2 tháng 8, 2015

LÁ THƯ NEPAL 15: NHẠC THẦN CÀN THÁT BÀ

NHẠC THẦN DU LÃNG GANDARVA VÀ CHIẾC SARANGI


 
Huyền thoại Ấn độ kể rằng Indra (Đế Thích, vua của cõi trời) luôn có một vị thần đi theo hầu nhạc, gọi là Nhạc Thần. Vị thần này còn có tên khác là Hương thần vì chỉ sống bằng mùi hương đồng thời thân thể cũng tỏa ra hương thơm kỳ lạ. Tên của vị thần này là Gandarva, Hán dịch là Càn Thát Bà, là một trong Thiên Long Bát Bộ mà Kim Dung mượn ý để sáng tác nên tuyệt phẩm nhất nhì của ông.
Ngày trước mình đọc huyền thoại cứ nghĩ rằng Càn Thát Bà là tiên , là thần thánh không phải người phàm, phiêu diêu thoát tục, không bao giờ có thực. Mình lầm.
Khoảng năm 2006, mình ở trọ tại khu vực ngoại ô Tokha của Kathmandu, cửa ngõ đi vào vùng núi phía Tây Bắc thủ đô. Một trưa hè nọ, trải đệm ngoài ban công nằm lơ đãng thả hồn theo những nắm mây trời trắng bông trôi bảng lảng trên trời cao bỗng nghe tiếng réo rắt của một nhạc cụ dây hòa quyện một giọng hát dày dạn phong sương. Nhạc hay quá, mình năm im nhắm mắt lại mà thưởng thức. Đến khi giật mình vì cảm thấy tiếng nhạc rời xa, bật ngồi dậy thì chỉ thấy một bóng người khuất dần trong ngõ hẻm quanh co.
Mình bắt đầu tò mò và dò hỏi. Đến khi phát hiện ra sự thực thì suýt nhảy cẫng lên mừng rỡ. Ở Nepal, nhất là vùng núi, có một giai cấp gọi là Gandarva (Càn Thát Bà) chuyên lang thang chơi nhạc và sống bằng sự hảo tâm của mọi người. Quả đúng thật là vị thần chơi nhạc và sống bằng hương của Đế Thích trong huyền thoại.

Một Càn Thát Bà


Tuyệt vời hơn nữa là họ có một nhạc cụ đặc sắc gọi là Nepali Sarangi. Sarangi là tên một loại nhạc cụ dây với nhiều biến thể có mặt khắp cả vùng Nam Á. Tuy nhiên cây Sarangi của các Càn Thát Bà người Nepal thì có hình dạng đặc biệt, không giống ai, rất mỹ thuật. Mình tạm gọi là Nepali Sarangi để phân biệt với các loại đàn sarangi của các vùng khác. Đấy là một nhạc cụ tạc từ một lóng gỗ duy nhất. Phần thân trước có hai khoang để cộng hưởng âm thanh. Khoang dưới bịt kín bằng da dê trên đặt bridge căng dây đàn, khoang trên để trống. Hai khoang nối nhau bằng một cái eo thắt đáy lưng ong. Phần thân sau thường được điêu khắc chạm trổ thật đẹp. Cần đàn suôn sẻ không có phím. Sarangi có 4 dây làm bằng tơ ruột dê. Càn Thát Bà kéo đàn bằng một cái vĩ làm bằng lông đuôi ngựa tương tự vĩ violon.

Đàn Sarangi Nepali


Quy trình làm đàn Sarangi của một nghệ nhân Nepal








Theo truyền thống và phong tục, Nepali Sarangi chỉ được chơi bởi các Càn Thát Bà vì đó là cây đàn Đế Thích tặng riêng cho nhạc thần của ông và lưu truyền xuống cho hậu duệ của ông ấy.
Các Càn Thát Bà thường sống lang thang lấy trời làm nhà, hàng hiên, mái đình, thậm chí một cây rơm làm giường đỡ lưng qua đêm. Họ cứ đi, thích thì dừng lại chơi vài bản dân ca mua vui cho mọi người. Có khi ngồi bên bậc thềm nhà ai đó hát hò say sưa rồi lẳng lặng bước tiếp không cần chờ chủ nhà cám ơn hay cho tặng. Ai mến, ai cảm nhận được tiếng lòng của họ mà gửi tặng chút hương hoa để họ sống qua ngày họ cám ơn lại bằng tiếng nhạc.
Du khách đến Kathmandu thường bị vuột mất những cuộc hạnh ngộ hiếm có với các Càn Thát Bà khi vội vàng đi lướt qua những kẻ ăn mặc lôi thôi tay cầm một chiếc đàn hình thù kỳ dị. Cũng phải thôi, tâm hồn nghệ sĩ mong manh của họ làm sao mà không lạc loài nơi phố thị vội vã của khu phố Tây balô Thamel, nơi người ta nhầm họ với những món đồ lưu niệm rẻ tiền Made in Trung Hoa. Cứ nhìn vào đôi mắt lơ ngơ của họ là biết rằng đôi cánh thần đã bị bỏ quên nơi nào đó.

Một Càn Thát Bà lạc loài ở khu phố Tây Thamel

Nếu có dịp đi xa hơn, ra khỏi Kathmandu, hay thậm chí chỉ cần ra đến vùng núi đồi ngoại ô Kathmandu, người ta sẽ có thể bắt gặp những vị nhạc thần lãng du đàn hát say sưa chẳng màng đến nợ áo cơm. Mới Tết đây thôi, mình đưa hai cô bạn về Pokhara. Đang ngồi ăn trưa với món cá tươi, mới bắt lên từ hồ Begnas tuyệt đẹp và hoang sơ, bỗng có một Càn Thát Bà đến ngồi cùng và chơi nhạc say sưa. Thật chưa có bữa cơm nào mỹ mãn bằng bữa cơm ấy. Nó giúp mình cống hiến trọn vẹn cái hồn Nepal cho hai bạn mình lần đầu đến Nepal. Hát hò, giải thích các bản dân ca xong, Càn Thát Bà Nepal nhận ít hương hoa của bạn mình rồi lại cất bước lang thang quanh hồ.



Cũng theo huyền thoại Ấn Độ, Gandarva là chồng của các tiên nữ Apsara. Thật là một cặp thần tiên hoàn hảo khi tiên Apsara múa những vũ điệu thiên đường trong tiếng nhạc mê ly của thần Gandarva. Ai nói là huyền thoại không có thực? Nhất là ở Hy mã lạp sơn huyền bí?

Thần tiên Gandarva và Apsara
________________________________
Mời các bạn xem video clip sau để thấy cuộc đời một Càn Thát Bà là như thế nào

http://www.youtube.com/watch?v=qBZFxEJ8ChU




BÀI TÌNH CA DÂN GIAN PHỔ BIẾN NHẤT NEPAL: RESHAM FERIRI - KHĂN CHOÀNG LỤA BAY BAY

Người Nepal nói rằng: nếu bạn là người Nepal bạn phải biết bài hát này. Nếu bạn đã đến Nepal, bạn tuyệt đối phải biết bài hát này. Nếu bạn không là người Nepal cũng chưa đến Nepal bao giờ nhưng có quen biết ai đó ở Nepal, bạn chắc chắn phải biết bài hát này.
Các bạn là bạn của Phú Nepal thì chắc chắn Phú Nepal phải giúp các bạn biết bài hát này  :p

Bài hát này giai điệu nhẹ nhàng vui tươi như tâm hồn mộc mạc hồn nhiên của người Nepal- "yêu là yêu... đơn giản vậy thôi!". Nghe điệp khúc Resham Feriri là có thể tưởng tượng ra làn gió xuân phất phơ tấm khăn chòang mỏng manh để gương mặt xinh đẹp của cô gái thóang ẩn thóang hiện làm anh chàng chăn dê phải hồn xiêu phách lạc.
Mình phỏng dịch lời bài hát như sau:

RESHAM FERIRI - KHĂN CHOÀNG LỤA BAY BAY
trái tim anh như một chiếc khăn lụa mỏng manh bay tung trong gió
anh không thể quyết định mình nên bay qua những quả đồi [để đến với em]
hay ngồi đó [để chờ em đến]
khăn choàng lụa bay bay
anh và em phải lòng nhau ở ngay ngã ba đường

khăn choàng lụa bay bay qua những quả đồi
Ui, con dê con [mà anh chăn] nó mò ra bờ vực thẳm
anh không thể bỏ em lại đây một mình
Em yêu, hãy đi cùng với anh em nhé!

Như chiếc khăn choàng lụa mỏng manh
bay bay trong gió
Resham feriri
Resham feriri



Mình thích kiểu dung dị của một nhạc thần du lãng Gandarva như này hơn http://www.youtube.com/watch?v=lFaRXIZwLC8