Hiển thị các bài đăng có nhãn Kathmandu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kathmandu. Hiển thị tất cả bài đăng

4 tháng 11, 2013

ĂN TẾT INDIA-DIWALI Ở NEPAL - PHẦN 4

NGÀY THỨ TƯ: GORU PUJA   và   MHAPUJA


GORU PUJA: (OXEN PUJA - NGÀY CỦA BÒ ĐỰC)






MHA PUJA: SELF-WORSHIP ( NGÀY CỦA BẢN THÂN)












TẾT NEWAR Ở KATHMANDU

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NEWAR 1134!

Cộng đồng Newari diễu hành mừng Nepal Sambat 1134 ở Kathmandu

Cộng đồng Newari diễu hành mừng Nepal Sambat 1134 ở Patan

Mình đang theo các lễ hội để lấy tin và ảnh.
Sẽ cập nhật vào chiều nay, mời các bạn đón xem!

Ngày đầu năm 1134 của người Newari.
Kathmandu

Phú Nepal

3 tháng 11, 2013

ĂN TẾT INDIA-DIWALI Ở NEPAL PHẦN 3

LAKHSMI PUJA



Diwali 2013 ở Thành phố cổ Bhaktapur
Diwali 2013 ở Thành phố cổ Patan
       
Diwali 2013 ở Thành phố cổ Kathmandu

      Chạy "sô" một lượt qua hết 3 thành phố cổ Bhaktapur, Patan và Kathmandu trong vòng 6 giờ đồng hồ hơi bị đừ he he....
  Về đến nhà lại phải tranh thủ thắp đèn và làm lễ Lakhsmi Puja nữa nên chưa viết bài được. Mời các bạn quay lại xem sau vào ngày mai vậy!

   Lakhsmi Puja , Kathmandu 2013

       Phú Nepal


  













1 tháng 11, 2013

ĂN TẾT INDIA-DIWALI Ở NEPAL-PHẦN 2

LINK: ĂN TẾT INDIA-DEWALI Ở NEPAL - PHẦN 1


***********************************************************

Sáng sớm hôm nay (01/01/2013) ngày đầu tiên của Tihar-Diwali ở Nepal đã bắt đầu. Ngày này được gọi là Kag Puja, với Kag nghĩa là Quạ, dịch sang tiếng Anh là Crow Worshipping Day (tiếng Việt không có từ chính xác, chỉ tạm diễn giải gần sát nghĩa là cúng lễ-tôn vinh-thờ phượng Quạ hay đơn giản là Ngày-Của-Quạ).
   Về từ Kag-Quạ: đây là một từ rất cổ của chủng tộc Mongoloid ở Hymalaya thờ rắn thần Naga (Rồng). Họ là người Naga, tổ tiên của người hầu hết các tộc người trải dài từ Hymalayan cho đến Việt Nam; khác với người Hán, thuộc chủng Mongoloid từ sa mạc Gobi, thờ sói. Đến đây lại tiếc là không có duyên được gặp và học hỏi ông Bình Nguyên Lộc tác giả của Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Giá mà ông còn sống, được mời ông qua đây và theo ông đi nghiên cứu cái nôi của người Naga-Kirat hay Mã Lai (Mlechha) như cách gọi của ông thì hạnh phúc biết mấy.Ông là người thầy chưa bao giờ gặp mặt của tôi từ những năm 80 của thế kỷ trước và mong ước lớn nhất của tôi là có thể đi tiếp con đường mà ông đã khai phá và đặt những viên gạch đầu tiên. Chỉ riêng từ kag-quạ hoặc như trước đây mình có đề cập sar-sếu trong bài Sếu đầu đỏ, cũng đã gợi mở rất nhiều vấn đề về mối dây liên quan của người Việt và người Naga qua ngôn ngữ. Lan man thế là lạc đề rồi nhỉ he he…
   Ngày hôm trước ngày Kag Puja, các gia đình đã quét tước dọn dẹp nhà cửa, lối đi, đường đi xung quanh nhà thật sạch sẽ. Vào sáng sớm Kag Puja, các bà chủ gia đình dùng bột đất đỏ pha loãng vẽ một vòng tròn làm nền rồi rắc các cánh hoa vạn thọ lên trên tạo hình một mandala đơn giản để cúng vài món trái cây, vài loại hạt và thắp một ngọn đèn dầu bơ diyos như là sự bắt đầu của lễ hội Tihar-Diwali ở cổng ra vào hay cửa chính của ngôi nhà. Ngày này là Ngày-Của-Quạ nên nghi thức quan trọng nhất là cúng lễ quạ. Người ta sẽ đi đến các quảng trường, công viên … nơi tập trung nhiều quạ. Họ sẽ làm lễ cúng, cầu khấn các bài cúng bằng Sanskrit rồi sau đó rắc cho quạ ăn những miếng thịt tươi xắt nhỏ. Mấy năm trước ở Nepal có một anh chàng được ghi nhận vào sách kỷ lục thế giới Guiness về tài gọi chim quạ đến. Giữa công viên Ratnapark, anh chúm môi phát ra tiếng của loài quạ, vài phút trôi qua người ta thấy vài con quạ lượn vòng trong không trung rồi tản ra. Cứ tưởng tiếng gọi của anh không hiệu quả, thế rối đột ngột quạ từ bốn phương tám hướng đổ về công viên đen kịt. Hàng ngàn, hàng chục ngàn con quạ quần đảo trên không, tiếng quạ kêu rát cả tai. Người ta tha hồ mà cúng dường cho quạ trong Ngày-Của-Quạ năm ấy.

Cúng dường thức ăn cho quạ trong ngày Kag Puja

  Ngày thứ hai của Tihar là Kukur Puja, Ngày-Của-Chó. Người Newari thì gọi ngày này là Khicha Puja (khicha nghĩa là chó trong ngôn ngữ Newar). Vào ngày này thì tất cả các con chó (dĩ nhiên trừ chó hoang không có chủ) được cúng lễ, sau đó được choàng một vòng hoa vạn thọ (manla) lên cổ , ban dấu tika rồi được dâng cho một bữa ăn thịnh soạn ngon nhất trong năm. Vào ngày này, nếu bạn thấy một con chó có đeo vòng hoa quanh cổ và những dấu tika trên trán , trên thân mình thì chắc chắc đó là chó có chủ. Rất nhiều người có lòng từ tâm thì không những worship chó nhà mình mà còn worship các con chó hoang. Họ mang mâm đèn-hoa đi tìm để cúng lễ cho các con chó hoang nơi đầu đường xó chợ và tặng chúng những phần thức ăn ngon lành, tuy nhiên hiếm khi dám choàng vòng hoa manla lên cổ chó hoang vì ngại… chó cắn. Phong tục cúng dường và bố thí thức ăn cho các loại chim thú là phổ biến với người Nepal cũng như India. Nó cho thấy sự thân thiện với tự nhiên theo nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và tình yêu thực sự đối với Mẹ Thiên Nhiên.  
Cúng lễ chó trong ngày Kukur Puja


Đeo manla

Cho ăn thức ăn ngon

Chó cảnh sát trong ngày Kukur Puja


Cúng lễ cho chó hoang trong ngày Kukur Puja

   Tết Tihar của người Nepal có một huyền thoại khác hẳn với người India. Theo đó thì Yama Raja (Diêm Vương) hàng năm sẽ nghỉ làm việc trong 5 ngày và đến thăm nhà chị gái của mình. Chị của Yama Raja hân hoan tổ chức các lễ lạt linh đình suốt năm ngày để mừng đón em trai. Ngày thứ nhất là Kag-Puja để tôn vinh chim quạ-sứ giả của Diêm vương. Ngày thứ hai tôn vinh chó-kẻ canh cổng địa ngục.
   Hai ngày Kag Puja và Kukur Puja là phong tục độc đáo ở Nepal. Người ta thấy nó được thực hành rất nghiêm túc ở  Kathmandu. Ở vùng Terai, tức giáp với Bắc India thì cũng thấy thực hiện nhưng hình như chỉ làm cho có lệ.
   Ở India, người ta ăn mừng hai ngày đầu tiên của Diwali khác hẳn.
   Theo huyền thoại Khuấy Biển Sữa (xin mời xem ở đây), thì khi Amrit-Bình thuốc trường sinh nổi lên từ đáy Biển Sữa Thần y Dhanavantri của phe Thần nhanh chóng vớt được bình Amrit. Ngày ấy được gọi là ngày Dhanteras-Ngày may mắn. Đây là ngày đầu tiên của lễ hội Dewali của người India. Để mừng Ngày may mắn, người India trang hoàng cửa hàng, công sở, nhà cửa thật lộng lẫy và vẽ những dấu chân tượng trưng cho Nữ thần Lakhsmi khắp nơi trong nhà.
  Ngày thứ hai của Tết Diwali được gọi là Chhoti Diwali (Tiểu Diwali). Ngày này xem như ngày Diwali thu nhỏ , người ta cũng cúng lễ, đốt đèn và pháo nhưng với số lượng tượng trưng
  Huyền thoại về nguồn gốc của Diwali bên India ngoài chuyện trở về Ayodhya của Rama như đã nhắc đến trong phần 1 thì còn có một huyền thoại khác cũng thú vị không kém.
     Thời xa xưa ấy có một Quỷ vương tên là Narakasur sau một thời gian tu luyện đã được các chúa thần ban cho một ân huệ: "không bao giờ bị đánh bại bởi bất kỳ người đàn ông nào".Hắn nhờ vào quyền phép vô song đã đánh bại Thiên vương Indra chiếm lấy những chiếc hoa tai của Nữ thần Mẹ Aditi, đồng thời bắt nhốt hết 16.000 người con gái của hầu hết các vị thần. Nàng Satyabhama, vợ của thần Krishna, nổi trận lôi đình vì sự xúc phạm đến giới nữ của Narakasur đã yêu cầu chồng giúp mình. Krishna liền đánh xe chở vợ đến tấn công Narakasur. Trong trận chiến kinh hồn đó, để hóa giải ân huệ tối thượng mà các chúa thần ban cho quỷ vương, Krishna chuyển hết quyền phép của mình cho vợ-một người đàn bà – trong giây phút sinh tử của cuộc chiến. Và Satyabhama đã giết được con quỷ mà không người đàn ông nào có thể giết được.
 Vợ chồng Krishna đã giải thoát hết tất các cô gái bị quỷ vương bắt cóc và thu lại được đôi hoa tai của Nữ thần Mẹ. Như một cử chỉ tượng trưng, Krishna dùng máu của quỷ vương bôi lên mặt mình để đánh dấu chiến thắng trước cái Ác. Cái ngày mà vợ chồng Krishna đánh bại Quỷ vương là ngày Dhanteras, và họ trở về kinh thành vào sáng sớm ngày thứ hai. Khi đó họ được các phụ nữ tắm để tẩy uế những bùn nhơ của chiến trận và xức lên người các loại dầu thơm. Vì thế ngày thứ hai của Diwali của người India còn được gọi là Narakachaturdashi-Ngày giết chết Narakasur. Phong tục của ngày thứ hai Tết Diwali của người India là thực hiện một nghi thức tắm vào lúc mặt trời mọc chính là bắt nguồn từ huyền thoại này.
  Huyền thoại này một lần nữa lại gắn Diwali với thần Vishnu (Krishna và cả Rama đều là các hóa thân của Vishnu).

   Chúng ta có thể thấy rằng dù bắt nguồn từ văn hóa Hindu nhưng những phong tục lễ hội Hindu sau khi du nhập lên Thung Lũng Kathmandu đã biến tướng và cải hóa rất nhiều. Có nhiều lý do mà một trong những lý do là người Newar của Thung Lũng Kathmandu là người theo đạo Phật. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp bàn về chủ đề tôn giáo của Thung Lũng Kathmandu vào một dịp lành nào đó.
  Sáng mai các bạn nhớ tặng cho các con chó ở nhà mình và láng giềng những phần thức ăn ngon nhé! Để chúng đỡ tủi với đồng loại ở India và Nepal he he. 

  Tạm biệt và mong gặp lại trong những ngày tới. Happy Tihar-Diwali
  Kag Puja, ngày đầu tiên của Tihar-Diwali 2013

  Phú Nepal

BÀI LIÊN QUAN:
ĂN TẾT INDIA-DEWALI Ở NEPAL - PHẦN 1
 

29 tháng 10, 2013

ĂN TẾT INDIA-DIWALI Ở NEPAL




Hôm nay đi một vòng khu chợ cổ của Kathmandu: Ason-Mahaboudha-New Road-Indra Chowk đã thấy các Kathmanduist rộn ràng chen vai thích cánh đi mua sắm. Hàng loạt các gian hàng bày bán đủ loại hoa trang trí và đèn "chớp tắt" ở mọi nơi. Các cửa hiệu thì trang hoàng đèn hoa rực rỡ. Các tiệm bánh kẹo thì tràn ngập bánh mứt. Vài ngày nữa là Diwali- Tết India đến rồi (03/11/2013).
   

   Sống ở Kathmandu vui nhưng mệt vậy đó. Mới ăn Tết Nepal (Dashain) xong chưa được mấy ngày là lại đón Tết India. Rồi mỗi tộc người Tamang, Gurung, Sherpa, Rai, Limbu, Tharu… có Tết vào các tháng khác nhau. Rồi còn các lễ hội của dân Newari bản địa hầu như tháng nào cũng có. Kể sơ sơ theo Dương lịch nha (tương đối thôi vì Âm lịch India-Nepal chênh với DL):
  • Tháng 1: Sonam Lhosar: Tết Tamang.
  • Tháng 2: Mahashivaratri: Lễ hội Thần Shiva.
  • Tháng 3: Holi:Lễ hội sắc màu. Ghodejatra : lễ hội cưỡi ngựa của Kathmandu. Ramnawami: sinh nhật Rama. Tết Lhosar của người Sherpa.
  • Tháng 4: Nepali New Year (chính thức là bắt đầu năm mới của lịch Nepal, nhưng mang tính hình thức và chỉ có 1 ngày, thua xa lễ hội Dashain). Bisket Jatra: lễ hội kéo xe cổ đại (chariot) rước Bhairav-Kumari-Ganesh (hóa thân của Shiva, Durga và Ganesh) vòng quanh thành phố cổ Bhaktapur [lễ hội Hindu].
  • Tháng 5: Buddha Jayanti-Phật Đản. Tết Lhosar của tộc người Rai-Limbu.
  • Tháng 6: Rato Machhindranath Bhota Jatra: Lễ hội kéo xe cổ đại rước tượng Machhindranath màu đỏ (hóa thân của Lokeshwar-Quán Thế Âm Bồ Tát) vòng quanh thành phố cổ Patan [lễ hội Phật giáo + Hindu].
  • Tháng 7: Indra Jatra: Lễ hội kéo xe cổ đại rước Nữ Thánh Sống Kumari (Living Goddess) vòng quanh thành phố cổ Kathmandu (Thành phố cổ Kathmandu là khu vực phố cổ xung quanh Hoàng cung Basantapur, trong khi Kathmandu hay Thung lũng Kathmandu bao gồm ba lãnh địa cổ Patan-Kathmandu-Bhaktapur là để chỉ Thủ đô của nước Nepal) [lễ hội Hindu+Phật giáo].
  • Tháng 8: Janai Purnima: lễ cột chỉ thiêng của người Hindu.
  • Tháng 9: Teej: lễ hội dành cho phụ nữ.
  • Tháng 10: Tết Dashain. Tết Eid-al- Adha của Hồi giáo.
  • Tháng 11: Tết Tihar –Diwali
  • Tháng 12: Tết Gurung: Lhosar. Noel-Giáng sinh của Thiên chúa giáo và Năm mới Dương lịch.
    Ngoài ra, các lễ hội của các cộng đồng, làng, thị trấn thì không kể xiết. Thôi thì quay lại chủ đề chính của bài này kẻo lạc đề: Tihar-Diwali.

    Thực sự Diwali (hay Dipawali) là Tết của người India, với người Nepal lễ hội này chỉ đứng hàng thứ nhì sau Dashain, tuy thế cũng nghỉ chính thức 3 ngày (03-05/11/2013) còn các gia đình thì "ăn Tết" này ít nhất là năm ngày kéo dài đến 10 ngày.
    Về tên gọi của lễ này thì người Nepal gọi là Tihar (mình chưa tìm ra từ nguyên của từ này). Tên phổ biến hơn là của người India: Diwali (Dipawali) xuất xứ từ : Diya hay Dyos là một cái đèn bằng đất nung kích cỡ bằng cái chung trà thắp sáng bằng dầu bơ (ghee) với tim (bấc) bằng bông se lại. Nghĩa của Dipawali là Lễ Hội Ánh Sáng xuất phát từ hình ảnh đèn được thắp sáng khắp nơi vào đêm lễ bái Nữ thần Thịnh Vượng Lakhsmi.
DIYA-ĐÈN DẦU BƠ-NGUYÊN GỐC CỦA DIWALI

  Ăn Tết Diwali thì phải đến một trong hai nơi là Janakpur của Nepal và Ayodhya của India thì mới là sành điệu.
Janakpur là quê hương của nàng Sita (hóa thân của Nữ thần Lakhsmi) còn Ayodhya là quê của chàng Ram (Rama- hóa thân của Thần Vishnu). Năm ngoái mình đã thực hiện được chuyến đi về Janakpur vào ngay dịp Tihar-Diwali (sẽ có một entry về chuyến đi ấy). Năm nay lên kế hoạch để ăn Tết India-Diwali ở Ayodhya nhưng bị bể ha ha ("thân bất do kỷ" he he… mình còn phải làm việc để kiếm sống và dành dụm cho các chuyến đi, chứ không may mắn đi với cái túi rỗng tới đâu cũng có người giúp, tình cờ đến các địa phương vào những vào dịp lễ hội trong mơ… như em Xách Bao và Chém Gió… ha ha). Về độ quan trọng trong lễ Diwali thì Ayodhya là số một vì đó là quê của Rama và đó cũng là nơi xuất phát của Lễ hội Ánh Sáng Diwali (truyền thuyết đáng tin cậy nhất trong các truyền thuyết về xuất xứ của Diwali).
  Số là theo truyền thuyết, trong khi hai vợ chồng đang đi lưu đày ở nơi rừng rú, nàng Sita bị Quỷ vương  Ravana bắt cóc về tận Lanka (Sri Lanka ngày nay). Ram dẫn đại đội hùng binh vượt biển giết được Ravana và cứu Sita. Sau đó họ ca khúc khải hoàn và trở về kinh đô Ayodhya để Ram tiếp nhận cương vị Quốc vương sau khi thời hạn lưu đày kết thúc (các bạn xem lại Sử thi Ramayana nha). Cái đêm Ramvà Sita đi vào kinh thành Ayodhya chính là đêm Lakhsmi Puja. Dân chúng thắp đèn kết hoa khắp mọi nơi  để đón mừng Ram và Sita hai nhân vật yêu quý của họ, cũng là đón mừng hóa thân của Vishnu và Lakhsmi đến ban phước lành cho họ. Trùng hợp? Không ai có thể giải thích, nhưng kể từ ấy, đêm Lakhsmi Puja được dân chúng Ayodhya hân hoan lặp lại mỗi năm và gọi là Lễ hội ánh sáng Diwali. Vào thời ấy, Ayodhya là vương quốc lớn nhất và hùng mạnh nhất trên khắp India, cho nên phong tục này lan truyền khắp thế giới Hindu và truyền cho đến ngày nay.
Ram và Sita trở về kinh thành Ayodhya vào hoàng hôn ngày Lakhsmi Puja

   Không ăn Tết Diwali năm nay ở Ayodhya thật là tiếc. Nhưng nếu đi thì sẽ không có các bài viết về Tết India-Diwali. He he… Thôi hẹn năm sau nữa vậy (mình đã hẹn lần hẹn lữa vụ này 5-6 năm nay rồi, năm thì hoãn vì Hindu và Hồi giáo tranh giành ngôi đền Ram ở Ayodhya oánh nhau, bắn nhau, nổ bom chết hàng trăm mạng, năm thì hổng có… tiền và có khi thì vì công việc làm ăn bận rộn không đi được… Thôi thì mọi sự tùy duyên!)       

   Mình được biết đến Tết India-Diwali lần đầu vào năm 2005, lúc mới chân ướt chân ráo tới Lumbini-Nepal. Đêm Lakhsmi Puja ấy một anh chàng người địa phương dắt mình đi xe bus ngược từ Lumbini đi về phía Bhairahawa để xem lễ đèn. Ngày đó con đường về Lumbini tệ kinh khủng, toàn ổ voi. Đã vậy lại còn các Check-point khắp các giao lộ (Lumbini Zone là vùng du kích của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Maoist-Nepal hoạt động vô cùng mạnh mẽ, đêm nào cũng nghe thấy tiếng mìn nổ ì ầm vọng về). Cuối cùng, chỉ đi được có 15km đành phải quay lại trên chuyến xe bus cuối cùng chật như nêm (khi trời tối khoảng 6 giờ hơn thì không có chiếc xe nào dám chạy vì sợ du kích Maoist tấn công). Quẩn quanh ở cổng chào Lumbini mình được xem nghi thức đón tiếp Nữ thần Lakhsmi của dân làng Buddha Nagar (làng Đức Phật) lần đầu tiên (lúc đó mình chưa biết gì về Hindu cả he he…) xem các phụ nữ vẽ Rangoli , thắp đèn, cúng… rồi gặp những nhóm trẻ em đi từng nhà hát hò nhảy múa để… xin lì xì…  Ấn tượng về đêm Diwali ấy dù đơn sơ nhưng đã khắc sâu vào tâm trí mình những ấn tượng sâu sắc về một nền văn hóa thâm hậu. Đến ngày lễ Bhai-Tika mình lại được một anh chàng địa phương khác đưa về nhà xem lễ ban phúc Tika và cũng được nhận Tika lần đầu tiên.
Pháo India các loại... Wow...
India cho bán pháo tự do vào dịp Diwali


Pháo bông và rocket thì mình đốt dịp Diwali còn pháo tiểu và pháo chuột thì để dành cho Tết Nguyên đán He he
  Trò vui nhất của Diwali hàng năm là PHÁO. Lúc mình đến Nepal thì cuộc nội chiến đã kéo dài 7-8 năm, vì thế việc đốt pháo bị nghiêm cấm triệt để. Tuy thế, cái đêm Diwali ở Lumbini mình lại được xem pháo và được tặng mấy viên pháo tiểu để đốt. Ôi, cũng lâu lắm rồi hình như  hơn chục năm kể từ khi Thủ tướng Kiệt nhà mình cấm đốt pháo, mình mới lại được ngửi thấy mùi thuốc pháo nồng nàn, tiếng lốp bốp vui tai của pháo trong cái ngày Tết-Ngoại-Quốc ở nơi xứ lạ quê người. Nhớ nhà đến cồn cào gan ruột… Sau này, định cư ở Kathmandu, cứ vào dịp Diwali là mình lại mua vài phong pháo … để dành hi hi… chờ đến đêm Giao thừa Tết Nguyên đán lại mang ra đốt … lén bên ngoài hàng rào nhà mình … Bao giờ mới lại có một cái Tết đúng nghĩa ở quê nhà?   
  Kathmandu, mùa Tihar Dewali 2013

  Phú Nepal

Xin mời đón xem bài về Janakpur-Quê hương của nàng Sita và các bài về Diwali còn ém lại để câu khách...  hi hi trong những ngày tới....

26 tháng 10, 2013

NEPAL STYLE

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN:
Mấy tuần rồi lu xu bu hết Tết Nepal đến Cheap Hôi. Week-end này quyết định thư giãn 100%.
Làm biếng viết bài mới, mời pà con xem lại entries cũ: Nepal Style và Hàng Độc  hi hi... Trà nguội hâm lại... Cũng để giới thiệu với các bạn Nepal là như thế này chứ không phải chỉ có đường xá bụi bặm và Thamel là cái túi chứa các dân bựa như Asher, Huyền Cheap... Để có thời gian rãnh mình sẽ giới thiệu thêm những vẻ đẹp khác của Nepal và văn hóa của Thung Lũng Kathmandu. Chúc các bạn một week-end vui vẻ! NP

******************

NEPAL STYLE

Giàu có và sử dụng tài sản của mình như thế này mới xứng đáng là Đại Gia, mới đáng kính phục. Kaiser SJB Rana, theo mình là nhân vật vĩ đại nhất của tộc họ Rana Nepal và là “Player” đáng ngưỡng mộ nhất của Nepal.

   Mình nghĩ mãi không ra cái tựa đề cho bài này. Chủ đề là kể về phong cách “chơi” (tiêu xài-spend, sưu tập-collect, lối sống- style…) của những nhân vật nổi tiếng người Nepal, nổi tiếng ở đẳng cấp thế giới. Mới đầu định lấy tựa “Dân chơi Nepal”, nhưng thấy phàm phu, có mùi giang hồ, và “hôi sữa” của mấy nhóc thiếu gia ngày nay; vì các nhân vật đề cập trong bài này toàn là giới thượng lưu, tinh hoa (elite) của Nepal xưa. “Chơi kiểu Nepal” càng không ổn vì quá thô tục. May, cái video clip làm mưa làm gió khắp thế giới của anh chàng ca sĩ Hàn Quốc Psy đã giúp mình một cái tựa thích hợp “Nepal Style”.
Mẫu Roll Royce Phantome III mà ông Kaiser SJB Rana đưa về Kathmandu Nepal vào thập niên 1930
    Năm 1973, cái xe Mercedes đời mới nhất của ông hoàng Vijay SJB Rana về đến Kathmandu, Nepal. Ngay lập tức nó trở thành “hot girl” được mọi người trầm trồ khen ngợi và thu hút mọi sự chú ý mỗi khi xuất hiện. Cũng thời điểm ấy, một “ông hoàng” xe hơi lặng lẽ rời khỏi Nepal. Ông Vijay luôn tiếc nuối khi kể về sự kiện này. “Nếu biết họ bán nó đi, thì dù có bán cả gia sản ông cũng sẽ làm để giữ nó lại ở Nepal. Chiếc xe ấy là một phần lịch sử của Nepal, một vật chứng và là niềm hãnh diện cho đất nước trên núi này.”
  “Nó” là chiếc Roll Royce Phantom III nổi tiếng.
  Chủ nhân của chiếc Roll Royce ấy là ông Kaiser Shamsher JB Rana, chú của ông hoàng Vijay.
   Wikipedia chỉ ghi chú mấy dòng ngắn ngủi như thế này về ông Kaiser SJB Rana: Field Marshal H.H Sir Kaiser Shamsher Jang Bahadur Rana, sinh ngày 08/01/1892 mất ngày 07/06/1964. Ông là con thứ ba của His Highness Maharaja Sir Chandra SJB Rana – Thủ tướng thứ năm triều đại Rana. Kaiser đã từng làm đại sứ Nepal ở  triều đình Anh Quốc (1947–1948), Bộ trưởng Quốc phòng của Nepal (1951–1955) và Bộ trưởng Tài chính Nepal (1952–1953).
Kaiser SJB Rana
   
  Ông Vijay kể cho tôi nghe với giọng ngưỡng mộ về người chú đậm đặc chất quý tộc này. Từ nhỏ, Kaiser đã là một cậu bé thông minh, ham học hỏi, được cha là Thủ tướng Chandra cưng nhất trong số các con trai và thường dẫn theo trong các chuyến đi nước ngoài. Sống trong môi trường sùng bái người Anh của tộc họ Rana, lại sớm tiếp xúc với văn hóa Anh quốc nên tự nhiên Kaiser cũng sùng bái văn hóa Anh. Năm Kaiser 16 tuổi, ông được gửi sang học ở Anh. Thú đam mê suốt những năm tuổi trẻ sống ở Anh và Cựu lục địa của chàng trai Kaiser là :Sách và Xe hơi. Ngay lần đầu trông thấy một trong những chiếc Roll Royce đầu tiên lăn bánh trên đường phố London, Kaiser đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Dùng qua hầu hết các hiệu xe trong thời trai trẻ ở châu Âu, cuối cùng Kaiser nhận ra rằng, mối tình đầu chính là mối tình vĩ đại nhất của mình. ROLL ROYCE!

  Trở về Nepal lúc 22 tuổi, hành trang của Kaiser là hơn 5,000 quyển sách đủ các thể loại, chủ đề mà anh sưu tập suốt mấy năm qua. Chiếc Roll Royce anh dùng ở London đành phải để lại bên đó không thể mang về Nepal vì … không có đường.
   Từ đồng bằng phía Bắc Ấn Độ, cho đến cuối thập kỷ 1930 muốn lên đến Kathmandu phải vượt qua dãi Terai cao hơn 3000m bằng đường mòn. Đấy là một lợi thế để Nepal thoát khỏi cuộc chinh phục của thực dân Anh vào giữa thế kỷ 19, nhưng cũng là rào cản cho việc phát triển của Kathmandu.      
  Tộc họ Rana Nepal không thiếu tiền, quá dư dả là khác vì là một tộc họ lấn át cả nhà vua họ Shah để độc quyền cai trị với danh nghĩa Thủ tướng truyền đời. Cha của Kaiser vào năm 1903 đã cho xây dựng Singha Durbar (Cung điện Sư tử) trải rộng trên diện tích 50ha. Cung điện này được ghi nhận là Cung-điện-rộng-lớn-nhất-và-xa-hoa-nhất châu Á, sau này vào thập niên 1970 lại trở thành Tòa nhà chính phủ rộng lớn nhất châu Á.
SINGHA DURBAR

Bên trong Singha Durbar


   Khi Kaiser trở về sau nhiều năm học tập ở Anh, ông Chandra đã cho xây dựng một cung điện hoành tráng cho đứa con trai yêu ở vị trí gần như đối diện với Cung điện Sư tử, ngay bên cạnh hoàng cung của vua Shah.
Phương tiện giao thông cho đến cuối những năm 1930 ở Kathmandu: voi và ngựa
  Cho đến khi đó, thủ đô Kathmandu của Nepal vẫn chưa có chiếc xe hơi nào. Quý tộc Nepal đi lại chủ yếu dùng ngựa hoặc xe ngựa, khi lễ lạt thì dùng voi. Đam mê xe hơi là một “Thú đau thương” (tựa một lời dịch soundtrack của bộ phim Godfather trước đây ở Saigon). Cái thú ấy khiến quý tộc Nepal (không chỉ một mình Kaiser) quyết tâm san bằng mọi chướng ngại. Đầu tiên là mở rộng các đường mòn vượt qua rặng Terai. Sau đó xe được nhập từ châu Âu về India rồi tập kết ở biên giới Nepal-India. Tại đây, các xe hơi được tháo bánh xe ra, ràng cột cẩn thận trên một hệ thống đòn khiêng bằng gỗ. Thế là lên đường vượt núi trên vai của phu khiêng kiệu hay lính.


  Chiếc xe đầu tiên lên đến Kathmandu vào cuối thập niên 1930 là chiếc Roll Royce của Thủ tướng Chandra. Vốn là chiếc xe mà Kaiser sử dụng ở London trước đây. “Tay chơi” Kaiser thì đã đặt hàng tại hãng Roll Royce một chiếc xe mới. Chính là chiếc Phantome III.
  Xe này nặng đến 3,5 tấn, phải dùng đến hơn 600 người thay phiên nhau khiêng suốt 1 tháng trời mới lên đến Kathmandu từ biên giới India.
  Có xe rồi, thế là Kaiser liền cho làm một con đường nhựa (con đường nhựa đầu tiên ở Nepal) dài khoảng 1,5km nối từ Cung điện Sư tử đến Cung điện Kaiser của mình. Cứ mỗi sáng, Kaiser cho tài xế lái chiếc Phantome chở mình vượt 1,5km đến Cung điện Sư tử để… uống café với ông Chandra; rồi lại lái về tư dinh. Mỗi khi có lễ lạt hoàng gia, Kaiser lại cho mượn chiếc Phantome làm phương tiện. 
Con đường nhựa đầu tiên ở Nepal nối liền hai Palace
  Sau cha con Kaiser, các hoàng thân khác cũng lục tục bắt chước cho …. khiêng xe lên Kathmandu. Rồi đến các đại sứ quán. Việc khiêng xe này kéo dài mãi cho đến thập niên 1950, khi Nepal hoàn thành việc xây dựng các con đường quốc lộ nối Kathmandu với biên giới với India mới chấm dứt.
   Khiêng xe lên núi chạy. Đúng là “Chơi xe kiểu Nepal”, không nơi nào có được.
  
   Kaiser SJB Rana mất năm 1964. Ông lập di chúc để lại Cung điện Kaiser của mình làm trụ sở Bộ Giáo Dục, đồng thời hiến tặng toàn bộ thư viện mà ông đã sưu tập suốt 60 năm làm thư viện công cộng. Thư viện có đến 50.000 cuốn sách, trong đó có những bản thảo viết tay cổ nhất và duy nhất của Nepal, những cuốn sách độc bản trên thế giới, những sách quý 300 năm Kaiser sưu tập từ châu Âu và sách đặt hàng từ các nhà xuất bản lớn, nổi tiếng. Tất cả đều được bọc bìa da, đặt trong những tủ sách cao tận trần nhà, người đọc được tự do lựa và lấy sách từ các kệ, tủ sách không cần qua thủ thư rồi ngồi đọc ở bất cứ nơi đâu mình thích (trong những căn phòng xa hoa, bên cạnh cửa sổ nhìn xuống khu vườn đẹp nhất Nepal có tên là Dream Garden do chính Kaiser thiết kế…). Hơi lạc đề một chút: chính thư viện Kaiser này đã níu chân mình ở lại Nepal, và suốt 2 năm đầu tiên mình đã làm con mọt sách bám trụ hàng ngày ở đây để lấp những lỗ hổng kiến thức bằng nguồn tư liệu Anh ngữ có thể nói là số một châu Á.
Dinh Kaiser, nay là trụ sở Bộ Giáo Dục Nepal
Bên trong Dinh Kaiser


Thư viện
 

Nơi uống trà, cafe và trò chuyện sau khi ăn tối

Dream Garden
   Chiếc Roll Royce Phantome III của Kaiser mà ông Vijay nhắc tới bị bỏ nằm phủ bụi suốt nhiều năm sau khi chủ nhân của nó qua đời. Năm 1972, một nhà sưu tập Mỹ tìm gặp con trai của Kaiser sống ở India và mua được nó với cái giá … sắt vụn: 10,000USD. Đến khi ông này lên đến Kathmandu cho đóng thùng và vận chuyển chiếc Phantome vào năm 1973 thì ông Vijay mới hay. Quá muộn. Chiếc Phantome sau đó được chở đến cảng Kolkata để vận chuyển bằng đường biển về Mỹ. Khi cẩu nó lên tàu thì đột nhiên cáp bị đứt. Roll Royce Phantome III rơi xuống biển. Chiếc xe vô giá vĩnh viễn ngủ yên dưới lòng vịnh Bengal, chừng như nó không muốn rời xa lục địa Ấn Độ của chủ nhân nó, người vì lòng đam mê đã san bằng mọi thứ để đưa “tình yêu” của mình về nhà.
Kaiser không chỉ là một “tay chơi” (player), một nhà sưu tập (collector) mà còn là một nhà bác học của Nepal, một người “dân túy” bạn thân của Thủ tướng India Neru. Ông chơi để học và học để chơi tới đẳng cấp cao nhất. Kiến thức của Kaiser trải rộng tới tất cả mọi lĩnh vực và ở tầm mức chuyên gia. Thập niên 1940, ông là người chỉ huy cuộc khảo cổ ở Lumbini. Cái hồ nơi Hoàng hậu Maya tắm trước khi sinh hạ Siddhartha đã được Kaiser cho nạo vét và cẩn gạch như ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà ông từng nắm giữ chức bộ trưởng quốc phòng và tài chính, cũng như làm đại sứ tại Anh. Thật ra niềm đam mê sách vở của Kaiser còn lấn át hơn cả đam mê xe hơi. Cũng như ông quý sách vở, kiến thức hơn là những tài sản khác. Bằng chứng là ông đã tặng cho nhân dân Nepal thư viện và cho ngành giáo dục  tư dinh của mình (dinh thự vào loại lớn và đẹp nhất nhì Nepal chỉ sau có Cung điện Sư tử) chứ không trao cho con cháu, để như ông nói: tài sản quý giá nhất của tôi là thư viện và tôi mong muốn nó được trao truyền cho các thế hệ trẻ của Nepal để làm giàu thêm cho mọi người. Nhân dân Nepal mãi nhớ đến ông vì những nghĩa cử đẹp này chứ không phải lối sống xa hoa, tài sản khổng lồ mà ông có. 
Góc tưởng niệm Kaiser thật đơn sơ ở thư viện của ông
Thư viện Kaiser đã được in lên tem của Nepal
  Giàu có và sử dụng tài sản của mình như thế mới xứng đáng là Đại Gia, mới đáng kính phục. Kaiser SJB Rana, theo mình là nhân vật vĩ đại nhất của tộc họ Rana Nepal và là “Player” đáng ngưỡng mộ nhất của Nepal.
***********************

Thứ năm, ngày 28 tháng hai năm 2013


HÀNG ĐỘC!

Xem thêm:   NEPAL STYLE

     Bữa nay mình sướng quá trời, rước được vợ hai về nhà... hi hi
  Nàng có tuổi rùi... đến 40 cái xuân xanh....
  Mình biết nàng khi đi tìm tư liệu lịch sử ở Kathmandu. 
  Theo nàng mất 5 năm, đến nay mới mang về nhà được.
CLASSIC IS CLASSIC
    
    Nàng có tên là /8 (SLASH EIGHT) họ Mercedes hi hi
   Hãng xe Mercedes Benz đặt tên như vậy trong "ID plate" của xe vì đây là loạt xe tung ra thị trường năm 1968, là một mẫu xe hoàn toàn mới của hãng xe danh tiếng này vào thời điểm đó.

   Chủ nhân duy nhất cho đến nay của chiếc xế cổ Mercedes Benz 200D đời 1973 mã W115 này là ông Vijay JBS Rana, một hoàng thân Nepal (SJB: viết tắt của tộc họ Shamser Jung Bahadur - tộc họ danh giá nhất Nepal khoảng 150 năm trở lại đây). Ông Vijay là ông nội của một người bạn của mình. Khi mình đến gặp ông lần đầu vào năm 2008 để sưu tầm tư liệu về lịch sử Nepal cận đại thì phát hiện ra chiếc Mercedes này trùm mền trong garare. Ông Vijay đặt hàng em này chính hãng ở Đức và đưa về Nepal cuối năm 1973, với cái giá ngày nay tương đương với 400.000USD. Hồi ấy, ông chỉ dùng cái xe này để đến hoàng cung Nepal gặp vua hay dự tiệc, hoặc lái vòng vòng mấy con đường ở trung tâm thủ đô để ... khoe xe mà thôi. Ông cưng nó lắm, giữ cẩn thận cho đến từng tấm plastic lót bậc lên xuống, từng con ốc, cái kèn. Có thể nói em này origin đến 95%. 40 chục năm qua, em chỉ chạy có 30.000km thôi.
   Mỗi lần mình đến thăm ông Vijay, ông lại lấy chiếc xe ra chở mình đi chơi một vòng ngoại ô rồi ngừng ở một resort ven đường nào đó, hai ông cháu trò chuyện. Chủ yếu là ông kể cho mình nghe về lịch sử cận đại của Nepal, lịch sử mà có thể nói là chỉ do dòng họ Rana của ông viết nên suốt 100 năm, cho đến năm 1950.

   Thấy mình mê cái xe này, có lần ông Vijay buột miệng "Phải chi cháu ông (bạn mình) nó cũng mê xe cổ như cháu thì ông vui biết mấy."

  Năm rồi, ông Vijay chuyển qua sống bên India. Thằng bạn mình là người thừa kế duy nhất tất cả mọi tài sản của ông ở Nepal. Mấy ngày trước, nó gọi mình lại nhà. Nó bảo ông nội Vijay vừa điện về bảo nó nếu không dùng cái Mercedes này thì chỉ được phép bán cho mình thôi. Ôi, mình muốn đứng tim luôn. Hỏi nó bao nhiêu thì nó cười nói tao đâu có thiếu tiền, nhưng mà hổng lẽ cho không? Biết tính nó mê xe moto nên  mình rụt rè đề nghị : Hay là tao đổi cho mày cái moto Royal Enfield Classic nha? Nó đồng ý cái rụp. Thế là mình mua gấp cái xe Royal Enfield mới tinh giao cho nó rồi vội vàng đưa nàng Mercedes của mình về dinh, sợ nó đổi ý.... hi hi.
Cái moto Royal Enfield Classic 500cc mà mình đổi ngang cho bạn mình để rước nàng Mercedes về dinh
 
  Sau đây là một ít thông tin về mẫu xe này mà mình tìm được trên Internet:

  Vào năm 1968, hãng Mercedes tung ra thị trường mẫu xe mới của họ gọi là "New Generation Models" với ID plates có ký hiệu /8 (đánh dấu năm bắt đầu tung ra thị trường :1968). Vì đây là mẫu xe hoàn toàn mới mệnh danh là "Thế hệ mới" và bởi vì ký hiệu /8 nên mẫu W115 này được người Đức đặt cho nickname là Strich Acht  , còn tiếng Anh gọi nó là
Stroke Eight.
ID plate với ký hiệu /8 của nàng Mercedes của mình


  Mẫu W114/W115 là những mẫu xe đầu tiên thời kỳ sau chiến tranh của hãng Mercedes Benz sử dụng chassi hoàn toàn mới mà sẽ được hãng này dùng cho đến tận thập niên 1980. Mẫu xe này được thiết kế bởi Nhà thiết kế xe hơi nổi tiếng người Pháp tên là Paul Bracq. Ông này là Trưởng thiết kế của Mercedes Benz từ 1957 đến 1967, sau đó là Trưởng thiết kế cho BMW 1970-1974, cuối cùng là Thiết kế trưởng cho Peugeot từ 1974 đến 1996.

   Sướng âm ỉ mấy ngày nay, cứ đi ra đi vào ngắm nàng như ngắm người yêu.... hi hi...
   Cũng là một cái Duyên.
   Có một điều thú vị là khi dòng xe này ra đời, ông Vijay đặt hàng vào năm 1968, mãi đến 1973 mới nhận được hàng; mất đúng 5 năm. 40 năm sau lịch sử lặp lại, mình mê nàng Mercedes này năm 2008, sau đúng 5 năm (2013) mới rước được nàng về dinh... hi hi...
   Cám ơn ông Vijay SJB Rana đã tặng cho mình món quà quý giá. Cầu chúc ông luôn được an lạc!

      Ngày cuối cùng tháng 02 năm 2013
        Kỷ niệm 40 năm nàng Mercedes của mình xuất xưởng và về Nepal

       Nguyễn Phú