19 tháng 3, 2012

MUMBAI

MUMBAI at Gateway of India with Taj Mahal Palace Hotel in background, where the terrorists attacked in November 2008

7 tháng 3, 2012

LỄ HỘI MÙA XUÂN ĐẦY SẮC MÀU – HOLI

-->
LỄ HỘI MÙA XUÂN ĐẦY SẮC MÀU – HOLI


  Lễ hội HOLI – lễ hội náo nhiệt và vui vẻ nhất của văn hóa Ấn Độ diễn ra hôm nay vào ngày rằm tháng Hai Âm Lịch theo lịch Việt (theo lịch Ấn là tháng Falgun, ngày này gọi là Falgun Purnima – rằm tháng Falgun).
  Người ta gọi lễ hội này là lễ hội của Màu Sắc (FESTIVAL OF COLORS). 
  Mọi năm mình thường trữ sẵn 1000 lít nước trên sân thượng cho ngày này. Để làm gì chút xíu nữa mình sẽ nói các bạn nghe. Giờ mình lướt qua một ít xuất xứ và ý nghĩa của lễ hội này.

24 tháng 2, 2012

SAMYAK BUDDHA - HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT

  Hôm nay mùng ba tháng hai Âm lịch, có một sự kiện quan trọng của người Newar 4 năm mới xảy ra một lần: SAMYAK BUDDHA (dịch nôm là HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT) .
 Mình đi lễ Phật và chụp hình lễ hội này từ 3 giờ chiều tới giờ (23h30) đừ quá. Pót tạm mấy tấm hình trước , mai chụp tiếp pót sau...








22 tháng 2, 2012

TẾT TÂY TẠNG Ở KATHMANDU

Bữa nay là Gyalpo Lhosar - "Tết" của người Tây Tạng.
Xin gửi đến các bạn mấy tấm hình mình chộp được hôm nay.
  Còn bài?
  He ... he... vì mình gửi bài này cho báo Giác Ngộ kiếm cơm nên các bạn thông cảm, mình sẽ pót sau.





Bảo Tháp Bouddhanath





Trang phục cổ truyền Tây Tạng








Cảnh sát dã chiến thường thì giữ trị an , nhưng dịp này là để đề phòng người Tây Tạng lưu vong biểu tình chống Tung-Của

Dưới bóng bảo tháp

Một chú Ngao Tạng sống lang thang ở chân bảo tháp (lại nhớ tới câu thơ của Milarepa... hic...)

Đi chơi Tết


Cô gái đẹp nhất ngày Tết hôm nay

Bé Yanchen Drolkar. Cha là người Tây Tạng, mẹ người Nga chính gốc Moscow


Kết thúc ngày Tết khi viếng thăm chùa Druk ở núi Amitabha


9 tháng 2, 2012

ĂN PHỞ Ở KATHMANDU

-->
ĂN PHỞ Ở KATHMANDU

Nhìn tô phở này mà bắt thèm (Hình copy từ Internet)
    Đã trải qua 7 mùa đông ở Kathmandu nhưng tui vẫn chưa quen được với cái lạnh nơi này. Những đêm rét nhất nhiệt độ xuống gần 0oC. Hôm qua mưa dầm dề khắp xứ Nepal, Kathmandu mưa không ngớt suốt 24 giờ đồng hồ, các khu vực cao như  Nagarkot có cả tuyết rơi. Thường thì những buổi sáng “thở ra khói” (hồi nhỏ tụi tui thích thú với mấy cảnh này trong các bộ phim Liên Xô) cuối tháng 12 và suốt tháng Giêng trời lạnh 1-2oC. Buổi sáng, tắt chuông đồng hồ báo thức xong lại chui vào trong hai lớp chăn lông ấm áp không muốn ra ngoài làm bất cứ chuyện gì.
     Trời lạnh như thế…giá mà có một tô phở…

     Tui không phải người sành ăn. Cũng không nghiện phở. Chỉ là cảm thấy một tô phở nóng bốc khói thơm ngào ngạt chính là món thích hợp nhất trong tiết trời lạnh giá của Kathmandu mùa này.
    Người Kathmandu ăn uống theo nhiều  kiểu (tui thích dùng từ ăn uống hơn ẩm thực, nghe dân tộc và thực tế hơn). Nào là kiểu Newari của dân Newar địa phương. Nào là kiểu Nepali, ảnh hưởng mạnh bởi khẩu vị Ấn-độ. Nào là kiểu Tibet của người Sherpa di cư từ Tây Tạng xuống…  Có hai món phổ biến chung cho mọi sắc tộc là Momo (bánh bọc nhân thịt hơi giống há cảo của người Hoa nhưng làm bằng bột mì) và mì xào khô gọi là Chowmein (Chao-men). Ở đâu cũng có. Mì nước thì làm bằng mì gói thôi, chỉ người gốc Tây Tạng thì có món Thukpa là mì nước nhưng không có giá, hẹ, tỏi chiên… nói chung là ăn dở òm. Tuy gọi tên giống nhau vậy, nhưng momo của người Newar khác với người Gorkha và lại càng khác với người Tây Tạng.  Sự dung hoà các nền văn hoá khiến cho Thung Lũng Kathmandu có sự đa dạng về văn hoá, phong tục, cách thức và khẩu vị ăn uống. Và Nepal thì có tới hơn 20 tộc người hoàn toàn phân biệt. Có lẽ phải cần cả một cuốn sách dầy để kể về chuyện này, (cái mà không phải là chủ đề chính của bài viết này).  Tuy nhiên, dù rất khác biệt trong chế biến và khẩu vị có một điểm chung tuyệt đối của văn hoá ăn uống ở xứ này: KHÔNG ĂN THỊT BÒ. Ảnh hưởng của văn hoá Veda nhiều nghìn năm, và chỉ cách đây sáu năm còn tự hào tuyên bố là vương quốc Hindu cuối cùng trên trái đất, thế nên không lạ là người Nepal tuyệt đối không ăn thịt bò. Trong tín ngưỡng Hindu, bò là con vật thiêng. Bò đực Nandin là vật cưỡi của Thần Tối Cao Shiva, đồng thời Nandin cũng mang trong mình nó những năng lực thần thánh. Bò cái chính là vật cưỡi của Laxmi, Nữ thần của sắc đẹp, sự thịnh vượng và của cải. Sữa bò được người địa phương coi là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất từ tự nhiên cho con người. Thế nên, sẽ rất là phạm thượng, bất kính, thậm chí xúc phạm nặng nề đến một người-một cộng đồng- hay cả xã hội Hindu nếu bạn đề cập đến việc ĂN THỊT BÒ ở đây.     
   Thế nhưng, không có thịt bò làm sao có PHỞ?
  Khi ở lại Nepal được gần hai năm, tui bắt đầu thèm phở. Sống một mình và tự nấu ăn lấy nên cũng tiện khỏi phải giải thích cho người địa phương về cách chế biến cũng như khẩu vị của mình (chuyện mà tui gặp nhiều rắc rối khi sống cùng người Nepal ở Lumbini). Sống tự do như thế có cái sướng là muốn ăn gì thì ăn. Nhưng mệt nhất là có khi mấy ngày phải ăn cho hết chỉ một món (vì nấu ít thì không ngon và làm biếng, :D ) .  
   Thời điểm đó , cái mà tui tiếc nhất là khi rời Lumbini lên Kathmandu là đã không mang theo cây giống ngò gai, húng quế, thứ mà Thầy Linh Quang trồng và sau đó mọc tràn lan khắp nơi trong chùa Linh Sơn (khi Thầy Linh Quang rời Nepal, không ai ngó ngàng chăm sóc nên đã chết mất hết cả, dạo trước có dịp trở lại Lumbini thăm chùa Linh Sơn và có để ý tìm mà không còn thấy bất cứ cây nào). Ở Kathmandu tui lùng khắp các chợ rau cải và tìm thấy hẹ, cần tàu, ngò gai, khuynh diệp, hành, và sau này cả giá sống nữa. Nhưng không bao giờ tìm được húng quế và ngò gai. Mới mấy tháng trước về chơi vùng núi Gorkha và khu rừng quốc gia Chitwan , tình cờ thấy mấy bụi húng quế già nơi chân rào. Hỏi ra mới biết người địa phương chỉ dùng nó làm…thuốc. Thật là đỏ mắt tìm không ra,hoá ra nó mọc ngay chân rào. Năm rồi tui nhờ người quen gửi từ Việt Nam qua mấy gói hạt giống rồi ky cỏm ương vào mấy cái chậu. Có lẽ thời tiết không thích hợp nên tụi ngò gai và húng quế này nẩy mầm rất ít (tui ương nửa gói mỗi loại thế mà chỉ mọc lên có vài cây húng quế và hơn chục cây ngò gai…chờiii) Chăm còn hơn chăm con mọn mà tụi này cứ èo uột hoài hổng lớn.
Bánh phở khô Thái Lan
  Quay lại vụ thèm phở mấy năm trước. Tui tìm ra cả đống bánh phở khô Thái lan xếp trong một góc siêu thị. Êê sắc ế. Vì mắc quá (3USD cho một gói 200g) và không hợp khẩu vị người địa phương. Sau đó đi mua rau thì chỉ có hẹ và cần tàu. Còn thịt bò thì không thể mơ tới ở cái vương quốc Hindu lúc đó. Thế là cải biên. Mua thịt heo và lòng để nấu món hủ tiếu Nam Vang. Xứ tui, Bến Tre, có hai tiệm hủ tiếu rất nối tiếng, Định Quán và Hưng Hoà, ở ngay đầu cửa ngõ đi vào thị xã ngày trước. Định Quán có trước và nếu bây giờ vẫn còn thì đã có thâm niên hơn nửa thế kỷ. Món mà tui thích là hủ tiếu khô. Sau này ăn nhiều quán hủ tiếu Nam Vang ở Saigon nhưng vẫn cảm thấy không quán nào ngon bằng hai quán này (có lẽ tại đầu óc địa phương chăng, với lại tui cũng chẳng là người sành ăn –nói trước rồi). Đó là nói về hủ tiếu Nam Vang ở Việt Nam. Phải ăn hủ tiếu Nam Vang ở Nam Vang (Phnompenh-Cambodia) thì mới là “trúng tủ”. Tui ở Nam Vang làm khách được một thời gian ngắn. Gia đình chị Mean Soman –Đại biểu Quốc hội Cambodia kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ – đối đãi với tui thật nồng hậu. Biết tui thích Hủ tiếu Nam Vang họ đưa tui đi ăn khá nhiều quán. Có quán sang trọng trong khách sạn 5 sao, có quán bình dân bên đường quốc lộ đi Siêm Riệp tới Angcor Wat. Nhưng chấm điểm cao nhất cũng chỉ có hai quán. Một quán theo phong cách Tàu, lịch sự, hiện đại: ghế nệm,bàn tròn bằng kính dầy 8ly  ở giữa là mâm xoay để mọi người tiện lấy đũa muỗng, khăn, gia vị. Tô hủ tiếu phủ đầy thịt đùi xắt mỏng, râu mực, lòng, gan, tim, cật. Nước hủ tiếu trong veo để riêng trong một cái chén sứ nhỏ , nếm ngọt lừ vị xương đảm bảo không nêm bột ngọt. Quán thứ hai nằm trên một con đường nhỏ hẹp trong chợ, khách đi xe hơi tới phải đậu từ xa. Quán chật chội, đông đúc. Thường phải kêu một lần hai tô cho một người, vì tô ở đây nhỏ và thường thời gian chờ phải 15 phút mới tới lượt. Khách đông nghẹt. Khỏi phải nói món hủ tiếu Nam Vang ở đây ngon mà là RẤT NGON. Tui thì mù tịt tiếng Miên, vả lại cứ ngồi trên xe cho con chị Soman chở đi nên không biết địa điểm của quán này cũng như tên quán, thôi xin cáo lỗi vậy. Túm lại, Hủ tiếu Nam Vang thì ngon nhất dĩ nhiên là ở Nam Vang rồi, dù ở Việt Nam hợp khẩu vị hơn hoặc biến tấu nhiều hơn, dù hủ tiếu Nam Vang ở Nam Vang không có …giá sống…hi hi…
  Return again…hi hi… tui nấu một bữa Hủ tiếu Nam Vang hoành tráng có đủ cần, hẹ, hành lá, tỏi chiên, tỏi băm ngâm dấm, dầu giấm, gan, cật, thịt nạc băm nhuyễn, tôm… và mời hai anh bạn Nepal tới ăn cho vui.  Rồi tẽn tò. Một anh sau khi nhìn mâm thức ăn đột nhiên cáo lui vì có …việc bận đột xuất. Anh kia thực thà hơn cho tui biết là món ăn của tui không hợp khẩu vị của họ. Sau này tui mới biết dân Nepal và Ấn độ ăn món gì cũng phải bỏ gia vị (bột nghệ, bột càry) cho có màu mới ăn được, còn thịt luộc màu sắc tự nhiên thì làm họ… chạy… Thế là phải ăn hủ tiếu suốt hai ngày, ngán đến ba tháng sau luôn.
  Vài tháng sau, tui lại nấu phở. Phở gà. Không có gì dễ hơn, thịt gà thì mua đâu cũng có vì là thứ thịt phổ biến nhất cùng với thịt trâu (chỉ duy nhất người họ Sakya – Thích ca – trước đây không ăn thịt gà, trứng gà như là một tục lệ cổ. Tuy nhiên ngày nay thì họ cũng đã ăn gà rồi). Lần đầu nấu dùng nồi áp suất hầm cả con gà. Kết quả là nước lèo rất ngon nhưng thịt thì… bở rệt  he he… Lần sau thì luộc; thế là nước không ngọt. Cuối cùng thì rút kinh nghiệm, nấu làm hai lần. Lần đầu luộc chín vừa, rồi tách thịt, da ra. Sau đó đem phần xương hầm cho thật nhừ để làm nước lèo.
  Ngon nhưng hổng đã!  Vì phở gà thì chẳng bao giờ sánh bằng phở bò. Thế là phải tìm cách. Trước tiên thử thay thế bằng thịt trâu. Dai nhách, sớ to không thể làm món tái; mà nấu nhừ cách mấy thì cũng không thể làm món chín. Với lại bao giờ cũng chỉ có mùi  …. Trâu… he he… Kể cả tui tìm mua cho được mấy gói mì ăn liền Made in China chỉ để lấy mấy gói gia vị bò mà nêm nếm. Cũng không át được mùi trâu!
  Rồi dọn nhà tới Jawalakhel. Một hôm lục lạo trong siêu thị  ở khu này kiếm ra mấy bịch thịt bò mừng xém nhảy cẫng lên. Thì ra khu này có nhiều người nước ngoài sống dài hạn nên mới có thứ đặc sản này. Đặc sản vì hiếm, mắc (5USD nửa ký) và quý (vì nhập khẩu thịt bò phải có giấy phép đặc biệt của chính phủ, ghê hôn?). Mọi chuyện thật là vừa khéo vì mấy bụi húng quế, ngò gai tui trồng từ hạt giống gửi từ Việt Nam qua cũng vừa lên kha khá. Nói ra mắc cỡ, nôn quá hổng chờ được nên có mười bụi ngò gai  mỗi bụi ngắt lấy hai lá lớn nhất, còn 4 bụi húng quế thì cũng cẩn thận ngắt từng lá già ở gốc được chừng 50 lá. Lại còn được một đoàn hành hương Việt Nam thăm Lumbini tháng trước tặng mấy gói gia vị phở và tương đen. Tuyệt vời.  Bữa phở đó là một trong những bữa ăn phở ngon nhất đời. Gắp một đũa đầy bánh phở trộn kỹ với giá trụng nhai bắt trớn rồi đưa miếng thịt bò tái kẹp ngò gai húng quế chấm tương đen vào miệng nhai nhấm nháp, ngon ê cả răng… Dù nước lèo không có mỡ  béo thế mà húp xì xụp một tô lớn như tô phở Pasteur.  Chiều lại làm đợt hai và 9 giờ tối còn ráng làm đợt ba… Tính ra tô phở dưới trung bình theo tiêu chuẩn phở Việt Nam đó giá mắc cỡ tô phở “đại gia” thịt bò Kobe ở Hà lội. Nửa ký thịt 5USD = 100,000ĐVN cộng với gói bánh phở 3USD = 60,000ĐVN, cộng với giá, hành tiêu 1USD = 20,000, nhưng mắc nhất là 20 lá ngò gai và 50 lá húng quế mà tui định giá hơn 100USD = 2 triệu đồng (vì tiền cước gửi hạt giống từ VN qua cộng với công phu chăm sóc cực khổ của tui he he).
  Năm nay dọn về nhà mới có sân vườn rộng nên đang lên kế hoạch trồng mấy liếp rau. Hạt giống ngò gai, húng quế, tía tô, rau muống, khổ qua, mướp… các loại đã có sẵn rồi. Chỉ chờ mưa là mần ngay. Mấy tháng rồi không được ăn phở vì thiếu rau thơm, giờ ngồi trốn rét trong phòng mơ một tô phở bốc khói ở Saigon mà muốn chảy nước miếng…he he
   Bài này ban đầu chỉ định nói về phở , thế nhưng lan man tản mạn nhiều thứ quá nên dài quá chừng, mong bà con thông cảm. Chỉ nghĩ thầm rằng nếu không có PHỞ  thì mất đi tính DÂN TỘC, cái HỒN VIỆT mà tác giả muốn giữ gìn dù lưu lạc ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này.  
   Hoan hô Món Ăn Việt Đệ Nhất!
                                                                  Đầu Xuân Nhâm Thìn 2012
                                                                 Nguyễn Phú
   TB: Bài này chính là một "cục gạch" năm rồi. Nay hoàn chỉnh xin gửi các bạn.... he he

28 tháng 1, 2012

TÔN VINH SARASVATI - NỮ THẦN KIẾN THỨC, ÂM NHẠC và NGHỆ THUẬT

-->
TÔN VINH SARASVATI - NỮ THẦN KIẾN THỨC,  ÂM NHẠC và NGHỆ THUẬT


SARASVATI -Nữ Thần Kiến Thức, Âm Nhạc và Nghệ Thuật
Không gì có thể so sánh với học vấn –kiến thức – kỹ năng. Nhất là trong thế kỷ 21 này, thế kỷ của Kinh Tế Tri Thức. Là xứ sở có nền văn minh lâu đời và liên tục hơn 5,000 năm, Tiểu Lục Địa truyền trao sự quý trọng học vấn của mình qua các thế hệ bằng một phong tục đẹp: Vasant Panchami – Ngày Tôn Vinh Nữ Thần Học Vấn, Âm Nhạc và Nghệ Thuật Sarashvati.

-->
Hôm nay mùng năm là ngày kết thúc hội xuân Tamang với buổi chung kết cuộc thi Ca-Múa Tamang và Miss Tamang 2012. Ngoài ra còn có giọng ca vàng Prasant Tamang, người làm cả nước Nepal phát sốt cách đây 5 năm vì giật được giải nhất Indian Idol – cuộc thi ca nhạc danh giá nhất Ấn Độ. Thực ra anh chàng này mang quốc tịch Ấn, gốc gác vùng đồi trà nổi tiếng Darjeeling. Tuy nhiên dân Tamang được Tiểu Lục Địa Ấn Độ xếp vào gốc gác Nepal nên xứ sở Nepal nhỏ xíu (20 triệu người so với 1 tỷ của Ấn Độ) hãnh diện biết bao nhiêu. Anh bạn họa sĩ bật mí cho biết Ban Tổ chức hội xuân sẽ chơi chiêu giật gân bằng cách mướn 4 chiếc trực thăng để chở danh ca Prasant Tamang, 24 ứng viên hoa hậu và các khách VIP vào sân, một phần cũng vì lượng người tham gia hội xuân ngày hôm nay sẽ đông đảo. Mình ngán ngẩm chuyện chen chúc, vả lại hôm nay còn có một sự kiện quan trọng hơn chuyện đi xem mặt mấy chàng ca sĩ và nghe mấy cô hoa hậu hát ;-D. Hôm nay là ngày Vasant Panchami.     
Cầu nguyện Manjusri-Sarasvati trong ngày Vasant Panchami

    Không gì có thể so sánh với học vấn –kiến thức – kỹ năng. Nhất là trong thế kỷ 21 này, thế kỷ của Kinh Tế Tri Thức. Là xứ sở có nền văn minh lâu đời và liên tục hơn 5,000 năm, Tiểu Lục Địa truyền trao sự quý trọng học vấn của mình qua các thế hệ bằng một phong tục đẹp: Vasant Panchami – Ngày Tôn Vinh Nữ Thần Học Vấn, Âm Nhạc và Nghệ Thuật Sarashvati.
Viết tên mình bằng phấn lên các bề mặt của Đền để cầu nguyện Nữ Thần Kiến Thức độ trì

Viết chữ cái đầu tiên


Các đôi tình nhân thì viết tên mình cùng nhau cầu Thần Tình Yêu phù hộ

   Ngày này còn được gọi là Shree Panchami (Ngày Mùng Năm Vĩ Đại) là ngày đầu tiên của mùa xuân. Theo phong tục, ngày này trẻ con được học mặt chữ đầu tiên từ bảng chữ cái Devanagari (Bảng chữ cái của Sanskrit, Hindi, Nepali… có nguồn gốc từ bảng chữ cái Brahmi cổ đại), các gia đình tế cáo tổ tiên và các đôi tình nhân thì lễ bái thần Kamadeva (Thần tình yêu). Tuy nhiên quan trọng nhất trong ngày này là việc lễ bái Nữ thần Sarasvati.
   Sarasvati là người phối ngẫu của Thần Sáng Tạo Brahman – một trong ba vị thần chúa tể của Hindu giáo. Nữ thần được mô tả trong nghệ thuật Ấn với một cung cách uy nghi sang trọng, mặc sari trắng, ngự trên tòa sen trắng, có bốn tay cầm các thứ như: kinh sách-xâu chuỗi hoặc hoa sen trắng–đàn sita. Bốn tay này còn tượng trưng cho bốn khía cạnh của con người trong chuyện học tập: trí nhớ-thông minh-sự nhanh trí và bản sắc cá nhân. Vật cưỡi của Nữ Thần là con ngỗng trắng.
 
   Nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, thầy giáo và sinh viên học sinh đủ các lứa tuổi lễ bái Sarasvati cầu mong Nữ thần ban cho kiến thức và kỹ năng. Lễ cúng Nữ Thần được gọi là Sarasvati Puja. Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức của Nepal ngày hôm nay cùng tham dự một nghi lễ đặc biệt gọi là Vasant Shrawan tại hoàng cung cũ của các vua Malla. Các VIP nhận tika (chấm ban phước màu đỏ ở trán) và nghe các thầy tư tế Hindu tụng đọc kinh sách.
Trẻ cầu nguyện

Già cũng cầu nguyện Nữ Thần
   Có một phong tục Hindu là: nếu ai nuốt được bảy hạt gạo (tượng trưng cho các bộ môn văn học nghệ thuật) dâng cúng cho Nữ Thần Kiến thức, người đó sẽ trở nên thông thái học một biết mười. Thế là học trò chen lấn nhau giành giật từng hạt gạo rơi ra từ các bàn thờ trong đền thờ Sarasvati.
Các đồ cúng trong ngày Vasant Panchami: quan trọng nhất là đèn bơ, gạo , bột vàng và PHẤN (để viết tên lên các bề mặt quanh đền)
Chen chúc nhau lễ bái và...giành các hạt gạo
  Người ta đi đến các đền miếu Sarasvati để lễ bái trong ngày Vasant Panchami. Ở Kathmandu, Ngôi đền linh thiêng nhất cho ngày này lại chính là đền Manjusri trên đồi Swayambu.
  Thật ra không lạ vì Manjusri-Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong truyền thống Phật giáo chính là Bồ Tát chủ về Kiến Thức-Học Vấn. Người Hindu ở Kathmandu thì cho rằng ngôi đền này là đền Sarasvati còn Phật tử thì cả quyết đó là đền Manjusri, người sáng lập ra Kathmandu. Mọi chuyện tranh cãi bắt nguồn từ lịch sử thành lập Kathmandu trong huyền sử (sẽ có một chuyên đề riêng về chuyện này ;-D).
Chùa Swayambhu nhìn từ phòng làm việc nhà mình

Manjusri -Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi

Đền Majusri-Sarasvati trên đồi Swayambhu


  Từ sáng sớm, mọi người đã chen chúc đổ về ngôi đền giản dị này trên đỉnh đồi Swayambhu. Cầu nguyện, xin lộc, cầu duyên, học vỡ lòng… Tôi cũng đến đây để cầu nguyện cho chuyện học tập của mình.
   Sáng nay có thế cảm thấy trời không còn lạnh giá như mấy bữa trước bởi vì BASANT có nghĩa là Mùa Xuân, còn Panchami là mùng Năm. Basant Panchami rơi vào ngày mùng Năm tháng Magh, tháng thứ 10 theo lịch Ấn Độ, đánh dấu ngày đầu tiên của mùa Xuân trong năm. Người của Tiểu Lục Địa Ấn Độ chọn ngày đầu tiên của mùa Xuân làm ngày tôn vinh Nữ Thần Sarasvati thật là hoàn hảo và đầy ý nghĩa! Vì mọi sự bắt đầu từ mùa xuân. Hôm nay, tôi cũng tôn vinh Nữ thần Sarasvati và cầu xin Người phù hộ cho một hành trình mới của tôi bằng việc học tượng trưng bảng chữ cái Devanagari để dấn thân vào các ngôn ngữ Hindi, Sanskrit, Pali và Brahmi, để có thể đọc trực tiếp kinh sách và nghiên cứu sâu hơn lịch sử và văn hóa Himalaya.
     Cầu nguyện Bồ Tát Majusri - Nữ thần Sarasvati độ trì và ban cho kiến thức!
Nhận tika ban phúc

   Mùng Năm Tết Nhâm Thìn - Swayambhu
Nguyễn Phú