Hiển thị các bài đăng có nhãn Lịch sử Phật giáo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lịch sử Phật giáo. Hiển thị tất cả bài đăng

23 tháng 10, 2012

DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 9 MAHA NAVAMI - DIỆN KIẾN LIVING GODDESS KUMARI

Kumari trong một lần ra ngoài dự lễ
  Kumari là Nữ thánh Sống duy nhất không chỉ của Nepal mà toàn thế giới. Chiêm bái Nữ thánh sống Taleju vào ngày Navami, đỉnh của các nghi thức chiêm bái thần linh, đấy mới chính là dân Kathmandu sành điệu!    
   Bước vào bên trong Kumari Ghar, tôi hồi hộp di từng bước chân. Đây là nơi mà các nhà vua trước đây và cả Tổng thống hiện nay cũng phải đến hàng năm vào dịp lễ hội Indra Jatra để nhận tika ban phúc của Kumari như là một sự chuẩn thuận từ Nữ thần hộ quốc cho sự cai trị của họ trong một năm.
 Tôi có lẽ là người ngoại quốc đầu tiên vào được căn phòng Kumari ngự và đảnh lễ Nữ Thánh Sống.
Phải mất bảy năm tôi mới thực hiện thành công kế hoạch diện kiến Kumari Kathmandu. Cái giá không phải là quá đắt! 



Hôm này là ngày thứ chín của Lễ Hội Dashain, gọi là Maha Navami – nghĩa là Ngày Thứ Chín Vĩ Đại. Các nghi lễ cúng bái Nữ thần lên đến đỉnh điểm trong ngày này.




  Từ sáng sớm hàng đoàn tín đồ Hindu đã kéo đến cúng bái tại các đền thờ của các nữ thần Dakshinkali, Guheshwari, Maitidevi, Kalikasthan, Naxal Bhagawati, Bhadrakali, Shobha Bhagawati, Bijyeshwori, Indrayani, Naradevi, Bajrabarahi, Raktakali, Bajrayogini and Sankata .Theo phong tục, các tín đồ dâng cúng lễ vật và tụng đọc kinh Durga Saptari.
Xếp hàng cả cây số để vào chiêm bái đền Taleju
Ngày này quan trọng vì Nữ thần Chamunda đã giết chết được quỷ vương Raktabji(một biến thể của huyền thoại Durga và chính Chamunda cũng là một hóa thân của Durga).
Việc hiến tế súc vật tiếp tục diễn ra trong ngày này, đặc biệt là tại các Dashain-ghar và Kot (doanh trại quân đội) và các đền miếu thờ Durga và các hóa thân của bà như Kali, Taleju. Thú vật được hiến tế lên Nữ thần Durga ngày hôm nay để mong sự bảo hộ của Nữ Thần cho xe cộ và người sử dụng chúng.Gà, vịt, dê, cừu, trâu bị chặt đầu khắp nơi để hiến tế. Người không sát sanh thì hiến tế bằng cách đập vỡ một trái dừa (tượng trưng cho đầu Quỷ Vương) , một quả trứng hay một bầu nước.
Cũng vào ngày Navami, Vishworkarma, Thần Sáng Tạo – thần của thợ thủ công và xây dựng, được các thợ thủ công, thợ máy, doanh nhân cúng bái thông qua các công cụ lao động, máy móc, vũ khí, xe cộ.
Đặc biệt trong ngày này ngôi đền Taleju Bhawami nổi tiếng trong quần thể cố cung Hanuman Dhoka của các vua Malla được mở cửa một ngày duy nhất trong năm để dân chúng vào chiêm bái Nữ thần Taleju. Đây là ngôi đền dành riêng cho vua và hoàng tộc (cả Malla và Shah-Gorkha) cúng tế Taleju, hóa thân của Durga và là thần hộ quốc của Nepal. Vị nữ thần Taleju này gắn liền với Mật Tông đặc biệt của các vua Malla và Kumari-Nữ thánh sống nổi tiếng chính là hiện thân của Nữ thần Taleju (xin có bài viết riêng về Mật Tông Malla, Nữ thánh sống Kumari và ngôi đền Taleju sau).
Dân chúng kéo vào đền Taleju để chiêm bái

Đã có kinh nghiệm nhiều năm trước và có mục tiêu đặc biệt trong năm nay nên tôi chọn buổi xế chiều để đến quần thể cố cung Malla.
 Có một quy định rất khắc khe là cấm người ngoại quốc vào bên trong các ngôi đền thiêng Hindu; chủ yếu là Tây phương mắt xanh mũi lỏ, nhưng để khỏi bị khiếu nại nên cấm luôn ngoại quốc da vàng mũi tẹt.
 Ngay từ năm đầu tiên sống ở Nepal tôi đã tìm ra cách lách qua cái quy định buồn cười này. Rất nhiều lần tôi đứng trước cổng đền và bị chặn lại, phải ấm ức quay về. Cho đến khi một anh chàng họa sĩ Nepal đùa vui tếu táo: “You look like Nepali 100% - Mày giống hệt một thằng Nepali.” Tôi nảy ra ý tưởng và áp dụng thành công cho đến bây giờ.
Bảo vệ canh gác cẩn mật cổng vào đền Taleju

  Tại sao tôi bị chặn lại? Phải chăng vì cái dáng bộ lơ ngơ, nghiêng nghiêng, ngó ngó, tay lăm lăm cái máy ảnh thấy gì cũng chụp? Cái dáng bộ ấy cách xa hàng cây số đã ngửi ra là một thằng ngoại quốc, hay khách du lịch. Chỉ cần là ngoại quốc là đủ.Có ai hỏi quốc tịch đâu?  
   Thế là tôi đóng vai một anh chàng câm (vì đâu có biết nói tiếng Nepali hay Hindi) tay bưng đĩa lễ vật ready-made mới mua của người bán rong, mắt nhìn thẳng không láo liên xung quanh,cứ đàng hoàng đi qua trạm gác và mấy anh chàng bảo vệ hách xì xằng vào thẳng trong các đền cấm. Bằng chiêu người-câm này tôi đã lọt vào tất cả các đền thiêng ở Kathmandu, kể cả Pashupatinath là ngôi đền canh giữ cẩn mật nhất bằng cả một đại đội cảnh sát dã chiến.
   Tôi đã vào cúng bái đền Taleju hầu như mỗi năm khi ngôi đền này mở cửa cho công chúng lần duy nhất trong năm vào ngày Navami, (năm nay tôi có mục tiêu khác nên đến đây vào buổi chiều). Thời điểm tốt nhất là sáng tinh mơ, chừng 5 giờ, giờ chỉ có tín đồ ngoan đạo mới đi trong sương lạnh vào cúng sớm. Giờ này thì mấy anh chàng trật tự mới khởi động nên cũng không gay gắt lắm, cái gì cũng cho qua. Vả lại họ sẽ không đề phòng khách du lịch hay người nước ngoài chịu khó dậy sớm chen lẫn vào đền. Tôi cứ câm nín lẳng lặng đến xếp hàng vào đoàn người rồng rắn di chuyển từng bước một theo cạnh tường ngôi đền để lọt qua cổng đền. Sau đó leo từng bậc thang đá lên ba tầng cấu trúc như Kim tự tháp Nam Mỹ. Cuối cùng đến được ngôi đền hoàn mỹ trên đỉnh. Cũng chỉ có một cửa phía Bắc mở ra cho dân chúng, ba phía còn lại vẫn đóng kín. Mỗi người chỉ có chưa đến 1 phút để liếc qua cái khám thờ nhỏ ngăn riêng ra cho dân chúng ở giữa là cái bệ thờ phủ vải đỏ trên đó đặt một mặt nạ cổ bằng đồng chân dung của Taleju, cùng với bình nước thánh. Tín đồ đứng ngoài bệ cửa dâng lễ vật qua tay mấy ông Brahmin và hướng về bàn thờ khấn vái, rồi phải dời đi ngay lấy chỗ cho người kế tiếp.
  Sau khi cúng bái Taleju, mọi người lại phải xếp hàng đi qua cửa hông thông với cố cung, xuyên qua các hành lanh của các cung để ra ngoài thông qua cổng chính của hoàng cung là Hanuman Dhoka (Cổng Thần Khỉ).
  Lối ra này có đi xuyên qua một cung gọi là Mul Chok. Đấy một cung điện kiến trúc theo lối Newar (văn hóa của cư dân gốc Newari của Thung Lũng Kathmandu) với bốn dãy nhà bao quanh một cái sân hình vuông 12x12m lát đá. Đấy là nơi hiến tế Taleju vào nửa đêm giữa Ashtami và Navami. 54 con trâu và 54 con dê đã bị chặt đầu tại đây vào đêm này hàng năm. Đầu và thân của chúng đã được mang đi trước khi tín đồ đầu tiên vào cổng đền Taleju. Bột mùn cưa thấm đẫm máu của chúng tạo thành một thứ bùn đặc nâu sẫm trên khoảnh sân lát đá. Máu bắn cả lên các bức tường. Tôi bước chậm lại, miệng lầm rầm niệm chú đại bi cầu nguyện cho vong hồn của chúng sớm được siêu sinh.
   Cái cung điện Mul Chow này cũng chính là nơi diễn ra nghi lễ bí mật cuối cùng để lựa chọn một Kumari mới. Cô bé gái bị đặt ngồi một mình trong căn phòng tối nhìn ra khoảnh sân ngập máu giữa hàng trăm chiếc đầu mắt mở trừng trừng của đàn súc vật vừa bị hiến tế. Nếu cô không sợ hãi, bình thản ngồi trong im lặng chết chóc đó cho đến khi các thầy tư tế hoàng gia hoàn thành buổi cầu nguyện bên đền Taleju quay trở lại, cô đã vượt qua cái test cuối cùng để trở thành Kumari, hiện thân sống của Taleju-Durga, Nữ thánh sống bảo hộ cho Thung lũng Kathmandu.
   Thế nên, với dân Kathmandu chính gốc, đến chiêm bái Nữ thánh Taleju sống, Kumari, mới chính là tột đỉnh của các nghi thức cầu nguyện nữ thần trong ngày Navami cũng như như suốt mùa Dashain.
   Kumari Ghar thì nằm ngay quảng trường hoàng cung, cách đền Taleju khoảng hơn trăm mét. Đây là một kiến trúc cổ Newari nửa chùa nửa nhà ba tầng. Rất nổi tiếng đối với du khách ngoại quốc như là Cung điện của Kumari. Hàng ngày, lối 4 giờ du khách ngoại quốc chen chúc trong cái sân bên dưới ngóng cổ nhìn lên khung cửa sổ 3 phần liên hoàn để thấy Kumari ló mặt ra nhìn xuống trong vài giây rồi biến mất. Nghiêm cấm chụp hình, và quy định này được giữ rất ngặt nghèo bởi mấy anh chàng bảo vệ Kumari Ghar đứng lẫn với du khách. Thoáng thấy cái bóng đỏ của Kumari rồi thì đám du khách đành phải tiu nghỉu ra về.
Xếp hàng vào bên trong chiêm bái Kumari -Cái biển đỏ viết "NO ENTRANCE FOR FOREIGNERS", anh chàng bảo vệ chỉ cho mỗi lượt 5 người vào sau khi có 5 người ra

   Tôi đến Kumari Ghar cũng tầm 4 giờ chiều. Cũng lẳng lặng xếp vào hàng dăm chục người rồng rắn đi vào bên trong. Phía bên tường của hoàng cung đoàn người xếp hàng vào đền Taleju kéo dài cả cây số cho đến tận ngoài đường New Road. Tôi ung dung lần bước trong đoàn người địa phương men theo hành lang để vào cái cửa nhỏ thấp, trong khi bên dưới sân thì đám du khách như mọi hôm chen chúc nhau vô vọng ngóng lên cái cửa sổ nổi tiếng nhất Nepal mà không biết rằng hôm nay Kumari bận ban phúc cho mọi người nên không đến bên cửa sổ. Còn cách ba mét tới cái cửa vào thì tôi suýt bị lộ. Lần đầu tiên từ khi sử dụng mánh người câm này. Một người đàn ông to lớn bệ vệ từ trong Kumari Ghar lách người bước qua cửa để ra sân sau khi chiêm bái Kumari. Ông xoay người, nhận ra tôi và kêu lớn mừng rỡ : “Oh, Mr. Phu.” Giọng nói vang vọng của ông làm ai cũng quay lại nhìn. Tôi tỉnh như không giả vờ quay nhìn mấy người phía sau mình rồi quay lại đặt một ngón tay lên môi ra vẻ như bảo ông giữ im lặng (thực ra là ra hiệu cho ông giữ bí mật). Ông ớ người và chợt hiểu, lắc lắc đầu giả vờ như nhìn nhầm người rồi quay người băng qua sân đến cánh bên kia tòa nhà nhìn sang.  Ông cười vui vẻ và vẫy vẫy tay chào trước khi rời đi cùng gia đình. Đó là ông Rajesh Kazi Shrestha người Newar chính gốc, cựu Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nepal. Ông hiểu ngay là tôi phải giữ bí mật mà lén vào chiêm bái Kumari. Có vẻ ông rất vui vì tôi đã thực hành nghi thức chiêm bái Kumari vào ngày này (tôi có điện cho ông sau khi rời Kumari Ghar, ông còn ngạc nhiên sao tôi lại biết được bí mật này của dân Kathmandu). Kumari là Nữ thánh Sống duy nhất không chỉ của Nepal mà toàn thế giới. Chiêm bái Nữ thánh sống Taleju vào ngày Navami, đỉnh của các nghi thức chiêm bái thần linh, đấy mới chính là dân Kathmandu sành điệu!    
   Bước vào bên trong Kumari Ghar, tôi hồi hộp di từng bước chân. Đây là nơi mà các nhà vua trước đây và cả Tổng thống hiện nay cũng phải đến hàng năm vào dịp lễ hội Indra Jatra để nhận tika ban phúc của Kumari như là một sự chuẩn thuận từ Nữ thần hộ quốc cho sự cai trị của họ trong một năm.
  
Leo lên hết hai cầu thang bằng gỗ khá dốc để đến tầng thứ ba, tôi thấy Kumari ngồi trên mấy cái gối đỏ dầy giữa căn-phòng-có-ba-khung-cửa-sổ-liên-hoàn. Kumari hiện tại tên là Matina Shakya thuộc họ Thích ca, mới 8 tuổi, lên ngôi từ mùa Dashain 2008. Kumari mặc toàn đỏ, ngồi duỗi dài hai chân ra phía trước, hai bàn chân cũng nhuộm phẩm màu đỏ rực. Cổ cô đeo một dây chuyền bạc to như dây xích với hai tayo (mặt dây chuyền hình thoi- thánh vật Tantric) và một trang sức hình con rắn khảm ngọc đỏ. Kumari mở to đôi mắt vốn rất to kẻ viền đen, đuôi mắt vẽ kéo dài xếch lên màng tang. Trán cô vẽ một vầng đỏ viền vàng hình trăng lưỡi liềm úp ngược. Chính giữa trán gắn một con mắt thứ ba bằng vàng. Tóc cô bới cao, cột túm lên trên với hoa màu đỏ. Lần lượt từng người quỳ xuống trước mặt Kumari cầu khấn rồi vinh dự chạm trán vào hai bàn chân để trần của Nữ thánh Sống. 
Căn phòng với ba cửa sổ liên hoàn này là nơi Kumari ngự để ban phúc cho mọi người

  Được chiêm bái Kumari-Living Goddess, một Royal Kumari của Kathmandu.  
  Thế là mơ ước của tôi đã thành sự thực. Tôi đã được chiêm bái tất cả các Kumari quan trọng của Thung lũng Kathmandu. Từ Cha Bahil, nơi khởi nguồn cho tập tục Kumari cho đến Kumari Patan – cựu Royal Kumari cho đến khi hoàng cung Malla dời sang Kathmandu. Kể cả Bhaktapur, nơi tập tục thờ phượng Kumari bắt đầu trễ nhất (800 năm trước). Trong số các Kumari quan trọng của Cha Bahil, Patan, Bhaktapur, Kathmandu thì diện kiến Kumari của Kathmandu là khó nhất. Đây là Royal Kumari của Nepal hiện nay, người nắm giữ bí mật Tantric của Nepal, sống trong Kumari Ghar dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của Chính Phủ .Tôi có lẽ là người ngoại quốc đầu tiên vào được căn phòng Kumari ngự và đảnh lễ Nữ Thánh Sống.
  Phải mất bảy năm tôi mới thực hiện thành công kế hoạch diện kiến Kumari Kathmandu. Cái giá không phải là quá đắt!     

Hắn dứng bên dưới căn phòng của Kumari - giống hệt một gã Kathmanduist

    Ngày mai sẽ có một cuộc phiêu lưu thú vị khác: nhận tika từ Tổng thống Nepal, xin mời đón xem!



29 tháng 8, 2012

LỄ VU LAN NGUYÊN THỦY

Nhân mùa Vu Lan xin post lại loạt bài đã đăng trên Giác ngộ vài năm trước về Lễ Vu Lan. Lý do là vì mình đọc được rất nhiều bài viết đảo điên thứ tự về lễ Vu lan, kể cả của các "học giả" . Thay vì phải lần tìm về nguồn cội của một nghi lễ có xuất xứ từ chính Đức Phật (do chính Phật Thích-ca lập nên, nghĩa là trên 2500 năm), tại địa phương của nó, các "học giả" nhà ta lại lộn đầu xuống đất, dịch ngược từ VU-LAN của tiếng Trung Quốc sang tiếng Sanskrit thành ULLAMBALA, khiên cưỡng theo cái nghĩa TỘI TREO NGƯỢC - một trong những hình phạt ở địa ngục. Đăng bài này lại để nhắc các "học giả" rằng Đạo Phật xuất xứ từ Ấn Độ, không phải Trung Quốc và dịch ngược danh từ riêng từ tiếng Trung quốc về tiếng Phạn sẽ đi sai đường. Hãy trả lại Cesar cái gì của Cesar!



PHN 1: KHẢO SÁT VỀ NGUỒN GỐC LỄ VU-LAN Ở KATHMANDU, NEPAL

*********


Vu Lan "Bồn"


Chúng tôi đoan chắc rằng GŪLA chính là từ nguyên của Vu-lan khi phiên âm sang tiếng Trung Quốc. Cũng như Vu-lan bồn là để chỉ cái chậu chứa năm thứ vật thực cúng dường chư Phật hoặc chư tăng, ni trong ngày Pancha Dana; nghĩa bóng là Lễ Cúng Dường mùa Vu Lan (không phải dịch ngược Vu lan từ tiếng Trung sang tiếng Phạn thành ullambala - tội treo ngược rồi áp đặt nghĩa Lễ Đảo Huyền cho Vu lan như một số "học giả" vẫn làm vào kỳ Vu lan hàng năm - NP).




Một số “bồn” dùng trong mùa Vu-lan của người Newari: GULPA, và GULU dùng đựng các vật thực cúng dường Chư Phật (bình bát bằng đồng). GULPA và GULU chính là từ nguyên của Vu-lan Bồn.






  Trong quá trình 5 năm cư trú tại Nepal, chúng tôi đã có dịp may để khảo sát những phong tục cổ truyền của dân chúng địa phương tại đây. Một trong những lễ trọng trong năm, hoặc có thể nói là quan trọng nhất, của Phật tử ở đây là Đại lễ Vu-lan. Lễ Vu-lan của Nepal có gì khác với lễ Vu-lan tại Trung Quốc và Việt Nam? Nó được thực hiện như thế nào? Nguồn gốc của lễ ấy?
    Trước tiên chúng ta hãy nhìn lại nguồn gốc của lễ Vu-lan ở Trung quốc.

·                        Nguồn gốc Lễ Vu-lan tại  Trung Quốc 

Phần này chúng tôi không đi sâu vào chi tiết về từ nguyên, lịch sử hoặc  cách thức thực hành nghi lễ. Chỉ điểm qua một số nét chính để có cơ sở so sánh với Lễ Vu-lan tại Nepal.
Có lẽ bị ảnh hưởng từ Phật giáo Trung hoa, Phật giáo của Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên cũng tổ chức lễ Vu-lan gần giống như của Trung Hoa. Nói chung, tất cả các nước trên đây tổ chức lễ Vu-lan dựa theo bài kinh “Phật Thuyết Kinh Vu-lan” do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào thời Tây Tấn (265-316 AD). Kinh này nói về sự tích Phật dạy Ngài Mục-Kiền-Liên cứu mẹ bị đọa ở địa ngục. Và tất cả đều thống nhất ở một điểm theo truyền thống Phật giáo: ngày rằm tháng bảy (theo âm lịch Trung Hoa) là ngày Chư Phật hoan hỷ, oai lực chư tăng được tăng trưởng sau ba tháng an cư, và là ngày tự tứ do đó chư tăng hội họp đầy đủ.
 …Rằm tháng bảy là ngày tự tứ - Mười phương Tăng đều dự lễ này - Phải toan sắm sửa chớ chầy - Thức ăn trăm món, trái cây năm màu - Lại phải sắm gường nằm nệm lót - Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang, dầu - Món ăn tinh sạch báu mầu - Ðựng trong bình bát vọng cầu kính dâng - Chư Ðại Ðức mười phương thọ thực - Trong bảy đời sẽ đặng siêu thăng - Lại thêm cha mẹ hiện tiền - Ðặng nhờ phước đức tiêu khiên ách nàn - Vì ngày ấy Thánh Tăng đều đủ - Dầu ở đâu cũng tựu hội về - Như người thiền định sơn khê - Tránh điều phiền não chăm về thiền na - Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả - Công tu hành nguyện thỏa vô sanh - Hoặc người thọ hạ kinh hành - Chẳng ham quyền quý ẩn danh lâm tong - Hoặc người đặng lục thông tấn phát - Và những hàng Duyên giác Thinh văn - Hoặc chư Bồ tát mười phương - Hiện hình làm Sãi ở gần chúng sanh - Ðều trì giới rất thanh rất tịnh - Ðạo đức dày chánh định chơn tâm - Tất cả các bậc Thánh phàm - Ðồng lòng thọ lãnh bát cơm lục hòa…”  (Phật Thuyết Kinh Vu-lan)
Thật ra, tập tục cúng bái tổ tiên và tẩy trừ ma quỷ vào dịp rằm tháng bảy tại Trung Quốc đã xuất hiện từ rất lâu đời (ít nhất là từ đời Hán). Còn Tết Trung nguyên của Đạo giáo thì cũng có trước thế kỷ thứ VII-AD. Khi Phật giáo lan truyền đến Trung Quốc, có lẽ trùng hợp về thời điểm  và quan niệm báo hiếu nên người Trung Quốc đã hấp thụ lễ Vu-lan của Phật giáo và biến lễ Vu-lan tại Trung Quốc trở thành một lễ dân gian mang tính tổng hòa của: tập tục thờ cúng tổ tiên + Tết Trung nguyên của Đạo giáo + lễ báo hiếu của Phật giáo.
Nội dung Phật giáo có thể thấy qua việc thiết lễ cúng dường chư tăng và cầu nguyện cho người đã khuất. Còn những tập tục như cúng cô hồn, đốt vàng mã là những tập tục còn sót lại của tín ngưỡng dân gian Trung Hoa. Sau này Mật tông Trung Hoa còn soạn ra thêm lễ cúng thí ngạ quỷ. Từ đó có thể thấy Lễ Vu-lan ở Trung Quốc và các nước ảnh hưởng bởi Phật giáo Trung Quốc không còn thuần khiết và bị pha trộn bởi những yếu tố văn hoá địa phương.
Việc tìm hiểu nguồn gốc lễ Vu-lan tốt nhất nên khảo sát tại quê hương bản quán của nó tức địa bàn Bắc Ấn. Tuy nhiên Phật giáo tại vùng Bắc Ấn đã tàn lụi hơn 1000 năm trước, những lễ tiết Phật giáo cũng đã nhạt nhòa theo thời gian.
May mắn thay cho chúng tôi, một địa điểm tại Nepal vẫn còn bảo lưu được lễ Vu-lan nguyên thủy: Thung Lũng Kathmandu.


·                        GŪLA- tháng lễ trọng của cộng đồng Newari

    GŪLA là một lễ hội đặc biệt của Nepal và chỉ duy nhất có ở Thung Lũng Kathmandu (Kathmandu Valley) – đây chính là nước Nepal cổ đại với tên gọi Nepal-Mandala vào thời Asoka Đại Đế.
Xin nói qua một chút về lịch sử của Kathmandu Valley.
Về địa lý, Kathmandu Valley nằm cách Kapilavastu của Vương quốc Sakya 400km. Thung lũng này nằm trên độ cao hơn 2000m trên mực nước biển và được bao bọc bởi những ngọn núi cao. Đặc điểm này đã làm nên cái tên cổ đại nổi tiếng của thung lũng vì những ngọn núi bao bọc xung quanh giống như những cánh hoa sen trong một đồ hình Mandala. Theo huyền sử, Kathmandu chính là một cái hồ lớn vào thời tiền sử (các khảo cứu địa chất mới nhất tại đây đã chứng minh điều này). Những sườn núi xung quanh hồ lớn ấy là nơi cư trú của sắc dân Naga – nhóm chủng tộc Mongoloid của Hymalaya mà địa bàn cư trú kéo dài đến tận Trường Sơn của Việt Nam. Cũng theo huyền sử, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đã tìm đến đây để chiêm bái Swayambhu (Ánh-Sáng-Tự -Sinh từ một hoa sen do Đức Phật Bipaswi gieo trồng). Ngài Văn Thù đã dùng báu kiếm của mình cắt một lối thoát nước và biến cái hồ ấy trở thành Thung Lũng Kathmandu, còn hòn đảo giữa hồ trở thành ngọn đồi Swayambhu ngày nay. Sắc dân Naga sống gần đấy đã quy tụ lại dưới sự lãnh đạo của một đệ tử của Ngài Văn Thù, sau này được ghi nhận trong sách sử cổ đại của Ấn Độ là Kirat hay Kiran. Bộ tộc Kiran đã từng tham chiến và giúp đỡ có hiệu quả trong cuộc chiến tranh của liên minh các vương quốc Ấn Độ chống đạo quân viễn chinh của Alexander. Sau này trong công cuộc thống nhất Ấn Độ của Chandragupta (ông nội của Asoka Đại Đế), họ trở thành một đồng minh tin cậy của ông trong việc kiến tạo Đế quốc Maurya. Chính Asoka, sau khi hành hương chiêm bái tất cả các thánh tích Phật giáo của Ấn Độ đã đi đến Nepal-Mandala vào năm 250 trước Công Nguyên. Ở bốn góc của thành phố cổ Patan (trung tâm quyền lực của Nepal cổ đại) còn tồn tại bốn bảo tháp lớn được truyền tụng rằng chúng đã được dựng nên bởi chính Asoka khi ông đến thăm Nepal-Mandala. Một huyền sử nữa là Asoka đã gả con gái của ông là công chúa Charumati cho một hoàng thân trong triều đình Kiran.

Bảo tháp Swayambhu mùa Gula
nhìn từ cửa sổ phòng tác giả


Về truyền thống Phật giáo, có lẽ Phật giáo đã du nhập vào Nepal-Mandala từ thời Đức Phật. Huyền sử cũng nói rằng chính Đức Phật Thích Ca đã viếng thăm một vương tử Sakya tại Nepal-Mandala trước khi Ngài nhập Niết bàn, và sau này Ngài A Nan cũng nhiều lần đến Nepal-Mandala thăm viếng và truyền đạo cho các quý tộc Sakya lưu lạc đến đây sau khi vương quốc Sakya ở Kapilavastu bị tận diệt. Nagarjuna (Long Thọ), Buddhaghosa (Phật âm), Atisa đều đã đến thăm viếng Thung lũng Kathmandu và Swayambhu. Vì thế Phật giáo tại Kathmandu Valley có một truyền thống sâu xa và vững chắc, kéo dài không ngưng nghỉ suốt từ thời Đức Phật còn tại thế cho đến nay. Cho đến cuối thế kỷ 19, những nhà khoa học Anh đã ghi nhận rằng có đến 80% dân số của Kathmandu Valley theo đạo Phật. Chỉ từ sau khi có luật chống lại Phật giáo vào thời Rana những năm 1910-1930 và những hành động quá khích của chính quyền để thiết lập một vương quốc thuần Hindu thì số lượng người theo đạo Phật bị giảm sút nghiêm trọng. Chỉ còn trên dưới 20% vào thời điểm hiện nay. Mặc dù vậy, hầu hết những gia đình đã “cải giáo” sang Hindu đều giữ những tập tục Phật giáo của mình. Và điều quan trọng hơn, cộng đồng “thuần khiết Phật giáo” Sakya vẫn giữ nguồn mạch Phật giáo chảy mãi tại Kathmandu Valley.




Phật tử Tây Phương cũng về chiêm bái Swayambhu mùa Gula


Đối với Phật tử của Kathmandu Valley, sự kiện quan trọng nhất trong năm là thực hiện một tháng lễ trọng GŪLA.

GŪLA là tên của tháng thứ 10 trong lịch Newari (Nepal Era Calendar) - một nguyệt lịch được sử dụng từ năm 880 AD tại Kathmandu Valley. GŪLA là một từ Newari cổ (Newari là ngôn ngữ của cư dân bản địa ở Thung Lũng Kathmandu có nguồn gốc từ ngôn ngữ Bhrami được sử dụng rộng rãi vào thời Asoka). GŪLA cấu thành từ “gun” -điềm lành và “la”- một khoảng thời gian (trong trường hợp này là một tháng).  Chính vì vậy, GŪLA có nghĩa “tháng tốt lành”. Theo lịch Ấn Độ, GŪLA bắt đầu từ ngày thứ nhất của tuần trăng Srawan và chấm dứt vào ngày đầu tiên của tháng Bhada (Tám-Chín). Theo dương lịch, tháng GŪLA thường rơi vào khoảng giữa tháng Tám đến giữa tháng Chín, và hoàn toàn trùng khớp với tháng Bảy âm lịch của Việt Nam và Trung Quốc.
Vào tháng GŪLA, sau khi lúa đã cấy xong, Phật tử Newari bước vào tháng lễ quan trọng nhất trong năm của họ. Dễ quan sát hơn cả là việc họ chiêm bái ngọn đồi Swayambhu-Thánh địa Phật giáo quan trọng nhất của Thung Lũng Kathmandu.



Phật tử Newar kinh hành vòng quanh bảo tháp Swayambhu

Suốt cả tháng GŪLA, Phật tử Newari cầu nguyện, chay tịnh, thiền quán và chơi âm nhạc tôn giáo. Trong tháng GŪLA, họ không ăn thịt gà và trứng. Từ rất sớm (4-5 giờ sáng) họ đi bộ (đa số đi chân trần) thành từng nhóm đến Swayambhu cùng với những ban nhạc cổ truyền dẫn đầu mỗi nhóm để thực hiện những buổi lễ đặc biệt bất kể thời tiết thế nào. Nhạc cụ chính của bất cứ ban nhạc nào là Dhah (trống 3 tấc, một nhạc cụ cổ truyền tồn tại hơn 2,000 năm nay ở Thung lũng Kathmandu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy chứng tích của nó từ thời Kiran- Asoka Đại Đế). Những chàng trai, cô gái Newar đeo những cái trống cổ truyển này trên cổ và vỗ bằng tay trái còn tay phải gõ bằng một cái dùi đặc biệt đầu cuốn tròn như dấu “?”. Nhóm nhạc công tài tử này còn có những người thổi kèn và chơi những cái chập chõa nhỏ như chén ăn cơm.



Nhạc cổ truyền được các thế hệ chơi trong mùa Vu-lan



Vào tháng GŪLA,  Swayambhu đông nghịt người chiêm bái đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Không chỉ Phật tử mà cả người theo đạo Hindu (hoặc Phật giáo cải sang Hindu) cũng đi đến Swayambhu để tỏ lòng kính ngưỡng Đức Phật. Họ trèo lên 365 bậc đá của ngọn đồi, vượt qua những khu rừng thưa, những tượng đá của các linh vật, những pho tượng Phật cổ bằng đá to ngoại cỡ, và những con khỉ ngồi dọc theo đường đi để chờ thức ăn… để lên tới đỉnh đồi. Người người chen chúc nhau trong không gian chật hẹp và càng chật hẹp hơn bởi đèn dầu, cờ phướn, tượng phật và tranh cuộn thanka trang hoàng các tự viện và bàn thờ, bởi mùi nhang trầm hoà quyện cùng tiếng chuông và tiếng lăn của những bánh xe cầu nguyện đặt vòng quanh bảo tháp. Đây đó, những nhóm tăng ni ngồi tụng thật lớn những bộ kinh Phật cho mọi người cùng nghe, trong khi những nhóm nhạc tài tử thì tụ tập bên cạnh những tháp đá và chơi những bản nhạc cổ truyền hoặc hát lời ngợi ca chư Phật. Theo truyền tụng, việc chiêm bái này trong tháng GŪLA đã được thực hiện ở Thung Lũng Kathmandu nhiều thế kỷ , có lẽ từ 2,500 năm trước. Nghi thức này lặp lại mỗi ngày trong suốt tháng GŪLA. Mỗi ngày tiếp theo, số lượng các nhóm nhạc và người cầu nguyện ngày càng đông khi những người ở xa xôi hơn cũng tề tựu về.
Tại Patan (thành phố cổ nhất của Thung Lũng Kathmandu, nơi được mệnh danh là Thành phố Phật giáo), trong khi mưa thoả cơn khát của đất đai và vạn vật, Phật tử nhắc nhở nhau nhớ lại những lời Phật dạy. Phật tử Newari ở đây thực hiện một tháng lễ trọng bằng cách tỏ lòng tôn kính Đức Phật, nhắc nhở nhau cố gắng thực hiện ngũ giới trong cuộc sống hàng ngày, tối thiểu là một tháng.   



Vaijracharya – giai cấp tư tế Phật giáo của người Newar - tụng kinh mùa Gula



Những nữ Phật tử tắm gội sạch sẽ và chỉ ăn một bữa mỗi ngày trong suốt tháng GŪLA. Mỗi ngày, trước khi nấu nướng thức ăn trong ngày, những người phụ nữ nắn những cái tháp nhỏ bằng đất sét (caitya) và cầu nguyện trước chúng với lòng tin rằng hành động đó sẽ tích lũy công đức cho họ và gia đình. Những cái tháp nhỏ đó được cầu nguyện và giữ cẩn thận cho đến ngày cuối cùng của tháng GŪLA. Vào ngày cuối cùng của tháng GŪLA, những người phụ nữ thực hiện một nghi lễ đặc biệt: mặc những bộ trang phục đẹp nhất mà họ có cùng với nữ trang đắt tiền họ bưng những cái tháp nhỏ trong một cái khay bạc hoặc đồng theo sau những nhóm nhạc cổ truyền đi tới một dòng sông gần nhà. Ở đây họ thực hiện nghi lễ cuối cùng trước các Caitya rồi đặt chúng xuống nước. Kết thúc mùa GŪLA, số caitya có thể lên đến hơn trăm ngàn cái.





Các caitya bằng đất sét được nắn bằng tay và cúng bái suốt mùa Vu-lan




Phật tử Newar tụng kinh tại Golden Temple – Patan



Vào ngày thứ tám tháng GŪLA, Phật tử ở Patan thực hiện lễ “Pancha Dana” - Lễ dâng cúng năm thứ vật thực (gạo lức, gạo trắng, đậu, lúa mì và muối).  Đó chính là lễ cúng dường cho các chư tăng ni theo nghi thức cổ truyền. Huyền thoại truyền rằng đó chính là ngày khi Siddhartha từ bỏ lối tu khổ hạnh để chọn con đường Trung Đạo và sau đó chứng ngộ thành Phật. Trong ngày Pancha Dana, các cửa hiệu và nhà cửa trang hoàng với hoa và các tranh tượng Phật. Phụ nữ ngồi trước cửa nhà với những cái bồn bằngđồng chứa đầy 5 thứ dâng cúng (nguồn gốc của Vu-lan bồn), và dâng mỗi lần đầy hai tay vào bình bát của các tăng ni đi ngang qua theo phong tục được chính Đức Phật thực hành hơn 2500 năm trước. Các tăng ni ban phước cho mỗi thí chủ bằng cách chạm vào trán của họ bằng những cuốn kinh Phật, cầu chúc cho họ nhận được phước duyên và sự bảo hộ của chư Phật. Khi trời chạng vạng tối, một nhà sư đi vòng quanh thành phố và lắc một cái chuông báo hiệu kết thúc ngày Pancha Dana, khi đó các tăng ni không nhận thêm lễ vật dâng cúng nữa. Sau đó, vào ngày thứ 28 của tháng GŪLA, Pancha Dana lại đươc tổ chức ở hai thành phố khác của Thung Lũng Kathmandu là Kathmandu và Bhaktapur.


Vào ngày Pancha Dhana, các sư, ni hoặc thành viên của họ Sakya, Vajracharya thực hành nghi thức khất thực theo truyền thống của Đức Phật. Phụ nữ của những gia đình Phật tử ngồi trước cửa nhà với một hoặc nhiều “bồn” chứa đầy gạo, muối, tiền xu, các loại đậu để cúng dường cho họ.


Hai Vajracharya đang đi khất thực


Một cửa tiệm ở khu trung tâm buôn bán sầm uất Ason trang hoàng đẹp đẽ với tượng Phật 
và đích thân bà chủ đứng cúng dường suốt cả ngày.



Một nữ Phật tử trong ngày Pancha Dhana, 
đến 3 giờ chiều thì hầu hết các vật thực cúng dường đã cạn.



Một bô lão Sakya trong trang phục cổ truyền 
đang nhận vật thực cúng dường từ Phật tử.




Bahi Doe Boyegu, sự trưng bày các tượng Phật trong sân chùa rơi vào ngày thứ 12, và có thể kéo dài vài ngày, tuỳ thuộc vào quyết định của cộng đồng Sakya của tự viện đó. Trong ngày này, những thánh tích và tượng cổ được trưng bày cho công chúng chiêm bái và cầu nguyện. Đó là những tượng gỗ tuổi đời vài thế kỷ, có tượng đã bị mối mọt làm hư hại. Đó là những bức tranh cuộn thanka, và những tấm thảm treo tường cổ thể hiện cuộc đời đức Phật hoặc các Thánh Tăng, đó còn là những hạt gạo ngoại cỡ được nói rằng đã được trồng ở Thung Lũng Kathmandu vào thời cổ đại. Mỗi ngày có đến hàng trăm người đến chiêm bái ở mỗi tự viện. Tại một ngôi chùa ở Thamel những cuốn kinh cổ hơn ngàn năm tuổi được viết bằng mực hoàng kim được trưng bày một lần duy nhất trong năm cũng vào dịp này.
Tượng Phật trưng bày tại Golden Temple

Kinh cổ được trưng bày mùa Gula

Vào ngày rằm, Phật tử tựu tập tại các Bảo tháp Asoka ở Patan để cầu nguyện.
Vào ngày thứ 17, diễn ra Mata-Ya , Lễ Đèn  (xin xem Phần 2). Tên đầy đủ của ngày lễ này là Mata Puja, với mata là đèn và puja là nghi lễ cúng bái Thần - Phật. Vào ngày ấy, mọi người bưng những cây đèn dầu đi không mệt mỏi vòng quanh khắp các đường lớn, hẻm nhỏ của Patan để cầu nguyện cho những người thân đã chết. Họ đi chân trần mặc những bộ đồ đẹp nhất và tụng đọc những bài ngợi ca Chư Phật, Đi đầu luôn luôn là những nhóm nhạc cổ truyền.
 Bắt đầu từ mờ sáng, những đoàn người kéo đi xuyên qua mê cung của các con đường nhỏ hẹp và hẻm hóc của thành phố cổ Patan, rắc gạo, tiền xu và bột đỏ lên tất cả các khám thờ tượng, tháp, chùa, đền dọc theo đường đi. Họ đi càng nhanh khi trời đã đến giữa trưa, và quan niệm rằng càng khổ nhọc bao nhiêu thì người thân đã khuất của họ sẽ bớt đau khổ chừng ấy. Họ rắc những đồng xu trên đường đi trong khi gọi tên người thân đã khuất, trong những người khác hát vang những bài ca ngợi ca sự chiến thắng của Đức Phật trước ma vương Mara. Đến quá trưa thì hầu hết mọi người gần như kiệt sức, bột đỏ chảy dài trên thân thể thành những dòng mồ hôi đỏ, bám đầy cả trên tóc, trên quần áo. Nhưng họ vẫn không dừng lại. Một số thanh niên và đàn ông của những gia đình có người thân chết trong vòng một năm qua cởi trần và quỳ lạy trong đất bụi trước mỗi khám thờ dọc đường. Jyapu, cộng đồng nông dân bản địa của Thung Lũng Kathmandu, tin chắc rằng Lễ Đèn là để tưởng niệm người thân đã khuất của họ.




Chúng tôi nghĩ rằng GŪLA chính là từ nguyên của Vu-lan khi phiên âm sang tiếng Trung Quốc. Cũng như Vu-lan bồn là để chỉ cái chậu chứa năm thứ vật thực cúng dường chư Phật hoặc chư tăng, ni trong ngày Pancha Dana.






Một số “bồn” dùng trong mùa Vu-lan của người Newari: GULPA, và GULU dùng đựng các vật thực cúng dường Chư Phật (bình bát bằng đồng)







Bồn KAMALA (trên) và khay SULIN (bên dưới)


Một điều thú vị là từ Kathmandu Valley cho đến Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên thì ở đâu tinh thần kính ngưỡng Chư Phật-Chư Tăng và báo hiếu cũng là trọng tâm của lễ Vu-lan.


                                           Kathmandu-Nepal, Mùa GŪLA – Vu-lan 2010

                                                       NGUYỄN PHÚ
(Bài viết này có tham khảo tư liệu từ tác giả Đồng Thành, Mary Slusser và văn bản cổ của cộng đồng Newar)

PHN 2:  MATA YA - LỄ ĐÈN MÙA VU LAN
CỦA CỘNG ĐỒNG NEWARI

18 tháng 6, 2012

RAMGRAM – BẢO THÁP NGUYÊN THUỶ LƯU GIỮ XÁ-LỢI PHẬT THÍCH-CA - PHẦN 2

-->
BÀI NÀY ĐÃ ĐĂNG TRÊN 
NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ
SỐ 195 - THÁNG 6/2012
PHẦN 2
III - NHỮNG GHI NHẬN TRONG LỊCH SỬ VỀ BẢO THÁP RAMGRAM

    Sau khi xây dựng bảo tháp thờ phượng Xá-lợi Phật Thích-ca, Ramgram trở thành trung tâm hành hương và chiêm bái của toàn cõi Diêm-Phù-Đề (Ấn Độ).
  Như đã trình bày trong Phần 1 của bài này, chuyến viếng thăm Bảo tháp Ramagrama nhằm thu thập xá-lợi của Đại đế Ashoka đã được ghi nhận bởi hầu hết các sử liệu cổ đại. Đồng thời các sử liệu cũng ghi nhận một trong những Phật sự lớn lao của Asoka là xây dựng 84,000 bảo tháp. Trong số các bảo tháp đó, bảo tháp Sanchi tại bang Madhya Pradesh trung tâm lục địa Ấn Độ đã vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian tồn tại cho đến ngày nay. Theo các nghiên cứu khoa học, bảo tháp Sanchi được xây dựng bởi chính Asoka vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên [chúng tôi sẽ có bài riêng về bảo tháp này trong loạt bài về Asoka]. Vào thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên, bốn cổng bằng đá chạm khắc tinh xảo được thêm vào cấu trúc của bảo tháp Sanchi. Thật may mắn cho tôi, khi nghiên cứu thực địa tại bảo tháp Sanchi đã tìm thấy tại đấy một phù điêu mô tả bảo tháp Ramagrama. Duyên lành! Thế là chúng ta có được một chứng cứ lịch sử bằng hình ảnh đã hai ngàn năm tuổi về hình dáng của bảo tháp Ramagrama. Phù điêu này (ở cách xa Ramagrama trên 2,000km) đã chứng tỏ địa vị và sự nổi tiếng của Ramagrama trong lịch sử Phật giáo cổ đại. Phù điêu này chính là một sử liệu độc đáo và vô giá về sự tồn tại của bảo tháp Ramagrama.
(Xin bấm vào hình để phóng to lên)

Hình: Bảo tháp Ramagrama trên phù điêu tại Sanchi – Ấn Độ.


    Nguồn sử liệu khác đề cập đến Ramagrama đến từ các nhà chiêm bái Trung Hoa. Trong Phật Quốc Ký của Ngài Pháp Hiển vào thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên và Tây Du Ký của Ngài Huyền Trang thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên đều có đề cập đến Ramagrama. Chúng ta hãy đọc lại các hồi ký này:
Phật Quốc Ký – Pháp Hiển, Chương 23:

Rama [grama] và bảo tháp của nó.

Phía Đông của nơi Đức Phật đản sinh [Lumbini] ở khoảng cách 5 do-tuần có một vương quốc gọi là Rama. Vua của nước này đã được chia một phần xá-lợi Phật, mang về nước an trí và xây một bảo tháp bên trên, đặt tên là Bảo tháp Rama. Bên cạnh bảo tháp có một cái hồ, trong hồ có một vua rồng thường xuyên canh giữ bảo tháp và cúng dường xá-lợi cả ngày lẫn đêm.

Tây Du Ký – Huyền Trang, Quyển thứ  sáu, Phần 3:
3) Nước Lam Ma (Rama) bây giờ đã hoang phế không còn dấu vết gì, thành ấp đã đổ nát xiêu vẹo, người dân thưa thớt. Thành xưa ở phía đông nam có một Bảo Tháp lợp ngói cao gần 100 chi [Chi = gang tay, 100 gang tay vào khoảng 20m – chú thích của NP].


  Sau Ngài Huyền Trang không có thêm bất kỳ ghi nhận nào về Ramagrama. Lịch sử và nơi tọa lạc của Ramgram bị rơi vào quên lãng.

IV – TÁI KHÁM PHÁ BẢO THÁP RAMAGRAMA

  Hơn 1000 năm trôi qua, vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19, trong cơn sốt nhằm tái khám phá các Phật tích ở Ấn Độ của những nhà nghiên cứu lịch sử, các “nhà khảo cổ” – thực chất là những kẻ cướp lăng mộ Tomb Raider, những kẻ hám danh muốn ghi tên vào lịch sử bằng những phát hiện chấn động… các “nhà khảo cổ” chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp của Anh sau khi càn quét Ấn Độ đã bắt đầu lấn bước sang biên giới Nepal.
  Tại Nepal, vào thời điểm ấy có một dòng họ quý tộc nắm hết quyền bính vượt cả quyền vua – dòng họ Jung Bahadur Shumsher Rana, gọi tắt là Rana. Họ tộc này thực hiện liên tiếp những vụ thảm sát đẫm máu trong cung đình hoàng gia Nepal để chiếm giữ quyền lực thực sự qua danh vị Thủ tướng truyền đời biến nhà vua thành kẻ bù nhìn trong suốt 100 năm.
   Giai đoạn hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, do tranh đoạt quyền bính trong gia đình, Tướng Khadga Shumsher Rana bị em ruột mình đày đi làm Phó vương Tansen-Palpa cai quản vùng Tarai vốn là vùng rừng thiêng nước độc vào thời điểm ấy.
   Khadga Shumsher Rana là một người có tài lại rất quyết tâm hấp thụ văn hóa Tây phương, nhất là Anh Quốc, có thể coi như người có học vấn Tây phương tốt nhất Nepal lúc ấy. Tiếp xúc, giao du rộng rãi với giới chính trị và học giả của thực dân Anh tại Ấn Độ, ông ta có tham vọng trở thành người đứng đầu Nepal trên mọi lĩnh vực một ngày nào đó. Khi cơn sốt khảo cổ Phật giáo cổ đại bùng lên khắp Ấn Độ, tướng Khadga cũng chớp lấy thời cơ, mong gắn tên mình vào một sự kiện chấn động thế giới nhằm đánh bóng tên tuổi, chuẩn bị cho cuộc mưu bá đồ vương ở Nepal. Chính ông chứ không phải Tiến sĩ Fourer là người tái khám phá Lumbini và tìm ra cột đá Asoka ở đấy [Xin có một bài viết riêng về scandal này sau]. Khadga cũng chính là người tìm ra hai trụ đá Asoka khác ở quê hương Đức Phật Thích Ca tại Gotihawa và Tilaurakot.  
   Tháng Hai 1889, tướng Khadga mời hai nhà khảo cổ của chính phủ Anh Quốc thuộc địa tại Ấn Độ đến thăm một khu vực khảo cổ mới mà ông ta đang khai quật. Nhận lời mời, ngày 11/02/1889 Tiến sĩ Hoey và Bác sĩ Waddell tháp tùng Tướng Khadga Shumsher Rana từ Lumbini đi về hướng Đông Bắc đến làng Saina-Maina (ngày nay đặt tên lại là Devadaha), 56km về phía Đông Bắc Lumbini. Tướng Khadga đã tìm thấy 1 tượng Phật nhỏ và một pho tượng phụ nữ đang cho con bú tại khu vực này, làm cho ông ta tin rằng ông đã tìm ra Devadaha, thành phố thủ đô của người Kolya, nơi Hoàng hậu Maya Devi nằm mơ thấy một con voi trắng nhập thai vào bụng bà và cũng là nơi Thái tử Siddhartha đã trải qua những tuần đầu tiên tại nhà ông ngoại là Vua Suprabuddha.
    Tiến sĩ Hoey đồng ý với lý thuyết của Tướng Khadga rằng con sông chảy ở phía Tây làng Saina-Maina chính là con sông cổ đại Rohini – biên giới tự nhiên giữa hai vương quốc Sakya và Kolya. Trong thời gian lưu lại làng Saina-Maina, Tiến sĩ Hoey được Tướng Khadga cho biết rằng dân địa phương có đề cập đến một gò đất tên là Bhaghaura. Vốn là một học giả về ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại và nhất là lịch sử Phật giáo cổ đại, Hoey có linh tính rằng cái gò đất đó chính là bảo tháp Ramagrama tại địa phương có tên gọi nguyên thủy là Byaghapura. Đối chiếu với những ghi chép của các nhà chiêm bái Trung Hoa : cà hai đều đi về hướng Đông từ Lumbini đề đến Ramagrama, Hoey đề xuất ý tưởng rằng cái gò đất Bhaghaura chính là phần di tích còn sót lại của bảo tháp Ramagrama.
Giao lộ  Parasi, nơi Dr. Hoey định hướng để tìm đến Bhaghaura


Sông Rohini, biên giới tự nhiên giữa Sakya và Kolya

Đường về Ramgrama

Giao lộ đánh dấu lối rẽ vào Ramagrama đang xây dựng năm 2011

Cổng chào vào Ramagrama đang xây dựng năm 2011
  Hai ngày sau, Tiến sĩ Hoey chào từ biệt Tướng Khadga để quay về Ấn Độ – Bác sĩ Waddell đã đi Kapilavastu mấy ngày trước đó. Hoey đi theo hướng Đông Namđể đến một cái chợ nhỏ tên Parasi. Cách 7km phía Nam của thị trấn, Tiến sĩ Hoey xúc động nhìn thấy trên bờ con sông Jhalari ngự một gò tháp rộng lớn và không bị xâm phạm. Với kinh nghiệm của một học giả và nhà khảo cổ Ấn Độ cổ đại, Hoey kết luận rằng đó chính là Bảo tháp của người Kolya tại Byaghapura.



Ramagrama trải qua 2000 năm chỉ còn là một gò đất hoang tàn



   Suốt nhiều thập niên sau đó Ramagrama lại nằm im không được chú ý bởi giới nghiên cứu khảo cổ trong và ngoài Nepal. Mãi đến năm 1964, nhà nghiên cứu S.B. Deo của Ấn Độ khảo sát khu vực này và ghi nhận nó là một gò đất đáng để khai quật khảo cổ.
  Năm 1972, Nhà khảo cổ Babu Krishna Rijal của Cục Khảo cổ Nepal và các viên chức của Lumbini Development Trust thăm viếng nơi này và thừa nhận đây chính là Ramgram căn cứ vào các đặc điểm địa lý cùng với các ghi chép của các nhà chiêm bái Trung Hoa.
 Năm 1997  một nhóm các nhà địa vật lý từ Đại học Bradford – Anh Quốc khảo sát khu vực này và tìm thấy một vài chứng tích khảo cổ bên dưới mặt đất xung quanh khu gò đất.


Tác giả tại Ramagrama năm 2009
   Các khảo sát thực địa vào những thập niên cuối thế kỷ 20 cho thấy rằng đó là một gò gạch cao 7m bị đất phủ kín trên bờ con sông Jharahi (một trong những nguồn của sông Hằng). Liệu đấy có phải là Bảo tháp nổi tiếng Ramagrama không thì chỉ có khai quật khảo cổ mới có thể xác định được.
(Còn tiếp)
Tháng 06/2012
NGUYỄN PHÚ
(Kỳ tới: Khai Quật Khảo Cổ Ramagrama đầu thế kỷ 21)

6 tháng 5, 2012

RAMGRAM – BẢO THÁP NGUYÊN THUỶ LƯU GIỮ XÁ-LỢI PHẬT THÍCH-CA

-->
PHẦN 1                    
(Bài này được đăng trên Nguyệt San Giác Ngộ số đặc biệt mừng Phật Đản năm 2012)
GÒ ĐẤT BÊN HỒ NÀY LÀ DI TÍCH CÒN LẠI CỦA BẢO THÁP RAMAGRAMA NỔI TIẾNG HƠN 2500 TRƯỚC
Đã thành thông lệ, mỗi lần về thăm quê hương Đức Phật tôi đều phải ít nhất một lần ghé qua Ramgram. Đấy là nơi lưu giữ Xá Lợi nguyên thủy (Sàrìradhàtu) của Đức Phật Thích-ca và hầu như chưa hề bị xâm phạm cho đến ngày nay. Điều đó cũng có nghĩa là: đấy là nơi lưu giữ số lượng nhiều nhất Xá Lợi Phật Thích-ca trên thế giới cho đến ngày nay.
Ramgram, gọi đầy đủ phải là Ramagrama, là một địa danh quan trọng và nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử họ Sakya (Thích-ca).







Lời dẫn của tác giả: Tôi lên đường đến Lumbini để làm công quả và công tác thiện nguyện một cách bất ngờ từ nhiều năm trước. Vùng đất Phật đã làm tôi yêu mến và gắn bó như  quê hương  của mình. Mà cũng đúng thôi, vì mọi Phật tử đều tự xem mình là con Phật và như thế quê hương của Đức Phật Thích-ca cũng chính là quê hương của chúng ta. Sáu năm trước tôi có viết một bài về Quê Phật (bài “Dòng tộc và quê hương Đức Phật” đã đăng trên Nguyệt San Giác Ngộ năm 2006). Thời điểm ấy, Vương quốc Nepal đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc nội chiến kéo dài hơn 10 năm với tổn thất sinh mạng lên đến hàng vạn người. Lumbini Zone là vùng giáp biên giới với Ấn Độ, du kích Maoist hoạt động mạnh mẽ và nghiêm cấm di chuyển trong vùng họ quản lý– nếu gặp phải quân du kích thì chỉ còn cách quay xe về không được đi tiếp. Quân đội của chính phủ hoàng gia cũng kiểm soát gắt gao sự di chuyển trong vùng, cứ cách vài cây số là có một trạm kiểm soát phong toả đường đi bằng chướng ngại vật kiên cố , mọi người - trừ lái xe - phải xuống xe kiểm tra người và hành lý. Chính vì thế, những cuộc khảo sát của tôi lúc bấy giờ chỉ mang tính cưỡi ngựa xem hoa (đi theo đoàn, nhiều địa điểm không tiếp cận được chỉ đứng nhìn từ xa, và không được phép chụp hình). Tôi rất tiếc cho bài viết không hoàn hảo ấy và luôn cầu nguyện Chư Phật và Bồ Tát gia hộ để tôi có thể bổ sung cho bài viết ấy hoàn hảo hơn. Cuối cùng, chiến tranh cũng chấm dứt vào năm 2007, Nepal xoá bỏ vương quyền để trở thành một nước cộng hòa. Thế nhưng mãi đến bốn năm sau đó tôi mới có thể thực hiện được nguyện ước của mình: “Về Quê”. Trong những năm đó, cơ duyên đã giúp tôi tiếp cận thêm nhiều nguồn tư liệu phong phú tại Kathmandu về cổ sử Nepal và Ấn độ. Loạt bài phóng sự “Về quê” này nhân dịp Phật Đản sẽ khắc hoạ chi tiết quê hương của Đức Phật Thích-ca (nhất là quê mẹ của Ngài tại Devdaha vốn chưa được biết đến nhiều như quê cha - Kapilavastu) bằng tư liệu thực địa của chính tác giả và nguồn sử liệu chưa được biết đến rộng rãi từ Nepal ; cũng như có tham khảo Phật quốc ký của Pháp Hiển, Tây du ký của Huyền Trang, tư liệu khảo cổ của các học giả Cambridge và Báo cáo khai quật Ramgram năm 2005 của Sukra Sagar Shrestha – Trưởng Ban khảo cổ thuộc Cục Khảo cổ Nepal. Vì các bài viết này là những phóng sự không phải bài khảo cứu về khảo cổ, tác giả xin cáo lỗi vì không thể chuyển tải chi tiết những thuật ngữ chuyên ngành của khoa học khảo cổ.
Mong rằng những thu nhặt nhỏ nhoi này sẽ giúp độc giả cảm thấy gần gũi hơn với Đức Từ phụ của chúng ta.    
******


I – NGUỒN GỐC RAMAGRAMA
Đã thành thông lệ, mỗi lần về thăm quê hương Đức Phật tôi đều phải ít nhất một lần ghé qua Ramgram. Đấy là nơi lưu giữ Xá Lợi nguyên thủy (Sàrìradhàtu) của Đức Phật Thích-ca và hầu như chưa hề bị xâm phạm cho đến ngày nay. Điều đó cũng có nghĩa là: đấy là nơi lưu giữ số lượng nhiều nhất Xá Lợi Phật Thích-ca trên thế giới cho đến ngày nay.
Ramgram, gọi đầy đủ phải là Ramagrama, là một địa danh quan trọng và nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử họ Sakya (Thích-ca). Xin được nhắc lại một chút lịch sử của vương quốc này gắn liền với lịch sử gia tộc Sakya.
  Toàn bộ Tư liệu Phật giáo từ Lalitvistara viết tay ở Thung Lũng Kathmandu hoặc Đại sử Mahavamsa ở Sri Lanka, hoặc Phật Sử tiếng Tây tạng, bao gồm cả Dhammapada (Kinh Pháp Cú), Jatakas (Chuyện Tiền Thân Phật), Putakas và Tripitakas  đều kể cùng một câu chuyện với tên các nhân vật phát âm hơi khác do giọng địa phương:

     …Vua Okkaka của Kosala mất vợ Hasta, ngưới có cùng với ông 4 con trai 5 con gái. Nhà vua tấn phong một vương phi xinh đẹp, trẻ tuổi tên Amba lên làm hoàng hậu. Bà này sinh cho ông một đứa con trai tên Jayantu. Nhà vua già vì quá yêu bà vợ trẻ và đứa con trai mới đã không từ chối được yêu cầu cùa bà này tấn phong cho Jayantu làm người kế vị ngai vàng.
    Sau phút bốc đồng, lòng tràn đầy hối hận, Okaka gọi các con của bà vợ trước đến và bảo:
  “Này các con, ta đã cho đi một cách thiếu suy nghĩ vương quốc thực sự thuộc về các con. Em trai Jayantu của các con sẽ kế vị ta. Hãy lấy bất cứ của cải nào, ngoại trừ 5 món biểu tượng cho vương quyền [kiếm báu, giày báu, lọng hoàng gia, vương miện, phất trần của vua – chú thích của NP]và mang theo số người các con cần. Hãy đi đến một nơi nào đó nơi các con có thể dựng nên chốn nương thân.”
    Okkaka khóc, hôn các con và tiễn chúng ra đi với một trái tim tan nát.
    Những hoàng tử và công chúa trẻ đi về phía Bắc hướng có những dãy núi tuyết hùng vĩ của Himalaya. Sau một chặng đường dài, họ đến một khu rừng Sal [sa-la theo phiên âm Hán Việt] nơi  Rishi (ẨN SĨ) Kapila đang thiền toạ bên bờ một con sông. Rishi Kapila chính là một tiền kiếp của Phật Thích-ca trong tương lai.
    Hiểu rõ tình cảnh của họ và tiên đoán được tương lai của chúng, Rishi Kapila bảo họ dừng lại đấy và xây dựng quốc gia của riêng họ. Thành đô đấy chính là Kapilavastu [Ca-Tì-La-Vệ] sau này, được đặt tên theo vị ẩn sĩ Kapila để vinh danh ông.
   Vì là dòng dõi Okkaka, các hoàng tử và công chúa của Kosala không thể kết hôn với hoàng gia các nước thấp kém hơn chung quanh, họ phải kết hôn với anh chị em ruột của mình [đây là tập tục của Ấn Độ cổ đại] để bảo toàn dòng máu tinh khiết của gia tộc. Người chị cả được tấn phong làm Mẫu hậu, còn lại 4 anh em trai cưới chính 4 cô em gái. Mỗi cặp hạ sinh 8 con trai và 8 con gái. Đấy là khởi đầu cho vương tộc Sakya [ tên này cũng có thể đến từ tên cây Sal, mà những rừng Sal rậm rạp chính là đặc điểm của vương quốc mới).
Một thời gian sau, người chị cả mắc bệnh phong. Cô từ bỏ hoàng gia và một mình đi đến một khu vực hoang vu ở phía Đông Bắc Kapilavastu dự định sống nốt những ngày còn lại của đời mình trong cô độc. Tình cờ, khu rừng ấy cũng chính là nơi trú ẩn của Rama, quốc vương Banaras [Ba-La-Nại], người cũng bị bệnh phong và từ bỏ vương quốc của mình để sống ẩn dật. Đồng bệnh tương lân, Rama hướng dẫn cô toạ thiền dưới một gốc cây cổ thụ KOLAN kỳ lạ mà ông nhận thấy nó có năng lực chữa khỏi bệnh phong cho ông. Sau khi cả hai đã lành bệnh, họ thành hôn và lập nên vương quốc mới tên là KOLYA [đặt tên theo cây thần KOLAN] với thủ đô là DEVADAHA [Thành phố thần linh] và một trung tâm thờ phượng được đặt tên theo người sáng lập: RAMAGRAMA – Thành Phố Rama. Từ đấy hai Gia tộc Sakya ở Kapilavastu và Kolya ở Devadaha truyền đời kết thông gia với nhau.
CÂY THẦN KOLAN TRÊN QUÊ MẸ ĐỨC PHẬT THICH-CA NGÀY NAY

Ta có thể thấy rằng, đến thời Đức Phật Thích-ca, Kapilavastu chính là quê cha và Devadaha [cộng với Ramagrama] chính là quê mẹ của Ngài. Hai thủ đô cách nhau gần 100km mà điểm giữa của hai vương quốc chính là Khu Vườn Lumbini nổi tiếng.

II – SỰ PHÂN CHIA XÁ-LỢI CỦA ĐỨC PHẬT THÍCH-CA SAU KHI NGÀI NHẬP NIẾT BÀN
Xin trích dẫn nơi đây chương PAÑCAVĪSATIMO GOTAMABUDDHAVAṂSO [LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT GOTAMA] từ BUDDHAVAMSA [Phật sử] trong Tạng Kinh thuộc Tiểu Bộ, nguồn Pali Tạng:
  Mahāgotamo jinavaro  - kusināramhi nibbuto
dhātuvitthārikaṃ āsi  - tesu tesu padesato.
[Đấng Chiến Thắng cao quý Gotama vĩ đại đã Niết Bàn tại Kusinārā. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.]
 Eko ajātasattussa  - eko vesāliyā pure
eko kapilavatthusmiṃ -   - eko ca allakappake.
[Một phần thuộc về (đức vua) Ajātasattu. Một phần ở thành Vesālī. Một phần ở thành Kapilavatthu. Và một phần dành cho người dân ở Allakappa.]
 Eko ca rāmagāmamhi  - eko ca veṭṭhadīpake
eko pāveyyake malle  - eko ca kosinārake.
[Và một phần ở Rāmagāma. Và một phần dành cho người dân ở Veṭṭhadīpa. Một phần dành cho người dân Malla ở Pāvā . Và một phần dành cho người dân ở Kusinārā.]
 Tumbhassa thūpaṃ kāresi  - brāhmaṇo doṇasavhayo
aṅgārathūpaṃ kāresuṃ  - moriyā tuṭṭhamānasā.
[Bà-la-môn tên Doṇa đã xây dựng ngôi bảo tháp cho bình đựng (xá-lợi). Những người Moriya với tâm hoan hỷ đã xây dựng ngôi bảo tháp thờ tro.]
 Aṭṭha sārīrikā thūpā  - navamo tumbhacetiyo
aṅgārathūpo dasamo  - tadāyeva patiṭṭhito.
[Chính vào thời ấy, có tám ngôi bảo tháp (thờ) xá-lợi, ngôi bảo tháp của bình đựng (xá-lợi) là thứ chín, ngôi bảo tháp thờ tro là thứ mười đã được thiết lập.]
           Chúng ta có thể thấy rằng: nguyên thuỷ có 8 bảo tháp thờ xá-lợi Phật Thích-ca, một bảo tháp thờ tro và một bảo tháp thờ chiếc bình dùng để phân chia xá-lợi.
        Gia tộc Kolya bên ngoại của Đức Phật Thích-ca đã xây một bảo tháp tại Ramagrama để thờ phượng 1/8 phần xá-lợi quý giá được chia cho họ. Tuy nhiên, thế sự thăng trầm, không lâu sau đó vương quốc Kolya bị xoá sổ, vương tộc Kolya tản mác khắp bốn phương trời, một phần di cư lên Thung lũng Kathmandu và sau này trở thành họ Shrestha [nghĩa là Ưu tú]. Kinh thành Devadaha cũng như Ramagrama trở thành hoang phế giống như Kapilavastu. Duy có một điểm đặc biệt là tuy vương quốc Kolya đã bị tàn lụi nhưng Bảo tháp Ramagrama vẫn được sùng kính, trở thành một trung tâm hành hương và nổi tiếng khắp cả Ấn Độ đến mức được chạm khắc lên một phù điêu ở bảo tháp Sanchi vùng trung Ấn Độ vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
      Khi Đại Đế Asoka [A-Dục] cho xây dựng 84,000 bảo tháp mới để hoằng pháp, Ngài lần lượt khai quật các bảo tháp nguyên thuỷ thờ xá-lợi Phật Thích-ca để thu thập xá-lợi nhằm chia cho các bảo tháp mới.
    Sau khi đã thu thập thành công xá-lợi từ 7 bảo tháp, cuối cùng Asoka với sự tháp tùng của Thầy ông là Ngài Upagupta đã tìm đến Ramagrama vào thời điểm hơn hai trăm năm trước khi Jesus Christ ra đời. Tất cả các nguồn sử liệu bao gồm cả hồi ký của Ngài Pháp Hiển và Huyền Trang đều ghi lại câu chuyện diễn ra sau đây khi Asoka đến bảo tháp Ramagrama:
       Ngày xưa sau khi đức Như Lai nhập diệt, Vua của nước nầy [Kolya] đến phân chia Xá Lợi mang về nước của mình rồi ra sức tôn tạo kiến thiết nên. Đây là nơi rất linh thiêng, có ánh sáng phát ra từ Tháp. Bên cạnh Bảo Tháp có một ao nước trong. Một con rồng [Naga] ngụ tại đây để bảo vệ và thờ phượng bảo tháp. Vua Asoka đã kiến tạo nên các Bảo Tháp mới. Bảy nước đã xây dựng xong rồi bắt đầu đến nước nầy muốn thu thập xá-lợi từ Bảo Tháp, nhưng con rồng ở hồ nầy đã biến thành một Bà La Môn đứng cúi đầu trước con voi của vua Asoka mà nói: Đại Vương có tấm thịnh tình hoằng dương Phật Pháp là một ruộng phước rất lớn, xin thỉnh đại vương giáng lâm nơi tệ xá của tôi. Vua hỏi: Nhà của ngươi cách đây xa gần? Bà La Môn đáp: Tôi là vua rồng[Nagaraja, về chuyện phiên dịch Naga =rồng và Nagaraja = Long vương cũng như Naga là ai – người hay rắn, rồng xin được có một bài viết riêng] của hồ nầy, thấy đại vương muốn xây dựng nơi phước đức nên đến thỉnh mời. Vua thọ nhận sự thỉnh mời mà đi vào Long cung, ngồi chờ một hồi lâu, rồng tiến đến nói: Tôi thọ ác nghiệp nên làm thân rồng nầy. Nay muốn cúng dường xá lợi để được tiêu tội, nên mời vua đến đây để mà đảnh lễ. Vua Asoka nghe thấy xong liền vui vẻ mà nói: Mọi sự cúng dường không phải chỉ của người trong nhân gian. Vua Asoka tự nghĩ chính mình cúng dường xá-lợi cũng không thể chu đáo và trang nghiêm hơn vua rồng nên lui về mà chẳng khai phát và sau khi đi khỏi ao rồi, chỗ nầy vẫn còn nguyên như cũ…
  Như thế tất cả các nguồn sử liệu đều thống nhất ở một điểm: bảo tháp Ramagrama thờ phượng xá-lợi nguyên thuỷ của Đức Phật Thích-ca đã không bị khai quật bởi Đại đế Asoka.

   Tuy nhiên, liệu Ramagrama có còn lưu giữ toàn vẹn phần xá-lợi nguyên thuỷ của Đức Phật Thích-ca sau thời vị hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Ấn Độ? Phần 2 của bài này về Các ghi nhận dọc dài lịch sử và cuộc khảo cổ mới nhất tại Nepal sẽ cho chúng ta biết điều đó.
        (Còn tiếp)
                                                                                Nguyễn Phú
                                                                Mùa Phật Đản thứ 2556 - Tháng 05/2012