Hiển thị các bài đăng có nhãn Asoka. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Asoka. Hiển thị tất cả bài đăng

29 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 3

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 3
BÍ KÍP MẬT TÔNG VÀ BẢN SAO BÌNH ĐỰNG XÁ LỢI PHẬT


   Chương trình hành hương của GBC mang chúng tôi đến Varanasi sau ngày  đọc tụng kinh điển ở Bodhgaya. Lama Dorje ở lại Bodhagaya để thực hành nghi thức sám hối – lạy Tháp Đại Giác và cội Bồ đề suốt ngày ròng rã trong năm tháng tới. Ai đã từng biết nghi thức lễ lạy của Mật tông Tây tạng mới hiểu rằng – xét về phương diện thể xác vật lý -  đó là một cuộc huấn luyện thể lực nghiêm khắc nhất là với người đã lớn tuổi như ông. Ông choàng vào cổ mình một dãi lụa trắng theo phong tục chia tay của Tibet và dặn đi dặn lại mình phải đến Spiti. Khỏi cần phải suy nghĩ, đó sẽ là điểm đến trong cuộc hành trình cầu đạo của mình trong năm 2012. He he.

Với Nhà sư Kyrgyzstan Alexey ở Varanasi
  
   Bạn đồng hành lần này của mình trên đường đến Varanasi là một nhà sư khoảng trên dưới 30 tuổi người Kyrgyzstan – Alexey . Anh này thụ giáo và theo phái Liên Hoa của Nhật Bản của Đại sư nổi tiếng Terasawa.
-->

Junsei Terasawa he is a wandering monk of the Order
Nippodzan Myohoji. He built the first Buddhist stupa in Europe (Milton
Keynes
, England) and a Buddhist stupa in London. Practice in Russia,
Ukraine, Kyrgyzstan, Kazakhstan, China and India. He was the leader of
the anti-nuclear movement for a united Europe in the seventies. He
organized a march of Mothers Compassion  from Moscow to Chechnya in
order to end the Caucasian War in 1995. He organized a peacekeeping
mission in Iraq during both wars. He organized a large peace march
across Eurasia from Yasnaya Polyana (Tolstoy's estate) to Lumbini in
1998. He organized the Pakistan-India peace march prayer in 2002.


   Từ Bodhgaya về, trước khi vô Varanasi, GBC mang cả đoàn thăm viếng Sarnath. Mình hưởng thêm một cơ duyên với Biểu Tượng của nước Ấn Độ hiện đại: tượng sư tử trên đỉnh cột đá Asoka ở Sarnath (chuyện này và chuyện ở Varanasi sẽ kể trong Dọc Đường Gió Bụi và Theo Dấu Asoka, mời bạn đọc đón xem…. He he…) Tối đó, ở Varanasi, GBC tổ chức cho đoàn một bữa ăn tối và xem ca múa ở một biệt điện cũ của một Maharaja .
   Đêm ấy, nằm trò chuyện cả đêm với Alexey – một anh chàng uyên bác (ý quên nhà sư)… Mình nói dự định của mình sẽ thực hiện một chuyến khảo sát để thấy tận mắt, sờ tận tay, cảm nhận được không gian những địa điểm có liên quan đến Asoka.
  “So, you have to go South.” Alexey nói.
  Go South, đó cũng là câu nói kỳ lạ của Lama Dorje. Mình hỏi dấn tới. Alexey xổ luôn một tràng… Orissa, Sanchi. Orissa thì nằm trong kế hoạch từ đầu của mình rồi. Đó là nơi diễn ra trận Kalinga nổi tiếng, nơi Asoka đã buông dao đồ tể thành Phật. Huống chi, ngay trong ngày khai mạc GBC, cơ duyên dưa đến cho mình gặp ông Patel Giám đốc Bảo tàng Orissa, người hứa sẽ giúp mình nghiên cứu ở đấy. Còn Sanchi, thì mình có nghe nói đến nhưng thú thật là nằm ngoài kế hoạch lần này.
  Sáng hôm sau, chia tay Alexey và tất cả những người bạn mới quen trong GBC mình chuyển đến một Guest House ngay bên bờ sông Hằng còn đoàn GBC thì trở về Delhi và giải tán. Từ gợi ý của Alexey, mình tra cứu thêm thông tin và quyết định mở rộng chuyến đi – thêm vào Sanchi sau Orissa.
   Sau 4 ngày ở Kolkata, mình tiêu thêm 4 ngày ở Orissa (chưa đủ, đáng ra phải là 10 ngày nhưng vé máy bay đã đặt cho cả những chặng sắp tới rồi nên không thể hoãn lại được he he). Chuyến đi từ Orissa tới Sanchi quả thật là cực nhất trong cả hành trình. Mất 15 tiếng đồng hồ cho chỉ 600km chỉ vì không có tuyến bay thẳng từ Orissa tới Bhopal, thủ phủ của Madya Pradesh. Rồi phải đến trưa hôm sau mình mới đến được Sanchi, một thị trấn nhỏ nằm cách Bhopal 60km.
  Bảo tháp Sanchi là bảo tháp duy nhất còn tồn tại hầu như nguyên vẹn suốt từ thời Asoka cho tới ngày được tái khám phá trở lại bởi những “học giả” British (thực chất chỉ là những Tomb Raider – kẻ cướp lăng mộ) …. Thôi chuyện buồn này sẽ nói trong Theo Dấu Asoka và Xá Lợi Phật Nguyên Thủy…
  Mình xài gần 100GB và 8 tiếng đồng hồ (hai buổi trong hai ngày) đề cố gắng ghi lại hầu như tất cả những tượng, phù điêu, trang trí trên toàn bộ 4 cổng của bảo tháp Sanchi – đỉnh cao của mỹ thuật Ấn Độ thời hậu Asoka hơn 2000 năm tuổi. Quá xứng đáng cho một chuyến đi.
  Xong buổi nghiên cứu tháp Sanchi thứ nhất, mình vào ngôi chùa Mahabodhi của Sri Lanka ngay cạnh khuôn viên bảo tồn để đảnh lễ Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên (xá lợi của hai Ngài được phát hiện ở Sanchi hiện đang được thờ phượng ngay tại chùa này). Ngay trong điện kề bên cửa ra vào là một quầy sách của Mahabodhi Society. Mình dò từng quyển và ôi chao, chớp được cuốn Ananda. Nếu như có rất nhiều sách về Đức Phật và các đệ tử của Ngài thì đây là cuốn sách đầu tiên và duy nhất viết một cách công phu về người thân cận nhất với Đức Phật trong suốt 25 năm cuối của Ngài trên thế gian (mình đang hăm hở dịch, hy vọng sẽ sớm gửi đến hầu quý bạn đọc quyển sách quý này).

Chùa Mahabodhi ở Sanchi, nơi hàng năm vào chúa nhật cuối cùng của tháng 11 xá lợi của Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên lại được trưng bày để mọi người chiêm bái. Mỗi năm có đến hơn 100,000 người tham dự nghi lễ này.

  Lang thang trong thị trấn đìu hiu buổi chiều ấy, con mọt sách là mình lại lạc bước vào một quán sách nhỏ khác. Thực chất, đây là quầy thông tin của ngành du lịch chuyên bán các bản đồ và chỉ dẫn du lịch. Chắc cũng hiếm khi có khách nên bụi phủ dày đặc khắp nơi. Kệ, mình xông xáo lục tung từng dãy kệ cũ. Phát hiện cái kệ khuất trong góc có hàng dãy sách đóng bìa cứng cẩn thận, mình khẩn khoản yêu cầu anh coi quầy tên Sharma cho phép mình xem thử. Trời, nếu có cách gì mang hết hàng trăm cuốn sách kia về nhà mình sẽ lấy hết. Đó là một collection của Cục khảo Cổ Ấn Độ về tất cả các địa điểm khảo cổ trên đất Ấn. Ham, nhưng lực bất tòng tâm. Vừa rồi ở Kolkata chỉ gửi có 25kg mấy món đồ lưu niệm mình mua dọc đường trị giá 200USD mà tốn hết 400USD cước phí (sau này về tới Nepal đi nhận hàng lại còn bị hải quan hành hạ hết 3 ngày và tốn hết 300USD nữa mới lấy được đồ ra). Ở Orissa, mình phải thức cả đêm chụp hình từng trang hơn 10 cuốn sách quý sưu tầm được ở Bảo Tàng Kolkata  rồi tặng số sách ấy lại cho Cục Khảo Cổ Orissa chỉ vì không thể mang vác hết . Giờ nhìn tủ sách này mà ngẩn ngơ không biết làm sao thu thập được.... chắc năm sau phải trở lại thôi... Mắt mình chợt liếc thấy mấy cuốn sách nằm lẫn lộn trong mớ giấy ở góc phòng.
-          Cái gì vậy? Mình hỏi.
-          À mấy cuốn sách cũ. - Anh coi quầy thờ ơ trả lời.
-          Để tui coi thử...
  Mình lướt qua ... Ô hô... Toàn thư Mật tông... Mắt mình như máy, scan liền cái mục lục tổng quan.... Tất cả những gì thuộc về mật tông Hindu và Phật giáo đều có mặt, từ lịch sử chi tiết đến giải đáp các nghi vấn cho người thực hành Tantric. Mặc dù Mật tông là một pháp môn trực truyền từ Thầy sang trò, nhưng với sự mở rộng về tất cả mọi mặt của Mật tông thì vị ẩn sĩ biên soạn toàn thư này đã trở thành một vị Thầy giúp người thực hành Mật tông hoàn thiện hơn kiến thức của mình. Khỏi cần phải nói, mình lấy ngay bộ bí kíp bị lãng quên này mà không cần trả giá. 
   Đêm ấy ngay trong căn phòng đơn sơ của Hội Mahabodhi ở Sanchi mình ngốn ngấu bộ bí kíp, nếu không vì ngày mai lịch nghiên cứu chật cứng mình sẽ không ngủ. Tất cả những tồn nghi suốt mấy năm qua khi mình tham học tantra đều được giải đáp một cách giản dị đến không ngờ. Đầu óc mình trở nên trong suốt, mọi mây mù tan hết.
   Hôm sau, mình là người đầu tiên mua vé vào tháp Sanchi sau khi chờ gần tiếng đồng hồ trong lạnh giá. Chỉ để chụp hình bảo tháp trong ánh bình minh. Thế rồi đi thắp hương và lạy tất cả các tượng Phật, Bồ tát, kinh hành 9 vòng quanh tất cả các tháp lớn nhỏ... đến hơn 11 giờ mới kết thúc.
    Mình trở lại quầy sách để căn dặn chủ quầy ráng giữ bộ collection cho mình thêm vài tháng mình sẽ trở lại vào năm sau. Sharma trịnh trọng bưng ra một cái bọc hộp nhung đỏ, "Cha tôi tặng anh." Chiếc hộp có một mặt in hình Đức Phật, mặt kia in chữ:  REPLICA OF RELIC CASKET OF LORD BUDDHA – Bản sao bình đựng xá lợi Đức Phật. Chu choa. Bên trong là một bình bằng đá giống hệt chiếc bình nguyên thủy mình được chiêm bái ở Bảo tàng Kolkata. Trên nắp bình cũng khắc dòng chữ Brahmi như bình origin: "Sukiti-bhatinam Sabhaganakinan sa-Puta-dalanam iyam salila-nidhane Budhasa bhagavate Sakiyanam" ( Phần xá lợi Đức Phật này thuộc về họ Thích-ca). Bên trong bình có bốn ngăn chứa bốn bịch nylon nhỏ, mỗi bịch đựng một ít đất đá gắn nhãn: Lumbini-Bodhgaya-Sarnath-Kusinaga. Ôi trời, đấy là đất lấy chính xác từ địa điểm trung tâm của bốn thánh địa Phật giáo. Ngoại trừ Cục Khảo Cổ Ấn Độ thì không ai làm được. Đấy là quà biếu của Cục Khảo Cổ hơn 10 năm trước cho cha anh Sharma này, một Phật tử và là nhân viên kỳ cựu của Cục Khảo Cổ làm việc hơn 20 năm ở Sanchi.  



  Hỏi lý do tại sao cha anh lại tặng món quà quý này cho một người không quen biết như mình Sharma chỉ nói đơn giản, “I don't know. He said this is your Karma”. 
  Một chuyến đi ngoài kế hoạch, một con người chưa biết mặt đã mang đến cho mình hạnh phúc vô bờ bến.

(Mời đọc kỳ tới DUYÊN KỲ NGỘ 4: CHIÊM BÁI XÁ LỢI PHẬT NGUYÊN THỦY)
He he... như món quà cuối năm 2011.

28 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 2

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 2

   ĐẤT THIÊNG


   Từ Delhi, máy bay chở đoàn xuống Varanasi. Ra khỏi sân bay đã là 1 giờ trưa. Các nhân viên của một công ty du lịch địa phương đã chờ sẵn hướng dẫn mọi người lên 10 chiếc coach. Mình lên chiếc thứ tư, chiếm lấy ngay một cửa sổ. Mọi người lục tục kéo lên. Thấy một lama già chừng 60 tuổi lóng nga lóng ngóng mình cười, chắp tay chào và vỗ vỗ vào chiếc ghế trống ngay bên cạnh. Ông cũng cười lại như đã quen biết từ lâu và ngồi bên cạnh mình.
   Chỉ có 200km mà mất đến hơn 6 tiếng  đồng hồ mới đến được Bodhgaya. Suốt cả quãng đường dài, mình ngủ gà ngủ gật , giữa hai cơn buồn ngủ là hỏi chuyện làm quen vị lama bên cạnh. Ông biết tiếng Anh rất kém, hầu hết là nghe mình hỏi rồi cười đôn hậu vì không đủ tiếng Anh trả lời. 7 giờ tối đến Bodhgaya, khi nhận phòng tình cờ thế nào mình lại được sắp chung phòng với ông. Mệt mỏi sau cả ngày di chuyển nên sau khi ăn tối xong là mình ngủ ngay, không chuyện trò gì và vì ông cũng không thể trò chuyện được.
  4 giờ sáng hôm sau, ông đã dậy, vệ sinh, rồi ngồi xếp bằng trên giường tụng kinh bằng tiếng Tibet. Mình cũng ngồi dậy, xếp bằng và lắng nghe lời tụng rì rầm của ông. Không hiểu nhưng cũng cảm thấy bình an vô cùng. Khi kết thúc bài kinh ông đến chỗ mình hai tay nắm lấy tay mình và cười, “Friend, friend.” Mình vội vàng nâng hai tay ông lên chạm trán vào đó, nói “ No, no. Master, master…” và thêm vào tiếng Hindi “Guru, you are my guru.” Ông lắc đầu hiền hậu, “No, friend. No guru, brother.” Mình chẳng hiểu gì cả chỉ nghĩ ông không hiểu tiếng Anh nên gật gật đầu cười. Ông lại nói “Come Gumpa, Spiti. Yes?”  Mình cũng chẳng hiểu gì , lại gật đầu. Ông vui lắm.

                    Với Hon Lama Dorje Sonam Tu viện Trưởng tu viện DHANKAR
    Khi đi ăn sáng, ông dẫn đến một ông già khác để làm phiên dịch. Họ là những đại biểu từ Himachand Pradesh. Lama Dorje hiện là Viện trưởng Tu viện danh tiếng 1200 năm tuổi Dhankar ở Spiti – vùng giáp biên giới Tibet và được coi là một mẩu nhỏ của Tibet ở Ấn Độ vì những truyền thống văn hóa tôn giáo đặc thù Tibet. Mình nhờ ông phiên dịch nói với Lama Dorje rằng mình xem ông như bậc thầy  và muốn học hỏi Phật pháp với ông. Khi nghe ông phiên dịch nói lại, Lama Dorje lắc đầu quầy quậy. “Brother, brother no Guru.”  làm ông phiên dịch cũng ngạc nhiên. Lama Dorje bảo ông phiên dịch nói với mình rằng  “To find your way, go south, then come to Spiti I will show you your Guru.” – Muốn tìm đường, đi về hướng Nam., sau đó đi đến Spiti tôi sẽ chỉ cho anh bậc thầy của anh… Mình căn vặn ý nghĩa của câu nói này nhưng Lama chỉ cười khó hiểu. Hôm ấy họ tham gia vào đoàn hành hương đi thăm Nalanda và thành Vương xá, còn mình quyết định dành cả ngày cho cội Bồ đề linh thiêng nên chia tay nhau ở đó.
    Sau khi đi theo đoàn rước kinh từ chùa Thái ở Bodhagaya, mình lẳng lặng đi về Tháp Đại giác trước, ngại 1-2 tiếng nữa đòan cầu kinh kéo qua sẽ không có chỗ chen chân. Lễ Phật trong tháp xong, mình bắt đầu kinh hành 9 vòng quanh tháp và cây bồ đề. Hoàn thành kinh hành mình mới từ tốn thả bước ngắm nhìn mọi thứ.
   Đến ngay bên dưới cội bồ đề linh thiêng mình dừng lại hoan hỉ ngắm những chùm lá xanh vươn ra từ thân cây già cỗi. Rất nhiều người , tăng ni có khách hành hương có, Á có Âu có ngồi dọc theo hàng rào chờ từng chiếc lá bồ đề rơi xuống là tranh nhau nhặt lấy.  Mình cũng ước có một chiếc lá làm kỷ niệm nhưng không ham tranh giành, thế là chỉ đứng dưới gốc cây hết ngắm nhìn lại chụp hình.
   “Cốc” bỗng đâu có một vật rơi trúng ngay đầu mình rồi văng xuống bên cạnh chân mình. Nhặt lên…Ôi trời… một mảnh vỏ cây bồ đề hình tam giác dài chừng 6 cm. Mọi người xung quanh ồ lên ghen tỵ. Mình sướng quá thành kính chạm mảnh vỏ bồ đề lên trán rồi cất kỹ ngay vào túi áo ngực.

Vỏ cây bồ đề thiêng


KIM CƯƠNG TÒA một truyền thống do Asoka lập nên đánh dấu chính xác nơi Đức Phật thành đạo

   “Sir, come here. There is best angle.” Một ông Ấn độ mặc đồng phục bảo vệ tiếp cận mình . Ông dẫn mình đến sát hàng rào đá bảo vệ cho cây bồ đề , cho phép mình lòn tay vào bên trong hàng rào đá để chụp hình Kim Cương Tòa bên dưới cây bồ đề. Chụp được mấy tấm hình quý giá xong, mình lễ bái cây bồ đề và tặng cho ông 100 rupee Ấn (2 đô la)  để uống "chai" - trà sữa Ấn độ. Ông cười , kéo mình tới một góc sân , và hí hoái lôi cái túi cá nhân của ông ra. Nâng từ trong túi ra một gói vải vàng ông trân trọng đặt vào tay mình “Give you” Mình hồi hộp mở mảnh vải vàng ra …Trời ơi… một nắm đất  và hơn 50 chếc lá bồ đề còn chưa khô…

Nắm đất thiêng liêng và lá bồ đề

   Hóa ra ông phụ trách việc quét tước gốc bồ đề mỗi sáng, nắm đất này ông gom lại sau khi quét sáng nay cùng với lá bồ đề. Ông thấy tôi không tranh lá rơi, còn được “Bodhi Tree blessing you” – chữ của ông nên tặng tôi chứ không phải vì 2 đô la nhỏ nhoi  kia.. Chợt nghĩ nếu mình xăm xăm đi đến, đưa thậm chí 1000 rupee để yêu cầu ông vét cho một tí đất ở gốc bồ đề chắc ổng chộp mình giao cho nhà chức trách. Mà mua bán như vậy thì còn gì là ý nghĩa nữa!Có phần hổng cần gì lo. Mình quay lại tạ ơn cây Bồ Đề một lần nữa.
   Tối đó, đặt một muỗng đất thiêng vào một cái hộp bạc rồi cúng dường Lama Dorje. Ông rưng rưng muốn khóc, gói cẩn thận vào ba lớp lụa rồi đặt vào trong hộp đựng kinh.

26 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 1

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 1 - DALAI LAMA

  
Trong đời mình có vài lần gặp được duyên kỳ ngộ, nhưng nhiều duyên kỳ ngộ trong cùng một chuyến đi như lần này quả thật là ngoài sức tưởng tượng của mình.

   
     Mọi chuyện khởi nguồn từ triển lãm tranh năm ngoái mình làm ở Lumbini. Asoka Mission biết được nên kỳ Hội Nghị Phật Giáo Toàn Cầu này gửi thư mời mình tham gia với tư cách là một Nghệ sĩ Phật giáo, một vinh dự không thể nào từ chối.
   Ngày khai mạc Hội nghị, mình được diện kiến các Thầy Cô từ Việt Nam qua. Vui biết mấy sau 6 năm xa xứ mới có dịp nói chuyện bằng tiếng Việt thoải mái và với nhiều người như vậy (thú thật là chiều hôm trước mình gặp mấy anh phóng viên của An Viên TV mà cứ ngọng líu ngọng lo, thậm chí cứ mở miệng là xưng anh vơi một người lớn tuổi hơn, thật là lố  he he). Còn hân hạnh được gặp Thầy Quang Thạnh, Nhật Từ, Thiện Bảo, Quảng Ba, Cô Huệ Liên , anh Phước Vũ…
  Ngày kế tiếp được tháp tùng vợ chồng anh Vũ, và các Thầy đi Agra thăm Taj Mahal, một trong những địa danh đã nằm trong kế hoạch của chuyến đi Ấn Độ này. Đúng là cầu được ước thấy.
 
 Là một Phật tử của thời đại thế kỷ 20-21 ai mà không mơ ước có một ngày diện kiến dung nhan của Đức Đạt Lai Lạt  Ma. Theo chương trình thì Ngài sẽ đến dự lễ khai mạc cùng với Tổng Thống và Thủ Tướng Ấn Độ, nhưng bị mấy thằng mọi Tàu Cộng phá bĩnh nên ngày khai mạc các vị không xuất hiện. Ngày thứ tư theo chương trình sẽ là một buổi cầu nguyện chung tất cả các tôn giáo tại nhà lưu niệm Gandhi rồi trồng cây bồ đề chiết từ cây bồ đề ở Sri Lanka.  Sáng sớm hôm đó, mình phát hiện chiếc giày bên trái của mình toét một đường dài. Thật quái gở, vì mình chỉ mới mua đôi giày Hàn quốc chuyên dùng cho trekking này ngay trước ngày đi Ấn Độ. Thế là, 8 giờ sáng quyết định chạy ra ngoài mua đôi giày khác vì ngày mai là phải bắt đầu hành hương ở Bodhgaya rồi. Xứ Ấn Độ, trước 10 giờ sáng, lại là mùa đông nên chẳng có tiệm nào mở cửa , kể cả hàng rong lề đường (bên Nepal thì đây là giờ vàng của dân hàng rong trước khi các cửa tiệm mở cửa) . Chiếc tuk tuk chở mình vòng vòng thủ đô Delhi suốt hơn tiếng đồng hồ, kể cả chạy lên tận khu chợ cũ Channi Chowk vẫn không thể kiếm ra … cuối cùng đành bỏ cuộc, mình kêu bác tài chở thẳng đến Nhà lưu niệm Gandhi. Vừa vào đến khu sân vườn phía sau nhà mình đã cảm thấy  kỳ lạ. Chừng khoảng vài chục người đang ngồi quay mặt thành kính vào một nhóm các Lạt Ma đang cầu nguyện ngay giữa sân vườn (đại biểu dự GBC lên đến hơn 800 người), ngay đó là một nhóm lố nhố camera bị hút về một nhân vật như thiêu thân thấy ánh sáng, Ah, Đạt Lai Lạt Ma ngồi kia… Mình cũng chẳng kịp định thần, cũng kéo máy ảnh ra gia nhập vào nhóm cameramen đó… Xô đẩy thế nào mà mình đi đến ngay trung tâm chỉ cách Ngài một tầm tay với và chẳng có một vật cản nào trước mắt. Hai tay mình chớp ảnh, ghi movie một cách tự động. Mắt thì không rời gương mặt thuần hậu, minh triết kia, miệng thì cứ hoác tới mang tai mà cười (mặt mình lúc đó chắc như một anh rồ  he he)… Chẳng suy nghĩ gì, chẳng nghe thấy gì, chỉ cảm thấy một niềm hoan lạc không bờ bến, một sự viên mãn tràn ngập tâm hồn… Ngất ngây không còn biết thời gian tồn tại…Trong trạng thái lên đồng đó, mình chợt cảm thấy ai đó đang chăm chú nhìn mình. Cố rứt ánh mắt ra khỏi gương mặt Ngài mình phát hiện một Lạt ma trẻ tuổi ngồi hơi chếch phía sau Ngài đang nhìn mình chăm chú. Quen lắm, nhưng  lúc ấy không có tâm trí để suy nghĩ cho ra là ai lại vội vàng quay lại nhìn Ngài. Nhưng lần này do bị phân tâm nên không thể tìm lại được cảm giác hạnh phúc trước đó để an trú. Tối đó, Thầy Thiện Bảo nhìn hình mình chụp mới bảo đó là Ngài Karmapa. Kỳ ngộ vì mấy chiếc xe bus chở phái đoàn GBC lạc đường sao đó nên hầu như tất cả đại biểu GBC ở cùng KS với mình không đến được Nhà lưu niệm Gandhi để cầu nguyện cùng Ngài Đạt Lai Lạt Ma. Chiếc giày rách đã mang được một mình mình đến đó…

29 tháng 3, 2011

Phát hiện khảo cổ quan trọng ở quê mẹ Đức Phật



image
Song song với việc tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ ở Lumbini và Kapilavastu dưới sự tài trợ của UNESCO trong năm 2011 này, Lumbini Development Trust cũng dùng số ngân sách ít ỏi của mình để tự khai quật tại Devda – quê mẹ Đức Phật Thích ca.

Địa điểm được lựa chọn là ngôi đền Barimai do nơi đây phát lộ nhiều gạch cổ của một kiến trúc đã bị hư hoại nhiều thế kỷ.
Địa điểm này có hai ngôi đền gần nhau trên diện tích khoảng 1 ha. Tên thường gọi  là Barimai và Kanyamai.
Đây là tên của hai nữ thần Hindu, được tôn thờ rất phổ biến khắp lưu vực sông Hằng cho đến tận Kasmir.
Lâu nay vẫn có một cuộc  tranh luận không ngã ngũ về nguồn gốc lịch sử của hai ngôi đền này trong dân chúng địa phương, kể cả một số nhà nghiên cứu.
Một số cả quyết đây là đền Hindu của Barimai và Kanyamai, trong khi số khác thì cho là đó là đền thờ Mahadevi và Prajapati, mẹ và di mẫu Đức Phật.

Trong ngôi đền Kanyamai, có thờ một tượng phụ nữ rất có giá trị về mặt cổ vật và mỹ thuật cùng với các mảnh đá vụn vỡ ra từ các pho tượng khác được thu thập trong khuôn viên ngôi đền thời gian trước đây.
Tín đồ Hindu cho rằng đó là tượng của nữ thần Kanyamai.

Trong ngôi đền Barimai thì thờ một tượng khác đào được tại đây trước kia mà tín đồ Hindu cho là Barimai trong khi Phật tử địa phương cho rằng đó là tượng Bồ tát Liên Hoa (Padmapani Bodhisattva).

Đội khảo cổ của LDT dưới sự hướng dẫn của ông Prakash Darnal (Trưởng ban Khảo cổ -Cục Khảo Cổ Nepal) và Himal Kumar Upreti (Chuyên viên khảo cổ của LDT) đã bắt đầu khai quật nền móng của ngôi đền cổ tại Barimai từ sáng ngày 02/03/2011.
Hơn chục học sinh trung học dưới hướng dẫn và theo dõi sát sao của hai chuyên viên đã tỉ mẩn vét từng muỗng đất, tháo dỡ cẩn thận từng viên gạch.
Ngoài các viên gạch cổ, họ đã thu thập được các mảnh gốm vụn và các di vật khác.

Đến 10 giờ sáng ngày 23/03/2011 các nhà khảo cổ phát hiện một bức tượng đá nhỏ 20x25cm dưới chân bức tường gạch.
Tượng đã bị mất đầu, tuy nhiên có thể dễ dàng nhận ra đây là bức tượng mô tả Đức Phật Thích-ca đang toạ thiền theo thế hoa sen, tay mặt bắt “Xúc Địa Ấn”.
Chúng tôi chưa thể định tuổi của pho tượng ngay lúc này. Còn quá sớm để có thể kết luận niên đại của bất cứ thứ gì khai quật được. Tuy nhiên đây là một chứng cứ quan trọng về mặt lịch sử của hai ngôi đền. Nó sẽ giúp chính phủ Nepal ra quyết định khai quật tiếp các di tích khác.” Ông Prakash Darnal nói.
Đây là một phát hiện khảo cổ quan trọng vì nó chứng minh rằng ngôi đền này không phải là đền Hindu thờ Barimai mà chính là một ngôi đền Phật giáo, chính xác hơn chính là ngôi đền thờ di mẫu Đức Phật Prajapati – người đứng đầu Ni đoàn trong Giáo đoàn của Đức Phật.
Đây cũng chính là tiền đề trong việc chứng minh tích cách Phật giáo của các di tích tại Devda, quê mẹ Đức Phật.
Nguyễn Phú tường trình trực tiếp từ hiện trường khai quật ở DEVDA - NEPAL, 3/2011
Nền móng bằng gạch cổ phát lộ tại đền Barimai (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2010)
Lối vào ngôi đền Kanyamai và Barimai (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2010)
Tượng Mahadevi mẹ Đức Phật , Hindu cho rằng đó là Kanyamai (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2010)
Tượng Bồ Tát Liên Hoa, Hindu: Barimai (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2010)
Đội Khảo cổ đang khai quật và một số mẫu vật thu thập được (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2011)
Tượng Phật Thích Ca đào được tại Barimai – Ảnh Nguyễn Phú chụp lúc 15 giờ ngày 22/03/2011

1 tháng 9, 2010

CHUDA KARMA Lễ xả nghiệp-xuất gia, một tục lệ cổ xưa của họ Thích ca




Sau khi vua Vidudabha tiêu diệt dòng họ Thích Ca (Sakya), một phần những người sống sót của dòng họ Sakya đã di cư tới Nepal Mandala (Thung Lũng Kathmandu ngày nay). Trong thời gian cư trú tại Kathmandu, Nepal, tác giả Nguyễn Phú (pháp danh Phước Quý) đã kết thân với nhiều người trong dòng tộc Thích Ca và được dự khan lễ xuất gia, một phong tục cổ truyền của dòng họ Sakya. Xin giới thiệu về lễ Chuda Karma của hậu duệ dòng họ Thích Ca. (Lời giới thiệu của ấn bản Nguyệt San Giác Ngộ -2006)





Tác giả và hai cậu bé Sakya


      Vốn biết tôi đang quan tâm tìm hiểu phong tục và đời sống văn hóa Nepal nên trước đây một tháng, gia đình ông Sarad Kumar Shakya đã mời tôi dự một ngày lễ theo tục lệ cổ truyền của gia tộc. Tôi không ngờ mình có may mắn được dự khán một tục lệ của một dòng họ cổ xưa và nổi tiếng nhất thế giới. Cổ xưa vì họ Shakya chỉ tính từ Đức Phật Thích Ca cũng đã được trên hai mươi lăm thế kỷ. Còn nổi tiếng thì hầu như thế giới đều biết đến dòng họ này qua một nhân vật lịch sử vĩ đại: ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI.
Patan là thành phố cổ nhất của Kathmandu Valley, cũng là thành phố có nhiều người họ Sakya sinh sống. Nơi đây cũng là thành phố có nhiều gia đình theo Phật giáo nhất trong Vương quốc Hindu giáo Nepal, nên được mệnh danh là Thành Phố Phật Giáo (gọi là “thành phố” (city) nhưng thực ra diện tích của Patan chỉ xấp xỉ một phường lớn ờ Saigon ). Tương truyền, vào thời cổ đại, thành phố này được quy hoạch theo hình Bánh Xe Pháp – Dharma Chakra. Khi đi vòng quanh Patan, ta có thể thấy cờ Phật giáo dày đặc trên các nóc nhà, trong các lễ hội của Patan. Tại đây còn có bốn ngôi tháp (stupa) ở bốn góc của thành phố tương truyền được dựng lên bởi Đại đế Phật tử Ashoka (A Dục vương) khi ngài hành hương đến đây.

Patan-Thành Phố Phật giáo

   Ngày lễ này được gọi là “Chuda Karma Puja” - tạm dịch là ngày lễ Xả nghiệp, xả bỏ nghiệp báo trong quá khứ hoặc đơn giản hơn là lễ Xuất gia. Tục lệ này không hẳn là tục lệ Phật giáo, các tín đồ Hindu cũng có lễ Chuda Karma; nhưng riêngvới họ Sakya thì có những nghi thức riêng biệt. Với cả hai tôn giáo, Lễ này là lần cạo tóc đầu tiên dành cho tất cả các bé trai từ bốn tuổi trở lên. Với Hindu, thường thì buổi lễ mang tính gia đình: một vị Brahmin được mời đến nhà đễ làm lễ cho cậu con trai của gia đình; có khi hai ba gia đình làm lễ cùng nhau. Với họ Sakya, họ sống theo từng “bahal” (một cộng đồng vài mươi gia đình Sakya sống quay quần quanh một ngôi chùa riêng trong một khuôn viên khép kín, tất cả các ngôi nhà đều xoay mặt ra một cái sân chung rộng lớn). Tính “cộng hòa” , “tập thể” là một đặc tính của họ Sakya từ thời cổ đại, mọi việc lớn nhỏ đều được mang ra bàn bạc giữa cộng đồng. Chính vì thế các lễ nghi của họ cũng thường là tập thể.



Một Bahal

    Lễ Chuda Karma mà tôi dự khán được các tu sĩ chọn nhằm vào ngày tốt nhất trong tháng sinh của Đức Phật năm nay ( 2550- Phật lịch / 2063-Nepal / 2006-dương lịch), ngày được chọn nhằm ngày 30-4 dương lịch. Trong lễ Chuda Karma này có tất cả hai mươi hai bé trai được xuất gia.
Trước đó một tháng, các gia đình phải đăng ký danh sách, sắm sửa lễ vật, trang phục cho các chú bé. Nghi lễ được diễn ra ở ngôi đền danh tiếng Golden Temple của thành phố cổ Patan (tên chính thức của ngôi đền là Hiranya Varna Mahavihar). Ngôi đền này được xây dựng từ thế kỷ XII bởi Quốc vương Bhaskar Varma (thời kỳ Phật giáo hưng thịnh ở Kathmandu Valley). Golden Temple là một kiệt tác về kiến trúc và nghệ thuật gò đúc kim loại của Nepal. Toàn mặt vách chính (10 x 5m), ngôi đền Quan Âm và tất cả các mái cũng như tượng, phù điêu đều làm bằng đồng thau mạ vàng thật tinh xảo. Riêng khung cửa chính của gian thờ tượng Phật Thích Ca Vàng (Golden Sakya Muni) được đúc bằng bạc ròng (những khung cửa bằng bạc chỉ dành cho những nơi cúng tế của các vị vua Nepal - Pashupatinath ngôi đền thiêng liêng nhất của Hindu giáo Nepal mà Nhà vua Nepal hay cúng tế hiện nay cũng có những khung cửa bằng bạc). 




Golden Temple
     Tôi đến Golden Temple lúc 9 giờ sáng, ở lối vào một vị trong Ban tổ chức trân trọng buộc vào cổ cha mẹ của các chú bé những dây lụa - cha: màu xanh, mẹ: màu vàng. Trong khuôn viên không lớn lắm của ngôi đền, thân nhân của các chú bé đứng ở khắp các hành lang trò chuyện vui vẻ. Tôi tìm gia đình ông Sarad và được dẫn lên lầu. Nơi đó trong một gian phòng kín, lần lượt từng chú bé được các tu sĩ thực hiện các bí tích đầu tiên. Chừng một tiếng đồng hồ sau, chú bé cuối cùng được đưa xuống sân đền.







Gia đình Sarad Kumar Shakya

Các chú bé được sắp ngồi thứ tự theo chiều kim đồng hồ vòng quanh sân đền. Các bà mẹ lúc nào cũng túc trực bên con, vẻ mặt rạng rỡ, hân hoan. Sau khi vị chủ lễ đọc kinh và làm các nghi thức, những người phụ lễ đi vòng quanh xức dầu lên đỉnh đầu các chú bé. Kế tiếp họ bắt đầu cạo tóc của các em. Tóc được cạo nhẵn chỉ chừa lại một lọn nhỏ chừng ngón tay út. Phần nghi thức này là cổ tục của Hindu giáo. Sau đó các em được cởi bỏ hết tất cả quần áo cũ trên người, xối nước cho sạch tóc vụn và choàng một tấm khăn mới tinh lên người. Các chú được đưa trở lên gian phòng kín để thực hiện các nghi lễ đặc biệt của họ Sakya. Tại đây chỏm tóc cuối cùng được vị tu sĩ cắt bỏ và đeo vào đầu các em một vòng đan bằng các dây màu xanh ở giữa trán đính ba hình bầu dục bằng bông gồm ba màu theo ba vòng nhỏ dần vào trong: trắng-xanh-đỏ.









Các Sakya sau khi cạo tóc lần đầu





Các Sakya được ban phước


    Một nhóm bốn vị trưởng lão cao niên nhất của dòng họ Sakya (từ 80 đến trên 90 tuổi) làm tiếp nghi thức ban phước cho các em tại sân đền. Dưới chiếc lọng ngũ sắc, bốn vị trưởng lão đầu đội bốn chiếc mũ miện của vương tộc Sakya trang trí các họa tiết bằng bạc và đồng, đứng ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc nhận các lọ nhỏ bằng đồng trong có nước và lá thơm từ các bà mẹ. Lần lượt từng em bước vào giữa. Vị chủ lễ xướng bài tụng ngắn. Các vị trưởng lão dùng tay phải rảy nước và cùng đặt tay lên đỉnh đầu các em để ban phước. Vị chủ lễ dùng một chiếc vỏ ốc to, cũ kỹ, có xoắn ngược chiều kim đồng hồ (biểu tượng vương quyền thời cổ tại Ấn Độ) tưới nước lên đỉnh đầu các em. Có em bị dội nước lạnh đột ngột khóc ré lên.
Một lần nữa các chú bé lại được đưa lên gian phòng kín. Lần này các chú được làm nghi thức quan trọng nhất của ngày lễ: nghi thức xuất gia. Nghi thức này kéo dài chừng hơn một tiếng đồng hồ. Các bé trai Sakya sau khi xuất gia được vẽ một Mandala màu vàng trên đầu, mặc y màu vàng và nhận tích trượng, bình bát bằng đồng từ các tu sĩ. Các chú xúng xính trong chiếc y vàng, choàng từ vai trái xuống một dải lụa đính hai lá cờ Phật giáo, tay phải cầm bình bát đựng gạo, tay trái cầm tích trượng lần lượt trở xuống sân đền.








Các Sakya sau khi xuất gia

    Phải chờ đợi đến tận 3 giờ chiều, các nghi thức mới bắt đầu tiếp tục. Theo quy định, cho đến nghi thức cuối cùng các chú không được ăn, phụ huynh chỉ được cho các chú uống sữa hoặc nước trái cây. Chờ đợi lâu quá, có chú ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ trông thật đáng yêu.
Vị chủ lễ tiếp tục tiến hành cuộc lễ. Ông ngồi xếp bằng trước một bàn thờ, đọc những bài kinh bằng tiếng Phạn và xướng những nghi thức bằng tiếng Nepal để các phụ huynh hướng dẫn các em làm theo. Những nắm gạo, cánh hoa, thực phẩm, nước… lần lượt được vãi tung ra sân đền. Có những chú chim bồ câu dạn dĩ sà xuống ngay bên cạnh các chú bé nhặt những hạt gạo trắng ngần. Sau những bài kinh dài, vị chủ lễ cùng người phụ lễ mang những đôi guốc nhỏ bằng đồng cũ kỹ ra. Họ vẽ trên nền đá xanh của sân đền bảy hình hoa sen, đặt vào giữa mỗi hoa sen một hạt cau tròn trĩnh cùng với chút thực phẩm tượng trưng cho địa cầu. Lần lượt từng em sẽ mang đôi guốc đồng ấy bước bảy bước trên những hoa sen làm vỡ vụn những hạt cau trong khi vị chủ lễ đọc thần chú. Nghi thức này lặp lại tích Đức Phật Thích Ca khi vừa Đản sanh đã bước đi bảy bước làm chấn động địa cầu và thiên giới. Sau khi đi trên các hoa sen, các Sakya vừa xuất gia được đưa vào gian thờ chính để làm lễ trước Phật Thích Ca Mâu Ni với tích tượng và bình bát như là lễ ra mắt.






Bảy bước đi
Sau nghi thức xuất gia, các Sakya nhỏ tuổi được đưa đi vòng quanh các con phố của thành phố cổ sau các vị trưởng lão của họ tộc Thích Ca để trình diện mọi người theo như phong tục. Trở lại Golden Temple, một nghi thức nữa diễn ra trước cổng vào ngôi đền. Hương hoa, đèn, lễ vật, một Mandala được bày trên mặt đất để vị chủ lễ cúng tụng. Sau đó các chú bé được bước vào đền. Cuối cùng, sau một khoá lễ ngắn nữa, các em mới được thọ thực trong bình bát theo giới luật từ thời Đức Phật.







Vòng quanh Patan
    Các Sakya này sẽ ăn chay và mặc y vàng suốt ba ngày tiếp theo. Đến chiều ngày thứ tư, phụ huynh đưa các em trở lại Golden Temple. Với một nghi lễ trang trọng, các em được xả bỏ nghiệp báo quá khứ, thay đổi chiếc y vàng bằng toàn bộ quần áo, giày dép, mũ nón mới.
Tục lệ cổ xưa này với nhiều biến thể từ cổ tục Hindu của dòng tộc Sakya hầu như ít người được biết, ngay cả các học giả Tây phương cũng ngộ nhận đây là phong tục Hindu. Tôi đã thường cầu nguyện chư Phật hộ trì cho tâm nguyện nghiên cứu về gia tộc Sakya, có lẽ vì thế nên có được may mắn này chăng? Liên hệ với những chi tiết trong lịch sử, tục lệ này có lẽ xuất phát từ sự ngưỡng mộ và tôn vinh một vĩ nhân của gia tộc Sakya: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và buổi lễ xuất gia tập thể của 500 vương tử Sakya khi đức Phật về thăm quê hương Kapilavastu. Ngoài ra, có lẽ còn để trả nghiệp trong quá khứ về việc rải thuốc độc xuống sông đưa đến hậu quả Vidudabha (Tần Bà Lưu Ly) tàn sát dòng họ và tiêu diệt vương quốc Sakya. Vì thế, những hậu duệ của gia tộc Sakya, sau biến cố ấy (hơn 2.400 năm trước) không bao giờ rời xa Phật giáo - nơi họ tìm thấy an lạc trong đời này và những đời sau.
                                                                                  
                                                                             Patan-2006
                                                                        Chỉnh sửa 8/2010
                                                                           Nguyễn Phú