-->
ĂN TẾT Ở NEPAL
Vậy là mình đã đón cái Tết Nguyên Đán thứ bảy ở
Nepal rồi.
Mùa này Kathmandu lạnh giá - 1,7 độ C ban đêm - không có được cái không khí mát mẻ dễ chịu của những ngày Tết ở quê mình. Chợt nhớ một buổi sáng tháng Giêng năm 2001, nằm đong đưa võng bên trong một căn chòi lá tơi tả ở vùng quê nơi sông Mekong ra tới biển.
Bâng quơ nhìn qua những lỗ thủng trên mái lá mình thả hồn ngao du trong màu xanh vô tận của trời cao. Bất chợt một làn hơi lạnh ngát phả vào mặt mình. Mình cảm giác đó là hơi thở của những ngọn núi tuyết vĩnh cửu Himalaya băng qua bao dặm đường, theo dòng sông Mekong-Cửu Long về đây đánh thức một giấc mơ ngủ quên đâu đó trong vô thức của mình. Mình bềnh bồng trên võng suốt cả buổi sáng đó mơ về những ngọn núi tuyết huyền bí, mơ về những hành giả thiền tọa trong những hang động hoang vắng, mơ về một chú ngựa bạch sãi vó trên cao nguyên xanh ngát với một cánh chim lượn bay trên đầu trong bầu trời xanh thẳm không một bóng mây. Hơi thở lạnh giá từ núi tuyết trong một ngày xuân ở xứ sở nhiệt đới ám ảnh mình khôn nguôi, thúc giục mình phải “lên đường”. Bốn năm sau, mình đã chạm đến giấc mơ ấy.
Có lẽ xứ Nepal này là nơi đón nhiều “Tết” nhất trên thế giới. Khởi đầu là “Tết Tây” năm mới dương lịch, không chỉ cộng đồng người nước ngoài và thiểu số theo đạo Thiên Chúa và Tin lành ăn “Tết” Tây này mà các gia đình trung lưu Nepal cũng ăn theo. Hai tuần sau đó là Maghi Sankranti, “Tết” của người Tharu – hậu duệ của những cư dân vương quốc Sakya (Thích-Ca). 15, 20 ngày sau đó là Tết Âm lịch của các nước Đông Á, rồi Tết Lhosar của người Tây Tạng. Khoảng tháng ba có Holi – “Tết” tạt nước và bột màu của Ấn Độ, Nepal và các nước chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Cuối tháng 4 đầu tháng 5 là lễ hội Machhindranath Rato (một hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát), rồi đến Phật Đản. Tháng 5, mùa hoa Jacaranda tím ngát cả thủ đô còn chứng kiến lễ hội năm mới của dân tộc Rai-Kirat chủ nhân đầu tiên của thung lũng Kathmandu. Tháng 6 mưa xuống có lễ hội cấy lúa cổ truyền ở Bhaktapur. Cuối tháng Bảy là tháng Gunla (Đại lễ Vu-Lan) của người Newar. Tháng 8 có lễ hội Teej, ngày hội dành riêng cho phụ nữ, trong ngày này phụ nữ già trẻ ăn mặc thật đẹp, đi đến đền chùa cầu nguyện cho chồng hoặc cầu duyên, rồi tụ tập nhảy múa khắp cả các ngả đường, quảng trường, sân đền, nhà từ sáng đến tối mịt. Cũng trong tháng 8 có lễ hội Indra Jatra của người Newar, trong 4 ngày lễ hội này, Nữ Thánh Kumari xuất hiện trước công chúng và ngự trên một cỗ xe để dân chúng kéo chiếc xe ấy vòng quanh thành phố cổ cầu cho đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa cho mùa màng. Trong khoảng tháng 9-10, thời gian thời tiết đẹp nhất trong năm, là lễ hội chính và lớn nhất trong năm của lục địa Ấn Độ Dashain và Tihar, “Tết” thực sự của người theo đạo Hindu. Ở Kathmandu , vào khoảng tháng 10 này còn có “Tết” năm mới của người Newar theo lịch riêng của họ. Dân thủ đô Kathmandu còn ăn mừng Giáng sinh vào dịp cuối năm.
Đấy chỉ là những “Tết” và lễ hội chính. Theo như mình tìm hiểu, dân
Nepal có lễ hội quanh năm, hầu như rải đều mỗi tháng. Còn dân bản địa
Kathmandu thì có Jatra (lễ, hội) lớn nhỏ mỗi tuần.
Mai Nepal
Xứ này không có hoa mai. Nhưng có một loài hoa thật giống hoa mai người ta thường trồng để mọc trên hàng rào như bông giấy, cũng nở vào dịp Tết Nguyên đán, hoa màu vàng từ năm đến mười mấy cánh , nụ hoa rải đều theo các nách lá. Mình gọi là Mai Nepal , và cứ Tết đến là cắm một bình thật to trên bàn thờ để đỡ nhớ quê hương. Hoa đào thì đã nở rộ từ tháng trước, họa hoằn lắm mới tìm được một cây đào “ngủ quên” lác đác vài chùm bông duyên dáng.
Dân Nepal không thích gạo dính, vì thế ở đây không có nếp. Không nếp nên không có xôi, còn cốm dẹp thì làm bằng gạo tẻ gọi là “Chiu-ra” là một thứ cơm ăn liền và bảo quản được lâu, khi ăn chỉ cần thêm cà ri hoặc thức ăn khác là dùng được ngay (người nước ngoài, kể cả mình, rất ngán thứ chiu-ra khô khốc này mặc dù đó là món khoái khẩu của dân Nepal). Món ăn ngày Tết theo người Việt mình thì mình tìm được củ kiệu rồi tự ngâm, mua thịt heo nấu thịt kho tàu với tôm đông lạnh hoặc nấu thịt đông hoặc thấu nước mắm. Cũng tìm được dưa nhưng trái nhỏ vả lại mùa lạnh ăn ê răng không ngon lắm. Các loại mứt thì khỏi mơ tới rồi nói gì đến hạt dưa, bánh tét, bánh chưng!
Mùa này là mùa quýt hồng, đặc sản của vùng núi đồi Gorkha-Manakamana-Mugling. Tuy không được đẹp như quýt hồng Lai Vung –Đồng Tháp, nhưng ngon ngọt không kém và rất rẻ, chỉ tầm 1 USD/kg (khoảng 20.000VNĐ). Có dịp ngang qua Mugling mùa này, bao giờ mình cũng dừng lại mua vài ký, lớp ăn, lớp làm quà cho bạn bè ở
Kathmandu .
Là người Việt duy nhất sống ở đây mình chẳng có ai để ăn Tết cùng, cũng chẳng thích đến tụ tập ở Viện Khổng Tử chơi Tết náo nhiệt cùng người Tần (Chinese). Như thường lệ, ngày giao thừa mình đi cắt một bó Mai Nepal , chưng một mâm ngũ quả, nấu một nồi xôi đậu đỏ (nếp mình tìm mua được ở một siêu thị khu người nước ngoài). Rồi cả ngày nghe nhạc xuân chờ đến giao thừa là thắp hương cúng tổ tiên rồi đốt một phong pháo chuột (pháo này mình mua để dành từ tháng 10 dịp Tihar-Dipawali lễ hội đèn và ánh sáng của người Ấn). Đốt lén rồi quăng ra ngoài hàng rào vì sợ cảnh sát ;-D. Tiếng pháo chuột nổ lẹt đẹt trong đêm vắng, mùi pháo thoang thoảng gợi nhớ những cái Tết ấm áp cùng gia đình hơn hai mươi năm trước ở quê nhà. Những cái Tết thực sự là Tết với mai vàng, pháo đỏ, bao lì xì, múa lân, hội hoa xuân, người thân tụ tập ăn uống, chơi bài, lô-tô, bầu-cua-cá-cọp... Rong ruổi xe đạp cùng bạn bè từ nhà đứa này đến nhà đứa kia trên những con đường đất luồn lách giữa những vườn dừa, vườn cây ăn trái xanh ngắt. Xa xôi quá rồi…
Nhớ quê quá, biết bao giờ mới lại được ăn một cái Tết ở quê nhà…
Giao Thừa Tân Mão – Nhâm Thìn
Nguyễn Phú