở Bhaktapur.  Cuối tháng Bảy là tháng Gunla (Đại lễ Vu-Lan) của người Newar. Tháng 8 có lễ hội Teej, ngày hội dành riêng cho phụ nữ, trong ngày này phụ nữ già trẻ ăn mặc thật đẹp, đi đến đền chùa cầu nguyện cho chồng hoặc cầu duyên, rồi tụ tập nhảy múa khắp cả các ngả đường, quảng trường, sân đền, nhà từ sáng đến tối mịt. Cũng trong tháng 8 có lễ hội Indra Jatra của người Newar, trong 4 ngày lễ hội này, Nữ Thánh Kumari xuất hiện trước công chúng và ngự trên một cỗ xe để dân chúng kéo chiếc xe ấy vòng quanh thành phố cổ cầu cho đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa cho mùa màng. Trong khoảng tháng 9-10, thời gian thời tiết đẹp nhất trong năm, là lễ hội chính và lớn nhất trong năm của lục địa Ấn Độ Dashain và Tihar, “Tết” thực sự của người theo đạo Hindu. Ở Kathmandu, vào khoảng tháng 10 này còn có “Tết” năm mới của người Newar theo lịch riêng của họ. Dân thủ đô Kathmandu còn ăn mừng Giáng sinh vào dịp cuối năm.
   Đấy chỉ là những “Tết” và lễ hội chính. Theo như mình tìm hiểu, dân Nepal có lễ hội quanh năm, hầu như rải đều mỗi tháng. Còn dân bản địa Kathmandu thì có Jatra (lễ, hội) lớn nhỏ mỗi tuần.
Mai Nepal
   Xứ này không có hoa mai. Nhưng có một loài hoa thật giống hoa mai người ta thường trồng để mọc trên hàng rào như bông giấy, cũng nở vào dịp Tết Nguyên đán, hoa màu vàng từ  năm đến mười mấy cánh , nụ hoa rải đều theo các nách lá. Mình gọi là Mai Nepal, và cứ Tết đến là cắm một bình thật to trên bàn thờ để đỡ nhớ quê hương. Hoa đào thì đã nở rộ từ tháng trước, họa hoằn lắm mới tìm được một cây đào “ngủ quên” lác đác vài chùm bông duyên dáng.
   Dân Nepal không thích gạo dính, vì thế ở đây không có nếp. Không nếp nên không có xôi, còn cốm dẹp thì làm bằng gạo tẻ gọi là “Chiu-ra” là một thứ cơm ăn liền và bảo quản được lâu, khi ăn chỉ cần thêm cà ri hoặc thức ăn khác là dùng được ngay (người nước ngoài, kể cả mình, rất ngán thứ chiu-ra khô khốc này mặc dù đó là món khoái khẩu của dân Nepal). Món ăn ngày Tết theo người Việt mình thì mình tìm được củ kiệu rồi tự ngâm, mua thịt heo nấu thịt kho tàu với tôm đông lạnh hoặc nấu thịt đông hoặc thấu nước mắm. Cũng tìm được dưa nhưng trái nhỏ vả lại mùa lạnh ăn ê răng không ngon lắm. Các loại mứt thì khỏi mơ tới rồi nói gì đến hạt dưa, bánh tét, bánh chưng!
  Mùa này là mùa quýt hồng, đặc sản của vùng núi đồi Gorkha-Manakamana-Mugling. Tuy không được đẹp như quýt hồng Lai Vung –Đồng Tháp, nhưng ngon ngọt không kém và rất rẻ, chỉ tầm 1 USD/kg (khoảng 20.000VNĐ). Có dịp ngang qua Mugling mùa này, bao giờ mình cũng dừng lại mua vài ký, lớp ăn, lớp làm quà cho bạn bè ở Kathmandu.


  Là người Việt duy nhất sống ở đây mình chẳng có ai để ăn Tết cùng, cũng chẳng thích đến tụ tập ở Viện Khổng Tử chơi Tết náo nhiệt cùng người Tần (Chinese). Như thường lệ, ngày giao thừa mình đi cắt một bó Mai Nepal, chưng một mâm ngũ quả, nấu một nồi xôi đậu đỏ (nếp mình tìm mua được ở một siêu thị khu người nước ngoài). Rồi cả ngày nghe nhạc xuân chờ đến giao thừa là thắp hương cúng tổ tiên rồi đốt một phong pháo chuột (pháo này mình mua để dành từ tháng 10 dịp Tihar-Dipawali lễ hội đèn và ánh sáng của người Ấn). Đốt lén rồi quăng ra ngoài hàng rào vì sợ cảnh sát ;-D. Tiếng pháo chuột nổ lẹt đẹt trong đêm vắng, mùi pháo thoang thoảng gợi nhớ những cái Tết ấm áp cùng gia đình hơn hai mươi năm trước ở quê nhà. Những cái Tết thực sự là Tết với mai vàng, pháo đỏ, bao lì xì, múa lân, hội hoa xuân, người thân tụ tập ăn uống, chơi bài, lô-tô, bầu-cua-cá-cọp... Rong ruổi xe đạp cùng bạn bè từ nhà đứa này đến nhà đứa kia trên những con đường đất luồn lách giữa những vườn dừa, vườn cây ăn trái xanh ngắt. Xa xôi quá rồi…
    Nhớ quê quá, biết bao giờ mới lại được ăn một cái Tết ở quê nhà…

Giao Thừa Tân Mão – Nhâm Thìn

Nguyễn Phú


30 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 4

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 4
CHIÊM BÁI XÁ LỢI PHẬT NGUYÊN THỦY

Xá lợi Phật Nguyên thủy trưng bày tại Indian Museum - Kolkata
                               Là một Phật tử ai cũng mong được ít nhất một lần trong đời chiêm bái xá lợi của vị Từ Phụ. 



 Lần đầu tiên mình được chiêm bái xá lợi Phật là vào dịp Tết Nguyên đán 1994 trong một ngôi chùa nhỏ ở Bình Thạnh, Saigon. Thầy trụ trì đi hành hương ở Ấn Độ mang về ba hạt xá lợi Phật. Tin loan truyền trong các Phật tử. Vào ngày đã định, từ sáng sớm hàng trăm người đã sắp hàng trong sân chùa để được chiêm bái xá lợi. Mãi đến 8 giờ sáng mình mới đến được bàn thờ Phật. Ba hạt xá lợi nhỏ như hạt gạo đặt trên vải nhung đỏ bên trong một hộp kính. Cả ba đều có bề ngoài sáng bóng, hai hạt màu trắng sữa còn một màu xanh lá chuối non.
  Mười năm sau, khi ở Phnom Penh lại được chị Chủ tịch Hội Phụ Nữ Cambodia đưa đi chiêm bái xá lợi Phật của hoàng gia Khmer. Lần này mình được xem chừng chục viên xá lợi to chừng đầu ngón tay, có đủ các màu và cũng có bề ngoài láng bóng, trông giống ngọc hơn.
  Hôm dự lễ cầu nguyện ở Bodhgaya, các nhà sư Thái lan cung kính bưng 9 bảo tháp bọc vàng đựng xá lợi Phật. Mình có tiếp cận và nhận ra những xá lợi này cũng giống như xá lợi mình đã được chiêm bái trước đây. Nghĩa là trông giống ngọc quá.


Xá lợi Phật được trưng bày trong ngày cầu nguyện tại Bodhgaya

  Điều hấp dẫn lớn nhất trong chương trình hành hương của Hội Nghị Phật giáo Toàn cầu 2011 với mình là chiêm bái xá lợi Phật ở Sarnath. Thế nhưng, khi đến Sarnath thì do khoán trắng cho một công ty du lịch địa phương, những người hăm hở đưa bạn đến các cửa hàng để mua đồ hơn là  đưa bạn đi thăm các cổ tích tàn lụi hàng ngàn năm trước, nên các tiếp viên của công ty du lịch nọ lờ đi  chẳng thấy ai đề cập đến chuyện chiêm bái xá lợi Phật…
  Trước đó, vào hôm thứ ba ở Delhi, các Thầy và vợ chồng anh Vũ có rủ đi chiêm bái xá lợi Phật ở Bảo tàng quốc gia Ấn Độ. Tiếc là hôm đó mình phải đi gia hạn hộ chiếu ở Đại sứ quán nên không đi theo cùng được. Vả lại chương trình nghiên cứu của mình sẽ quay lại Delhi trước khi về Nepal nên tự nhủ sẽ thăm viếng bảo tàng này sau vậy.
  Mình đến Kolkata để lo công việc, cố gắng thu vén trong một ngày cho xong mọi thứ và rứt ra được một ngày trọn vẹn cho  Indian Museum – Bảo tàng Ấn Độ. Đây là bảo tàng đầu tiên của châu Á, thành lập vào năm 1875. Bảo tàng này là lý do chính yếu mình phải đến Kolkata ngoại trừ công việc làm ăn. Đây là tổng hành dinh của Cục khảo cổ Ấn Độ của người Anh và là kho chứa tất cả mọi thứ khai quật được trong tất cả các cuộc khảo cổ do người Anh thực hiện trên đất Ấn. Tại đây, các mẫu vật được phân loại và Toàn quyền Anh sẽ quyết định cái nào gửi về Anh quốc cái nào để lại Ấn Độ. Dĩ nhiên, phần lớn những mẫu vật có giá trị nhất, hiếm quý nhất, tinh túy nhất, hoàn hảo nhất đã bị đưa về Anh, nhưng số lượng lớn còn tồn tại tại các kho chứa của bảo tàng thì không một bảo tàng nào khác sánh nổi. Sau này, khi Delhi trở thành thủ đô của Ấn Độ, người ta đã xây dựng một Bảo tàng quốc gia hoành tráng, hiện đại ở đấy và chuyển một số mẫu vật quý từ Kolkata về trưng bày. Tuy nhiên, Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata vẫn là bảo tàng số một ở Ấn Độ xét về quy mô và tính chuyên nghiệp, và những nghiên cứu của các học giả ở đây luôn luôn đóng dấu đẳng cấp quốc tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân người ta coi Kolkata như là “Brain of India” – bộ não của Ấn Độ.
  Lý do cuốn hút mình đến Indian Museum thực ra rất đơn giản. Ở đấy có một bộ sưu tập vô giá về Asoka và Ấn Độ cổ đại. Ngay lối vào chính của bảo tàng, người ta đã đặt các pho tượng được xác định thuộc về thời đại Asoka rồi. Điều thú vị là Bảo tàng này cho phép chụp hình với ticket là 50 rupees – kể cả 500 rupees thì mình cũng chịu ;-D… Vì điều bực mình duy nhất trong chuyến đi này của mình là một số bảo tàng thuộc hệ thống Cục Khảo Cổ không cho phép chụp hình, rút kinh nghiệm, lần sau mình sẽ tìm cho ra cách để chụp cho được he he...
  Mình hăm hở chụp tất tần tật mọi thứ trong bảo tàng từ trong các phòng trưng bày cho đến các hành lang mênh mông đầy ắp các mẫu vật thu thập từ khắp nơi trên Ấn Độ, kể cả một số mẫu vật tuyệt đẹp từ Borobodur của Indonesia, Angkor Wat của Cambodia.
  Mải mê trôi theo các phòng trưng bày, mình chụp gần hết cái thẻ 32GB, còn pin thì nhấp nháy 2%. Mình bước vào một phòng trưng bày nhỏ ở một góc sân. Vừa nhìn vào vật bày trong tủ kính một luồng điện chạy dọc sống lưng làm mình rợn người. Chiếc bình origin đựng xá lợi Phật của họ Thích-ca khai quật được vào năm 1895 ở Piprahwa, bang Bihar. Chưa bao giờ mình tưởng tượng được rằng chiếc bình quý giá và nổi tiếng kia lại nằm một cách lặng lẽ ở bảo tàng này.  Trông thấy hàng chữ Brahmi trên nắp bình mà mình vẫn chưa tin, cứ hỏi đi hỏi lại anh chàng bảo vệ trong phòng rằng đấy có phải là chiếc bình origin hay chỉ là bản sao. Khi nhận được sự xác nhận, mình vội vàng bỏ giày, camera qua một bên rồi lễ bái chiếc bình một cách thành kính. Lễ xong mình chụp hình cái bình thì hỡi ôi, hết pin. Trong sự kích thích và thất vọng cao độ cùng lúc suýt chút nữa mình bỏ lỡ một cơ duyên. May mà anh bảo vệ kéo tay mình chỉ vào một phòng kính ở giữa phòng. Bảo tàng đã làm lại mô hình thu nhỏ Bảo tháp Bharut. Và trong một chiếc bình replica có cắt mở một góc để người xem nhìn được vào bên trong đang ngự hai mảnh xá lợi Phật trên bông trắng. Hai mảnh xá lợi lớn bằng cỡ móng tay, không bóng loáng, không có màu sắc rực rỡ, chỉ một màu nâu nhạt giản dị và có nhiều lỗ nhỏ trông giống như cấu tạo xương. Đây chính là xá lợi thật không hề có chút nghi vấn! Hai mảnh xá lợi này được chính các nhà khảo cổ Anh quốc thu thập được khi khai quật bảo tháp Piprahwa, quan trọng hơn, nó thuộc về 1/8 xá lợi Phật nguyên thủy chia cho vương tộc Sakya. Mình lễ bái xá lợi thành kính không biết bao nhiêu lạy. Khách tham quan ngạc nhiên thấy một anh chàng ngoại quốc lạy như tế sao cái hộp kính nên tò mò dừng lại xem thử. Khi phát hiện ra đó là xá lợi Phật thì hầu hết kính cẩn chiêm bái theo kiểu Hindu, một số ít thì bắt chước mình quỳ lạy. Có lẽ đó là lần đầu tiên căn phòng trưng bày im lìm này trở nên nhộn nhịp. 

Bình đựng xá lợi Phật nguyên thủy nổi tiếng khai quật từ Piprahwa, trên nắp có khắc dòng chữ Brahmi: "Phần xá lợi này thuộc về họ Thích-ca". Hiện đang được trưng bày tại Indian Museum - Kolkata

   Hên cho mình, có mang một cục pin dự trữ cất trong túi xách gửi ở cổng. Thay pin và quay lại chụp được một lô hình. Một bất ngờ thú vị.
   Sau bốn tuần ngang dọc đất Ấn, mình quay lại Delhi để kết thúc chuyến khảo cứu. Dĩ nhiên là có một ngày dành cho Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ rồi. Cũng giống như ở Indian Museum, mình chụp tuốt tuồn tuột mọi thứ ngay từ cổng vào. Biết rằng ở đây có xá lợi Phật, mình hồi hộp vừa muốn chạy ngay đến căn phòng ấy, vừa cố kìm nén cảm xúc để cố gắng chụp hình các mẫu vật tuyệt đẹp trước. Hai tiếng sau, trong khi đang mải mê chụp một pho tượng apsara tuyệt đẹp mang về từ Khajuraho, một phụ nữ tiếp cận mình giọng rưng rưng xúc động. “Can you take for me some photos?” “Why not?” mình cười, ra dấu cho bà đứng bên cạnh pho tượng. “No, no, not this.” Bà chỉ tay về gian phòng kế cận “There is relics of Buddha.” Ôi chao. Thế là mình đi như chạy theo bà ta.
  Đó là một căn phòng rộng rãi trưng bày các mẫu vật Phật giáo cổ đại. Cuối phòng là một lồng kiếng cao chạm trần bao bọc lấy một bảo tháp bằng vàng đặt trên bệ cao. Bảo tháp tạo hình kiểu Thái Lan với mái nhọn vút lên, trên đỉnh gắn một viên kim cương. Bên trong bảo tháp là một bệ tròn nhiều tầng, tầng đáy có đường kính chừng 20cm. Lần lượt các xá lợi của Đức Phật Thích-ca được đặt trên các tầng, lớn bên dưới, nhỏ bên trên. Có khoảng 20 mảnh xá lợi Phật, mảnh lớn nhất dài chừng 6-7cm, nhỏ nhất cũng 2-3cm. Tất cả đều có màu nâu nhạt giống như xá lợi trưng bày ở Indian Museum-Kolkata. Thật ra đây chính là phần xá lợi trước kia thuộc về Indian Museum. Chính phủ Ấn đã xem đây như quốc bảo nên cho mang về đặt trong bảo tàng quốc gia. Hoàng gia Thái đã tặng bảo tháp bằng vàng để thờ phượng xá lợi Phật cho bảo tàng vào năm 1997.

Xá Lợi Phật Nguyên Thủy trong Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ

Gia đình Phật tử Malaysia Bee Leng Choo hoan hỷ chụp hình trước tháp xá lợi

  Trong lồng kính phía trước bên dưới bảo tháp còn trưng bày hai chiếc bình đựng xá lợi. Chiếc bên phải chỉ là bản sao. Chiếc bên trái có dấu vết bị vỡ chính là chiếc bình xá lợi thứ hai khai quật được cùng chỗ Piprahwa với chiếc bình ở bảo tàng Kolkata. Tuy nhiên chiếc bình này kém quan trọng hơn vì không có khắc hàng chữ nào.  

Bình đựng xá lợi Phật nguyên thủy

  Mình xúc động vô ngần, trông thấy chị Bee Leng Choo rưng rưng nước mắt hạnh phúc đứng bên cạnh tháp xá lợi suýt chút nữa cũng không cầm được nước mắt. Gia đình người Malaysia này là những Phật tử nhiệt thành. Đến Ấn Độ chỉ để chiêm bái xá lợi Phật. Nhóc con chị sáng nay táy máy thế nào làm hỏng mất chiếc máy ảnh.Mình chụp hình cho gia đình chị và hứa làm theo yêu cầu của chị sẽ gửi hình qua meo (mình đã gửi hình gia đình chị và cả một bộ ảnh chụp xá lợi Phật cho chị khi vừa về tới Nepal, chị cảm ơn quá xá và cho biết đã khoe với mọi người trong cộng đồng Phật tử ở Kuala Lumpur và pót lên facebook). Thấy có đông người quá, mình quay đi chụp nốt các gian phòng khác. Một lúc sau trở lại nơi ấy khi vắng người, mình liền thực hành nghi thức bái lạy xá lợi và kinh hành vòng quanh tháp. Ông cảnh sát trực trong phòng rất hay. Ông đến đứng gần đó và không để ai làm phiền việc chiêm bái và cầu nguyện của mình (chuyện chiêm bái và cầu nguyện các thánh tích trong các bảo tàng hay đền miếu là bình thường ở Ấn Độ và Nepal. Chuyện này mà xảy ra ở Bảo tàng lịch sử TPHCM chắc thiên hạ bu tới coi, rồi bảo vệ bốc mình chở đi nhà thương Biên Hòa quá… he he)…
   Chuyến đi nghiên cứu của mình trên đất Ấn vậy là thành công mỹ mãn đến phút cuối. Mình được nạp đầy năng lượng để vững bước thực hiện những nghiên cứu của mình. Bao nhiêu duyên kỳ ngộ cùng đến trong một chuyến đi vượt quá tất cả những mong ước của mình. Hạnh phúc đến bất ngờ từ những phút giây nhỏ nhặt, chỉ cần ta chú tâm lắng nghe, trông thấy và đón nhận với một tấm lòng rộng mở. 
   
                    Ngày cuối cùng của năm 2011
  Chúc tất cả mọi người một năm mới an lạc và tràn đầy hạnh phúc!

29 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 3

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 3
BÍ KÍP MẬT TÔNG VÀ BẢN SAO BÌNH ĐỰNG XÁ LỢI PHẬT


   Chương trình hành hương của GBC mang chúng tôi đến Varanasi sau ngày  đọc tụng kinh điển ở Bodhgaya. Lama Dorje ở lại Bodhagaya để thực hành nghi thức sám hối – lạy Tháp Đại Giác và cội Bồ đề suốt ngày ròng rã trong năm tháng tới. Ai đã từng biết nghi thức lễ lạy của Mật tông Tây tạng mới hiểu rằng – xét về phương diện thể xác vật lý -  đó là một cuộc huấn luyện thể lực nghiêm khắc nhất là với người đã lớn tuổi như ông. Ông choàng vào cổ mình một dãi lụa trắng theo phong tục chia tay của Tibet và dặn đi dặn lại mình phải đến Spiti. Khỏi cần phải suy nghĩ, đó sẽ là điểm đến trong cuộc hành trình cầu đạo của mình trong năm 2012. He he.

Với Nhà sư Kyrgyzstan Alexey ở Varanasi
  
   Bạn đồng hành lần này của mình trên đường đến Varanasi là một nhà sư khoảng trên dưới 30 tuổi người Kyrgyzstan – Alexey . Anh này thụ giáo và theo phái Liên Hoa của Nhật Bản của Đại sư nổi tiếng Terasawa.
-->

Junsei Terasawa he is a wandering monk of the Order
Nippodzan Myohoji. He built the first Buddhist stupa in Europe (Milton
Keynes
, England) and a Buddhist stupa in London. Practice in Russia,
Ukraine, Kyrgyzstan, Kazakhstan, China and India. He was the leader of
the anti-nuclear movement for a united Europe in the seventies. He
organized a march of Mothers Compassion  from Moscow to Chechnya in
order to end the Caucasian War in 1995. He organized a peacekeeping
mission in Iraq during both wars. He organized a large peace march
across Eurasia from Yasnaya Polyana (Tolstoy's estate) to Lumbini in
1998. He organized the Pakistan-India peace march prayer in 2002.


   Từ Bodhgaya về, trước khi vô Varanasi, GBC mang cả đoàn thăm viếng Sarnath. Mình hưởng thêm một cơ duyên với Biểu Tượng của nước Ấn Độ hiện đại: tượng sư tử trên đỉnh cột đá Asoka ở Sarnath (chuyện này và chuyện ở Varanasi sẽ kể trong Dọc Đường Gió Bụi và Theo Dấu Asoka, mời bạn đọc đón xem…. He he…) Tối đó, ở Varanasi, GBC tổ chức cho đoàn một bữa ăn tối và xem ca múa ở một biệt điện cũ của một Maharaja .
   Đêm ấy, nằm trò chuyện cả đêm với Alexey – một anh chàng uyên bác (ý quên nhà sư)… Mình nói dự định của mình sẽ thực hiện một chuyến khảo sát để thấy tận mắt, sờ tận tay, cảm nhận được không gian những địa điểm có liên quan đến Asoka.
  “So, you have to go South.” Alexey nói.
  Go South, đó cũng là câu nói kỳ lạ của Lama Dorje. Mình hỏi dấn tới. Alexey xổ luôn một tràng… Orissa, Sanchi. Orissa thì nằm trong kế hoạch từ đầu của mình rồi. Đó là nơi diễn ra trận Kalinga nổi tiếng, nơi Asoka đã buông dao đồ tể thành Phật. Huống chi, ngay trong ngày khai mạc GBC, cơ duyên dưa đến cho mình gặp ông Patel Giám đốc Bảo tàng Orissa, người hứa sẽ giúp mình nghiên cứu ở đấy. Còn Sanchi, thì mình có nghe nói đến nhưng thú thật là nằm ngoài kế hoạch lần này.
  Sáng hôm sau, chia tay Alexey và tất cả những người bạn mới quen trong GBC mình chuyển đến một Guest House ngay bên bờ sông Hằng còn đoàn GBC thì trở về Delhi và giải tán. Từ gợi ý của Alexey, mình tra cứu thêm thông tin và quyết định mở rộng chuyến đi – thêm vào Sanchi sau Orissa.
   Sau 4 ngày ở Kolkata, mình tiêu thêm 4 ngày ở Orissa (chưa đủ, đáng ra phải là 10 ngày nhưng vé máy bay đã đặt cho cả những chặng sắp tới rồi nên không thể hoãn lại được he he). Chuyến đi từ Orissa tới Sanchi quả thật là cực nhất trong cả hành trình. Mất 15 tiếng đồng hồ cho chỉ 600km chỉ vì không có tuyến bay thẳng từ Orissa tới Bhopal, thủ phủ của Madya Pradesh. Rồi phải đến trưa hôm sau mình mới đến được Sanchi, một thị trấn nhỏ nằm cách Bhopal 60km.
  Bảo tháp Sanchi là bảo tháp duy nhất còn tồn tại hầu như nguyên vẹn suốt từ thời Asoka cho tới ngày được tái khám phá trở lại bởi những “học giả” British (thực chất chỉ là những Tomb Raider – kẻ cướp lăng mộ) …. Thôi chuyện buồn này sẽ nói trong Theo Dấu Asoka và Xá Lợi Phật Nguyên Thủy…
  Mình xài gần 100GB và 8 tiếng đồng hồ (hai buổi trong hai ngày) đề cố gắng ghi lại hầu như tất cả những tượng, phù điêu, trang trí trên toàn bộ 4 cổng của bảo tháp Sanchi – đỉnh cao của mỹ thuật Ấn Độ thời hậu Asoka hơn 2000 năm tuổi. Quá xứng đáng cho một chuyến đi.
  Xong buổi nghiên cứu tháp Sanchi thứ nhất, mình vào ngôi chùa Mahabodhi của Sri Lanka ngay cạnh khuôn viên bảo tồn để đảnh lễ Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên (xá lợi của hai Ngài được phát hiện ở Sanchi hiện đang được thờ phượng ngay tại chùa này). Ngay trong điện kề bên cửa ra vào là một quầy sách của Mahabodhi Society. Mình dò từng quyển và ôi chao, chớp được cuốn Ananda. Nếu như có rất nhiều sách về Đức Phật và các đệ tử của Ngài thì đây là cuốn sách đầu tiên và duy nhất viết một cách công phu về người thân cận nhất với Đức Phật trong suốt 25 năm cuối của Ngài trên thế gian (mình đang hăm hở dịch, hy vọng sẽ sớm gửi đến hầu quý bạn đọc quyển sách quý này).

Chùa Mahabodhi ở Sanchi, nơi hàng năm vào chúa nhật cuối cùng của tháng 11 xá lợi của Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên lại được trưng bày để mọi người chiêm bái. Mỗi năm có đến hơn 100,000 người tham dự nghi lễ này.

  Lang thang trong thị trấn đìu hiu buổi chiều ấy, con mọt sách là mình lại lạc bước vào một quán sách nhỏ khác. Thực chất, đây là quầy thông tin của ngành du lịch chuyên bán các bản đồ và chỉ dẫn du lịch. Chắc cũng hiếm khi có khách nên bụi phủ dày đặc khắp nơi. Kệ, mình xông xáo lục tung từng dãy kệ cũ. Phát hiện cái kệ khuất trong góc có hàng dãy sách đóng bìa cứng cẩn thận, mình khẩn khoản yêu cầu anh coi quầy tên Sharma cho phép mình xem thử. Trời, nếu có cách gì mang hết hàng trăm cuốn sách kia về nhà mình sẽ lấy hết. Đó là một collection của Cục khảo Cổ Ấn Độ về tất cả các địa điểm khảo cổ trên đất Ấn. Ham, nhưng lực bất tòng tâm. Vừa rồi ở Kolkata chỉ gửi có 25kg mấy món đồ lưu niệm mình mua dọc đường trị giá 200USD mà tốn hết 400USD cước phí (sau này về tới Nepal đi nhận hàng lại còn bị hải quan hành hạ hết 3 ngày và tốn hết 300USD nữa mới lấy được đồ ra). Ở Orissa, mình phải thức cả đêm chụp hình từng trang hơn 10 cuốn sách quý sưu tầm được ở Bảo Tàng Kolkata  rồi tặng số sách ấy lại cho Cục Khảo Cổ Orissa chỉ vì không thể mang vác hết . Giờ nhìn tủ sách này mà ngẩn ngơ không biết làm sao thu thập được.... chắc năm sau phải trở lại thôi... Mắt mình chợt liếc thấy mấy cuốn sách nằm lẫn lộn trong mớ giấy ở góc phòng.
-          Cái gì vậy? Mình hỏi.
-          À mấy cuốn sách cũ. - Anh coi quầy thờ ơ trả lời.
-          Để tui coi thử...
  Mình lướt qua ... Ô hô... Toàn thư Mật tông... Mắt mình như máy, scan liền cái mục lục tổng quan.... Tất cả những gì thuộc về mật tông Hindu và Phật giáo đều có mặt, từ lịch sử chi tiết đến giải đáp các nghi vấn cho người thực hành Tantric. Mặc dù Mật tông là một pháp môn trực truyền từ Thầy sang trò, nhưng với sự mở rộng về tất cả mọi mặt của Mật tông thì vị ẩn sĩ biên soạn toàn thư này đã trở thành một vị Thầy giúp người thực hành Mật tông hoàn thiện hơn kiến thức của mình. Khỏi cần phải nói, mình lấy ngay bộ bí kíp bị lãng quên này mà không cần trả giá. 
   Đêm ấy ngay trong căn phòng đơn sơ của Hội Mahabodhi ở Sanchi mình ngốn ngấu bộ bí kíp, nếu không vì ngày mai lịch nghiên cứu chật cứng mình sẽ không ngủ. Tất cả những tồn nghi suốt mấy năm qua khi mình tham học tantra đều được giải đáp một cách giản dị đến không ngờ. Đầu óc mình trở nên trong suốt, mọi mây mù tan hết.
   Hôm sau, mình là người đầu tiên mua vé vào tháp Sanchi sau khi chờ gần tiếng đồng hồ trong lạnh giá. Chỉ để chụp hình bảo tháp trong ánh bình minh. Thế rồi đi thắp hương và lạy tất cả các tượng Phật, Bồ tát, kinh hành 9 vòng quanh tất cả các tháp lớn nhỏ... đến hơn 11 giờ mới kết thúc.
    Mình trở lại quầy sách để căn dặn chủ quầy ráng giữ bộ collection cho mình thêm vài tháng mình sẽ trở lại vào năm sau. Sharma trịnh trọng bưng ra một cái bọc hộp nhung đỏ, "Cha tôi tặng anh." Chiếc hộp có một mặt in hình Đức Phật, mặt kia in chữ:  REPLICA OF RELIC CASKET OF LORD BUDDHA – Bản sao bình đựng xá lợi Đức Phật. Chu choa. Bên trong là một bình bằng đá giống hệt chiếc bình nguyên thủy mình được chiêm bái ở Bảo tàng Kolkata. Trên nắp bình cũng khắc dòng chữ Brahmi như bình origin: "Sukiti-bhatinam Sabhaganakinan sa-Puta-dalanam iyam salila-nidhane Budhasa bhagavate Sakiyanam" ( Phần xá lợi Đức Phật này thuộc về họ Thích-ca). Bên trong bình có bốn ngăn chứa bốn bịch nylon nhỏ, mỗi bịch đựng một ít đất đá gắn nhãn: Lumbini-Bodhgaya-Sarnath-Kusinaga. Ôi trời, đấy là đất lấy chính xác từ địa điểm trung tâm của bốn thánh địa Phật giáo. Ngoại trừ Cục Khảo Cổ Ấn Độ thì không ai làm được. Đấy là quà biếu của Cục Khảo Cổ hơn 10 năm trước cho cha anh Sharma này, một Phật tử và là nhân viên kỳ cựu của Cục Khảo Cổ làm việc hơn 20 năm ở Sanchi.  



  Hỏi lý do tại sao cha anh lại tặng món quà quý này cho một người không quen biết như mình Sharma chỉ nói đơn giản, “I don't know. He said this is your Karma”. 
  Một chuyến đi ngoài kế hoạch, một con người chưa biết mặt đã mang đến cho mình hạnh phúc vô bờ bến.

(Mời đọc kỳ tới DUYÊN KỲ NGỘ 4: CHIÊM BÁI XÁ LỢI PHẬT NGUYÊN THỦY)
He he... như món quà cuối năm 2011.