29 tháng 3, 2011

Phát hiện khảo cổ quan trọng ở quê mẹ Đức Phật



image
Song song với việc tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ ở Lumbini và Kapilavastu dưới sự tài trợ của UNESCO trong năm 2011 này, Lumbini Development Trust cũng dùng số ngân sách ít ỏi của mình để tự khai quật tại Devda – quê mẹ Đức Phật Thích ca.

Địa điểm được lựa chọn là ngôi đền Barimai do nơi đây phát lộ nhiều gạch cổ của một kiến trúc đã bị hư hoại nhiều thế kỷ.
Địa điểm này có hai ngôi đền gần nhau trên diện tích khoảng 1 ha. Tên thường gọi  là Barimai và Kanyamai.
Đây là tên của hai nữ thần Hindu, được tôn thờ rất phổ biến khắp lưu vực sông Hằng cho đến tận Kasmir.
Lâu nay vẫn có một cuộc  tranh luận không ngã ngũ về nguồn gốc lịch sử của hai ngôi đền này trong dân chúng địa phương, kể cả một số nhà nghiên cứu.
Một số cả quyết đây là đền Hindu của Barimai và Kanyamai, trong khi số khác thì cho là đó là đền thờ Mahadevi và Prajapati, mẹ và di mẫu Đức Phật.

Trong ngôi đền Kanyamai, có thờ một tượng phụ nữ rất có giá trị về mặt cổ vật và mỹ thuật cùng với các mảnh đá vụn vỡ ra từ các pho tượng khác được thu thập trong khuôn viên ngôi đền thời gian trước đây.
Tín đồ Hindu cho rằng đó là tượng của nữ thần Kanyamai.

Trong ngôi đền Barimai thì thờ một tượng khác đào được tại đây trước kia mà tín đồ Hindu cho là Barimai trong khi Phật tử địa phương cho rằng đó là tượng Bồ tát Liên Hoa (Padmapani Bodhisattva).

Đội khảo cổ của LDT dưới sự hướng dẫn của ông Prakash Darnal (Trưởng ban Khảo cổ -Cục Khảo Cổ Nepal) và Himal Kumar Upreti (Chuyên viên khảo cổ của LDT) đã bắt đầu khai quật nền móng của ngôi đền cổ tại Barimai từ sáng ngày 02/03/2011.
Hơn chục học sinh trung học dưới hướng dẫn và theo dõi sát sao của hai chuyên viên đã tỉ mẩn vét từng muỗng đất, tháo dỡ cẩn thận từng viên gạch.
Ngoài các viên gạch cổ, họ đã thu thập được các mảnh gốm vụn và các di vật khác.

Đến 10 giờ sáng ngày 23/03/2011 các nhà khảo cổ phát hiện một bức tượng đá nhỏ 20x25cm dưới chân bức tường gạch.
Tượng đã bị mất đầu, tuy nhiên có thể dễ dàng nhận ra đây là bức tượng mô tả Đức Phật Thích-ca đang toạ thiền theo thế hoa sen, tay mặt bắt “Xúc Địa Ấn”.
Chúng tôi chưa thể định tuổi của pho tượng ngay lúc này. Còn quá sớm để có thể kết luận niên đại của bất cứ thứ gì khai quật được. Tuy nhiên đây là một chứng cứ quan trọng về mặt lịch sử của hai ngôi đền. Nó sẽ giúp chính phủ Nepal ra quyết định khai quật tiếp các di tích khác.” Ông Prakash Darnal nói.
Đây là một phát hiện khảo cổ quan trọng vì nó chứng minh rằng ngôi đền này không phải là đền Hindu thờ Barimai mà chính là một ngôi đền Phật giáo, chính xác hơn chính là ngôi đền thờ di mẫu Đức Phật Prajapati – người đứng đầu Ni đoàn trong Giáo đoàn của Đức Phật.
Đây cũng chính là tiền đề trong việc chứng minh tích cách Phật giáo của các di tích tại Devda, quê mẹ Đức Phật.
Nguyễn Phú tường trình trực tiếp từ hiện trường khai quật ở DEVDA - NEPAL, 3/2011
Nền móng bằng gạch cổ phát lộ tại đền Barimai (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2010)
Lối vào ngôi đền Kanyamai và Barimai (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2010)
Tượng Mahadevi mẹ Đức Phật , Hindu cho rằng đó là Kanyamai (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2010)
Tượng Bồ Tát Liên Hoa, Hindu: Barimai (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2010)
Đội Khảo cổ đang khai quật và một số mẫu vật thu thập được (Ảnh tư liệu của Nguyễn Phú năm 2011)
Tượng Phật Thích Ca đào được tại Barimai – Ảnh Nguyễn Phú chụp lúc 15 giờ ngày 22/03/2011